Bệnh mạn tính ở người cao tuổi hay bệnh nền ở người cao tuổi nếu không được chăm sóc, kiểm soát hiệu quả, có thể tăng nặng phức tạp, khó điều trị, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, tính mạng.
Nhiều bệnh mạn tính ở người cao tuổi có thể gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và chất lượng sống của người bệnh. Vậy, đâu là những bệnh mạn tính nguy hiểm thường gặp ở người cao tuổi? Cần lưu ý gì khi chăm sóc, điều trị, kiểm soát các bệnh nền ở người cao tuổi?
Vì sao người cao tuổi dễ mắc bệnh mạn tính, bệnh nền?
Người cao tuổi có nguy cơ mắc các bệnh mạn tính cao hơn các độ tuổi khác. Theo nghiên cứu của Hội đồng Quốc gia về Lão hoá của Mỹ (The National Council on Aging), gần 95% người lớn từ 60 tuổi trở lên mắc ít nhất một bệnh mạn tính, trong khi gần 80% mắc hai bệnh trở lên. Điều này là do cơ thể người lớn tuổi bị lão hóa, lối sống thiếu khoa học qua thời gian, suy giảm miễn dịch… (1)
Hệ thống miễn dịch khi hoạt động hiệu quả sẽ giúp bảo vệ cơ thể khỏi các chất lạ hoặc có hại, ví dụ như vi khuẩn, vi rút, chất độc, tế bào ung thư,… Khi con người già đi, hệ thống miễn dịch của cơ thể không hoạt động tốt, khả năng phát hiện và sửa chữa các khiếm khuyết tế bào bị suy giảm. Do đó, cơ thể người cao tuổi phục hồi chậm hơn khi mắc một bệnh lý bất kỳ. Các yếu tố này làm tăng nguy cơ mắc bệnh mạn tính ở người cao tuổi.
Bên cạnh đó, quá trình lão hóa, các thói quen xấu như ăn uống thiếu khoa học, ít vận động, thường ngồi yên một chỗ… qua thời gian càng khiến người cao tuổi tăng nguy cơ mắc bệnh nền. Các bệnh này tiếp tục tăng nặng qua thời gian. Nhiều người có tuổi còn mắc cùng lúc nhiều bệnh nền, bệnh mạn tính khác nhau, từ đó nguy cơ bệnh chồng bệnh gây tăng nặng, diễn biến nhanh, phức tạp, khó điều trị, kiểm soát.
12 nhóm bệnh mạn tính ở người cao tuổi thường gặp
Tại Việt Nam, tình trạng người lớn tuổi mắc cùng lúc nhiều bệnh lý nền khác nhau (đa bệnh lý) rất thường gặp. Dưới đây là những bệnh nền, bệnh mạn tính, nguy hiểm thường xảy ra ở người lớn tuổi.
1. Bệnh tim mạch
Người già và trung niên thường dễ mắc bệnh tim mạch hơn người trẻ, bao gồm tăng huyết áp, xơ vữa động mạch, bệnh mạch vành, suy tim, rung nhĩ…
Càng lớn tuổi thì các mạch máu càng giảm dần độ đàn hồi, làm cho thành tim dày lên, động mạch xơ vữa, mạch máu bị thu hẹp. Lúc này, áp lực dòng máu tăng cao, tim phải làm việc nhiều hơn nhằm đáp ứng đủ lượng máu cung cấp cho các tế bào và cơ quan trong cơ thể, làm tăng nguy cơ mắc bệnh lý tim mạch.
Bệnh tim mạch luôn nằm trong nhóm bệnh mạn tính ở người cao tuổi thường gặp nhất. Tuổi tác gắn liền với các vấn đề sức khỏe như suy nhược, béo phì và tiểu đường,… - những yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim.
2. Bệnh cơ xương khớp
Theo thời gian và tuổi tác, hệ thống cơ xương bao gồm xương, sụn, dây chằng, khớp, cơ và các mô liên kết khác tạo nên cấu trúc của cơ thể và giúp cơ thể di chuyển bắt đầu bị thoái hóa. Cùng với đó, sự suy giảm hệ thống miễn dịch, cơ thể hấp thụ ít Canxi và các dưỡng chất cần thiết,… khiến người cao tuổi dễ mắc các bệnh cơ xương khớp hơn.
