Theo sách sử ghi chép, Mỹ Tho xưa là 1 vùng đất mới, hoang vu. Đến năm 1679, một nhóm khoảng 3.000 người Hoa Minh Hương đến định cư ở vùng đất mới này.
Tổng binh Trần Thượng Xuyên chạy tới lưu vực sông Đồng Nai, còn Dương Ngạn Địch và phó tướng Huỳnh Tấn thì tới tả ngạn sông Bảo Định, khai hoang lập ấp, mở mang phố chợ, lập ra Mỹ Tho Đại phố ở làng Mỹ Chánh, huyện Kiến Hòa. Làng Đại phố này kéo dài đến Cầu Vĩ, Gò Cát, góp phần hình thành nên thành phố Mỹ Tho ngày nay.
Đến thế kỷ XII, Mỹ Tho trở thành 1 trong 2 trung tâm thương mại lớn nhất Nam Bộ lúc bấy giờ. Nếu Sài Gòn là trung tâm quân sự thời ấy thì Mỹ Tho là trung tâm thương mại.
Sự hưng thịnh của phố chợ Mỹ Tho cho thấy nền sản xuất nông nghiệp và hàng hóa địa phương ở thời điểm đó cũng có bước phát triển đáng kể, đặc biệt là trong lĩnh vực thương mại. Cũng chính từ đây mà Chợ Cũ Mỹ Tho đã ra đời.
Theo những người cao niên ở thành phố Mỹ Tho kể lại, Mỹ Tho xưa được chia làm 2 vùng rõ rệt: Vùng phía Đông Cầu Quay và vùng phía Tây Cầu Quay, lấy sông Bảo Định và Cầu Quay là ranh giới. Mọi giao thương, buôn bán đều tập trung ở phía Đông cầu Quay, nơi có Chợ Cũ, Bến phà và bến đò dùng để lên xuống, giao thương hàng hóa. Còn vùng phía Tây Cầu Quay lúc bấy giờ chỉ có nhà ga xe lửa và cầu tàu lục tỉnh mà thôi. Sau này, người Pháp mới cho xây dựng khu hành chánh từ Cầu Quay trở về hướng Tây.
Sách “Gia định Thành thông chí” mô tả, hàng ngày ghe thuyền từ khắp nơi tụ về đậu kính cả 1 khúc sông, trên bờ thì ngựa xe như nước, áo quần như nêm miêu tả sự phồn vinh tấp nập của Mỹ Tho xưa. Đến năm 1781, Triều đình cho dời Lụy Sở của Vinh Trấn Định từ thôn Tân Hiệp - huyện Châu Thành ngày nay về Mỹ Tho Đại phố, từ đó hình thành Trung tâm kinh tế, thương mại, chính trị Mỹ Tho bên bờ Bảo Định Giang này.
Ngày nay, dấu xưa của Mỹ Tho Đại Phố còn lại không nhiều và Chợ Cũ tọa lạc trên đường Học Lạc và đường Nguyễn Huỳnh Đức thuộc Phường 8, thành phố Mỹ Tho là 1 trong những chứng tích cuối cùng còn sót lại.
Ông Nguyễn Văn Vàng, dù năm nay đã 97 tuổi nhưng ông vẫn còn nhớ như in khung cảnh của Chợ Mỹ Tho ngày ấy: "Hồi trước Mỹ Tho nằm ở bia kia cầu Quây, mé bên bễnh mà. Còn mé bên đây là hành chánh. Bên kia là chợ, bởi mới kêu bằng Chợ cũ. Chợ cũ nó bán nông sản, sản phẩm của các xã ở trên chở xuống, nào là xoài,… ôi thôi đủ thứ. Nông sản là chính chứ còn sản phẩm công nghiệp thì không có đâu.
Thường thường ở Miền Nam này tất cả các chợ chính giữa là cái nhà Lồng. Mà đa số có cái nhà Lồng vậy chứ ít có người vô bán trong đó lắm. Trong nhà Lồng chỉ bán thức ăn như hủ tiếu, cà phê hay sạp vải, còn những nông sản thì họ bán ở ngoài, họ trải chiếu họ ngồi họ bán rồi hết ngày lại về. Bởi vì ở trong này thì phải mướn chỗ còn ở ngoài họ bán như vậy chỉ phải đóng tiền chợ mỗi ngày thôi".
Cũng theo các bậc tiền bối cao niên, tên “Chợ Cũ” mới có sau này - kể từ khi chợ Mỹ Tho mới được xây dựng.
Trước kia gọi bằng “Chợ Mỹ Tho”, “Chợ Phường 8”. Rồi sau này, khi nhu cầu giao thương tăng cao, chính quyền cho xây dựng thêm 1 ngôi chợ khác nằm phía tây sông Bảo Định, trên địa bàn Phường 1 thành phố Mỹ Tho - Chợ Mỹ Tho ngày nay. Từ đó tên gọi Chợ Cũ mới xuất hiện để phân biệt với Chợ Mỹ Tho mới xây sau này.
