Ở nước ta, bệnh thủy đậu xuất hiện nhiều vào cuối mùa xuân, bệnh được đánh giá lành tính nhưng nếu chủ quan không chăm sóc và điều trị đúng cách có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm. Vậy cách chữa bệnh thủy đậu nhanh nhất và an toàn tại nhà là gì? Hãy cùng VNVC tìm hiểu qua bài viết này.
BS Lê Thị Trúc Phương, Chuyên viên Y khoa Hệ thống Trung tâm tiêm chủng VNVC: “Thời tiết hiện nay thay đổi thất thường, độ ẩm cao làm gia tăng các trường hợp nhập viện do bệnh thủy đậu. Bệnh thủy đậu được cho là nhóm bệnh nhẹ nhưng vẫn có thể tiến triển nghiêm trọng nếu không được chăm sóc đúng cách và không tuân theo hướng dẫn của bác sĩ.”Tổng quan về bệnh thủy đậu (trái rạ)
Thủy đậu là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus varicella zoster gây ra, rất dễ lây lan từ người bệnh sang người khỏe mạnh thông qua tiếp xúc trực tiếp hoặc qua giọt bắn từ người bị nhiễm bệnh khi ho, hắt hơi. Bệnh cũng có thể lây gián tiếp qua các đồ vật mới bị dính giọt bắn hoặc chất lỏng từ mụn nước của người bị nhiễm bệnh.
Người lành có thể mắc bệnh thủy đậu trong vòng 10-21 ngày sau khi tiếp xúc với người bị nhiễm bệnh. Người bị nhiễm bệnh thường có khả năng lây nhiễm một hoặc hai ngày trước khi phát ban xuất hiện cho đến khoảng một tuần sau khi các nốt mụn nước ngừng hình thành và đóng vảy. Người bệnh sẽ phát ban đỏ khắp cơ thể, kèm theo triệu chứng mệt mỏi hoặc sốt. Các nốt ban đỏ nhanh chóng biến thành mụn nước chứa đầy dịch và cuối cùng đóng thành vảy, bong ra sau 1 đến 2 tuần.
Bệnh thuỷ đậu chủ yếu tấn công trẻ em nhưng nghiêm trọng ở người lớn và thanh thiếu niên, những đối tượng này có thể gặp các biến chứng nặng hơn.
Bệnh thủy đậu khi xâm nhập vào cơ thể có bốn giai đoạn: Ủ bệnh, khởi phát, toàn phát và hồi phục.
Ủ bệnh: Thời gian từ 2 đến 3 tuần. Tùy vào sức khỏe và miễn dịch của người nhiễm bệnh mà thời gian ủ bệnh có thể khác nhau.
Khởi phát: Người bệnh có các triệu chứng như mệt mỏi, nhức đầu, đau cơ, chán ăn, nôn ói, sốt nhẹ, đau họng,… Sau 1 - 2 ngày, da nổi mẩn đỏ ngứa ở nhiều vùng, một số người còn bị viêm họng, nổi hạch ở tai.
Toàn phát: Các mụn nước nhỏ nhanh chóng xuất hiện trong vòng 1 ngày, rồi biến thành các mụn nước tròn đường kính từ 1-3mm, bên trong có dịch trắng hoặc trắng đục, nếu không chăm sóc đúng cách có thể gây bội nhiễm, xuất hiện mủ tại nốt mụn nước. Mụn nước xuất hiện nhiều đợt ở các vùng da, đặc biệt ở mặt và thân thể, ít hơn ở tay chân. Người bệnh có thể có từ vài mụn nước đến hàng trăm mụn nước trên khắp cơ thể.