Một số bệnh nền, bệnh mạn tính ở người cao tuổi liên quan đến cơ xương khớp phổ biến bao gồm: loãng xương, thoái hóa khớp, viêm khớp dạng thấp, bệnh Gout, viêm bao hoạt dịch, đau cơ xơ hóa,… Đây chính là lý do người cao tuổi dễ bị đau nhức cơ xương khớp không thuyên giảm.
3. Bệnh đái tháo đường (tiểu đường)
Đái tháo đường là bệnh nền ở người lớn tuổi đòi hỏi cần có sự kiểm soát bệnh chặt chẽ. Theo thời gian, bệnh tiểu đường có thể gây ra các bệnh lý hay vấn đề sức khỏe nghiêm trọng đối với người cao tuổi như: bệnh tim, đột quỵ, bệnh thận, các vấn đề về mắt, tổn thương thần kinh có thể dẫn tới cắt cụt chi… Ngoài ra, những người mắc bệnh tiểu đường loại 2 có thể có nguy cơ mắc bệnh ung thư và bệnh Alzheimer cao hơn.
4. Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính
Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính hay còn gọi là COPD là một căn bệnh phổ biến, đặc biệt ở người lớn tuổi. Bệnh nhân lớn tuổi có xu hướng suy giảm chức năng và sức khỏe, nhận thức, khiến việc áp dụng các phương pháp điều trị COPD trở nên khó khăn hơn.
Các triệu chứng của bệnh bao gồm: tức ngực, khó thở, mệt mỏi, thiếu năng lượng,… COPD ở người cao tuổi không chỉ ảnh hưởng đến hơi thở mà còn có thể cản trở khả năng đi lại, giao tiếp xã hội và thực hiện các hoạt động hàng ngày. Bệnh còn làm tăng nguy cơ loãng xương và té ngã, khiến người cao tuổi dễ bị chấn thương và tàn tật vĩnh viễn hơn.
5. Ung thư
Một số bệnh ung thư có thể xảy ra ở người lớn tuổi gồm có: (2)
- Ung thư dạ dày
- Ung thư bàng quang
- Ung thư phổi
- Ung thư tuyến tụy
- Ung thư vú
- Ung thư tuyến tiền liệt
Ung thư là một trong những bệnh mạn tính ở người cao tuổi nguy hiểm nhất. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng người lớn tuổi từ 65 tuổi trở lên có nguy cơ mắc ung thư cao gấp 11 lần so với người trẻ tuổi. Với tình trạng dân số toàn cầu đang già đi, trong hai thập kỷ tới, ung thư ở người lớn tuổi sẽ tiếp tục là gánh nặng sức khỏe đáng quan tâm. (3)
Ung thư ở người lớn tuổi thường phát triển chậm hơn vì cơ thể người cao tuổi vốn có tốc độ phát triển tế bào chậm hơn so với người trẻ. Tuy nhiên, một số dữ liệu cho thấy người cao tuổi có khối u có tiên lượng xấu hơn do chẩn đoán muộn, dẫn đến tỷ lệ tử vong cao hơn.
Việc điều trị ung thư cho người cao tuổi sẽ càng gặp nhiều khó khăn hơn nếu người bệnh còn mắc thêm các bệnh mạn tính tuổi khác, chẳng hạn như bệnh tiểu đường hoặc bệnh thận mạn.
