Trạng thái buồn ngủ “díp mắt,” uể oải sau một bữa ăn no có thể do nhiều nguyên nhân.
“Hiện tượng mệt mỏi hay buồn ngủ sau bữa ăn, thường là tạm thời và có các dấu hiệu như mệt mỏi nhẹ và mất năng lượng” - Bác sỹ Y khoa Michael Green cho biết.
Sau đây là bảy nguyên nhân phổ biến gây ra hiện tượng này:
Ăn một bữa “quá no nê”
Trong quá trình tiêu hóa, một lượng máu được vận chuyển đến các cơ quan tiêu hóa để giúp phân hủy và hấp thụ thức ăn. Các bữa ăn “quá no nê” có thể dẫn đến sự sụt giảm tạm thời lượng oxy trong máu, khiến quá trình này kém hiệu quả. Từ đó, cơ thể cảm thấy uể oải và mệt mỏi.
Tryptophan trong thực phẩm
Tryptophan là một axit amin có trong các thực phẩm như thịt gà. Cơ thể sử dụng chất này để tạo ra hormone Melatonin và Serotonin.
Sự gia tăng Melatonin trong cơ thể là tác nhân trực tiếp dẫn tới cơn buồn ngủ, còn Serotonin cũng là một chất tham gia vào việc chuẩn bị cho giấc ngủ. Đây là lý do tại sao nhiều người liên tưởng đến thịt gà với cảm giác buồn ngủ, đặc biệt là sau bữa ăn thịnh soạn trong các dịp lễ, Tết.
Đường huyết cao
Tình trạng đường huyết trong máu cao thường gặp phải bởi những người mắc bệnh tiểu đường. Tăng đường huyết xảy ra khi có quá nhiều đường trong máu, khiến máu “khó tiếp cận” các tế bào. Điều này xảy ra khi cơ thể không sản xuất đủ insulin hoặc không sử dụng insulin hiệu quả như bình thường.
Ngoài ra, mặc dù không phổ biến nhưng những người không mắc bệnh tiểu đường cũng có thể bị lượng đường trong máu cao. Ăn quá nhiều có thể dẫn đến tình trạng này, kèm theo các triệu chứng như đau đầu, mệt mỏi và mất sức.
Uống rượu hoặc đồ uống có cồn
Rượu là chất ức chế hệ thần kinh trung ương, làm chậm hoạt động của não. Tác động của rượu đối với não bộ bao gồm cảm giác buồn ngủ, buồn nôn hoặc choáng váng. Uống rượu trong bữa ăn có thể làm tăng thêm những tác động này, từ đó làm nghiêm trọng hơn tình trạng mệt mỏi sau bữa ăn.
Ngủ không đủ giấc
Chester Wu, bác sỹ tâm thần và chuyên gia giấc ngủ, nói rằng: “Ngủ không đủ giấc hằng đêm khiến cơ thể không thể phục hồi và đây có thể là nguyên nhân dẫn đến tình trạng mất năng lượng sau bữa ăn.”
Ngoài ra, sự gián đoạn bất thường trong nhịp sinh học và chu kỳ ngủ-thức tự nhiên của cơ thể cũng có thể gây ra tình trạng mệt mỏi - bác sỹ Wu cho biết thêm.
Ít vận động
Khi bạn ít vận động, các cơ không được sử dụng có thể yếu đi và dễ khiến bạn cảm thấy mệt mỏi. "Lối sống ít vận động có thể làm giảm mức năng lượng tổng thể, khiến tình trạng mệt mỏi sau bữa ăn trở nên rõ rệt hơn" - theo Bác sỹ Wu.
Thiếu hụt chất dinh dưỡng
Một số chất dinh dưỡng, đặc biệt là Vitamin B, Vitamin C, Sắt, Magie và Kẽm cần thiết để sản xuất năng lượng. Sự thiếu hụt các chất dinh dưỡng này trong cơ thể cũng dẫn đến tình trạng mệt mỏi.
Đây là những thành phần rất cần thiết cho việc sản xuất năng lượng, bao gồm cả quá trình tiêu hóa. Sự thiếu hụt các chất dinh dưỡng này có thể cản trở khả năng tiêu hóa thức ăn của cơ thể. Do đó, những người bị thiếu hụt chất dinh dưỡng có thể cảm thấy mệt mỏi hơn sau khi ăn.
Cách để ngăn ngừa tình trạng mệt mỏi sau khi ăn
Bạn có thể áp dụng những lời khuyên sau đây để ngăn chặn tình trạng mệt mỏi sau khi ăn, từ đó cải thiện hiệu suất làm việc của mình:
- Lên lịch các bữa ăn đều đặn để điều chỉnh quá trình trao đổi chất và tránh tình trạng đường huyết trong máu tăng cao bất thường.
- Quản lý khẩu phần ăn và tránh ăn vặt hoặc ăn quá no.
- Kết hợp nhiều thực phẩm giàu vitamin và chất dinh dưỡng vào chế độ ăn uống của bạn, bao gồm trái cây, rau, protein và chất béo không bão hòa.
- Nên ăn protein và chất béo trước khi ăn tinh bột. Điều này giúp cân bằng lượng insulin trong máu, giúp bạn giảm bớt mệt mỏi sau khi ăn.
- Giảm thiểu tiêu thụ rượu và caffeine. Mặc dù rượu có thể mang lại cảm giác thư giãn tạm thời nhưng nó có thể làm trầm trọng thêm tình trạng mệt mỏi. Tương tự, caffeine, mặc dù ban đầu có tác dụng kích thích sự tỉnh táo nhưng cũng là nguyên nhân dẫn đến suy giảm năng lượng và gây mệt mỏi sau bữa ăn.
- Kết hợp hoạt động thể chất thường xuyên để tăng cường sức khỏe.
- Đặt mục tiêu ngủ từ bảy tiếng trở lên mỗi đêm.
- Quản lý tâm trạng, tránh căng thẳng thường xuyên. Bạn có thể thực hành thư giãn hằng ngày bằng cách thiền, tập yoga hoặc viết nhật ký./.