Theo các chuyên gia đầu ngành, nguyên nhân trực tiếp gây ra bệnh lý là do sự phát triển quá mức của nấm men, ảnh hưởng đến sắc tố da và hình thành các vùng da tăng/giảm sắc tố bất thường. Các nghiên cứu nhận thấy, nấm Malassezia furfur tiết ra azelaic làm chậm tốc độ vận chuyển các melanin đến tế bào thượng bì, từ đó gây giảm sắc tố da.
Ngoài ra, bệnh còn có thể xảy ra bởi một số yếu tố rủi ro như:
- Thời tiết nóng ẩm: Thời tiết nóng ẩm thường gây tăng thân nhiệt, từ đó kích thích hoạt động bài tiết mồ hôi. Nấm men hấp thụ các thành phần trong dầu thừa có xu hướng phát triển mạnh và gây tổn thương da.
- Rối loạn tuyến bã nhờn: Trường hợp bị rối loạn tuyến bã nhờn thường có lượng dầu thừa và đổ nhiều mồ hôi hơn so với người bình thường. Điều này sẽ tạo điều kiện thuận lợi để nấm men phát triển và gây bệnh.
- Thay đổi hormone: Sự thay đổi của hormone có thể dẫn đến rối loạn quá trình bài tiết mồ hôi, đồng thời làm tăng nguy cơ mắc các bệnh ngoài da do nấm. Tình trạng này phổ biến ở đối tượng trong độ tuổi dậy thì, phụ nữ mang thai, đang cho con bú.
- Vệ sinh cơ thể kém: Thói quen vệ sinh cơ thể kém là một trong những yếu tố quan trọng trong cơ chế bùng phát bệnh lang beng. Bởi tình trạng này có thể dẫn đến bít tắt, ứ đọng dầu thừa trong lỗ chân lông, từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn và nấm men bùng phát mạnh.
- Yếu tố tuổi tác: Các nghiên cứu nhận thấy, nấm Malassezia furfur phụ thuộc nhiều vào lipid ở bề mặt da nên thường tác động đến những vùng da có hoạt động bài tiết bã nhờn mạnh. Vì vậy, bệnh thường xuất hiện ở thanh thiếu niên, ít gặp hơn ở trẻ nhỏ và người già bởi những đối tượng này có hoạt động bài tiết bã nhờn yếu hơn.
Ngoài những yếu tố trên, bệnh lang ben còn có thể xảy ra bởi một số yếu tố rủi ro khác như chế độ ăn uống không phù hợp, thừa cân - béo phì, thường xuyên sử dụng bia rượu, hệ miễn dịch suy giảm, dùng thuốc tránh thai.