Ban thủy đậu thường xuất hiện có màu hồng hoặc đỏ sau 24h sẽ thành mụn nước nhỏ chứa đầy chất lỏng nổi lên nhanh sau 1-2 ngày sẽ vỡ và chảy dịch. Trong dịch có nhiều virus và rất dễ lây bệnh cho người khác qua tiếp xúc gián tiếp như: dùng chung đồ dùng cá nhân, đồ vật của người mắc bệnh,… Bệnh thường nhẹ ở người có sức đề kháng khỏe mạnh, nhưng đôi khi vết phát ban có thể nhiều và phủ kín cơ thể, tổn thương có thể ở mắt, niêm mạc, hậu môn, âm đạo,…
Hồi phục: Bệnh thường kéo dài từ 1 đến 2 tuần, sau đó vết thương sẽ đóng vảy và lành từ 1 đến 3 tuần tiếp theo. Nếu không có biến chứng nguy hiểm thì các mụn nước sẽ khô và lành. Nếu người bệnh bị nhiễm trùng thì các mụn nước sẽ để lại sẹo lõm mãi mãi.
Các biến chứng liên quan đến bệnh thủy đậu rất hiếm nhưng ở trong một số trường hợp nghiêm trọng có thể dẫn đến tử vong. Người lớn khi mắc thủy đậu thường dễ xuất hiện nhiều biến chứng hơn so với trẻ nhỏ. Biến chứng ở người lớn thường gặp nhất là:
- Nhiễm trùng da
- Viêm tai ngoài, viêm tai giữa, viêm thanh quản, viêm phổi…, thậm chí gặp biến chứng viêm thận cấp nguy hiểm đến sức khỏe.
- Có khả năng gây nguy hiểm đến tính mạng của bệnh nhân khi gặp biến chứng viêm não hoặc viêm màng não.
- Nếu mắc thủy đậu ở 3 tháng đầu thai kỳ, sẽ có nguy cơ gây sảy thai hoặc gây thủy đậu bẩm sinh dẫn đến các dị tật như bại não, đầu nhỏ, tay chân co gồng…
Bên cạnh đó, các biến chứng bệnh thủy đậu ở trẻ em cũng nguy hiểm không kém người lớn nếu không phát hiện kịp thời và có biện pháp điều trị đúng sẽ gây ra các biến chứng:
- Nhiễm trùng da ở mụn nước có thể để lại sẹo, vết sẹo có thể khiến trẻ cảm thấy tự ti khi trưởng thành.
- Nhiễm trùng máu.
- Một số biến chứng nguy hiểm như viêm phổi, viêm não, viêm màng não, viêm tiểu não…
- Zona thần kinh: Sau khi trẻ em được chữa khỏi bệnh, virus thủy đậu vẫn có thể ngủ đông tồn tại sâu trong các hạch thần kinh. Chúng có thể tái hoạt động khi gặp điều kiện thuận lợi, gây bệnh zona sau 10, 20 thậm chí suốt đời,….
Nâng cao ý thức phòng bệnh thủy đậu bằng vắc xin
Cách phòng bệnh thủy đậu hiệu quả và tốt nhất hiện nay là tiêm vắc xin cho trẻ em từ 9 tháng tuổi trở lên. Tiêm phòng vắc xin giúp ngăn ngừa bệnh thủy đậu một cách hiệu quả và bền vững. Vắc xin thủy đậu hiện nay đều được chứng minh an toàn và có hiệu quả cao. Nếu đã tiêm đủ liều, khả năng mắc bệnh rất thấp, nếu có mắc thì các triệu chứng cũng sẽ nhẹ hơn rất nhiều.
Ngoài ra, người khỏe mạnh cũng nên tránh tiếp xúc với người bệnh để không bị lây nhiễm, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, vệ sinh mũi họng mỗi ngày bằng nước muối, dùng riêng đồ dùng cá nhân, vệ sinh sạch sẽ nhà cửa, đồ vật sinh hoạt,…. bằng các chất diệt khuẩn.
Những điểm giống và khác nhau khi điều trị bệnh trái rạ ở người lớn và trẻ em
Cách điều trị bệnh trái rạ ở người lớn và trẻ em có một số điểm giống và khác nhau như:
Điểm giống: Hiện nay bệnh thuỷ đậu không có thuốc điều trị đặc hiệu, việc điều trị bệnh thủy đậu chủ yếu là giảm các triệu chứng và ngăn chặn sự phát tán của bệnh. Việc điều trị thường bao gồm nghỉ ngơi trong không gian thoáng khí, cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng uống nhiều nước, dùng thuốc hạ sốt và giữ vệ sinh cá nhân, môi trường sống, đặc biệt tránh tiếp xúc với người khác.
