Stress là một trạng thái tâm lý và sinh lý của cơ thể khi đối mặt với áp lực hoặc căng thẳng, lo âu. Stress có thể xuất hiện ở tất cả mọi người, mọi độ tuổi và trong mọi tình huống. Vậy stress là gì và dấu hiệu nhận biết như thế nào? Hãy cùng tìm hiểu qua bài viết sau đây nhé!
1Stress là gì?
Stress là trạng thái bất ổn về tâm lý làm ảnh hưởng đến tinh thần và thể chất của người bệnh do yếu tố gây stress (stressor) bên trong hoặc bên ngoài. Đây là phản ứng tự nhiên của cơ thể đáp ứng lại các điều kiện đòi hỏi sự tập trung và tăng cường hoạt động.
Bất kỳ ai cũng có thể bị stress, mức độ cũng như sự đáp ứng của cơ thể với stress ở mỗi người là khác nhau, phụ thuộc vào tính cách của mỗi người. Chẳng hạn người có tính cách quá cầu toàn, tỉ mỉ thường dễ bị căng thẳng hơn người bình thường.
Stress gồm 2 loại:
- Cấp tính: gây ra bởi sự kiện, áp lực trong quá khứ hoặc nhu cầu, áp lực trong tương lai gần.
- Mạn tính: lâu dài, lặp đi lặp lại.
Stress là tình trạng rối loạn về tâm lý
2Nguyên nhân bị stress
Stress có thể được xem là một phản ứng tự nhiên của cơ thể đối với yếu tố gây stress. Nguyên nhân gây ra stress thường rất đa dạng và có thể đến từ rất nhiều khía cạnh khác nhau trong cuộc sống. Chẳng hạn như:
- Công việc: Công việc là một trong những nguyên nhân hằng đầu gây ra stress. Điều này bắt nguồn từ việc bạn đang phải làm một công việc không mong muốn, khối lượng công việc quá nhiều, mâu thuẫn với cấp trên và đồng nghiệp, lo lắng về mức lương và cơ hội thăng tiến hay thậm chí là thất nghiệp.
- Tình cảm: Đời sống tình cảm có tác động mật thiết đến tâm lý của mỗi người. Do vậy, những sự kiện ngoài ý muốn xảy ra như sự ra đi của người thân, ly dị, kết hôn... là nguyên nhân rất lớn dẫn đến stress.
- Các nguyên nhân khác: Các thay đổi dù lớn hay nhỏ như chuyển nhà, thiên tai, trộm cắp, mắc bệnh cũng có thể dẫn đến stress.
Stress thực chất không chỉ đến từ các nguyên nhân bên ngoài mà còn đến từ những nguyên nhân bên trong.
Những nguyên nhân đó có thể là sự sợ hãi hoặc ám ảnh với một sự kiện chưa xảy ra, sự kỳ vọng quá mức, thái độ và nhận thức của mỗi người khi đứng trước những khó khăn.
3Dấu hiệu bị stress
Khi tình trạng căng thẳng kéo dài, người bị stress thường có các dấu hiệu sau:
- Đau đầu, chóng mặt.
- Tăng nhịp tim, khó thở.
- Rối loạn giấc ngủ, mệt mỏi.
- Lo âu, sợ hãi quá mức.
- Thay đổi cách ăn uống.
- Khó tập trung, giảm sự quan tâm đối với các sở thích.
Các dấu hiệu trên đây góp phần khiến cho chất lượng cuộc sống, công việc của bệnh nhân ngày càng đi xuống, do đó làm gia tăng thêm áp lực khiến bệnh tình ngày càng trầm trọng.
Các triệu chứng của stress sẽ trở nên nghiêm trọng hơn khi bệnh nhân sử dụng nhiều rượu, thuốc lá hoặc các chất kích thích khác để giải tỏa căng thẳng.
