Các nhóm thuốc điều trị tim mạch là những loại thuốc có tác dụng can thiệp vào hệ thống tuần hoàn, giúp điều chỉnh chức năng tim và mạch máu. Nhóm thuốc này có vai trò quan trọng trong việc điều hòa nhịp tim, giảm áp lực mạch máu, ngăn ngừa các biến cố tim mạch và cải thiện tuần hoàn máu. Việc hiểu rõ chỉ định và công dụng của thuốc giúp bệnh nhân chủ động và tuân thủ tốt hơn trong quá trình điều trị.
Bệnh tim mạch uống thuốc gì?
Bệnh tim mạch là nhóm bệnh phức tạp ảnh hưởng đến hệ thống tim mạch, đòi hỏi điều trị bằng nhiều loại thuốc chuyên biệt. Các loại thuốc được sử dụng phụ thuộc vào loại bệnh tim mạch cụ thể và tình trạng của từng bệnh nhân. Mục tiêu chính của điều trị là kiểm soát triệu chứng, ngăn ngừa biến chứng và cải thiện chất lượng cuộc sống.
Thuốc tim mạch là thuốc được sử dụng để điều trị các tình trạng bệnh lý liên quan đến tim hoặc mạch máu như rối loạn nhịp tim, huyết khối, bệnh động mạch vành, huyết áp cao hoặc thấp, rối loạn lipid máu, suy tim và đột quỵ .
Có nhiều loại thuốc khác nhau để điều trị bệnh tim mạch. Một số loại thuốc tác động trực tiếp lên các mạch máu làm giãn mạch, hạ huyết áp, làm giảm áp lực mà tim phải gánh chịu để bơm máu. Một số khác làm giảm mức cholesterol và giúp giảm sự hình thành các mảng xơ vữa động mạch gây hẹp mạch máu. Ngoài ra, có những loại thuốc tác động lên thận để tăng đào thải lượng dịch và muối mất hoặc cải thiện lưu lượng máu qua thận.
Tùy vào loại bệnh tim mạch mà người bệnh mắc phải, bác sĩ sẽ cân nhắc quyết định loại thuốc thích hợp, đem lại hiệu quả điều trị tốt nhất. Đồng thời, người bệnh cần tuân thủ phác đồ điều trị và uống thuốc đúng liều lượng theo hướng dẫn của bác sĩ để kiểm soát hiệu quả bệnh tim mạch.
Phân loại các nhóm thuốc điều trị tim mạch
Điều trị các bệnh lý liên quan đến tim mạch đòi hỏi sự can thiệp của nhiều nhóm thuốc điều trị tim mạch chuyên biệt theo chỉ định của bác sĩ. Mỗi nhóm thuốc sẽ có công dụng chính giúp giải quyết các vấn đề cụ thể của hệ tim mạch, từ việc điều chỉnh huyết áp đến ngăn ngừa các biến cố tim mạch nghiêm trọng.
1. Nhóm thuốc điều trị tăng huyết áp
Thuốc điều trị tăng huyết áp là thuốc nhằm đưa huyết áp của người bệnh về khoảng giá trị tối ưu với tình trạng của bệnh nhân. Mục tiêu của các loại thuốc này là làm giảm áp lực lên thành mạch máu, điều hòa huyết áp, giữ huyết áp ổn định trong khoảng giá trị tối ưu được khuyến cáo, giúp tim hoạt động hiệu quả hơn, từ đó ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm như nhồi máu cơ tim, đột quỵ.
Một số nhóm thuốc điều trị tăng huyết áp được dùng thường xuyên là: Thuốc ức chế men chuyển (ACEi), thuốc chẹn thụ thể angiotensin II, thuốc chẹn thụ thể beta-adrenergic, thuốc chẹn kênh canxi, thuốc lợi tiểu và dạng phối hợp…
2. Nhóm thuốc chống đông máu
Thuốc chống đông máu có tác dụng làm giảm khả năng đông máu (giảm quá trình tạo thành cục máu đông). Đôi khi thuốc chống đông máu còn được gọi là thuốc làm loãng máu, nhưng thực tế thuốc không thực sự làm loãng máu. Thuốc chống đông máu không làm tan cục máu đông hiện có và được sử dụng để điều trị một số bệnh về mạch máu, tim và phổi.
