Chúng ta đã biết cảm ứng ở thực vật giúp thực vật thích nghi tốt hơn với môi trường sống. Để thức nghi với điều kiện môi trường sống đa dạng hơn và mức độ tổ chức cơ thể phức tạp hơn thì cảm ứng ở động vật có đặc điểm như thế nào?
I. Lý thuyết: Nội dung 1. Tìm hiểu “ khái niệm cảm ứng ở động vật”
Cảm ứng ở động vật là khả năng cơ thể động vật phản ứng lại các kích thích của môi trường (bên trong và bên ngoài cơ thể) để tồn tại và phát triển.
Có 2 hình thức cảm ứng chủ yếu là: hướng động (ở động vật chưa có tổ chức thần kinh) và phản xạ (ở động vật đa bào có tổ chức thần kinh).
Đặc điểm cảm ứng ở động vật: phản ứng nhanh, phản ứng dễ nhận thấy, hình thức phản ứng đa dạng.
Ví dụ: Cảm ứng ở động vật
Hình 1: Do tác nhân kích thích từ môi trường bên ngoài (nhiệt độ thấp) cơ thể mèo phản ứng lại với kích thích của môi trường bằng cách xù lông hoặc tìm ánh sáng để sưởi ấm, ổn định thân nhiệt.
Hình 2: Do tác nhân kích thích từ môi trường bên ngoài (nhiệt độ cao) cơ thể chó phản ứng lại với kích thích của môi trường bằng cách thè lưỡi ra để giải phóng nhiệt, giúp ổn định nhiệt độ của cơ thể.
Hình 3: Do tác nhân kích thích từ môi trường bên ngoài là con mồi, động vật săn mồi đã phản ứng lại bằng cách rượt đuổi và vồ lấy con mồi.
Động vật có tổ chức cơ thể từ đơn bào → đa bào bậc thấp → đa bào bậc cao, phân bố khắp mọi nơi trên trái đất, khu vực sống phong phú đa dạng, nên tổ chức hệ thần kinh cũng sẽ khác nhau. Bây giờ chúng ta cùng tìm hiểu mức độ tiến hóa của hệ thần kinh ở động vật.
II. Bài tập luyện tập cảm ứng ở động vật của hệ thống trường NK - LTT
Phần 1: Câu hỏi tự luận
Câu 1: Phân biệt tính cảm ứng ở động vật và tính cảm ứng ở thực vật?
Hướng dẫn giải
Cảm ứng ở thực vật
Cảm ứng ở động vật
Đặc điểm
Phản ứng chậm, phản ứng khó nhận thấy, hình thức phản ứng kém đa dạng.
Phản ứng nhanh, phản ứng dễ nhận thấy, hình thức phản ứng đa dạng.
Các hình thức
Hướng động, ứng động.
Hướng động, phản xạ.
Cơ chế
Thay đổi tốc độ sinh trưởng của các cơ quan, thay đổi sức trương nước, điện thế lan truyền.
Chuyển động cơ thể hoặc co rút chất nguyên sinh, bằng các phản xạ (do lan truyền dòng điện sinh học).
Điều hòa
Mức độ điều hòa chậm bằng cơ chế thể dịch.
Điều hòa hiệu quả hơn bằng cơ chế thần kinh, thể dịch.
Câu 2: Tại sao nói “ sự tiến hóa của tổ chức thần kinh ở động vật là theo hướng tập trung hóa và đầu hóa”?
Hướng dẫn giải
Vì:
Sự tập trung hóa thể hiện ở chỗ: các tế bào thần kinh phân tán thành thần kinh dạng lưới ở ruột khoang tập trung thành chuỗi hạch thần kinh bậc thang ở giun dẹp, tới chuỗi hạch ở giun đốt, sau đó tập trung thành ba khối hạch thần kinh là hạch não, hạch ngực và hạch bụng.
Hiện tượng đầu hóa thể hiện ở: sự tập trung các tế bào thần kinh thành não ở động vật có đối xứng 2 bên, cơ thể phân hóa thành đầu - đuôi, di chuyển có định hướng rõ ràng, các giác quan và cơ quan miệng được hình thành và phát triển. Não phát triển qua các ngành động vật từ thấp lên cao, từ giun dẹp, giun tròn tới giun đốt, thân mềm và chân khớp, ở động vật có xương sống với sự xuất hiện của hệ thần kinh dạng ống, sự tập trung hóa và hiện tượng đầu hóa tăng rõ rệt từ cá tới chim và thú.
Phần 2: Câu hỏi trắc nghiệm
Câu 1: Đặc điểm của các hình thức cảm ứng ở động vật là
- diễn ra nhanh, dễ nhận thấy.
- hình thức phản ứng đa dạng.
- dễ nhận thấy, diễn ra mãnh liệt.
- mức độ chính xác cao, dễ nhận thấy.
Câu 2: Những động vật nào sau đây có hệ thần kinh dạng lưới?
- Trùng roi, trùng amip.
- Giun đất, bọ ngựa, cánh cam.
- Cá, ếch, thằn lằn.
- Sứa, san hô, thủy tức.
Câu 3: Trong 1 cung phản xạ, bộ phận phân tích, tổng hợp thông tin và ra quyết định về hình thức và mức độ phản ứng là
- các thụ thể hoặc cơ quan cảm giác.
- trung ương thần kinh.
- bộ phận thực hiện cảm ứng.
- đường dẫn truyền li tâm và hướng tâm.
Câu 4: Trật tự tiến hóa của hệ thần kinh ở động vật là
- hệ thần kinh dạng chuỗi hạch → hệ thần kinh dạng lưới → hệ thần kinh dạng ống.
- hệ thần kinh dạng ống → hệ thần kinh dạng lưới → hệ thần kinh dạng chuỗi hạch.
- hệ thần kinh dạng chuỗi hạch → hệ thần kinh dạng ống → hệ thần kinh dạng lưới.
- hệ thần kinh dạng lưới → hệ thần kinh dạng chuỗi hạch → hệ thần kinh dạng ống.
Câu 5: Ưu điểm của động vật có hệ thần kinh dạng ống so với hệ thần kinh dạng chuỗi hạch là
- tiêu tốn nhiều năng lượng hơn.
- kích thước lớn hơn.
- số lượng nơron lớn, phân hoá cao.
- số lượng phản xạ ít hơn.
Câu 1:
Đáp án A.
Hướng dẫn giải:
Hình thức cảm ứng ở động vật diễn ra nhanh, dễ nhận thấy.
Câu 2:
Đáp án D.
Hướng dẫn giải:
Hệ thần kinh dạng lưới có đại diện là ngành ruột khoang gồm: sứa, san hô, thủy tức.
Câu 3:
Đáp án B.
Hướng dẫn giải:
Bộ phận phân tích, tổng hợp thông tin và ra quyết đinh về hình thức và mức độ phản ứng là trung ương thần kinh.
Câu 4:
Đáp án D.
Hướng dẫn giải
Trật tự tiến hóa của hệ thần kinh ở động vật: hệ thần kinh dạng lưới → hệ thần kinh dạng chuỗi hạch → hệ thần kinh dạng ống.
Câu 5:
Đáp án C.
Hướng dẫn giải:
Ưu điểm của hệ thần kinh dạng ống là số lượng nơron lớn, phân hóa cao.
Giáo viên biên soạn: Trần Ngọc Thủy
Đơn vị: Trường THCS - THPT Nguyễn Khuyến Bình Dương