Viêm đường tiết niệu là tình trạng viêm tại hệ tiết niệu, gây triệu chứng rối loạn tiểu tiện. Vậy viêm đường tiết niệu có tự khỏi không? Bệnh thường kéo dài bao lâu và cần điều trị như thế nào để nhanh khỏi bệnh? Tìm hiểu ngay qua bài viết dưới đây!
1Viêm đường tiết niệu là gì? Có nguy hiểm không?
Viêm đường tiết niệu là gì?
Hệ tiết niệu đảm nhiệm nhiều chức năng quan trọng bao gồm lọc máu để đào thải chất độc ra ngoài qua nước tiểu và cân bằng hệ nội môi của cơ thể. Hệ tiết niệu của mỗi người bao gồm thận, niệu quản, bàng quang và niệu đạo.
Viêm đường tiết niệu là tình trạng viêm tại bất kỳ phần nào của hệ tiết niệu. Bệnh thường gặp ở nữ nhiều hơn nam và được chia thành 2 nhóm chính:
- Viêm đường tiết niệu trên hay nhiễm trùng tại thận, thường biểu hiện các triệu chứng toàn thân.
- Viêm đường tiết niệu dưới gồm viêm bàng quang và viêm niệu đạo, thường chỉ biểu hiện triệu chứng tại chỗ.
Vi khuẩn xâm nhập và tấn công đường tiểu gây viêm đường tiết niệu
Nguyên nhân và triệu chứng viêm đường tiết niệu
Có nhiều nguyên nhân gây viêm đường tiết niệu nhưng chủ yếu do vi khuẩn từ niệu đạo xâm nhập vào đường tiểu.
Trong đó, vi khuẩn E.coli là tác nhân gây bệnh thường gặp nhất cùng với các vi khuẩn Gram âm đường ruột khác. Một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh bao gồm:
- Giới tính nữ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn nam do cấu tạo đường niệu đạo ngắn, thẳng khiến vi khuẩn dễ dàng xâm nhập và tấn công.
- Vệ sinh kém.
- Dị dạng đường tiểu như giãn đài bể thận, trào ngược bàng quang - niệu quản.
- Bất thường về cấu trúc gây hẹp đường tiểu dẫn đến ứ đọng nước tiểu như sỏi tiết niệu, phì đại tiền liệt tuyến, hẹp bao quy đầu.
- Đặt sonde tiểu trong thời gian dài hoặc can thiệp thủ thuật đường tiểu.
- Uống ít nước.
- Suy giảm miễn dịch.
Các triệu chứng viêm đường tiết niệu thường gặp bao gồm:
- Tiểu nhiều lần, lắt nhắt trong ngày.
- Cảm giác buồn tiểu liên tục.
- Tiểu buốt, tiểu dắt, đau khi đi tiểu.
- Nước tiểu đục, có cặn hoặc thậm chí tiểu máu.
- Đau vùng hông, có thể lan dọc dọc xuống hạ vị và bộ phận sinh dục.
- Có thể sốt cao liên tục hoặc từng cơn.
Tuy nhiên, vẫn có những trường hợp vi khuẩn có mặt tại đường tiết niệu nhưng không gây bất kỳ triệu chứng nào và được gọi là viêm đường tiết niệu không triệu chứng.
Tiểu buốt, đau khi đi tiểu là dấu hiệu đặc trưng của viêm đường tiết niệu
Viêm đường tiết niệu có nguy hiểm không?
Viêm đường tiết niệu nếu không được điều trị đúng cách có thể dẫn đến các biến chứng nặng nề, thậm chí đe dọa tính mạng người bệnh. Một số biến chứng thường gặp bao gồm:
- Nhiễm khuẩn huyết là biến chứng cấp tính và nặng nề trong nhiễm khuẩn tiết niệu trên, cần được điều trị kịp thời.
- Nhiễm trùng đường tiết niệu tái diễn người bệnh thường xuyên bị viêm tiết niệu từ 2 lần trở lên trong 6 tháng hoặc trên 3 lần trong 1 năm.
- Sẹo thận gây tổn thương thận không phục hồi sau khi đã hết viêm.