Các biểu hiện thường gặp khi bị stress
4Các mối nguy hại khi bị stress
Dưới góc độ tích cực, stress ở mức độ nhẹ có thể giúp con người có thêm động lực để nỗ lực, cố gắng hơn trong cuộc sống. Tuy nhiên, nếu tình trạng căng thẳng kéo dài có thể dẫn đến nhiều bệnh lý nguy hiểm như:
- Trầm cảm: Trầm cảm rất dễ xảy ra khi căng thẳng kéo dài dẫn đến việc tâm trạng và cảm xúc của người bệnh đi xuống trầm trọng.
- Mất ngủ: Mất ngủ và các rối loạn về giấc ngủ khác có thể xuất hiện vì stress làm tăng nhịp tim, gây ra cảm giác bồn chồn và do lắng.
- Tăng đường huyết: Stress gây tăng đường huyết thông qua hoạt động của các hormone tiết ra khi kích thích gan giải phóng nhiều đường (glucose) vào máu hơn bình thường. Từ đó dẫn đến những tổn thương trên dây thần kinh, đặc biệt là mắt và thận.
- Đau dạ dày: Tình trạng đau dạ dày rất hay gặp ở những bệnh nhân bị stress do acid dịch vị tiết ra nhiều hơn khiến dạ dày dễ tổn thương. Bên cạnh đó, sự giảm hoạt động miễn dịch gây ra bởi hormone cortisol cũng làm tăng khả năng nhiễm khuẩn HP dạ dày.
- Rối loạn sinh lý: Sự suy giảm khả năng tình dục ở cả nam và nữ xuất hiện trong thời gian stress là do ảnh hưởng mật thiết của não bộ tác động đến hệ sinh dục.
- Đau nhức cơ: Các triệu chứng đau nhức cơ, xương, khớp ở những người bị stress xảy ra do các cơ có xu hướng căng lên để đối phó với tình trạng căng thẳng, lâu dần khiến cơ giảm phản xạ.
- Suy giảm miễn dịch: Bệnh nhân stress lâu ngày khiến đề kháng suy giảm, tạo điều kiện để các tác nhân bên ngoài xâm nhập vào cơ thể và gây hại.
- Các vấn để sức khỏe khác: Suy giảm trí nhớ và sự tập trung, bệnh tim, đau tim, huyết áp cao và đột quỵ
5Các biến chứng nguy hiểm
Stress có thể dẫn đến các rối loạn bất thường với hệ thống hô hấp, tim mạch như khó thở, thở nhanh, các mạch máu dẫn máu đến các cơ lớn và tim giãn ra làm tăng lượng máu tới các bộ phận trên cơ thể và làm tăng huyết áp.
Khi stress kéo dài có thể gây ra vấn đề cho tim và mạch máu, đặc biệt là bệnh tăng huyết áp và nhồi máu cơ tim.
Nhiều trường hợp stress nghiêm trọng và kéo dài sẽ dẫn đến rối loạn lo âu, trầm cảm, không kiểm soát hành vi và gây ra những tâm lý bi quan, hành động tự gây hại bản thân dẫn tới những hậu quả đáng tiếc.
Stress có thể dẫn đến các cơn đau tim nguy hiểm
6Mối quan hệ giữa stress và trầm cảm
Stress và trầm cảm thường bị nhầm là một, tuy nhiên mối quan hệ giữa chúng lại là mối quan hệ hai chiều. Stress có thể dẫn đến trầm cảm và ngược lại, chúng thậm chí có thể làm cho nhau trở nên tồi tệ hơn.
Stress làm tăng tỷ lệ mắc bệnh trầm cảm. Theo Báo cáo khảo sát từ Viện sức khoẻ tâm thần, tỷ lệ mắc bệnh trầm cảm của thế hệ gen Z đã tăng khoảng 4-5% giữa trước và sau đại dịch Covid-19.[1]
Stress có thể dẫn đến trầm cảm
7Cách chẩn đoán bệnh
Stress là bệnh lý mang tính chủ quan nên khó có thể đo lường được bằng các bài kiểm tra sức khoẻ. Thông thường chỉ những người trải qua nó mới có thể xác định được mức độ stress của chính họ.