6. Bệnh thận mạn tính
Bệnh thận mạn tính (CKD) là một vấn đề lâm sàng rất phổ biến ở nhóm người bệnh cao tuổi và có liên quan đến việc gia tăng tỷ lệ mắc bệnh và tử vong. Các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh thận mạn bao gồm:
- Tăng huyết áp
- Bệnh tiểu đường
- Béo phì
- Protein niệu
- Tăng Lipid máu
- Bệnh tim mạch
- Bệnh cầu thận và ống kẽ thận
- Nhiễm toan chuyển hóa
- Hút thuốc
- Chế độ ăn kiêng Protein cao
- Thiếu máu
- Tăng Axit Uric máu
- Sử dụng thuốc (thuốc NSAID, thuốc kháng sinh,…)
- Mức FGF23 tăng cao
- Tăng Phosphat máu
- Tăng Canxi máu
- …
7. Rối loạn chức năng hệ tiết niệu
Một bệnh nền ở người cao tuổi phổ biến khác là rối loạn chức năng hệ tiết niệu dẫn đến những vấn đề khi tiểu tiện như: tiểu không kiểm soát, tiểu đêm, nhiễm trùng tiểu, viêm bể thận,…
Khi kiểm soát các bệnh mạn tính liên quan đến hệ tiết niệu, cần lưu ý đến bệnh viện nếu có các triệu chứng như cảm giác đau khi đi tiểu, màu nước tiểu thay đổi bất thường, có lẫn máu trong nước tiểu, đi tiểu 8 lần trở lên trong một ngày, chỉ đi tiểu một lượng nhỏ mặc dù rất có cảm giác buồn tiểu, tiểu ít hay thậm chí không tiểu,…
8. Rối loạn thị lực
Tốc độ suy giảm thị lực tỉ lệ thuận với tuổi tác. Người cao tuổi dễ mắc các bệnh lý và vấn đề liên quan đến mắt như: lão thị, tăng nhãn áp, khô mắt, thoái hóa điểm vàng do tuổi tác, đục thủy tinh thể…
9. Các bệnh tiêu hóa
Người lớn tuổi có nhiều nguy cơ bị rối loạn tiêu hoá. Nếu không điều trị kịp thời, các bệnh về đường tiêu hóa có thể trở thành bệnh mạn tính ở người cao tuổi với mức độ nghiêm trọng.
Một số bệnh mạn tính ở người cao tuổi có liên quan đến hệ tiêu hoá như: chứng khó nuốt, trào ngược dạ dày thực quản, viêm thực quản, viêm teo dạ dày mãn tính (CAG), loét dạ dày tá tràng, táo bón, bệnh túi thừa,…
10. Bệnh Parkinson
Bệnh Parkinson ảnh hưởng đến khoảng 1% số người trên 60 tuổi và 5% số người trên 85 tuổi. Đây là căn bệnh thường xuất hiện sau tuổi 60 và luôn nằm trong nhóm các bệnh mạn tính ở người cao tuổi làm suy giảm chất lượng cuộc sống khi về già.
Người mắc bệnh Parkinson có triệu chứng phổ biến như: tay chân run rẩy, khó giữ thăng bằng, khom lưng, căng cứng cơ bắp, mất trí nhớ, các vấn đề về giọng nói (chẳng hạn như nói ngọng, ngắt quãng dài bất thường hoặc khàn giọng), các vấn đề về giấc ngủ (chẳng hạn như khó ngủ, ngủ chập chờn không sâu giấc hoặc hội chứng chân không yên),…
Bệnh Parkinson chưa có phương pháp điều trị đặc hiệu, chủ yếu chỉ kiểm soát và giảm nhẹ triệu chứng. Có nhiều loại thuốc và nhiều phương pháp điều trị khác nhau để giúp giảm các triệu chứng bệnh Parkinson. Các loại thuốc dùng điều trị bệnh Parkinson thường làm tăng mức độ Dopamin, thay thế Dopamin hoặc kích thích thụ thể Dopamin thông qua tác động đến các hóa chất trong não.
11. Suy giảm trí nhớ, sa sút trí tuệ
Sa sút trí tuệ là một trong những bệnh phổ biến với khoảng một phần ba số người từ 85 tuổi trở lên mắc phải. Có nhiều dạng bệnh sa sút trí tuệ khác nhau, một số có liên quan chặt chẽ đến bệnh Alzheimer và chứng mất trí nhớ do mạch máu, chẳng hạn như bệnh tiểu đường và bệnh tim mạch,… (4)
Bên cạnh đó, ở giai đoạn sau của chứng sa sút trí tuệ, phản ứng miễn dịch của cơ thể suy yếu. Người bệnh có thể phải nằm trên giường bệnh lâu hơn và gặp khó khăn khi nuốt. Tất cả những điều này đều khiến người bệnh có nhiều nguy cơ gặp các vấn đề sức khỏe khác có thể dẫn đến tử vong, chẳng hạn như nhiễm trùng (như viêm phổi) hoặc đột quỵ do có khối máu đông làm tắc nghẽn mạch máu.
