(Quanlynhanuoc.vn) - Phát triển con người chính là sự phát triển mang tính nhân văn. Đó là sự phát triển vì con người, của con người và do con người. Quan điểm phát triển con người nhằm mục tiêu mở rộng cơ hội lựa chọn cho người dân và tạo điều kiện để họ thực hiện sự lựa chọn đó (có nghĩa là sự tự do). Những lựa chọn quan trọng nhất là được sống lâu và khỏe mạnh, được học hành và có được một cuộc sống ấm no. Do đó, chỉ số phát triển con người đã ra đời với mục đích giúp tạo ra một cái nhìn tổng quát về sự phát triển của một quốc gia1.
Chỉ số phát triển con người
Theo UNDP, phát triển con người là quá trình làm tăng khả năng lựa chọn và mức độ phúc lợi mà họ đạt được. Chỉ số phát triển con người (Human Development Index - HDI) là chỉ tiêu kinh tế - xã hội tổng hợp đo lường sự phát triển của con người trên ba phương diện: sức khỏe, giáo dục và thu nhập của quốc gia; vùng lãnh thổ hoặc địa bàn địa phương của quốc gia; vùng lãnh thổ trong kỳ quan sát. Chỉ số này được phát triển bởi một nhà kinh tế người Pakistan là Mahbub ul Haq và nhà kinh tế học người Ấn Độ Amartya Sen vào năm 19902.
Chỉ số thành phần của HDI gồm: chỉ số sức khỏe, giáo dục và thu nhập quốc dân. Chỉ số sức khỏe được tính theo chỉ tiêu tuổi thọ trung bình tính từ lúc sinh (còn gọi là tuổi thọ bình quân hoặc triển vọng sống trung bình khi sinh). Chỉ số giáo dục được tính thông qua hai chỉ tiêu: (1) Số năm đi học bình quân của những người từ 25 tuổi trở lên; (2) Số năm đi học kỳ vọng của trẻ em trong độ tuổi đi học. Chỉ số thu nhập sử dụng trong tính HDI được xác định chỉ tiêu tổng thu nhập quốc gia (GNI) bình quân đầu người theo sức mua tương đương (PPP), thường được quy về đô la Mỹ.
Chỉ số phát triển con người Việt Nam giai đoạn 2016 - 2020
Những năm trở lại đây, nhờ những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội, chất lượng dân số của Việt Nam đã đạt được những thành tựu quan trọng3, HDI của Việt Nam đã liên tục tăng từ 0,682 điểm (năm 2016) lên 0,687 điểm (năm 2017); 0,693 điểm (năm 2018); 0,703 điểm (năm 2019) và 0,706 điểm (năm 2020). Tuy nhiên, HDI của Việt Nam vẫn thấp hơn mức bình quân chung của các quốc gia Đông Nam Á. Giai đoạn 2016 - 2020, HDI của Việt Nam chưa có sự cải thiện thứ hạng trong khu vực, khi luôn ở vị trí 7/11 quốc gia Đông Nam Á.
Các chỉ số thành phần của HDI phản ánh chất lượng dân số Việt Nam giai đoạn 2016 - 2020 có những điểm đáng lưu ý sau4:
Chỉ số sức khỏe
Đời sống vật chất và tinh thần của người dân được cải thiện đáng kể; hoạt động bảo vệ và chăm sóc sức khỏe cộng đồng có tiến bộ nên tuổi thọ của người dân không ngừng tăng lên. Kết quả các cuộc Tổng điều tra dân số và nhà ở từ năm 1989 đến nay cho thấy, tuổi thọ trung bình tính từ lúc sinh là 65,2 tuổi (năm 1989), 72,8 tuổi (năm 2009) và 73,6 tuổi (năm 2019). Tuổi thọ trung bình tính từ lúc sinh của nữ và nam đều tăng, nhưng tuổi thọ của nữ vẫn cao hơn nam khoảng 5 năm.
