Đông Nam Á học là ngành học tập trung nghiên cứu về lịch sử, địa lý, văn hóa, xã hội, chính trị, kinh tế, và quan hệ quốc tế của các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á.
Đặc biệt sau khi tốt nghiệp, người học có thể có khả năng sử dụng tiếng Anh và một ngôn ngữ khu vực như tiếng Thái Lan, tiếng Malay (ngôn ngữ quốc gia của Malaysia, Indonesia, Brunei và Singapore) hoặc tiếng Nhật; phục vụ cho giao tiếp và công tác chuyên môn.
Học ngành Đông Nam Á học lĩnh hội kiến thức phong phú
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Hồ Thị Thành, giảng viên Bộ môn Đông Nam Á học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết: “Sinh viên theo học Đông Nam Á học sẽ được đào tạo theo thế “kiềng 3 chân”. Nghĩa là người học được hình thành phương pháp nghiên cứu tư duy, được trang bị hệ thống kiến thức căn bản về Đông Nam Á và được đào tạo để có khả năng sử dụng ngoại ngữ".
Trước đây Đông Nam Á học là một chuyên ngành thuộc ngành Đông Phương học, từ năm 2018, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, đã tách thành ngành riêng trực thuộc Khoa Đông Phương học (hiện nay, khoa Đông Phương học có 4 ngành đào tạo bậc cử nhân: Đông Nam Á học, Đông Phương học, Hàn Quốc học và Nhật Bản học).
Việc nhà trường quyết định đào tạo thành một ngành độc lập như thế thể hiện tầm quan trọng của Đông Nam Á học với sự phát triển của xã hội.
Cô Thành chia sẻ thêm, khi là một chuyên ngành trong ngành Đông Phương học, sinh viên chưa định hướng rõ ràng về Đông Nam Á học. Nhưng khi tách thành ngành riêng, những sinh viên chọn ngành Đông Nam Á học đã hiểu sâu hơn về ngành học này, có đánh giá để biết bản thân phù hợp với định hướng đào tạo.
Mục tiêu đào tạo ngành Đông Nam Á học của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội là hướng đến việc cử nhân có nền tảng kiến thức chung về khoa học xã hội và nhân văn, có kiến thức toàn diện, hệ thống, hiện đại về khối ASEAN và các quốc gia ASEAN trên các lĩnh vực như lịch sử, kinh tế, xã hội, luật pháp, thể chế chính trị, quan hệ quốc tế của khu vực, văn hóa khu vực Đông Nam Á và các quốc gia ASEAN; và những vấn đề liên quan đến Việt Nam.
Bên cạnh đó, người học còn được trang bị kiến thức ngoại ngữ chuyên ngành ( 5 học phần tiếng Anh chuyên ngành văn hóa, lịch sử, kinh tế, chính tri và xã hội) và được chọn học 1 trong 2 ngôn ngữ bản địa ( tiếng Thái hoặc tiếng Indonesia, vì hai nước này đang có mối quan hệ hợp tác sâu rộng với Việt Nam, mở ra rất nhiều cơ hội nghề nghiệp).
Đặc biệt, theo học chương trình này, người học được hình thành tư duy khởi nghiệp sáng tạo, có khả năng học tập, nghiên cứu ở trình độ cao hơn và có trách nhiệm trong việc thúc đẩy phát triển hội nhập của đất nước trong khu vực và trên thế giới.
Khác với mục tiêu đào tạo của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Trường Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh lại tập trung tiếp cận ngành Đông Nam Á học trên phương diện nghiên cứu về khu vực học.
Tiến sĩ Đàng Năng Hòa, Trưởng Bộ môn Đông Nam Á học, Trường Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: “Dựa trên những tiềm năng mà nhà trường có, chúng tôi luôn cố gắng sao cho người học nắm bắt được những kiến thức cơ bản nhất, chuyên sâu nhất về khu vực học”.
Điểm khác biệt của chương trình đào tạo so với các chương trình khác (thế mạnh) là chương trình đào tạo được thiết kế với hướng chuyên sâu về văn hóa - du lịch Đông Nam Á.