Thuốc chống đông máu được chỉ định để ngăn ngừa hình thành cục máu đông trong mạch máu, giúp ngăn cục máu đông hiện có phát triển lớn hơn và gây ra các biến chứng nguy hiểm. Thuốc thường được kê đơn để ngăn ngừa đột quỵ hoặc nhồi máu cơ tim tim lần đầu hoặc tái phát. (1)
Một số loại thuốc chống đông máu thường được kê đơn bao gồm: Thuốc Eliquis, dabigatran, edoxaban, heparin, rivaroxaban, warfarin…
3. Nhóm thuốc chống kết tập tiểu cầu
Nhóm thuốc chống kết tập tiểu cầu giúp ngăn ngừa đông máu ở những người đã từng bị nhồi máu cơ tim, đau thắt ngực không ổn định, đột quỵ do thiếu máu cục bộ, TIA (cơn thiếu máu cục bộ thoáng qua) và các dạng bệnh tim mạch khác. Ngoài ra, thuốc cũng có thể được sử dụng để phòng ngừa khi có mảng xơ vữa tích tụ rõ ràng nhưng chưa có tình trạng tắc nghẽn đáng kể trong động mạch.
Một số người bệnh sẽ được kê đơn thuốc aspirin kết hợp với một loại thuốc chống tiểu cầu khác - còn được gọi là liệu pháp chống tiểu cầu kép (DAPT) để tăng hiệu quả điều trị. Một số loại thuốc chống kết tập tiểu cầu thường được kê đơn bao gồm: Aspirin, thuốc Clopidogrel, Prasugrel, Ticagrelor… (2)
4. Nhóm thuốc điều trị loạn nhịp
Thuốc điều trị loạn nhịp được sử dụng để kiểm soát và điều chỉnh nhịp tim hoạt động lại bình thường. Đồng thời, làm giảm các triệu chứng do loạn nhịp gây ra.
Các phân loại phổ biến của thuốc chống loạn nhịp thường được sử dụng như:
- Thuốc chẹn kênh Natri (Nhóm I): Gồm nhóm Ia tác động kéo dài thời gian điện thế hoạt động, nhóm Ib có tác động làm ngắn thời gian điện thế động và nhóm Ic không làm thay đổi thời gian điện thế động.
- Thuốc chẹn Beta (Nhóm II): Ức chế thụ thể Beta giao cảm.
- Thuốc chẹn kênh Kali (Nhóm III): Ức chế kênh Kali, kéo dài thời gian điện thế hoạt động.
- Thuốc chẹn Canxi (Nhóm IV): Thường được sử dụng khi bệnh nhân bị chống chỉ định với thuốc chẹn Beta. Diltiazem và Verapamil là hai loại thuốc chủ yếu được dùng trong phòng ngừa và điều trị loạn nhịp nhanh trên thất.
- Thuốc chống loạn nhịp theo cơ chế khác (Nhóm V): Bao gồm các thuốc không thuộc các nhóm phân loại Vaughan Williams, hoạt động theo cơ chế riêng biệt. Hai loại thuốc phổ biến nhất thuộc nhóm này là Digoxin và Adenosine. (3)
5. Nhóm thuốc điều trị suy tim
Các loại thuốc điều trị suy tim được bác sĩ kê đơn có tác dụng giúp tim hoạt động tốt hơn, làm chậm sự tiến triển bệnh và cải thiện chất lượng cuộc sống người bệnh. Bệnh nhân bị suy tim thường cần được điều trị bằng nhiều loại thuốc khác nhau dựa trên triệu chứng, bệnh lý kèm theo và mức độ tiến triển của suy tim.
Thuốc ức chế men chuyển (ACEi) và thuốc chẹn beta thường là phương pháp điều trị đầu tiên, đặc biệt là ở bệnh nhân suy tim có phân suất tống máu giảm. Bên cạnh đó, một số loại thuốc khác được kê đơn cho bệnh nhân suy tim như: Thuốc ức chế thụ thể angiotensin II (ARB), thuốc ức chế thụ thể angiotensin/neprilysin, thuốc lợi tiểu, thuốc đối kháng aldosterone, thuốc chẹn kênh If, thuốc ức chế SGLT-2…
6. Nhóm thuốc điều trị đau thắt ngực
Thuốc điều trị đau thắt ngực được sử dụng để giảm đau và cải thiện lưu lượng máu đến cơ tim. Các loại thuốc này giúp giãn mạch vành, làm giảm nhu cầu oxy của tim và ngăn ngừa các cơn đau thắt ngực. Đây là giải pháp quan trọng cho bệnh nhân bị bệnh mạch vành. Nitrates như Nitroglycerin và thuốc chẹn canxi là những ví dụ điển hình của nhóm thuốc điều trị đau thắt ngực.