12. Lo âu, trầm cảm
Rối loạn lo âu, trầm cảm gây ra cảm giác buồn bã, bi quan, vô vọng, mệt mỏi, khó đưa ra quyết định, thay đổi khẩu vị, mất hứng thú với các hoạt động,… Những bệnh mạn tính ở người cao tuổi, đặc biệt là các bệnh đang diễn tiến xấu thường càng khiến người bệnh có nguy cơ bị trầm cảm cao hơn. Nguyên nhân là do tâm lý suy nghĩ nhiều đến tình trạng sức khỏe đang gặp phải hay ít được gần gũi với con cháu, hạn chế trong việc giao tiếp xã hội…
>> Có thể bạn chưa biết: 24 bệnh thường gặp ở người cao tuổi biết sớm để phòng ngừa
Mối nguy cơ khi người cao tuổi mắc cùng lúc nhiều bệnh nền
Người cao tuổi mắc nhiều bệnh nền, bệnh mạn tính cùng một lúc có thể dẫn đến nhiều vấn đề về sức khỏe thể chất lẫn tinh thần, từ đó làm suy giảm tuổi thọ và chất lượng cuộc sống của người bệnh. Cụ thể:
- Người cao tuổi khi mắc nhiều bệnh mạn tính cùng lúc thì chất lượng cuộc sống sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Người bệnh luôn cảm thấy đau nhức, không ăn uống được, phụ thuộc người khác…
- Bệnh tình có nguy cơ tăng nặng nhanh do các bệnh có thể “hiệp đồng” tiến triển, ảnh hưởng lẫn nhau. Ví dụ, bệnh tiểu đường làm tăng nặng bệnh tim mạch, bệnh thận, bệnh cơ xương khớp…
- Người bệnh có nguy cơ tử vong cao nếu không được điều trị kịp thời. Các bệnh mạn tính cùng tồn tại ảnh hưởng đến sức khỏe tổng thể, làm giảm sức chịu đựng của cơ thể người bệnh.
- Kém hiệu quả khi điều trị, kiểm soát nhiều bệnh mạn tính. Ví dụ các thuốc điều trị phối hợp của nhiều chuyên khoa có thể tương tác với nhau, làm giảm hiệu quả hoặc gây tác dụng phụ. Lúc này, cần bác sĩ có chuyên môn điều chỉnh thuốc, chế độ ăn hợp lí và tư vấn chế độ đặc biệt sau ra viện để chăm sóc tại nhà.
Lưu ý dành cho người cao tuổi mắc các bệnh mạn tính
Với người cao tuổi mắc các bệnh mạn tính, việc theo dõi chặt chẽ tình trạng sức khoẻ là rất quan trọng để kiểm soát bệnh, duy trì chất lượng cuộc sống và giảm nguy cơ xảy ra biến chứng. Một số lưu ý quan trọng là:
- Sử dụng thuốc đúng toa và chỉ định của bác sĩ: Người bệnh cần tuân thủ kế hoạch điều trị của bác sĩ. Đừng ngần ngại thảo luận với bác sĩ nếu có bất kỳ thắc mắc nào về thuốc hoặc phương pháp điều trị.
- Thực hiện các biện pháp phòng tránh: Đeo khẩu trang, rửa tay đúng cách và giữ khoảng cách an toàn với những người khác,… sẽ giúp hạn chế nguy cơ lây nhiễm các bệnh truyền nhiễm khác làm tăng nặng các bệnh nền đang mắc phải.
- Chế độ dinh dưỡng phù hợp: Người mắc các bệnh mạn tính ở người cao tuổi nên ăn nhiều rau củ quả, không uống rượu bia và hạn chế thực phẩm nhiều đường, muối, chất béo,… Có thể tham khảo thêm chuyên gia dinh dưỡng về chế độ ăn phù hợp với từng bệnh lý cụ thể.
- Quản lý cân nặng: Duy trì cân nặng ổn định, tránh tăng cân quá mức vì béo phì là một tác nhân làm trầm trọng hơn các bệnh mạn tính ở người cao tuổi. Ngoài ra, tránh nhịn ăn, ăn kiêng gây sụt cân, suy kiệt,…
- Vận động thể chất: Tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe của mỗi người, thực hiện các bài tập vận động như đi bộ, dưỡng sinh hoặc bơi lội để duy trì sức khỏe,… Nên tập thể dục ít nhất 30 phút/ngày và 3-4 ngày/tuần.