Điểm khác biệt: Bệnh thủy đậu ở người lớn và trẻ em có một số điểm khác nhau về tính nghiêm trọng của bệnh, hệ miễn dịch và sử dụng thuốc điều trị. Cụ thể là:
- Tính nghiêm trọng của bệnh: Bệnh trái rạ ở người lớn thường nặng hơn so với trẻ em, vì người lớn có thể có các bệnh lý nền khác như tiểu đường, tim mạch, hô hấp hoặc miễn dịch suy yếu (phụ nữ có thai và người lớn tuổi) thêm yếu tố chủ quan, lơ là phòng bệnh nên nguy cơ biến chứng nặng như viêm phổi, viêm não, viêm khớp hoặc suy hô hấp là rất cao. Ngược lại, trẻ em thường phục hồi nhanh hơn và ít bị biến chứng hơn.
- Hệ miễn dịch: Hệ miễn dịch của người lớn và trẻ em cũng có sự khác biệt khi đối mặt với virus gây bệnh thủy đậu. Người lớn có thể đã tiếp xúc với virus trước đó và đã hình thành kháng thể bảo vệ cơ thể, trong khi trẻ em chưa có kháng thể nên dễ bị nhiễm bệnh hơn. Tuy nhiên, người lớn cũng có thể mất/giảm dần kháng thể theo thời gian hoặc do sử dụng thuốc ức chế miễn dịch, chính vì vậy trẻ em hay người lớn cũng cần tiêm phòng vắc xin thủy đậu đầy đủ để có kháng thể chống lại khi virus thủy đậu nếu bị tấn công.
- Sử dụng thuốc điều trị: Người lớn và trẻ em cũng có thể cần sử dụng các loại thuốc khác nhau để điều trị bệnh thủy đậu. Người lớn có thể dùng thuốc kháng sinh để ngăn ngừa nhiễm trùng thứ phát, trong khi trẻ em thì không nên dùng kháng sinh. Ngoài ra, người lớn cũng có thể dùng thuốc chống viêm như Acyclovir, Famciclovir hoặc Acyclovir để giảm đau và sưng, trong khi trẻ em thì nên dùng Paracetamol, Ibuprofen hoặc Histamin để tránh gây ra biến chứng nguy hiểm có thể ảnh hưởng đến gan và não.
⇒ Bạn có thể xem chi tiết:
- 8 cách chữa thủy đậu ở người lớn nhanh nhất và an toàn.
- 8 cách chữa bệnh thủy đậu ở trẻ em nhanh khỏi và an toàn.
Hướng dẫn cách chữa bệnh thủy đậu nhanh nhất
Để chữa bệnh thủy đậu nhanh nhất, mọi người cần thực hiện những phương pháp được khuyến nghị sau:
1. Cần phát hiện sớm và điều trị sớm
Cần chú ý đến các dấu hiệu của bệnh thủy đậu, như sốt, đau đầu, mệt mỏi, nổi mụn nước và ngứa rát. Nếu có dấu hiệu bản thân bị thủy đậu, nên đi đến cơ sở y tế gần nhất để xác định chính xác và được tư vấn cách điều trị phù hợp. Điều trị sớm sẽ giúp người bệnh giảm các triệu chứng, ngăn ngừa biến chứng avf hạn chế lây nhiễm cho người khác.