7. Nhóm thuốc điều trị tăng áp phổi
Các loại thuốc được kê đơn cho bệnh nhân tăng áp phổi có tác dụng cải thiện triệu chứng và làm chậm tiến triển của bệnh như: Thuốc giãn mạch máu, chất kích thích guanylate cyclase (GSC), thuốc tăng lưu lượng máu, thuốc chẹn kênh canxi liều cao, thuốc trợ tim, thuốc lợi tiểu, thuốc chống đông máu…
8. Nhóm thuốc hạ lipid máu
Thuốc hạ lipid máu được sử dụng để kiểm soát mức LDL-cholesterol (cholesterol xấu) và triglyceride trong máu. Các loại thuốc này giúp giảm nguy cơ xơ vữa động mạch, phòng ngừa các bệnh tim mạch như nhồi máu cơ tim và đột quỵ. Một số loại thuốc giảm điều trị hạ lipid trong máu thường được kê đơn bao gồm:
- Statin: Atorvastatin, Fluvastatin, Lovastatin, Pitavastatin, Pravastatin, Rosuvastatin, Simvastatin.
- Axit nicotinic: Niacin.
- Thuốc ức chế hấp thu cholesterol: Ezetimibe.
- Kết hợp statin và chất ức chế hấp thu cholesterol: Ezetimibe/Simvastatin.
9. Một số thuốc khác
Một số loại thuốc khác được sử dụng trong điều trị bệnh tim mạch như kháng sinh điều trị nhiễm trùng, thuốc chống viêm, các chất bổ sung dinh dưỡng hỗ trợ chức năng tim mạch. Tuy nhiên, việc sử dụng những loại thuốc này phụ thuộc vào chẩn đoán cụ thể và đánh giá của bác sĩ chuyên khoa trên từng bệnh nhân.
Lưu ý chung khi sử dụng thuốc điều trị tim mạch
Điều trị các bệnh lý liên quan đến tim mạch là quá trình phức tạp đòi hỏi sự chăm sóc và theo dõi kỹ lưỡng từ cả bệnh nhân và bác sĩ. Khi người bệnh hiểu và thực hiện đúng các nguyên tắc sử dụng thuốc sẽ góp phần quan trọng trong việc kiểm soát và cải thiện bệnh lý tim mạch.
1. Tuân thủ chỉ định của bác sĩ
Mỗi phác đồ điều trị các bệnh lý về tim mạch đều được bác sĩ lên kế hoạch cân nhắc riêng cho từng bệnh nhân dựa trên tình trạng sức khỏe cụ thể và kết quả kiểm tra chuyên sâu. Vì vậy, người bệnh cần tuân thủ dùng thuốc đầy đủ theo hướng dẫn để giúp kiểm soát bệnh tốt và ngăn ngừa những biến chứng không mong muốn. Lưu ý, nếu không có chỉ định của bác sĩ, người bệnh không tự ý thay đổi liều lượng, không ngừng thuốc ngay cả khi đã cảm thấy khỏe hơn.
2. Hiểu rõ cơ chế tác dụng của thuốc
Người bệnh nên tìm hiểu hoặc trao đổi với bác sĩ về cơ chế tác dụng của thuốc nhằm giúp người bệnh chủ động hơn trong quá trình điều trị. Mỗi loại thuốc điều trị bệnh về tim mạch đều có cơ chế tác động riêng đến hệ tim mạch. Khi nắm rõ những thông tin này giúp người bệnh nhận thức được tầm quan trọng của việc sử dụng thuốc đúng và đều đặn. Bên cạnh đó, kiến thức về cơ chế thuốc còn giúp người bệnh nhận biết các tác dụng phụ và kịp thời thông báo với bác sĩ nếu có bất thường.
3. Uống thuốc đúng cách
Khi kê đơn bất kỳ loại thuốc nào cho bệnh nhân mắc các bệnh liên quan đến tim mạch, bác sĩ cũng sẽ hướng dẫn cụ thể về liều lượng thuốc, cách sử dụng và thời gian uống thuốc. Một số thuốc cần uống cùng bữa ăn, số khác lại phải uống trước hoặc sau bữa ăn, thậm chí có loại phải uống vào một khung giờ nhất định trong ngày. Vì vậy, người bệnh cần tuân thủ uống thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ để giúp thuốc phát huy tối đa hiệu quả và giảm thiểu tác dụng phụ.
4. Hỏi rõ bác sĩ tính tương tác thuốc
Nhiều loại thuốc khi kết hợp với nhau có thể làm giảm tác dụng chính của thuốc hoặc làm tăng tác dụng phụ, thậm chí gây ra những phản ứng nguy hiểm. Một số thuốc có thể tương tác với thực phẩm, đồ uống. Do đó, người bệnh cần báo với bác sĩ toàn bộ các loại thuốc, thảo dược và thực phẩm chức năng đang sử dụng để tránh bị tương tác thuốc.