Theo đó, người học sẽ được cung cấp kiến thức nền tảng về địa lý, lịch sử hình thành và phát triển khu vực Đông Nam Á, kinh tế, văn hóa khu vực Đông Nam Á, chính trị - ngoại giao, tôn giáo, lối sống và bản sắc dân tộc của các quốc gia Đông Nam Á, luật pháp cộng đồng Asean, mối bang giao giữa các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á, hiểu được những điểm tương đồng và khác biệt.
Người học sẽ vận dụng những kiến thức đó vào các lĩnh vực nghề nghiệp như du lịch, quan hệ quốc tế, kinh doanh, truyền thông.
Ngoài tiếng Anh, người học sẽ tiếp cận với 1 trong 4 ngôn ngữ sau: Trung Quốc, Nhật Bản, Thái Lan hoặc Indonesia ở cấp độ giao tiếp.
Bên cạnh đó, người học được trang bị những kỹ năng nghề nghiệp cần thiết như kỹ năng lập luận tư duy và giải quyết vấn đề, kỹ năng thực hành nghề nghiệp văn hóa du lịch Đông Nam Á, kỹ năng giao tiếp trong môi trường đa văn hóa, kỹ năng điều hành, tổ chức.
Đồng thời, chương trình đào tạo của nhà trường cũng đòi hỏi người học phải có khả năng tự chủ, có năng lực độc lập, phát triển bản thân và phục vụ cộng đồng.
Theo Tiến sĩ Lê Xuân Trường, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh, ngay từ khi thành lập, nhà trường đã xác định đào tạo 4 mảng quan trọng để phục vụ nhân lực cho đất nước bao gồm: Tin học (nay gọi là công nghệ thông tin), Quản trị kinh doanh, Tiếng Anh và Đông Nam Á học. Trường Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh cũng là đơn vị đầu tiên trên cả nước đào tạo ngành Đông Nam Á học.
Trải qua 34 năm hình thành và phát triển, nhà trường luôn quan tâm nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên, liên tục rà soát chương trình đào tạo, điều chỉnh phù hợp với nhu cầu thực tiễn của người học.
Nhà trường đánh giá, ngành Đông Nam Á học luôn là ngành được các cơ quan đoàn thể, các tổ chức doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lớn, số lượng người học đăng ký ngày càng đông và điểm số ngày càng tăng cao.
Ngành Đông Nam Á học - ngành học nhiều triển vọng nhưng chưa khai thác hết
Trao đổi về cơ hội việc làm, Tiến sĩ Hồ Thị Thành cho biết: “Trên bình diện quốc tế, Đông Nam Á tác động trên tất cả lĩnh vực như kinh tế, an ninh, chính trị, văn hóa, xã hội.
Bản thân các nhà lãnh đạo ở các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á nhận thấy được tầm quan trọng của sự gắn kết và cam kết với nhau nhiều hơn để hợp tác trên các lĩnh vực.
Nắm bắt thực tiễn đó, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội chú trọng đào tạo ngành Đông Nam Á học, cung cấp đội ngũ nhân lực tinh tuệ cho thị trường lao động và hơn hết là đóng góp vào sự hội nhập và phát triển của Việt Nam trong cộng đồng ASEAN”.
Cô Thành chia sẻ thêm, cách đây khoảng nửa thế kỷ trước, nghiên cứu về Đông Nam Á phát triển mạnh ở Âu Mỹ, tuy nhiên xu hướng này ngày càng dịch chuyển về khu vực Châu Á nói chung và Đông Nam Á nói riêng.
Ngành đào tạo Đông Nam Á học được thành lập ở nhiều nước và rất phát triển, có thể kể đến như Singapore, Thái Lan hay Philippines.
Đến cuối năm 2015, cộng đồng ASEAN thành lập, đặt dấu mốc quan trọng cho sự phát triển của ngành Đông Nam Á học.
