Bị cảm cúm khi mang thai khiến mẹ bầu lo lắng và đứng ngồi không yên. Cùng Nhà thuốc Long Châu tìm hiểu tình trạng bà bầu bị cảm cúm tháng thứ 4 và cách khắc phục trong bài viết sức khỏe hôm nay nhé.
Tổng quan về tình trạng cảm cúm khi mang thai tháng thứ 4
Khi mang thai, hệ miễn dịch trở nên suy yếu, chính vì thế mẹ bầu rất dễ mắc cảm cúm. Nếu không có hướng điều trị kịp thời và phù hợp, cảm cúm có thể gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của mẹ bầu và thai nhi.
Một số nguyên nhân gây cảm cúm ở mẹ bầu có thể kể đến như:
- Virus cúm: Đây là nguyên nhân hàng đầu gây cảm cúm ở bà bầu. Loại virus này xâm nhập vào cơ thể thông qua giọt bắn khi tiếp xúc với những người chứa virus cúm hoặc tiếp xúc với các bề mặt dính giọt bắn chứa virus cúm của người mắc cúm.
- Thay đổi thời tiết, nhất là thời điểm giao mùa.
- Sống hoặc làm việc tại khu vực đang có dịch cúm.
- Sức đề kháng bị suy yếu.
- Ngoài ra, một số mẹ bầu tháng thứ 4 có nguy cơ cao mắc cảm cúm bao gồm: Các mẹ chưa tiêm phòng cúm, mẹ bầu tháng thứ 4 bị thiếu máu nặng, mắc một số bệnh lý mãn tính (hen phế quản, tim mạch, tiểu đường…), mẹ bị thừa cân béo phì.
Biểu hiện của cảm cúm khi mang thai tháng thứ 4 cũng tương tự như các trường hợp cảm cúm thông thường khác. Mẹ bầu có thể bị đau nhức toàn thân, cơ bắp trở nên nặng nề, hắt hơi, sổ mũi, ho… khiến cơ thể rơi vào trạng thái mệt mỏi.
Trong trường hợp mẹ bầu có biểu hiện sốt cao kèm với một số triệu chứng khác như buồn nôn, chóng mặt thì mẹ bầu cần chú ý hơn. Bởi sốt cao đồng nghĩa với việc thân nhiệt của mẹ bầu tăng lên gây rối loạn sự trao đổi chất sinh độc tố và ảnh hưởng trực tiếp đến thai nhi. Lúc này, mẹ bầu cần đến gặp bác sĩ để thăm khám cũng như có hướng điều trị phù hợp.
Ảnh hưởng của tình trạng cảm cúm khi mang thai
Như đã trình bày ở trên, cảm cúm khi mang thai có thể ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của bà bầu cũng như sự phát triển của thai nhi nếu không có các biện pháp điều trị kịp thời. Các chuyên gia chỉ ra rằng phụ nữ bị cảm cúm trong những tháng đầu thai kỳ có nguy cơ sảy thai rất cao. Vậy bà bầu bị cảm cúm tháng thứ 4 có nguy cơ này không và ngoài nguy cơ này còn tiềm ẩn nguy cơ nào khác không?
Đối với thai nhi
Khi mẹ bầu bị cúm tháng thứ 4, thai nhi sẽ tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ nếu thai phụ không được điều trị kịp thời, cụ thể:
Nguy cơ lưu thai, sinh non, sảy thai
Trên thực tế, mẹ bầu bị sổ mũi khi mang thai tháng thứ 4 hay hắt hơi không ảnh hưởng quá nhiều đến sức khỏe của thai nhi. Triệu chứng sổ mũi làm giảm lượng oxy cung cấp cho mẹ bầu khi ngủ, từ đó thai nhi cũng nhận được lượng oxy ít hơn. Việc hắt hơi nhiều có thể gây kích thích cơn gò tử cung, tình trạng này kéo dài sẽ khiến mẹ bầu dễ bị sảy thai, khiến thai nhi chậm phát triển, thậm chí là lưu thai.
Dị tật thai nhi
Từ giai đoạn tam cá nguyệt thứ 2 trở đi, thai nhi đã dần ổn định hơn. Tuy nhiên, nếu mẹ bầu bị cảm cúm trong giai đoạn này mà không được điều trị kịp thời sẽ ít nhiều ảnh hưởng tiêu cực đến thai nhi. Lúc này, virus cúm có thể từ cơ thể mẹ xâm nhập vào thai nhi qua nhau thai gây rối loạn nhiễm sắc thể, từ đó ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi.
Đặc biệt, trong trường hợp mẹ bầu sốt cao trên 39 độ C còn có nguy cơ cao dẫn đến dị tật thai nhi bẩm sinh như sứt môi, tim bẩm sinh, một số dị dạng hoặc khiếm khuyết khác trên cơ thể thai nhi.
Rối loạn tâm thần
Việc bà bầu bị cảm cúm tháng thứ 4 trở đi vẫn có nguy cơ cao tác động tiêu cực đến não bộ của thai nhi. Virus cúm sẽ tấn công và gây ra những tổn thương ở hệ thần kinh của thai nhi, từ đó dẫn đến một số hệ quả xấu như vô não, não tụ huyết hoặc một số bệnh lý về rối loạn tâm thần khi trẻ chào đời.