- Nghỉ ngơi đủ: Người cao tuổi nên dành nhiều thời gian nghỉ ngơi, ngủ đủ giấc, hạn chế thực hiện những công việc nặng.
- Kiểm soát căng thẳng và lo lắng: Để tránh tâm lý làm ảnh hưởng đến bệnh tình, người cao tuổi cần học cách quản lý căng thẳng thông qua các kỹ thuật như thiền, Yoga hoặc tham gia các hoạt động giải trí như đọc sách, nghe nhạc, hoặc vẽ tranh,…
- Khám sức khỏe định kỳ: Khám sức khỏe định kỳ giúp chẩn đoán, theo dõi và kiểm soát các bệnh mạn tính ở người cao tuổi. Chủ động đưa người cao tuổi khám sức khỏe định kỳ để có kế hoạch can thiệp, điều trị từ sớm ngay khi phát hiện bệnh.
>> Tham khảo thêm: Người cao tuổi mắc cùng lúc nhiều bệnh nền nguy hiểm thế nào?
Địa chỉ uy tín điều trị bệnh nền, mạn tính ở người cao tuổi
Khoa Nội Tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh là địa chỉ uy tín, quy tụ đội ngũ y bác sĩ giàu kinh nghiệm thực tiễn (lão khoa, tim mạch, hô hấp, nội tiết, huyết học, nhiễm,..). Khoa chuyên điều trị hiệu quả các bệnh lý lão khoa hay các bệnh mạn tính ở người cao tuổi; áp dụng các kỹ thuật tiên tiến, trang thiết bị hiện đại, Lab xét nghiệm tiêu chuẩn quốc tế trong chẩn đoán và điều trị, theo dõi bệnh. Các bác sĩ của Khoa phối hợp chặt chẽ đa chuyên khoa để hội chẩn và đưa ra kế hoạch điều trị hợp lý, hiệu quả cho người bệnh.
Các dịch vụ điều trị, chăm sóc nổi bật tại Khoa Nội Tổng hợp gồm có:
- Tư vấn khám, điều trị cho các nhóm đối tượng:
- Người bệnh >60 tuổi đang mắc các bệnh lý nền.
- Bệnh nhân khám sức khỏe tổng quát, tình cờ phát hiện bệnh và cần định hướng chuyên khoa để điều trị.
- Bệnh nhân suy giảm miễn dịch thứ phát do nhiễm trùng, do thuốc, do tiến triển của bệnh nền…
- Bệnh nhân đang điều trị ung thư nhưng thể chất và dinh dưỡng kém, gặp các tác dụng phụ của thuốc hoặc biến chứng đi kèm.
- Bệnh nhân đã đi khám và điều trị tại nhiều bệnh viện nhưng chưa hài lòng, cần có 1 chế độ chăm sóc chu đáo, toàn diện.
- Khám sức khỏe tổng quát với 20 gói khám siêu toàn diện: loại cơ bản, nâng cao và chuyên sâu, phù hợp với nhu cầu mỗi người.
- Chuyên khám và điều trị các bệnh lý nhiễm khuẩn, bệnh về máu, bệnh hô hấp…
- Tư vấn chế độ tiêm chủng Vacxin để phòng ngừa các bệnh mà người cao tuổi dễ mắc.
Người bệnh có thể đến khám và điều trị ngoài giờ với đầy đủ quyền lợi bảo hiểm y tế, sử dụng khu khám VIP đẳng cấp…
Để đặt lịch thăm khám, điều trị bệnh tại Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, Quý khách vui lòng liên hệ:
Bệnh mạn tính ở người cao tuổi diễn ra rất phổ biến và khó tránh khỏi. Để dễ quản lý và kiểm soát các bệnh nền, người cao tuổi cần duy trì việc khám sức khỏe định kỳ; tuân thủ chỉ định điều trị, kiểm soát bệnh của bác sĩ; nghỉ ngơi và sinh hoạt hợp lý, giữ tinh thần lạc quan, yêu đời. Sự đồng hành của gia đình và người thân cũng là động lực để người cao tuổi vượt qua bệnh tật, an tâm vui sống.