- Hẹp niệu đạo ở nam sau nhiều đợt viêm đường tiết niệu.
Vi khuẩn gây viêm đài bể thận có thể xâm nhập vào máu gây nhiễm khuẩn huyết
2Viêm đường tiết niệu có tự khỏi không?
Viêm đường tiết niệu không thể tự khỏi mà cần phải điều trị bằng thuốc kháng sinh. Ngoài ra, trong quá trình dùng thuốc, người bệnh cũng cần thay đổi thói quen sinh hoạt để nhanh hết bệnh bao gồm:
- Uống nhiều nước.
- Giữ vệ sinh vùng kín.
- Tránh dùng các chất kích thích hoặc tẩy rửa mạnh cho vùng kín.
- Không nhịn tiểu.
Uống nhiều nước giúp tăng đào thải vi khuẩn qua nước tiểu
3Viêm đường tiết niệu có chữa được không?
Viêm đường tiết niệu nếu được phát hiện, chẩn đoán sớm sẽ có thể điều trị đơn giản và đem lại hiệu quả điều trị cao. Người bệnh sau điều trị sẽ khỏi bệnh hoàn toàn.
Ngược lại, những trường hợp chẩn đoán muộn khi bệnh tiến triển gây biến chứng nặng nề có thể gây đe dọa tính mạng người bệnh hoặc để lại di chứng tổn thương thận vĩnh viễn.
Viêm đường tiết niệu không biến chứng có thể điều trị khỏi hoàn toàn
4Phương pháp điều trị viêm đường tiết niệu
Tùy theo vị trí nhiễm trùng trên lâm sàng, mức độ và căn nguyên gây bệnh, bác sĩ sẽ quyết định lựa chọn biện pháp điều trị phù hợp.
- Đối với nhiễm trùng đơn giản các loại kháng thường được sử dụng có thể là: Trimethoprim và sulfamethoxazole, Augmentin, Cephalexin.
- Trong những trường hợp nhiễm trùng nặng hơn, thường dùng kháng sinh đường tĩnh mạch và phối hợp kháng sinh nếu cần. Một số nhóm kháng sinh có thể kể đến như: nhóm cephalosporins, nhóm Fluoroquinolones.
- Những trường hợp nặng có biến chứng nhiễm khuẩn huyết cần điều trị theo phác đồ phòng sốc nhiễm khuẩn.
- Những trường hợp bệnh tái diễn nhiều lần cần giải quyết yếu tố nguy cơ như sỏi tiết niệu, trào ngược bàng quang - niệu quản, hẹp bao quy đầu.
- Thông thường, các triệu chứng của viêm đường tiết niệu sẽ hết trong vòng vài ngày kể từ khi bắt đầu điều trị. Nhưng bạn vẫn phải dùng kháng sinh đủ liều và đủ ngày theo hướng dẫn của bác sĩ. [1]
Bác sĩ sẽ quyết định biện pháp điều trị theo mức độ bệnh
5Các phương pháp hỗ trợ điều trị viêm đường tiết niệu
Uống đủ nước
Uống đủ 1,5 - 2 lít nước mỗi ngày giúp bài tiết nước tiểu liên tục. Luồng nước tiểu di chuyển từ trên xuống dưới và bài xuất ra ngoài sẽ đào thải vi khuẩn khỏi hệ tiết niệu.
Đi tiểu khi có nhu cầu
Nhịn tiểu làm nước tiểu ứ đọng thời gian dài trong bàng quang, tạo điều kiện cho vi khuẩn ngược dòng lên gây viêm đường tiết niệu. Do đó, bạn nên đi tiểu ngay khi có cảm giác buồn tiểu.
Nhịn tiểu làm tăng nguy cơ bị viêm đường tiết niệu
Bổ sung Vitamin C
Vitamin C có vai trò quan trọng giúp hỗ trợ tăng cường hệ miễn dịch. Bổ sung thông qua các loại thực phẩm, hoa quả hoặc bằng chế phẩm bổ sung vitamin C giúp hỗ trợ chức năng miễn dịch toàn thân và tại đường tiết niệu.