Đối với mẹ bầu
Bà bầu bị cảm cúm tháng thứ 4 tuy không đe dọa đến tính mạng, song cũng gây ra một số vấn đề sức khỏe bao gồm:
Suy giảm hệ miễn dịch
Mang thai là giai đoạn nhạy cảm. Trong giai đoạn này, người phụ nữ có những thay đổi trong cơ thể, đặc biệt là về nội tiết, hệ thống miễn dịch của mẹ bầu cũng vì thế mà bị suy giảm nhiều. Chính vì lý do này mà mẹ bầu rất dễ mắc cảm cúm và lâu khỏi hơn người bình thường.
Khi bị cảm cúm, sức đề kháng của mẹ bị giảm sút một cách nhanh chóng. Điều này khiến mẹ bầu dễ chịu tác động từ những tác nhân gây bệnh khác. Do vậy, bà bầu bị cảm cúm tháng thứ 4 không nên chủ quan.
Viêm phổi nặng
Hệ quả của hệ miễn dịch suy yếu là mẹ bầu cần một lượng oxy lớn hơn. Cùng với đó, từ tháng thứ 4 trở đi, bụng bầu của mẹ sẽ ngày càng lớn, theo thời gian sẽ chèn ép lên phổi từ đó ảnh hưởng đến chức năng cũng như hoạt động của phổi. Đây chính là lý do lý giải vì sao mẹ bầu bị cảm cúm tháng thứ 4 rất dễ bị viêm phổi, nếu không được điều trị phù hợp, bệnh sẽ tiến triển thành viêm phổi nặng.
Không đảm bảo cung cấp đầy đủ dưỡng chất cho mẹ bầu
Các triệu chứng của cảm cúm khiến mẹ bầu cảm thấy mệt mỏi và đau nhức toàn thân, kèm theo đó nhiều mẹ bầu cảm thấy chán ăn, không muốn ăn dẫn đến hạn chế cung cấp dưỡng chất cho thai nhi. Điều này khiến thai nhi chậm tăng cân. Ngoài ra, do không đảm bảo dinh dưỡng mà cơ thể mẹ cũng trở nên yếu ớt hơn. Đây là điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn và virus dễ dàng xâm nhập và gây bệnh.
Phải làm sao khi bà bầu bị cảm cúm tháng thứ 4?
Phải làm sao khi bà bầu bị cảm cúm tháng thứ 4 là thắc mắc của nhiều người. Lúc này mẹ bầu không nên quá lo lắng bởi mẹ đã vượt qua giai đoạn nhạy cảm nhất trong thai kỳ (3 tháng đầu). Khi đến tháng thứ 4, thai nhi đã hình thành nên tổ chức cố định và những tai biến sản khoa cũng ít ảnh hưởng đến thai nhi hơn so với 3 tháng đầu thai kỳ.
Tuy nhiên, mẹ bầu cũng không nên vì thế mà chủ quan. Để đảm bảo an toàn cho mẹ bầu cũng như thai nhi trong bụng, mẹ cần duy trì kiểm soát sức khỏe của bản thân, đồng thời phát hiện những bất thường ở thai nhi mẹ nhé.
Trường hợp chỉ là cảm cúm thông thường, mẹ bầu chỉ cần nghỉ ngơi cho đến khi hồi phục hoàn toàn. Trong thời gian mắc cảm cúm, mẹ bầu nên uống đủ nước để ngăn ngừa tình trạng mất nước khi bị sốt. Mẹ nên bổ sung thêm nước hoa quả bởi trong hoa quả có chứa nhiều vitamin C giúp sức khỏe mau chóng hồi phục, đồng thời tăng cường hệ miễn dịch cho cơ thể.
Bên cạnh đó, mẹ cũng cần cung cấp dinh dưỡng đầy đủ để tăng cường sức đề kháng cũng như đảm bảo dưỡng chất cho sự phát triển của thai nhi. Ngoài ra, thai phụ nên hạn chế vận động, đặc biệt là vận động gắng sức để tránh tình trạng đổ nhiều mồ hôi hoặc tăng thân nhiệt quá mức.
Nếu sau 2 - 3 ngày, các triệu chứng cảm cúm không có xu hướng thuyên giảm thì mẹ nên đến gặp bác sĩ để thăm khám và có hướng điều trị phù hợp bởi hệ miễn dịch khi mang thai khá yếu và cảm cúm có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm. Sau khi khỏi cảm cúm, mẹ bầu cũng nên đến viện làm thêm các sàng lọc trước sinh theo chỉ định của bác sĩ để có thể đánh giá tình trạng thai nhi cũng như kiểm soát các bất thường ở thai nhi (nếu có).
Trên đây là toàn bộ những thông tin xoay quanh chủ đề bà bầu bị cảm cúm tháng thứ 4 mà Nhà thuốc Long Châu muốn chia sẻ đến bạn đọc. Hy vọng qua bài viết này, bạn đọc có thể hiểu hơn về tình trạng cảm cúm khi mang thai cũng như cách khắc phục hiệu quả. Chúc mẹ có một thai kỳ khỏe mạnh và vượt cạn thành công.