"Cái chợ Cũ ngày xưa có từ thời nào thì nếu tìm hiểu kỷ mới biết, nói chung là từ xa xưa. Rồi sau này bắt đầu xây dựng Chợ Mỹ Tho là chợ mới. Ở dưới hồi đó chỉ kêu là Chợ vậy thôi. Cho nên để phân biệt giữa chợ Cũ và chợ Mỹ Tho mới, dưới kia mới kêu là Chợ Cũ. Từ “Cũ” ý nói là cái chợ có trước. Ở Mỹ Tho có 2 chợ."
Dù đã trãi qua bao nhiêu thăng trầm dâu bể, dù đã bao lần thay đổi tên gọi nhưng tập tục mua bán ở Chợ Cũ xưa và nay vẫn không hề thay đổi. Vẫn là chiếc nhà lồng nằm chính giữa chợ, Bên trong nhà Lồng vẫn buôn bán các mặt hàng từ hàng ăn, thức uống, vải sợi, giầy dép, tạp khô, tạp hóa, thịt cá, tôm cua, gà vịt… dường như không thiếu món gì.
Còn đa số các mặt hàng nông sản của người dân địa phương vẫn được bày bán bên ngoài nhà Lồng chợ, dọc theo 2 bên đường Nguyễn Huỳnh Đức và Học Lạc.
Chợ Cũ Mỹ Tho hiện nay đã được tư nhân hóa và cũng được tái thiết lại khang trang hơn, sạch đẹp hơn. Tuy nhiên, nhằm để khai thác tối đa diện tích và công năng của chợ, các quầy sạp được thiết kế nhỏ hơn, lối đi cũng hẹp hơn xưa. Nếu trước kia, xe máy có thể chạy ra vào chợ thoải mái thì nay, các lối đi chỉ vừa đủ cho bộ hành. Sự bất tiện này cộng với tình trạng buôn bán tràn lang không theo quy hoạch dọc theo 2 bên đường xung quanh chợ đã khiến cho việc buôn bán bên trong nhà lồng trở nên ế ẩm hơn.
Chị Bùi Thị Ngọc Minh kinh doanh mặt hàng tạp khô gần 30 năm nay ở chợ cũ này, từ khi chợ chưa được tư nhân hóa. Theo chị Minh, từ khi Chợ được tư nhân xây cất lại, mặc dù khang trang sạch đẹp nhưng việc mua bán rất chậm. Ngày xưa, chị cũng bán mặt hàng này bắt đầu từ 4 sáng sáng đến tận 8 giờ tối mới nghỉ, còn ngày nay chỉ bán được buổi sáng, buổi chiều phải đóng cửa vì không có người mua:
"Em bán ngày xưa từ khi chợ còn ngoài cầu đường tới bây giờ, 30 năm rồi đó. Chợ này bây giờ nó được làm lại khang trang mà bán không bằng ngày xưa. Ngày xưa nó sụp xệ vậy mà buôn bán rất dễ dàng. Cũng bán sạp như vầy nhưng nó được rộng rãi hơn, đi tới đi lui cũng dễ. Như sạp của em giờ là không có lối ra vô luôn. Muốn ra vô em phải dỡ sạp này ra mới đi được.
Em bán từ 5 giờ sáng tới 1 giờ trưa. Ngày xưa là em bán từ 4 giờ sáng đến 8 giờ tối. Ngày xưa dễ bán hơn, bán đắc hơn. Hồi xưa cũng ngồi như vầy nhưng chiều xe chạy vô được nên mình bán được tới chiều. Còn bây giờ trong này chỉ bán buổi sáng thôi chứ buổi chiều là bên ngoài đó bán thôi chứ ở trong này là ngồi không. Sức mua bây giờ không có, người bán giời nhiều quá, ngày xưa người bán ít."
Trăn trở là vậy, nhưng chị Minh và các tiểu thương nơi này vẫn lạc quan, vẫn gắn bó với chợ cũ như ngày nào, bởi họ quan niệm rằng: Cuộc đời có lúc thăng, lúc trầm, buôn bán cũng có lúc đắc lúc ế. Ai cũng tin rằng những khó khăn rồi sẽ qua, tiểu thương lại ngày ngày “giữ lửa” để Mỹ Tho chợ cũ luôn là nơi mua bán sung túc, sầm uất và náo nhiệt nhất vùng đất phương nam.
Chiều qua chợ cũ Mỹ Tho, bâng khuâng với những dòng thơ của nhà thơ Học Lạc mà thấy yêu sao mảnh đất này:
Trên Sài Gòn, dưới Mỹ Tho,
Đâu đâu phong cảnh cũng nhường cho.
Lớn ròng chung rạch chia đôi ngả,
Cũ mới phân nhau cũng một đò.