Sử dụng men vi sinh
Men vi sinh là sản phẩm có chứa các lợi khuẩn đường ruột. Sử dụng men vi sinh hoặc các thực phẩm bổ sung lợi khuẩn như sữa chua, phô mai có tác dụng củng cố hàng rào bảo vệ niêm mạc của đường tiết niệu.
Vệ sinh vùng kín
Vi khuẩn gây bệnh thường xâm nhập từ bên ngoài di chuyển ngược dòng lên bàng quang thông qua lỗ niệu đạo. Do đó, việc đảm bảo vệ sinh vùng kín bằng dung dịch vệ sinh vừa để phòng bệnh vừa có tác dụng hỗ trợ nhanh khỏi bệnh và giảm nguy cơ tái phát.
Tuy nhiên, bạn cần chú ý không thụt rửa quá sâu hoặc thô bạo sẽ gây xây xước niêm mạc và tránh dùng xà phòng có tính tẩy mạnh vì làm thay đổi môi trường âm đạo.
Người bệnh cần vệ sinh vùng kín nhẹ nhàng, sạch sẽ hàng ngày
6Cách phòng ngừa viêm đường tiết niệu hiệu quả
Một số biện pháp phòng ngừa viêm đường tiết niệu hiệu quả bao gồm:
- Tắm và thay quần áo hằng ngày.
- Tắm vòi sen thay cho việc ngâm bồn.
- Đi tiểu sau mỗi lần quan hệ.
- Không nhịn tiểu.
- Uống đủ nước hằng ngày.
- Mặc đồ lót khô, sạch và thấm hút tốt.
- Hạn chế thụt rửa và bôi thuốc bột lên bộ phận sinh dục.
- Ăn nhiều rau xanh.[2]
Sử dụng vòi sen giúp hạn chế nguy cơ viêm đường tiết niệu hơn tắm bồn
7Khi nào cần gặp bác sĩ?
Dấu hiệu
Một số dấu hiệu bất thường về đường tiểu cần phải đi gặp bác sĩ bao gồm:
- Tiểu buốt, tiểu rắt.
- Tiểu lắt nhắt nhiều lần trong ngày.
- Nước tiểu đục, có cặn hoặc tiểu máu.
- Đau vùng hạ vị khi đi tiểu.
- Đau thắt lưng, lan dọc xuống bộ phận sinh dục.
Bạn cần đến gặp bác sĩ khi có dấu hiệu nghi ngờ viêm đường tiết niệu
Chẩn đoán
Khi có các dấu hiệu nghi ngờ bệnh, bác sĩ sẽ chỉ định thực hiện một số xét nghiệm như:
- Xét nghiệm nước tiểu.
- Siêu âm hệ tiết niệu.
- Soi, cấy nước tiểu tìm vi khuẩn.
- Các biện pháp chẩn đoán hình ảnh khác như nội soi bàng quang.
Xét nghiệm nước tiểu giúp chẩn đoán xác định viêm đường tiết niệu
Các bệnh viện chuyên khoa uy tín
Nếu có các dấu hiệu của viêm đường tiết niệu, bạn nên đến khám tại các bênhhj viện chuyên khoa Thận - tiết niệu, Nội. Hoặc abasy kỳ bệnh viện đa khoa nào tại địa phương để được thăm khám kịp thời.
Ngoài ra, có thể tham khảo một số bệnh viện lớn, uy tín dưới đây để được chẩn đoán và tư vấn điều trị phù hợp, tránh các biến chứng đáng tiếc xảy ra:
- Tại TP.Hồ Chí Minh: Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Nhân dân 115, Bệnh viện Đại học Y dược TP.Hồ Chí Minh.
- Tại Hà Nội: Bệnh viện Bạch mai, Bệnh viện Quân đội Trung ương 108, Bệnh viện Xanh-pôn.
Viêm đường tiết niệu là bệnh lý cần được chẩn đoán và điều trị sớm, hạn chế các biến chứng nguy hiểm. Hãy chia sẻ bài viết trên đến mọi người xung quanh bạn nhé!