2. Dùng thuốc kháng virus Acyclovir theo toa của bác sĩ
Bác sĩ có thể kê đơn thuốc kháng virus Acyclovir để ngăn chặn sự gia tăng của virus Varicella Zoster trong cơ thể. Công dụng của thuốc Acyclovir là làm thuyên giảm tình trạng nhiễm trùng, từ đó giúp rút ngắn thời gian bệnh, giảm số lượng mụn nước và giảm nguy cơ biến chứng. Vì thế cần uống thuốc theo đúng liều lượng và thời gian mà bác sĩ chỉ định. [1]
3. Uống thuốc giảm đau không kê đơn
Người mắc bệnh thủy đậu có thể uống các loại thuốc giảm đau không kê đơn, như Paracetamol hoặc Ibuprofen, thuốc có tác dụng để giảm sốt, đau đầu và đau cơ. Tuy nhiên, cần lưu ý không dùng thuốc có chứa Aspirin cho trẻ em, vì có thể gây ra biến chứng nguy hiểm có thể ảnh hưởng đến gan và não của trẻ.
4. Tắm với bột yến mạch hoặc baking soda
Bệnh thủy đậu không nên kiêng nước, ngược lại khi mắc bệnh cần giữ cơ thể sạch sẽ bằng cách tắm với nước ấm pha với bột yến mạch hoặc baking soda để làm dịu da, giảm ngứa và giảm viêm. Nên tắm ít nhất một lần mỗi ngày, và lau khô nhẹ nhàng bằng khăn mềm, không nên tắm với nước quá nóng hoặc quá lạnh, vì có thể làm tổn thương da và kích thích ngứa.
⇒ Bạn có thể xem giải đáp chi tiết hơn tại bài viết: Bị thủy đậu có được tắm không? Kiêng nước có giúp bệnh nhanh khỏi?
5. Không nên gãi
Người bệnh thủy đậu thường rất ngứa ngáy và khó chịu ở các vùng có mụn nước, nhưng theo chỉ định của các chuyên gia y tế không nên gãi các nốt mụn nước, giúp làm giảm nguy cơ nhiễm trùng da. Khi tác động gãi lên các nốt mụn có thể làm rách da, gây nhiễm trùng, để lại sẹo và làm kéo dài thời gian bệnh. Để ngăn ngừa nhiễm trùng da người bệnh có thể cắt ngắn móng tay hoặc đeo găng tay. Cần đặc biệt lưu ý nên giữ cho da sạch sẽ, khô ráo, thay đồ ngủ và áo quần thường xuyên.
6. Chườm mát để giảm cảm giác ngứa
Có thể chườm mát bằng cách dùng khăn ướt lạnh đặt lên vùng da bị đau hoặc ngứa. Điều này sẽ giúp giảm cảm giác ngứa, giảm sưng và giảm viêm. Nên chườm mát trong khoảng 10-15 phút mỗi lần và không nên để đá lạnh tiếp xúc trực tiếp với da hoặc làm vỡ các nốt mụn nước.
7. Thoa kem dưỡng da Calamine
Thoa kem dưỡng da Calamine (là loại thuốc được sử dụng để điều trị các dạng ngứa nhẹ ngoài da) lên các nốt mụn nước để làm mát da, giảm ngứa và bảo vệ da. Nên thoa kem một lớp mỏng, đều và không nên thoa quá nhiều hoặc quá dày, vì có thể làm tắc nghẽn lỗ chân lông và gây kích ứng da.
8. Uống đủ nước
Uống đủ nước để duy trì sự cân bằng nước, cơ thể sẽ được thanh nhiệt và tăng cường sức đề kháng… Người bệnh nên uống ít nhất 8-10 cốc nước mỗi ngày, và có thể uống thêm các loại nước ép trái cây, nước dừa hoặc nước lọc để bổ sung vitamin và khoáng chất.
9. Bổ sung đầy đủ dinh dưỡng làm tăng đề kháng
Người bệnh cần ăn uống đầy đủ dinh dưỡng để tăng cường hệ miễn dịch và hỗ trợ quá trình phục hồi. Bạn nên ăn nhiều rau xanh, trái cây, ngũ cốc, đậu, hạt, thịt nạc, cá và sữa. Bên cạnh đó, nên tránh ăn các thực phẩm cay, mặn, chua, ngọt, chiên, rán, nướng hoặc khó tiêu, vì có thể kích thích ngứa và gây khó chịu cho dạ dày.
