Tắc ruột là bệnh tiêu hóa khá phổ biến và là nguyên nhân hàng đầu khiến bệnh nhân phải mổ cấp cứu nếu không được phát hiện kịp thời. Bệnh có thể gặp do nhiều nguyên nhân khác nhau. Cùng tìm hiểu về bệnh tắc ruột qua bài viết dưới đây nhé!
1Tắc ruột là gì?
Tắc ruột là tình trạng dịch tiêu hóa, nước hoặc các chất thải bị ứ đọng lại trong ruột non hoặc đại tràng nên không thể di chuyển xuống dưới và đào thải ra ngoài. Tắc ruột nếu không được xử trí kịp thời có thể dẫn đến thủng ruột, viêm phúc mạc rất nguy hiểm.[1]
Do đó, tắc ruột là một trong những bệnh lý đòi hỏi được can thiệp sớm, thậm chí mổ cấp cứu để tái lưu thông đường tiêu hóa. Mọi lứa tuổi từ trẻ nhỏ đến người lớn đều có thể bị tắc ruột, đặc biệt là người cao tuổi.
Tắc ruột là tình trạng dịch tiêu hóa bị ứ đọng lại trong đường ruột và không được đào thải ra ngoài
2Nguyên nhân tắc ruột
Có rất nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến tắc ruột. Tuy nhiên, để thuận tiện cho việc chẩn đoán và điều trị, bác sĩ thường chia thành 2 nhóm chính:
Tắc ruột cơ năng
Tắc ruột cơ năng (hay liệt ruột) là tình trạng các cơ trơn đường tiêu hóa không thực hiện được nhu động ruột để vận chuyển thức ăn xuống phía dưới. Một số bệnh lý có thể dẫn đến hiện tượng này gồm:
- Chấn thương cột sống khiến mất phản xạ đường ruột.
- Viêm phúc mạc do thủng tạng rỗng (dạ dày, ruột non, đại tràng) hoặc viêm ruột thừa.
- Sau các phẫu thuật cần gây mê toàn thân.
- Mất nước hoặc rối loạn điện giải như hạ kali máu, hạ canxi máu…
Tắc ruột cơ học
Tắc ruột cơ học là tình trạng xuất hiện cản trở trong lòng đường ruột, thành ruột hoặc từ bên ngoài chèn ép khiến đường tiêu hóa không được lưu thông. Một số nguyên nhân phổ biến gây tắc ruột cơ học gồm:
- Bã thức ăn: thường gặp ở người cao tuổi, không còn đủ răng và thường xuyên dùng thức ăn giàu chất xơ như.
- Polyp đại tràng: các khối polyp có kích thước lớn có thể làm bít tắc lòng ruột gây cản trở việc di chuyển của thức ăn.
- Bệnh Crohn: do các tổn thương viêm nhiễm, phù nề xuất hiện rải rác tại ruột non và đại tràng dẫn đến giảm nhu động ruột cũng như ngăn cản và làm chậm tốc độ di chuyển của các chất trong đường tiêu hóa.
- Ung thư đại tràng, ung thư trực tràng: là bệnh lý ác tính, tiến triển từ từ nên thường được phát hiện ở giai đoạn muộn làm tăng nguy cơ tắc ruột.
- Lồng ruột: là bệnh lý phổ biến ở trẻ nhỏ do quai ruột phía dưới di chuyển lên và lồng vào quai ruột phía trên khiến dịch tiêu hóa bị ứ đọng.
- Thoát vị rốn hoặc thoát vị bẹn: một vài quai ruột có thể di chuyển qua các lỗ thoát vị ra ngoài ổ bụng và bị mắc kẹt lại khiến tắc nghẽn đường tiêu hóa, thậm chí hoại tử ruột, viêm phúc mạc.
- Tắc ruột do xơ, sẹo: thường gặp ở bệnh nhân có tiền sử phẫu thuật trong ổ bụng. Các dải xơ, sẹo hình thành trong quá trình hồi phục có thể chặn đứng, cản trở đường đi của thức ăn trong ruột.
- Tắc ruột do các khối u từ bên ngoài: các khối u trong ổ bụng có kích thước lớn có thể chèn ép, làm hẹp lòng ống tiêu hóa gây tắc ruột như u nang buồng trứng, u hạch lympho…
- Nguyên nhân khác: một số ít trường hợp sỏi mật, búi giun đũa kích thước lớn cũng có thể gây bít tắc đường tiêu hóa.