5. Kết hợp thay đổi lối sống để cải thiện bệnh
Song song với điều trị bằng thuốc, bác sĩ khuyến cáo người bệnh cần có sự kết hợp với những thay đổi tích cực trong lối sống bao gồm: Chế độ dinh dưỡng cân bằng, hạn chế muối, chất béo và đường; duy trì hoạt động thể chất đều đặn; ngừng hút thuốc lá; giảm rượu bia; giảm căng thẳng… Có lối sống khoa học không chỉ giúp tăng hiệu quả của thuốc mà còn cải thiện toàn diện sức khỏe tim mạch.
Câu hỏi thường gặp về các nhóm thuốc tim mạch
1. Kết hợp điều trị các nhóm thuốc tim mạch có được không?
Tùy thuộc vào loại bệnh tim mà mắc phải, các bệnh lý nền kèm theo và thể trạng của người bệnh mà bác sĩ có thể chỉ định kết hợp nhiều loại với nhau. Tuy nhiên, không phải người bệnh nào cũng cần kết hợp nhiều loại thuốc và các loại thuốc sử dụng cũng sẽ không giống nhau. Việc kết hợp thuốc phải được thực hiện dưới sự giám sát chặt chẽ của bác sĩ để tránh các tương tác bất lợi và đảm bảo hiệu quả điều trị.
2. Có được tự ý đổi thuốc tim mạch không?
Người bệnh tuyệt đối không được tự ý thay đổi loại thuốc tim mạch mà không có chỉ định từ bác sĩ. Mỗi loại thuốc được kê đơn đều có tác dụng riêng biệt và phù hợp với tình trạng cụ thể của từng bệnh nhân. Việc tự ý thay đổi thuốc có thể gây nguy hiểm, làm giảm hiệu quả điều trị hoặc thậm chí gây ra những biến chứng nghiêm trọng cho hệ tim mạch.
3. Uống thuốc tim mạch quá liều có sao không?
Nếu người bệnh vô tình uống quá liều thuốc điều trị các bệnh tim mạch, có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm như rối loạn nhịp tim nghiêm trọng, suy giảm chức năng tim mạch, và thậm chí là nguy cơ tử vong. Do đó, bệnh nhân cần tuân thủ dùng chính xác liều lượng được bác sĩ chỉ định và liên hệ ngay với cơ sở y tế nếu uống quá liều.
4. Có phải uống thuốc tim mạch suốt đời không?
Thời gian điều trị bằng thuốc phụ thuộc vào tình trạng bệnh cụ thể, mức độ kiểm soát và khả năng cải thiện sức khỏe của từng bệnh nhân. Một số trường hợp người bệnh cần dùng thuốc tim mạch suốt đời, nhưng cũng có những bệnh nhân chỉ cần dùng thuốc trong một thời gian nhất định. Bác sĩ sẽ đánh giá và điều chỉnh phác đồ điều trị định kỳ, có thể giảm liều hoặc ngừng một số loại thuốc nếu bệnh nhân có những tiến triển tích cực và tuân thủ các biện pháp thay đổi lối sống.
Đặt lịch với bác sĩ để được kê loại thuốc tim mạch phù hợp
Khi có dấu hiệu nghi ngờ hoặc có các yếu tố nguy cơ của bệnh lý về tim mạch, người bệnh nên đến cơ sở y tế uy tin để thăm khám sớm. Bác sĩ sẽ có chỉ định làm các cận lâm sàng để đưa ra đánh giá chính xác và có phác đồ điều trị và chỉ định thuốc chữa bệnh tim mạch thích hợp cho từng trường hợp.
Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh là địa chỉ uy tín được nhiều người tin tưởng đến thăm khám và điều trị các bệnh lý về tim mạch và mạch máu. Trung tâm có đội ngũ chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực tim mạch, cùng hệ thống trang thiết bị hiện đại, hỗ trợ chẩn đoán chính xác và điều trị hiệu quả.
Để đặt lịch khám, tư vấn và điều trị tại Trung tâm Tim mạch, Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, Quý khách có thể liên hệ theo thông tin sau:
Các nhóm thuốc điều trị tim mạch sẽ gồm nhiều loại, công dụng và cách sử dụng khác nhau. Bác sĩ sẽ có phác đồ điều trị bằng thuốc thích hợp cho mỗi trường hợp bệnh nhân mắc các bệnh lý về tim mạch. Người bệnh cần tuân thủ theo đúng phác đồ bác sĩ đưa ra để đạt hiệu quả tốt, ngăn ngừa biến chứng và nâng cao chất lượng đời sống.