10. Nên kiêng khem nghiêm ngặt để nhanh khỏi
Người bệnh thủy đậu cần kiêng khem nghiêm ngặt từ chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt,… để nhanh khỏi bệnh thủy đậu và không lây nhiễm cho người khác.
- Nên cung cấp cho cơ thể thực phẩm lành tính, thức ăn dưới dạng lỏng và dễ tiêu hóa như cháo đậu xanh, cháo gạo lứt, măng tây, chuối, đậu xanh, khoai tây, đậu đỏ, cà rốt,… hoặc các loại rau như rau ngót, rau sam, cải thảo.
- Không nên ăn các loại gia vị cay nóng như: tỏi, gừng, ớt, hạt tiêu, mù tạt,… và các loại thịt như thịt chó, thịt dê, các loại gia cầm và hải sản.
- Không nên các loại trái cây: nhãn, mận, xoài, mít,…
- Đặc biệt người mắc bệnh thủy đậu cần kiêng với các món ăn có gia vị nhục quế
- Không nên đến chỗ đông người, hạn chế tiếp xúc với gió trời,…
⇒ Xem thêm: Bệnh thủy đậu nên kiêng gì để bệnh nhanh khỏi
Đến ngay bác sĩ khi bệnh không thuyên giảm và có các dấu hiệu nặng
Nên đến ngay bác sĩ nếu các triệu chứng của bệnh thủy đậu có dấu hiệu tiến triển nặng, để đảm bảo rằng bệnh được chẩn đoán chính xác.
- Sốt cao kéo dài
- Chảy mủ, người đỏ
- Rối loạn hành vi, giấc ngủ
- Đi lại khó khăn
- Vùng cổ bị cứng
- Nôn ói thường xuyên
- Khó thở
- Ho nặng
- Đau bụng nặng
- Phát ban xuất huyết
⇒ Xem cụ thể hơn: Dấu hiệu và biến chứng của thủy đậu nặng, phòng ngừa như thế nào?
Chăm sóc người bệnh thủy đậu như thế nào để an toàn?
Thủy đậu là bệnh truyền nhiễm do virus gây ra, có thể lây lan qua đường hô hấp hoặc tiếp xúc với dịch từ các nốt phỏng nước trên da của người bệnh. Để phòng ngừa và điều trị bệnh, nên thực hiện những biện pháp sau đây để chăm sóc người bệnh thủy đậu an toàn và hiệu quả:
- Cách ly người bệnh với những người khác trong gia đình, đặc biệt là những người chưa từng mắc bệnh hoặc chưa tiêm phòng.
- Giữ cho không gian sống của người bệnh thoáng mát, sạch sẽ, có ánh sáng tự nhiên. Không để người bệnh tiếp xúc với ánh nắng trực tiếp, nhiệt độ quá cao hoặc quá thấp.
- Cho người bệnh dùng đồ dùng cá nhân riêng biệt, như khăn mặt, chén, bát, đũa, ly, muỗng…
- Cho người bệnh uống nhiều nước, ăn các thức ăn giàu vitamin C, như nước cam, chanh, dâu tây… Ăn các thức ăn mềm, lỏng, dễ tiêu, tránh các thức ăn cay, mặn, chua, nóng, cứng.
- Vệ sinh mũi họng cho người bệnh bằng nước muối sinh lý 0,9% hai lần mỗi ngày. Tắm rửa hàng ngày bằng nước ấm, sử dụng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn nhẹ. Mặc quần áo bằng vải mềm, thấm hút mồ hôi, rộng rãi, thoải mái.
