Bài viết bởi Bác sĩ chuyên khoa I Đặng Thị Ngọc Chương - Bác sĩ Nhi - Khoa Nhi - Sơ sinh, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.
Viêm phế quản co thắt ở trẻ em là bệnh lý nhiễm trùng đường hô hấp rất hay gặp. Nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, bệnh sẽ dẫn đến các biến chứng, đặc biệt là co thắt phế quản khó thở, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của trẻ.
1. Viêm phế quản co thắt ở trẻ em là gì?
Viêm phế quản co thắt ở trẻ em là bệnh gây ra bởi quá trình viêm nhiễm do các tác nhân khác nhau, gây co thắt phế quản, hậu quả là lòng phế quản bị thu hẹp tạm thời, khiến trẻ khó thở, thở khò khè.
Bên cạnh đó, quá trình viêm nhiễm lan tỏa còn làm các tuyến chế tiết chất nhầy hoạt động quá mức, tăng tiết đàm nhớt và cản trở lưu thông khí trong phổi.
2. Nguyên nhân gây co thắt phế quản khó thở
Nguyên nhân gây bệnh viêm phế quản co thắt ở trẻ em rất đa dạng:
Nhiễm virus là nguyên nhân hay gặp và phổ biến nhất. Trong đó, virus hợp bào hô hấp (RSV) chiếm đa số trường hợp bên cạnh các loại virus khác như cúm.
Nhiễm vi khuẩn thường là nguyên nhân thứ phát sau khi trẻ nhiễm virus. Các loại vi khuẩn thường gặp là phế cầu, tụ cầu, liên cầu, H.influenzae... Đa số các loại vi khuẩn gây bệnh viêm phế quản co thắt ở trẻ em đã sống kí sinh thường xuyên ở vùng mũi họng. Một khi sức đề kháng của trẻ suy giảm (sau nhiễm virus) thì chúng hoạt động mạnh lên, tăng độc tính và gây bệnh.
Ngoài ra, ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ thì hệ miễn dịch chưa phát triển hoàn thiện, không thể bảo vệ cơ thể khỏi sự tấn công của các loại siêu vi trùng và gây nên viêm phế quản co thắt ở trẻ em.
Một yếu tố cũng góp phần quan trọng gây bệnh chính là cơ địa dị ứng ở một số trẻ. Viêm phế quản co thắt ở trẻ em do yếu tố cơ địa thường khởi phát khi tiếp xúc với tác nhân dị ứng như bụi, lông gia súc, khói thuốc, phấn hoa, thức ăn, các loại thuốc...
3. Đối tượng hay mắc viêm phế quản co thắt
Viêm phế quản co thắt hay gặp ở trẻ nhỏ, vì cơ địa nhạy cảm, hệ miễn dịch và các cơ quan còn non nớt, dễ bị tác động bởi các yếu tố gây bệnh. Bên cạnh đó, bệnh viêm phế quản co thắt chủ yếu xuất hiện ở các nhóm đối tượng sau:
- Trẻ sơ sinh: Đặc biệt là các bé sinh non, chức năng phổi chưa được hoàn thiện, còn non yếu nên rất dễ bị các yếu tố gây bệnh xâm nhập, đặc biệt vào thời điểm giao mùa.
- Trẻ thừa cân: Việc bổ sung thiếu khoa học các dưỡng chất rất dễ dẫn đến béo phì, chính lượng mỡ thừa khiến cơ thể trẻ giảm sức đề kháng cũng như làm hoạt động trao đổi khí gặp nhiều khó khăn.
- Trẻ trong các gia đình có người hút thuốc: Khói thuốc là nguyên nhân làm gia tăng các bệnh phổi.
