Chùa Vạn Đức là một công trình có lối kiến trúc độc đáo, giàu tính nghệ thuật từ không gian bố cục, phong cách kiến trúc đến trang trí nội thất, là một trong những ngôi chùa danh tiếng được sách Đại Nam Nhất Thống Chí nhắc đến như là một danh lam thắng cảnh của Hội An - Quảng Nam.
Chùa Vạn Đức nằm ở đâu?
Chùa Vạn Đức tọa lạc tại thôn Đồng Nà, xã Cẩm Hà, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam. Chùa Vạn Đức là một trong những ngôi chùa cổ thuộc thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh tại Hội An.
Chùa Vạn Đức do ai sáng lập?
Tổ khai sơn chùa Vạn Đức là Thiền sư Minh Lượng, hiệu là Nguyệt Ân, tự Thành Đẳng sinh năm Bính Dần (1626) tại Triều Châu, Quảng Đông, Trung Quốc. Vào nửa cuối thế kỷ XVII, thiền sư sang Việt Nam tham dự giới đàn trong tại chùa Thiền Lâm - Thuận Hóa. Sau đó, thiền sư vào cư ngụ tại Hội An, được một Phật tử hiến cúng khu đất tại thôn Đồng Nà, xã Thanh Hà, huyện Diên Phước, phủ Điện Bàn (nay là xã Cẩm Hà, thành phố Hội An) nên thiền sư lập một thảo am nhỏ để tu hành, và dần dần xây dựng thành một ngôi chùa có quy mô lớn lấy tên là Lang Thọ tự, chùa cây Cau sau đổi tên thành chùa Vạn Đức. Tại đây, thiền sư chuyên tâm thiền định, giảng giải Phật pháp cho các môn đồ, thiền sư đã đào tạo nhiều đệ tử có cống hiến cho Phật giáo Quảng Nam như Phật Tuyết - Tường Quang, Phật Hiền - Hoa Nghiêm, Phật Tường - Đức Liên… Chùa trải qua nhiều lần trùng tu, đặc biệt là lần trùng tu vào năm 1991 và giữ được nét kiến trúc như ngày nay.
Kiến trúc chùa Vạn Đức
Chùa Vạn Đức xây dựng trên khu đất có diện tích khoảng 600m2, mặt tiền quay về hướng Tây Nam, nhìn ra sông Đế Võng chùa nằm sát đường bê tông, trước cổng chùa có bia đá ghi Vạn Đức tổ đình, cổng vào chùa gồm 4 trụ biểu, mặt trước và sau ghi các câu đối bằng chữ Hán. Lối dẫn từ cổng vào được láng bằng đá và xi măng, hai bên khuôn viên là khu trồng hoa. Trước chánh điện chùa có nhà bia khắc “Bát nhã ba la mật đa tâm kinh” bằng chữ Hán và bản dịch của Thiền sư Thích Thanh Từ bằng chữ Việt.
Chánh điện là công trình có giá trị kiến trúc nghệ thuật nhất, kết cấu theo kiểu tiền đường hậu điện. Các công trình chính của chùa lợp bằng ngói ống. Các trụ tiền đường hình tròn, cẩn sành sứ hoa văn rồng. Bờ nóc đắp vẽ đồ án lưỡng long chầu nguyệt. Chánh điện được chia làm 3 gian 2 chái, ba gian giữa thờ tự, 2 chái là hành lang. Phía Tây Bắc chánh điện là khu tháp nơi an táng các vị cố hòa thượng được chạm khắc tinh xảo, đỉnh tháp trang trí hình hoa sen.
Hệ thống thờ tự của chùa rất phong phú và trang nghiêm, gồm có Quan âm Nam Hải, Phật Di Lặc ở sân chùa, Tiêu diện Đại sĩ và Hộ Pháp Vi Đà ở tiền đường. Chánh điện thờ Đức Phật thích ca ở giữa, gian bên phải thờ Phổ Hiền Bồ tát, gian bên trái thờ Văn Thù Bồ Tát. Phía sau chính điện thờ di ảnh cố hòa thượng Thích Hạnh Thiền người có công trùng tu và giữ gìn nét cổ kính của chùa như hôm nay, cùng vong linh, ký tự những người đã khuất. Sau cùng là Tổ đường thờ Bồ Đề Đạt Ma, long vị và di ảnh các cố Hòa thượng trụ trì của chùa.
Các ngày lễ lớn được tổ chức tại chùa Vạn Đức
Cũng như các ngôi chùa khác, hàng năm tín đồ trong chùa tổ chức những ngày lễ tế lớn của đạo Phật như Vía Phật Đản sanh (15/4); Vía Quan Thế âm (19/6); Vu Lan báo hiếu (15/7); Vía Đức Phật thành đạo (12/12)… Bên cạnh đó, tín đồ trong chùa còn tổ chức kỵ tổ hòa thượng Minh Lượng, hòa thượng Hạnh Thiền…
Chùa Vạn Đức đã trải qua 13 đời trụ trì. Trụ trì hiện nay là Thượng tọa Thích Đồng Phước. Chùa Vạn Đức nằm trong sự quản lý của giáo hội Phật giáo thành phố Hội An, được các chư tăng, đại đức trong chùa bảo quản và hương khói thường xuyên. Chùa có nhiều giá trị kiến trúc nghệ thuật, lịch sử văn hóa. Chùa còn lưu giữ nhiều hiện vật có giá trị như các bảng khắc in bằng gỗ, tượng, chuông, liễn đối, hoành phi… Hiện nay chùa là một địa điểm sinh hoạt tôn giáo đặc trưng của phái Lâm Tế Chúc Thánh góp phần làm phong phú thêm đời sống tôn giáo Hội An. Chùa Vạn Đức được xếp hạng di tích cấp quốc gia vào năm 1991.
Hiện nay trong tổ đình Vạn Đức còn lưu giữ được nhiều hiện vật hết sức quý giá như: bình bát của thiền sư Minh Lượng, y tăng cang của tổ Phổ Triêm, bức độ điệp của vua Minh Mạng ban cho thiền sư Toàn Đức Hoằng Tông cùng hàng trăm mộc bản (ván khắc gỗ)… Tổ đình Vạn Đức cũng đã được Bộ VHTT công nhận là di tích cấp quốc gia.