- Nếu người bệnh là trẻ em, cần cắt ngắn móng tay, giữ cho tay sạch sẽ, có thể dùng bao tay để ngăn trẻ gãi các nốt mụn nước. Nếu các nốt mụn nước bị vỡ, có thể dùng dung dịch xanh methylen chấm lên để khử khùng và nhanh khô. Nếu có biểu hiện sốt cao, đau nhức, có thể dùng các thuốc hạ sốt, giảm đau theo chỉ dẫn của bác sĩ. Nếu có dấu hiệu nhiễm khuẩn da, như nốt rạ có mủ, đỏ da quanh nốt, có thể dùng kháng sinh theo chỉ định của bác sĩ.
- Nếu người bệnh có triệu chứng nặng, như khó chịu, mệt mỏi, co giật, hôn mê, xuất huyết da, cần đưa đến bệnh viện ngay để được khám và điều trị kịp thời.
⇒ Hãy xem thêm về Cách vệ sinh khi bị thủy đậu cho trẻ em và người lớn an toàn.
Bệnh trái rạ điều trị bao lâu thì khỏi hẳn?
Tùy vào thể trạng và hệ miễn dịch mà bệnh sẽ mất từ 7 đến 21 ngày khi các triệu chứng cụ thể của bệnh thủy đậu tiến triển. Để bệnh hoàn toàn khỏi hẳn sẽ mất thêm khoảng 7 - 10 ngày từ giai đoạn toàn phát. Tuy nhiên, với những người có hệ miễn dịch yếu, bệnh thủy đậu cũng có thể kéo dài từ 2 - 3 tuần mới khỏi hẳn.
Thời gian ủ bệnh của thủy đậu là từ 7 đến 21 ngày, tức là từ khi tiếp xúc với người bệnh đến khi xuất hiện những triệu chứng đầu tiên, thường là sốt nhẹ và đau nhức cơ bắp.
Sau đó, trong vòng 1 - 2 ngày, người bệnh sẽ phát ban trên da, bắt đầu từ mặt, cổ, ngực, rồi lan dần xuống cánh tay, chân và bụng. Các nốt ban có hình dạng như những giọt nước, đỏ và ngứa. Các nốt ban sẽ xuất hiện theo từng đợt, mỗi đợt cách nhau khoảng 3 - 4 ngày, và có thể lên đến hàng trăm nốt trên cơ thể.
Khoảng 3 - 4 ngày sau khi xuất hiện, các nốt ban sẽ vỡ, khô và đóng vảy. Đây là giai đoạn toàn phát của bệnh, cũng là giai đoạn nguy hiểm nhất vì có thể lây nhiễm cho những người xung quanh.
Từ giai đoạn toàn phát đến khi khỏi bệnh hoàn toàn, người bệnh sẽ mất thêm khoảng 7 - 10 ngày, tùy thuộc vào thể trạng và sức đề kháng của mỗi người. Trong thời gian này, người bệnh cần cách ly, vệ sinh và chăm sóc cẩn thận để tránh biến chứng và nhiễm khuẩn thứ phát.
Đối với những người có hệ miễn dịch yếu như trẻ em, người già, người bệnh mạn tính và phụ nữ mang thai, thủy đậu có thể gây ra những biến chứng nghiêm trọng, như viêm phổi, viêm não, viêm gan, xuất huyết…. và có thể kéo dài từ 2-3 tuần mới hồi phục hoàn toàn.
⇒ Xem thêm: 10 cách trị thủy đậu tại nhà giúp nhanh khỏi.
Bị thủy đậu rồi có bị lại không?
Thủy đậu là bệnh truyền nhiễm nhưng sau khi khỏi bệnh người bệnh thường có miễn dịch vĩnh viễn, do hệ miễn dịch tạo ra được lượng kháng thể đủ để chống lại virus. Do đó, rất hiếm khi người bệnh bị mắc lại thủy đậu lần thứ hai. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, virus varicella zoster vốn đã tồn tại trong cơ thể người mắc thuỷ đậu có thể gây ra một bệnh khác là bệnh Zona, hay còn gọi là bệnh giời leo.