4. Biểu hiện của viêm phế quản co thắt ở trẻ em
Viêm phế quản co thắt ở trẻ em có triệu chứng tương tự với bệnh hen phế quản, do đó dễ chẩn đoán nhầm lẫn và điều trị sai hướng. Các biểu hiện lâm sàng của viêm phế quản co thắt ở trẻ em bao gồm:
- Khởi phát trẻ thường có biểu hiện sốt nhẹ, xuất hiện hội chứng viêm long đường hô hấp trên như chảy nước mũi, ho, hắt hơi. Giai đoạn này biểu hiện rất giống với cảm cúm thông thường;
- Sau đó trẻ bắt đầu sốt cao hơn, co thắt phế quản khó thở, thở khò khè, thở rít, nhịp thở tăng lên hoặc trẻ thở nhanh nông;
- Các biểu hiện bù trừ khi trẻ khó thở như co rút lồng ngực, co kéo cơ liên sườn, cơ vùng cổ;
- Trẻ có thể bị nôn, nôn sau khi bú hoặc sau một kích thích như ho hoặc khóc.
5. Phương pháp điều trị viêm phế quản co thắt ở trẻ em
Tình trạng co thắt phế quản khó thở nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm để tính mạng của trẻ. Tùy theo mức độ bệnh mà việc điều trị sẽ khác nhau. Trường hợp nhẹ có thể chỉ cần dùng thuốc ngoại trú. Trường hợp nặng, nhất là có suy hô hấp thì phải nhập viện để điều trị.
5.1 Điều trị nguyên nhân
- Nguyên nhân do virus: hiện nay vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, chủ yếu là hỗ trợ để tránh bệnh diễn tiến xấu hơn.
- Nguyên nhân do vi khuẩn: sử dụng các loại kháng sinh.
- Hạn chế tiếp xúc với các yếu tố như: khói bụi, lông vật nuôi, khói thuốc lá, thức ăn hoặc các loại thuốc gây co thắt phế quản khó thở.
5.2 Điều trị triệu chứng
- Sốt: dùng thuốc hạ sốt, thường sử dụng nhất là Paracetamol với liều 10 - 15mg/kg cân nặng/lần, cách nhau mỗi 4 - 6 giờ.
- Ho tăng tiết đàm nhớt: sử dụng các loại thuốc long đờm.
- Bù nước điện giải nếu trẻ ăn uống kém hoặc bỏ bú ở trẻ sơ sinh.
5.3 Điều trị suy hô hấp
- Nếu co thắt phế quản ở trẻ em gây ra tình trạng khó thở nhiều, kèm theo co rút lồng ngực, tím tái do thiếu oxy... thì cần phải hỗ trợ hô hấp cho trẻ như: thở oxy, thở máy...
- Phun khí dung các loại thuốc vừa có tác dụng giãn phế quản, vừa tác dụng long đờm và giúp trẻ hô hấp dễ dàng hơn.
6. Chăm sóc và dự phòng viêm phế quản co thắt ở trẻ em
Viêm phế quản co thắt ở trẻ em có thể dự phòng được nếu bố mẹ biết cách áp dụng các biện pháp sau đây:
- Vệ sinh mũi họng cho trẻ sạch sẽ thường xuyên bằng dung dịch nước muối sinh lý, đặc biệt là ở trẻ có cơ địa dễ dị ứng...
- Trẻ cần được bú sữa mẹ hoàn toàn ít nhất trong 6 tháng đầu sau sinh. Nếu mẹ không đủ sữa thì bổ sung dinh dưỡng bằng sữa công thức phù hợp với lứa tuổi.
- Khi cho trẻ ăn dặm thì chế độ ăn cần cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng, đủ 4 nhóm thực phẩm chính là đường, đạm, mỡ và chất khoáng.
- Giữ môi trường xung quanh trẻ sạch sẽ, không gian nghỉ ngơi thoáng mát về mùa hè, ấm về mùa lạnh.
- Rửa tay bằng xà phòng trước và sau khi chăm sóc bé, sau khi đi vệ sinh
- Không để bé tiếp xúc với môi trường ô nhiễm, khói bụi, đặc biệt khói thuốc lá.
Viêm phế quản co thắt ở trẻ nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời sẽ gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm. Ngay khi trẻ xuất hiện những triệu chứng ban đầu của bệnh, bạn nên đưa trẻ đến cơ sở y tế uy tín để được khám và điều trị sớm.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.