Tuy nhiên, các bác sĩ hoặc chuyên gia có thể thăm khám lâm sàng, hỏi bệnh dựa theo các tiêu chí đánh giá và bảng câu hỏi (thang đánh giá Dass, Beck, Zung) để tìm hiểu về tình trạng và sự ảnh hưởng của stress đến cuộc sống của bệnh nhân.
Ngoài ra, stress mạn tính cũng có thể được đánh giá thông qua các triệu chứng mà căng thẳng gây ra, ví dụ như tăng huyết áp hoặc đau dạ dày.
8Khi nào cần gặp bác sĩ?
Các dấu hiệu cho thấy bạn nên gặp bác sĩ
Đôi khi stress là phản ứng tự nhiên và bình thường của cơ thể, nhưng nếu bạn thường xuyên cảm thấy choáng ngợp, khó thích ứng với thực tại.
Phải đối phó với stress bằng cách sử dụng các chất kích thích, bia rượu hay có suy nghĩ làm hại bản thân, hãy cân nhắc việc đặt lịch hẹn với bác sĩ hoặc chuyên gia tâm lý.
Nơi khám chữa bệnh stress
Nếu gặp các dấu hiệu như trên, bạn có thể đến ngay các cơ sở y tế gần nhất, các phòng khám hay bệnh viện chuyên khoa Tâm lý, Tâm thần. Hoặc bất kỳ bệnh viện đa khoa nào tại địa phương để được thăm khám kịp thời.
Ngoài ra, có thể tham khảo một số bệnh viện lớn, uy tín dưới đây để được chẩn đoán và tư vấn điều trị phù hợp, tránh các biến chứng đáng tiếc xảy ra:
- Tại Tp. Hồ Chí Minh: Bệnh viện Đại học Y Dược, Bệnh viện Chuyên khoa ngoại thần kinh, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương.
- Tại Hà Nội: Bệnh viện tâm thần Trung ương, Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện Bạch Mai.
9Các phương pháp điều trị và làm giảm stress
Luyện tập thể dục
Việc vận động nhẹ nhàng chẳng hạn như đi bộ có thể khiến tâm trạng bạn được cải thiện nhanh chóng bằng cách kích thích cơ thể sản sinh ra nhiều hormone Endorphin - một chất nội sinh tạo cảm giác thoải mái, sảng khoái.
Tập chia sẻ và cười nhiều hơn
Tương tự như việc tập thể dục, khi trò chuyện và mỉm cười nhiều cũng cơ thể sẽ tiết ra nhiều Endorphin giúp cải thiện tâm trạng, khiến bạn cảm thấy yêu đời bên cạnh đó còn giúp giảm tác động gây stress của Cortisol.
Massage bàn tay
Massage là một trong những phương pháp giúp cải thiện tuần hoàn máu, hỗ trợ điều trị nhiều bệnh được áp dụng lâu đời.
Nhiều chuyên gia đã khuyến cáo việc massage bàn tay hợp lý có thể giúp giải tỏa stress, bên cạnh đó còn giúp ngăn ngừa các tình trạng đau nhức ngón - bàn tay hiệu quả.
Dưới đây là cách massage bàn tay, đầu tiên bạn nắm chặt mỗi ngón tay ít nhất 60 giây, sau đó day ấn nhẹ nhàng từng ngón tay từ ngón cái sang ngón út theo chiều kim đồng hồ để xua tan căng thẳng, lo âu và các cảm xúc tiêu cực.