Ung thư đại tràng có thể là nguyên nhân dẫn đến tắc ruột
3Yếu tố nguy cơ tắc ruột
Bệnh tắc ruột có thể gặp ở bất cứ ai bởi nhiều nguyên nhân. Tuy nhiên, bạn sẽ có nguy cơ bị bệnh cao hơn nếu có những yếu tố sau:
- Người trên 60 tuổi, không có đủ răng khiến việc nghiền nát thức ăn bị ảnh hưởng.
- Tiền sử gia đình có bệnh Crohn, bệnh đa polyp di truyền.
- Đã từng làm phẫu thuật vùng bụng như mổ ruột thừa, buồng trứng…
- Bệnh nhân ung thư tại ổ bụng hoặc các cơ quan khác di căn đến ổ bụng.
4Triệu chứng tắc ruột
Tắc ruột có nhiều triệu chứng rất đa dạng với diễn biến khác nhau tùy theo vị trí bít tắc và nguyên nhân gây bệnh. Một số triệu chứng điển hình của bệnh gồm:[2]
- Đau bụng thành từng cơn từ quanh rốn, bụng dưới sau đó lan ra khắp bụng.
- Bụng chướng, đầy hơi, khó tiêu.
- Buồn nôn hoặc nôn mửa ra thức ăn, dịch tiêu hóa nếu tắc ruột cao, gần phía dạ dày.
- Không trung tiện và đại tiện được.
- Sờ thấy khối cứng trong ổ bụng.
- Nếu bệnh diễn biến kéo dài có thể xuất hiện các triệu chứng nặng như đau bụng âm ỉ, sốt cao trên 38.5 độ C, hơi thở hôi, rối loạn tri giác...
- Chán ăn, giảm cảm giác thèm ăn.
Đau bụng thành từng cơn là triệu chứng điển hình của bệnh tắc ruột
5Biến chứng nguy hiểm
Bệnh tắc ruột nếu không được phát hiện và xử trí kịp thời có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm, thậm chí đe dọa đến tính mạng như:
- Hoại tử ruột: do quai ruột không được cung cấp máu, chất dinh dưỡng cần thiết. Biến chứng này thường gặp trong các trường hợp quai ruột bị thắt nghẹt như lồng ruột, thoát vị dẫn đến chảy máu tiêu hóa, thủng ruột.
- Nhiễm trùng: khi các chất dịch tiêu hóa thông qua lỗ thủng ruột ra ngoài có thể gây viêm, kích thích phúc mạc và các cơ quan khác trong ổ bụng gây nhiễm trùng.
6Cách chẩn đoán
Việc phát hiện nguyên nhân gây tắc ruột là rất quan trọng trong chẩn đoán bệnh. Do đó, bác sĩ dựa vào nhiều phương pháp khác nhau:[3]
- Hỏi tiền sử bệnh, triệu chứng: bác sĩ cần biết về các cuộc phẫu thuật trong ổ bụng trước đây, tiền sử bệnh tiêu hóa trong gia đình. Ngoài ra, bệnh nhân cũng cần cho bác sĩ biết về diễn biến của các triệu chứng đau bụng, táo bón hoặc nôn mửa.
- Chụp X - quang: hình ảnh của phim X-quang bụng có thể giúp bác sĩ chẩn đoán được vị trí tắc ruột cũng như kịp thời phát hiện biến chứng thủng tạng rỗng ở bệnh nhân.
- Chụp cắt lớp vi tính ổ bụng (CT): đây là một kỹ thuật có giá trị cao trong chẩn đoán tắc ruột do có thể xác định được vị trí, nguyên nhân và biến chứng của bệnh.
- Siêu âm: thường được dùng để chẩn đoán bệnh lồng ruột ở trẻ em, các khối u chèn ép hoặc đánh giá mức độ tổn thương thành ống tiêu hóa.
7Khi nào cần gặp bác sĩ
Các dấu hiệu cần gặp bác sĩ
Để hạn chế các biến chứng nguy hiểm của bệnh tắc ruột, người bệnh cần đến gặp bác sĩ sớm nhất có thể khi xuất hiện các triệu chứng sau:
- Đau bụng dữ dội thành từng cơn kéo dài từ 3 - 5 phút.
- Nôn mửa ra hết thức ăn, nước uống.
- Bụng căng cứng, chướng hơi.
- Táo bón kéo dài.
Đau bụng, nôn mửa ra hết thức ăn là dấu hiệu cần đến gặp bác sĩ sớm
Nơi khám chữa tắc ruột
Nếu có những dấu hiệu nghi ngờ của bệnh tắc ruột, người bệnh cần đến các cơ sở y tế gần nhất, các phòng khám hay bệnh viện chuyên khoa Tiêu hoá, Nội hoặc các bệnh viện đa khoa tại địa phương để được thăm khám kịp thời.