Với hệ thống kiến thức và kĩ năng mà nhà trường đào tạo, sinh viên tốt nghiệp ngành Đông Nam Á học có thể đảm nhiệm công việc trong các cơ quan, bộ ban ngành liên quan đến lĩnh vực Đông Nam Á ( Bộ Văn hóa, Bộ Ngoại giao, Bộ Nội vụ,..), các tổ chức phi Chính phủ hay thậm chí người học hoàn toàn có thể tham gia vào công tác giảng dạy tại các viện nghiên cứu, trường đại học, cao đẳng,..
Cùng bàn cơ hội việc làm đối với sinh viên theo học chuyên ngành Đông Nam Á học, Trưởng Bộ môn Đông Nam Á học, Trường Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh cho hay: “Khi đi vào tìm hiểu về chính trị, văn hóa, lịch sử, kinh tế, quan hệ quốc tế của các nước trong khu vực Đông Nam Á trong giai đoạn hội nhập hiện nay, dễ dàng nhận thấy ngành Đông Nam Á học đóng vai trò vô cùng quan trọng và cực kỳ cần thiết.
Muốn kinh doanh, giao thương hay hợp tác thì phải hiểu về văn hóa, lịch sử của chính khu vực đó. Ngành học này đáp ứng được mục tiêu và nhu cầu nhân lực trong bối cảnh hiện nay”
Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, cử nhân tốt nghiệp ngành Đông Nam Á học tại Trường Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh, có thể phụ trách công việc liên quan đến mảng du lịch, đối ngoại, tổng lãnh sự ở các nước, bảo tàng, ban dân tộc; chuyên viên phụ trách thiết kế, điều hành, hướng dẫn tour cho các công ty du lịch; trợ lý tư vấn cho các doanh nghiệp hoạt động tại các nước trong khu vực Đông Nam Á; tham gia vào các dự án, tổ chức quốc tế và Chính phủ; tham gia vào công tác giảng dạy tại các Viện nghiên cứu, các trường đại học, cao đẳng nghiên cứu về Đông Nam Á.
Chia sẻ về ngành học, Lê Thảo Nguyên, thủ khoa đầu ra ngành Đông Nam Á học năm 2022, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội chia sẻ: “Chọn ngành Đông Nam Á học vì bản thân tôi rất đam mê du lịch, khám phá những vùng đất mới và thấy cộng đồng ASEAN phát triển trong tương lai, thêm vào đó được học thêm một ngôn ngữ bản địa ngoài ngôn ngữ Anh, ra trường sẽ nhiều cơ hội việc làm.
Bên cạnh đó nhà trường hỗ trợ rất nhiều học bổng, tôi đặt kế hoạch học tập, tập trung hoàn thành sớm các môn chung và đạt được học bổng 6/8 kỳ học của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội”.
Với kết quả học tập xuất sắc trên trường, Thảo Nguyên đã đạt được học bổng Erasmus Mundus, sắp tới sẽ đi du học Thạc sĩ tại Bỉ.
Trần Thị Khánh Vi, thủ khoa kép ngành Đông Nam Á học năm 2023, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội cũng chia sẻ về ngành học: “Tôi tình cờ biết đến ngành Đông Nam Á học trong ngày hội tuyển sinh, vốn rất thích học ngoại ngữ, nhận thấy trong chương trình học được học cả Tiếng Anh và Tiếng Indonesia; và học phí của trường thấp hơn so với mặt bằng chung nên tôi đã quyết định học ngành này.
Tôi mong muốn chương trình học dạy thêm nhiều tiếng Anh, yêu cầu sinh viên có trình độ tiếng Anh ngay từ khi vào học, như thế các bạn sẽ có độ cạnh tranh tốt hơn trong thị trường lao động sau này.
Các bạn sinh viên cũng nên tham dự các hội thảo, được mở mang vốn sống, kinh nghiệm chuyên môn, tiếp thu được thêm kiến thức mới.
Dựa trên kinh nghiệm và khả năng của bản thân, theo học chuyên ngành này có thể kiếm được mức lương đáng sống”.
Chia sẻ về dự định sắp tới, Khánh Vi đang chuẩn bị đi du học sau khi nhận được học bổng KNB của Chính phủ Indonesia.