Bệnh Zona gây đau đớn dai dẳng với triệu chứng là xuất hiện các nốt mụn nước trên một vùng da nhất định, thường xảy ra ở những người có hệ miễn dịch suy yếu, như người già, người bệnh mạn tính, người dùng thuốc ức chế miễn dịch, phụ nữ mang thai… Bệnh Zona có thể gây ra những biến chứng nghiêm trọng, như viêm não, viêm màng não, viêm mắt, suy giảm thị lực… Người bệnh Zona cũng có thể lây nhiễm cho những người chưa từng mắc thủy đậu.
⇒ Hãy tìm hiểu chi tiết vấn đề này với bài viết Bị thủy đậu rồi có bị lại không? Tiết lộ nguy cơ mắc bệnh tiềm ẩn.
Làm sao để không bị sẹo do các nốt thủy đậu?
Sẹo khi bị thủy đậu là một hậu quả không mong muốn của bệnh thủy đậu. Bệnh thủy đậu gây ra các nốt mụn nước ở nhiều bộ phận trên cơ thể, như mặt, chân, tay, lưng, ngực… Khi bị bệnh, da sẽ rát, ngứa, sau đó các nốt mụn nước sẽ khô, bong vảy và để lại các vết thâm.
Bệnh thủy đậu có thể gây ra các tổn thương da nghiêm trọng, khi các nốt mụn nước vỡ, da sẽ bị tăng sắc tố dẫn đến tình trạng thâm sau khi các nốt mụn nước bị viêm do nhiễm khuẩn.
Với trẻ dưới 15 tuổi, da có khả năng phục hồi tốt, nên sẹo thủy đậu rất hiếm gặp, ngay cả khi mụn nước bị vỡ và vết thâm do mụn nước để lại có thể tự biến mất sau vài tháng mà không cần điều trị. Tuy nhiên, với người trên 15 tuổi, da phục hồi chậm hơn, các mụn nước nếu không được chăm sóc đúng cách thì rất dễ bị bội nhiễm và tạo sẹo thâm, sẹo lồi, sẹo lõm,… Sẹo do bệnh thủy đậu gây ra trên da mặt khiến người bị bệnh cảm thấy xấu hổ, tự ti sau khi khỏi bệnh hẳn.
Điều quan trọng trong cách trị thủy đậu là vệ sinh da sạch sẽ. Điều này giúp hạn chế tình trạng ngứa và nhiễm trùng trên da, tuy nhiên trạng thái này sẽ giảm hẳn khi các nốt mụn nước khô dần.
Đối với nốt thủy đậu bị vỡ, lời khuyên của bác sĩ là người bệnh có thể sử dụng các loại thuốc sát trùng nhẹ để thoa. Các loại thuốc này sẽ sử dụng theo chỉ định của bác sĩ cụ thể tùy theo tình trạng của bệnh nhân, không tự ý mua thuốc uống hoặc thoa để điều trị tại nhà. Ở giai đoạn này, người bệnh không sử dụng các phương pháp điều trị sẹo khi tổn thương da chưa lành hẳn, chỉ điều trị sẹo thủy đậu khi các vết thương đã bong vảy và lên da non.
Người bị bệnh thủy đậu sau khi khỏi bệnh mà không để lại sẹo, cần tránh ánh nắng trực tiếp trên da bằng cách sử dụng kem chống nắng, áo chống nắng, khẩu trang, mũ và giữ gìn vệ sinh thân.
⇒ Bạn có thể xem thêm: Cách điều trị sẹo thủy đậu hiệu quả.
Nên đến đâu để chẩn đoán và điều trị thủy đậu?
Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh là một địa chỉ tin cậy, chất lượng và uy tín trong việc khám và điều trị tất cả các bệnh lý, trong đó có bệnh thủy đậu ở trẻ em. Tại đây, có đội ngũ chuyên gia và bác sĩ giỏi, giàu kinh nghiệm, sử dụng trang thiết bị hiện đại và tiên tiến, áp dụng các phương pháp điều trị khoa học và hiệu quả, mang đến cho bệnh nhân dịch vụ y tế cao cấp và chất lượng.