Thưởng thức trà thảo mộc
Các loại trà thảo mộc như trà bạc hà, trà xanh, trà hoa cúc, trà lạc tiên chứa rất nhiều hoạt chất L-theanine. Đây là loại axit amin có khả năng hạn chế căng thẳng, giúp ăn ngủ ngon và cải thiện hoạt động hệ miễn dịch hiệu quả.
Ứng dụng liệu pháp mùi hương
Liệu pháp mùi hương là phương pháp sử dụng tinh dầu để xua tan căng thẳng mệt mỏi thông quá khứu giác. Bạn có thể sử dụng máy xông chuyên dụng để lan tỏa tinh dầu trong phòng khi ngủ giúp hỗ trợ tim mạch, cơ bắp và não bộ.
Một số tinh dầu tạo cảm giác thoải mái, thư giãn được khuyến cáo bao gồm: tinh dầu oải hương, tinh dầu chanh sả, tinh dầu hoa cúc, tinh dầu hoàng lan, tinh dầu trầm hương.
Bổ sung lợi khuẩn
Serotonin là một chất dẫn truyền thần kinh quan trọng giúp cân bằng cảm xúc và nâng cao tâm trạng. Hệ vi khuẩn đường ruột có thể sản sinh ra acid amin Tryptophan, một tiền chất khi hấp thu có thể tổng hợp thành Serotonin.
Ngoài ra, một số nghiên cứu gần đây của các nhà khoa học đã cho thấy các loại vi khuẩn đường ruột được gọi là psychobiotics có khả năng cải thiện tâm trạng bằng cách tác động lên trục não và đường ruột.
Phương pháp thiền 5 phút mỗi ngày
Thiền là một phương pháp giải tỏa căng thẳng, giúp cân bằng cuộc sống hiệu quả được rất nhiều người áp dụng và nhận được nhiều phản hồi tích cực.
Phương pháp này không cần bạn phải dành quá nhiều thời gian, chỉ với 5 phút ngồi thiền mỗi ngày trước khi ngủ có thể xua tan đi căng thẳng, mệt mỏi sau giờ làm việc, giúp cải thiện tuần hoàn máu và chất lượng giấc ngủ.
Day bấm huyệt
Day bấm huyệt là phương pháp dùng tác động cơ học kích thích các huyệt đạo trên cơ thể, giúp cải thiện tuần hoàn máu đến các cơ quan và hỗ trợ điều trị bệnh hiệu quả. Đối với trường hợp stress, căng thẳng kéo dài thì việc day ấn huyệt Thái Dương đặc biệt hiệu quả.
Cặp huyệt đạo này nằm ở vị trí hai bên trán, ngay cạnh bên chân mày. Day ấn Thái Dương theo chiều kim đồng hồ với lực vừa phải có thể giúp cải thiện tuần hoàn máu não và giảm stress.
Day ấn huyệt Thái Dương giúp giảm stress
Phương pháp dùng thuốc
Các thuốc sử dụng trong trường hợp stress thường chỉ giúp hỗ trợ các triệu chứng mất ngủ, ăn không ngon tạo điều kiện để bệnh tình nhanh chóng hồi phục. Cần tham khảo ý kiến của bác sĩ để sử dụng thuốc một cách an toàn, hiệu quả.
Sử dụng phương pháp trị liệu tâm trí
Trong khi việc sử dụng thuốc chỉ giúp hỗ trợ điều trị triệu chứng thì phương pháp trị liệu tâm trí giúp giải quyết vấn đề tâm lý người bệnh từ nguồn gốc. Đây là phương pháp sử dụng ngôn ngữ để cải thiện tâm trạng, định hướng tư duy cho người bệnh.
Một số biện pháp giảm stress hiệu quả
- Stress oxy hóa là gì? Nguyên nhân, ảnh hưởng, cách phòng ngừa và điều trị
- Cách giảm đau đầu nhanh khi căng thẳng hiệu quả
- 10 cách vượt qua cảm xúc tiêu cực, thất vọng giúp bạn mạnh mẽ hơn