Ngoài ra, có thể tham khảo một số bệnh viện lớn, uy tín dưới đây để được chẩn đoán và tư vấn điều trị phù hợp, tránh các biến chứng đáng tiếc xảy ra:
- Tp. Hồ Chí Minh: Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Nhân dân 115, Bệnh viện Đại học Y dược Tp. Hồ Chí Minh.
- Hà Nội: Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Quân đội Trung ương 108.
8Các phương pháp chữa bệnh tắc ruột
Tùy theo nguyên nhân và diễn biến của bệnh tắc ruột mà bác sĩ sẽ có những phương pháp xử trí và điều trị khác nhau đối với từng bệnh nhân. Một số phương pháp điều trị tắc ruột phổ biến gồm:[4]
- Sử dụng thuốc: bác sĩ có thể cho người bệnh sử dụng thuốc giảm đau hoặc thuốc nhuận tràng, thuốc giãn cơ nhằm giảm các triệu chứng khó chịu cũng như tránh biến chứng vỡ ruột.
- Theo dõi: thường áp dụng với những trường hợp tắc ruột không hoàn toàn. Bác sĩ sẽ theo dõi cường độ cơn đau, mức độ chướng bụng và sinh hiệu như nhiệt độ, huyết áp và nhịp thở để kịp thời phát hiện biến chứng.
- Dùng ống thông: bác sĩ có thể sử dụng một chiếc ống dài đưa từ miệng đến dạ dày và ruột non nhằm giảm bớt áp lực cho đường tiêu hóa.
- Phẫu thuật: các trường hợp tắc ruột hoàn toàn do khối u, thoát vị hoặc lồng ruột có thể sẽ cần phẫu thuật càng sớm càng tốt để tránh biến chứng nguy hiểm.
- Thụt để tháo lồng ruột: thường được chỉ định với bệnh nhân tắc ruột do xơ sẹo hoặc trẻ em bị lồng ruột. Bác sĩ có thể tiến hành thụt tháo bằng hơi hoặc các dung dịch đặc biệt.
9Cách chăm sóc bệnh nhân tắc ruột
Thường bệnh nhân tắc ruột sẽ nhịn ăn hoàn toàn, dinh dưỡng bằng đường tĩnh mạch cho đến khi giải quyết được tình trạng tắc ruột.
Việc xây dựng chế độ dinh dưỡng sau khi giải quyết tắc ruột phụ thuộc vào y lệnh của bác sĩ chuyên khoa.
10Phòng ngừa tắc ruột
Bệnh tắc ruột có thể được ngăn ngừa nếu bạn áp dụng một số biện pháp đơn giản sau:[5]
Thay đổi chế độ ăn
- Người lớn tuổi nên hạn chế ăn các thực phẩm nhiều chất xơ không tan như măng, củ đậu, ổi, lúa mì nguyên cám.
- Tăng cường bổ sung chất xơ hòa tan có trong cam, quýt, bưởi, bánh mì, gạo trắng…
- Nên ăn đồ ăn được nấu chín thay vì ăn nộm hoặc gỏi để tăng khả năng tiêu hóa của đường ruột.
- Nhai chậm và kỹ thức ăn trước khi nuốt.
- Uống nhiều nước hơn mỗi ngày.
Nên tăng cường ăn các thực phẩm chứa chất xơ hòa tan để ngăn ngừa bệnh
Phòng ngừa nguyên nhân
Ngoài việc xây dựng một chế độ ăn uống hợp lý, bạn cũng có thể ngăn ngừa các nguyên nhân dẫn đến bệnh tắc ruột bằng cách:
- Đi lại hoặc vận động nhẹ nhàng sau khi ăn no để kích thích, gia tăng nhu động ruột.
- Tập thể dục hàng ngày giúp cơ thể trở nên linh hoạt, giảm ứ đọng thức ăn.
- Tăng cường bổ sung các loại vitamin, chất khoáng và chất chống oxy hóa từ trái cây hoặc củ quả mềm.
- Thường xuyên ăn sữa chua hoặc uống men vi sinh giúp bổ sung lợi khuẩn đường ruột, hỗ trợ tiêu hóa.
- Thăm khám sức khỏe định kỳ và tầm soát các bệnh lý ung thư để kịp thời điều trị.
Tập thể dục hàng ngày có thể giúp cơ thể khỏe mạnh, hạn chế bệnh tắc ruột
Hy vọng bài viết trên đã giúp bạn có thêm những kiến thức bổ ích về nguyên nhân, triệu chứng và cách phòng ngừa bệnh tắc ruột. Hãy chia sẻ thông tin này đến với tất cả bạn bè và người thân của bạn nhé!