Người mắc thủy đậu sẽ được chăm sóc và điều trị bởi các chuyên gia tại khoa Da liễu. Sau khi tiến hành chẩn đoán, các bác sĩ sẽ lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp với từng trường hợp. Thông thường, người bệnh thủy đậu, các bác sĩ sẽ kê đơn thuốc bôi ngoài để giúp làm khô và ngăn ngừa sự lây lan của các nốt phỏng nước. Các bác sĩ cũng sẽ hướng dẫn cách làm vệ sinh da bị tổn thương đúng cách để tránh nhiễm khuẩn và biến chứng.
Ngoài ra, đối với các trường hợp bệnh có biểu hiện nặng khi mắc thủy đậu, các bác sĩ sẽ kê đơn thuốc uống để giảm sốt, đau nhức và ngăn chặn virus.
Chi phí điều trị thủy đậu là bao nhiêu?
Tại bệnh viện Đa khoa Tâm Anh người bệnh sẽ được bác sĩ thực hiện một số xét nghiệm và kiểm tra để xác định nguyên nhân, mức độ và biến chứng của bệnh, bao gồm: xét nghiệm máu, xét nghiệm PCR, hoặc chụp X-quang… nhằm xác định nguyên nhân cụ thể gây bệnh, mức độ tổn thương và có biến chứng thủy đậu hay không.
Dựa vào kết quả các xét nghiệm và kiểm tra, khi xác định đã mắc thủy đậu, bác sĩ sẽ xây dựng phác đồ điều trị và cung cấp hướng dẫn. Chi phí điều trị bệnh thủy đậu phụ thuộc vào tình trạng bệnh lý và diễn biến bệnh của mỗi người bệnh. Bảng giá dịch vụ thăm khám bệnh tại Khoa Da liễu - Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM cho người mắc bệnh thủy đậu là như sau:
STT Dịch vụ Giá/lần (VND) 1 Khám da liễu 160.000 2 Chụp X-quang xương ức thẳng 250.000 3 Xét nghiệm PCR 1.220.000 4 Xét nghiệm máu, định lượng IgE 350.000Bảng giá dịch vụ này áp dụng tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM. Tuy nhiên, bảng giá có thể thay đổi theo thời gian, vì vậy để biết thêm thông tin chi tiết, Quý khách hàng vui lòng liên hệ qua số hotline 024 3872 3872 - 0247 106 6858 (làm việc từ 7h30 - 16h30) để được tư vấn chi tiết.
Lưu ý, bảng giá dịch vụ chỉ mang tính chất tham khảo và Quý khách hàng nên liên hệ trực tiếp với bệnh viện để được tư vấn về chi phí cụ thể vào thời điểm sử dụng dịch vụ.
Để biết thêm thông tin về cách chăm sóc và các vấn đề sức khỏe khác của trẻ, Quý khách hàng có thể liên hệ với Khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh qua địa chỉ sau:
HỆ THỐNG BỆNH VIỆN ĐA KHOA TÂM ANH
Hà Nội:
- 108 Hoàng Như Tiếp, P.Bồ Đề, Q.Long Biên, TP.Hà Nội
- Hotline: 024 3872 3872 - 024 7106 6858
TP.HCM:
- 2B Phổ Quang, P.2, Q.Tân Bình, TP.Hồ Chí Minh
- Hotline: 093 180 6858 - 0287 102 6789
Fanpage: https://www.facebook.com/benhvientamanh
Website: https://tamanhhospital.vn
Nhìn chung, các triệu chứng của người bệnh thủy đậu như sốt cao khi bị thủy đậu, nổi mụn nước… hoàn toàn có thể điều trị bằng thuốc tại nhà. Bệnh thủy đậu tuy không nguy hiểm nhưng dễ lây lan và gây mất thẩm mỹ. Do đó, người bệnh và những người thân trong gia đình cần hiểu đúng và lựa chọn cách chữa bệnh thủy đậu phù hợp và an toàn nhất giúp cho người bệnh nhanh chóng kiểm soát được diễn biến của bệnh và hạn chế các di chứng sau này.