Để kiểm soát tình trạng cao huyết áp, chúng ta có thể vừa kết hợp điều trị thuốc, cùng với chế độ dinh dưỡng và lối sống hợp lý. Một số loại thức uống như: cà chua, củ cải, mận, lựu,… sẽ góp phần kiểm soát tình trạng này. Bài viết sau của Thạc sĩ, Bác sĩ Vũ Thành Đô sẽ giúp bạn cung cấp một số thông tin về: Cao huyết áp nên uống gì?
Cao huyết áp là gì?
Cao huyết áp là một bệnh lý có thể gặp ở nhiều người, ở bất kể độ tuổi nào. Huyết áp thấp hơn 120/80 mmHg được coi là bình thường. Cao huyết áp xảy ra khi chỉ số huyết áp tâm thu đo được vượt mức 140 mmHg và/ hoặc chỉ số huyết áp tâm trương vượt mức 90 mmHg. Nếu huyết áp của bạn nằm trên mức bình thường và dưới mức 140/80 mmHg được coi là có nguy cơ cao huyết. Để chẩn đoán bạn có mắc tình trạng cao huyết áp không, bác sĩ sẽ dựa vào: chỉ số của các lần đo, kết hợp cùng việc hỏi tiền sử bệnh, và đánh giá các yếu tố liên quan.
Cao huyết áp có nguy hiểm không?
Cao huyết áp, hay tăng huyết áp, còn được gọi là “kẻ giết người thầm lặng”. Trong một số trường hợp cao huyết áp có thể chưa biểu hiện triệu chứng. Nhưng đây lại là nguy cơ tiềm ẩn chính gây ra các bệnh lý tim mạch và đột quỵ - là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu. Việc thay đổi lối sống và chế độ dinh dưỡng có thể làm giảm đáng kể nguy cơ tăng huyết áp bên cạnh việc điều trị bằng sử dụng thuốc.
Cao huyết áp uống gì để hỗ trợ phòng ngừa bệnh?
Dinh dưỡng là một yếu tố quan trọng góp phần ngăn ngừa bệnh cao huyết áp. Để giải đáp thắc mắc “Cao huyết áp uống gì”, sau đây sẽ giới thiệu đến bạn một số thức uống góp phần hỗ trợ trong điều trị và ngăn ngừa bệnh lý này
-
Nước ép cà chua
Đã có nhiều nghiên cứu trên thế giới cho thấy: Việc uống nước ép cà chua mỗi ngày sẽ giúp tăng cường sức khỏe tim mạch. Sử dụng nước ép cà chua giúp cải thiện các chỉ số huyết áp tâm trương và tâm thu, cũng như chỉ số cholesterol xấu LDL.
Nghiên cứu ở những người tăng huyết áp giai đoạn 1 và phụ nữ có thai tăng huyết áp cho thấy cũng đem lại hiệu quả tương tự. Tuy nhiên cần lưu ý tránh sử dụng các loại cà chua có ướp muối trước. Lượng natri cao có thể gây tác dụng ngược lại.
-
Nước ép củ cải
Củ cải là một loại rau củ chứa ít calo. Tuy nhiên nó lại chứa rất nhiều vitamin, khoáng chất và các hợp chất giúp tăng cường sức khỏe và hạ áp. Điều đặc biệt ở loại củ này đó là rất giàu nitrat. Đó là một hợp chất có tác dụng giảm huyết áp. Các nghiên cứu cũng đưa ra kết quả về tác động lớn đến huyết áp của loại củ này.
-
Nước ép mận
Mận là loại trái cây được biết đến với khả năng giúp giảm nguy cơ táo bón. Bên cạnh đó, một lợi ích khác ít được biết đến của nước ép mận đó là giảm huyết áp. Mận giúp làm giảm huyết áp tâm thu cùng hàm lượng cholesterol LDL. Hãy duy trì thói quen uống nước mận mỗi ngày để ngăn ngừa bệnh tăng huyết áp.
-
Nước ép lựu
Lựu không chỉ giàu chất dinh dưỡng như folate và vitamin C. Bên cạnh đó lựu còn có tác dụng chống viêm mạnh. Do đó, không có gì ngạc nhiên khi nước ép lựu có thể giúp tạo nên chế độ ăn uống tốt cho tim mạch. Các nghiên cứu cho thấy: nước ép lựu không tác dụng lên huyết áp tâm thu mà ảnh hưởng chủ yếu huyết áp tâm trương. Cần một lượng ít nhất 240ml nước ép lựu để làm giảm huyết áp tâm trương.
-
Nước ép các loại quả mọng
Giống như lựu, các loại quả mọng (đặc biệt là quả việt quất) được biết đến với đặc tính chống oxy hóa. Tuy nhiên, ít người biết về những lợi ích của chúng đối với sức khỏe tim mạch.
Một đánh giá năm 2020 đã báo cáo rằng: uống nước ép việt quất hoặc anh đào có thể cải thiện huyết áp. Sử dụng các loại quả mọng không chỉ làm giảm huyết áp tâm thu còn giúp giảm cholesterol LDL.
-
Sữa tách béo
Các sản phẩm từ sữa ít béo như: sữa tách béo, sữa chua… là thành phần chính của chế độ ăn uống giúp ngăn ngừa cao huyết áp.
Theo một tài liệu năm 2011, các nhà nghiên cứu đánh giá việc tiêu thụ sản phẩm sữa giàu chất béo và ít chất béo đến huyết áp đã đưa ra kết luận rằng: Việc tiêu thụ sữa ít chất béo giúp giảm nguy cơ huyết áp cao. Bạn có thể kết hợp các sản phẩm sữa tách béo với nhiều thực phẩm khác như ngũ cốc, trái cây…
-
Trà
Không phải tất cả các loại trà đều có ảnh hưởng như nhau đến tình trạng huyết áp như nhau. Một nghiên cứu năm 2014 đã cho thấy: Việc sử dụng các loại trà xanh và trà đen về lâu dài đều có thể làm giảm cả huyết áp tâm thu và tâm trương đối với người cao huyết áp. Tuy nhiên, có đánh giá lại cho rằng việc sử dụng trà xanh đem lại hiệu quả hơn. Hiện các kết luận về ảnh hưởng của trà cần được đánh giá thêm.
-
Nước dừa
Việc bổ sung đầy đủ nước hằng ngày là tiêu chuẩn vàng giúp bạn có sức khỏe tốt. Một số nghiên cứu cho thấy rằng nước dừa có chứa nhiều kali, giúp giảm huyết áp tâm thu. Đây là một ảnh hưởng tích cực đối với sức khỏe của người cao huyết áp.
Cách hỗ trợ điều trị hạ áp
Bên cạnh việc lựa chọn chế độ ăn uống, bạn cũng có thể thử các cách thay đổi lối sống để giúp điều trị cao huyết áp.
-
Tăng cường vận động
Việc kết hợp vận động vào các thói quen hằng ngày sẽ giúp bạn giảm huyết áp huyết quả. Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ khuyến cáo: Nên vận động vừa phải 150 phút mỗi tuần; hoặc hoạt động mạnh 75 phút mỗi tuần để tốt cho sức khỏe.
-
Giảm cân
Cân nặng cũng đóng một phần quan trọng đối với tình trạng huyết áp. Khi bạn thừa cân, béo phì, tim cũng phải hoạt động mạnh hơn để bơm máu đi nuôi cơ thể. Tuy nhiên, nếu chúng ta chỉ cần giảm một vài cân cũng có thể góp phần làm giảm huyết áp.
-
Bỏ hút thuốc lá
Mỗi điếu thuốc bạn hút sẽ làm tăng huyết áp trong thời gian ngắn. Về lâu dài, việc sử dụng thuốc lá có thể làm xơ cứng các động mạch. Do đó, có thể dẫn đến các bệnh lý về tim mạch, trong đó có huyết áp cao.
-
Hạn chế căng thẳng
Căng thẳng kéo dài có thể góp phần làm tăng huyết áp. Tránh các tác nhân gây căng thẳng và cố gắng tìm những cách lành mạnh để kiểm soát căng thẳng của bạn. Mặc dù không phải tất cả các nguồn gây căng thẳng đều có thể được loại bỏ. Nhưng hãy dành thời gian để thư giãn có thể giúp trấn an tinh thần và giảm huyết áp.
Chế độ ăn uống là một yếu tố quan trọng đối với điều trị cao huyết áp. Bên cạnh đó, việc phối hợp tập luyện, duy trì sức khỏe tinh thần tốt là chìa khóa để có cuộc sống khỏe mạnh. Chúng ta cần tuân thủ theo hướng dẫn điều trị của bác sĩ để có thể cải thiện tình trạng tăng huyết áp. Tăng huyết áp sẽ không còn là nỗi lo ám ảnh của mọi người.