Trong các vùng kinh tế, tuổi thọ trung bình tính từ lúc sinh hằng năm của Đông Nam Bộ luôn đạt mức cao nhất cả nước và Tây Nguyên có mức thấp nhất. So với mức bình quân chung của khu vực Đông Nam Á, tuổi thọ trung bình tính từ lúc sinh của Việt Nam đạt cao hơn. Do tuổi thọ tăng qua các năm nên chỉ số sức khỏe của cả nước đã tăng từ 0,822 (năm 2016) lên 0,823 (năm 2017); 0,825 (năm 2019) và 0,826 (năm 2020).
Trong khu vực Đông Nam Á, tuổi thọ và chỉ số sức khỏe của Việt Nam đứng ở vị trí 5/11 quốc gia, cao hơn thứ hạng của HDI. Điều này cho thấy, chỉ số sức khỏe là một cấu phần quan trọng nhấtcải thiện chỉ số HDI của Việt Nam giai đoạn này.
Chỉ số giáo dục
Chỉ số giáo dục tính trên 2 chỉ tiêu đầu vào là số năm đi học bình quân và số năm đi học kỳ vọng. Số năm đi học bình quân của cả nước từ 8,5 (năm 2016), 8,6 (năm 2017); 8,7 (năm 2018); 9,0 (năm 2019) và 9,1 (năm 2020). Số năm đi học kỳ vọng cũng có xu hướng tăng, nhưng với tốc độ chậm hơn. Chỉ số giáo dục năm 2016 chỉ đạt 0,618; năm 2017 đạt 0,621; năm 2018 đạt 0,625; năm2019 đạt 0,641 và năm 2020 đạt 0,640.
Số năm đi học bình quân của Việt Nam đạt cao hơn mức bình quân chung của khu vực Đông Nam Á (năm 2017 và 2018 cao hơn 1,0 năm; năm 2019 cao hơn 1,1 năm); đứng thứ 5 khu vực. Tuy nhiên, số năm đi học kỳ vọng thấp hơn bình quân của khu vực. Theo thứ hạng, chỉ số giáo dục của Việt Nam giai đoạn 2016 - 2020 đứng thứ 7/11 quốc gia Đông Nam Á. Kết quả này cho thấy, mặc dù Việt Nam là một trong các quốc gia có tỷ lệ dân số biết chữ cao nhưng khả năng tiếp cận giáo dục vẫn còn hạn chế; đặc biệt là cơ hội đến trường của trẻ em trong độ tuổi đi học.
Đây là điểm đáng lưu ý trong giai đoạn 2016 - 2020 bởi nếu so sánh với các giai đoạn trước đây từ năm 2000 - 2014 thì chỉ số giáo dục đã từng là chỉ số đóng góp nhiều nhất và sự tăng trưởng của chỉ số HDI5. Sự giảm sút của chỉ số này giai đoạn 2016 - 2020 đặt ra những nhiệm vụ mới cho ngành Giáo dục Việt Nam để tiếp tục cải thiện chỉ số giáo dục.
Chỉ số thu nhập
Chỉ số thu nhập được tính từ GNI (thu nhập quốc dân) theo sức mua tương đương bình quân đầu người. Theo các nghiên cứu6: ảnh hưởng nặng nề từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 đã làm chậm lại tốc độ gia tăng chỉ số HDI trên phạm vi toàn cầu và trong khu vực. Tuy nhiên, so với các nước trong khu vực, tốc độ cải thiện HDI của Việt Nam chậm và yếu hơn, điều này cho thấy cùng với những khó khăn nội tại, ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính toàn cầu đối với Việt Nam có phần nặng nề hơn.
Trong giai đoạn 2016 - 2020, theo Tổng cục Thống kê, GNI bình quân đầu người bằng đô la Mỹ của cả nước năm 2016 là 6211,1 đô la Mỹ; 2017 là 6634,0 đô la Mỹ; 2018 là 7279,2 đô la Mỹ; 2019 là 7842,0 đô la Mỹ và đạt 8132,0 đô la Mỹ trong năm 2020. Theo đó, chỉ số thu nhập của cả nước năm 2016 đạt 0,624; 2017 đạt 0,634; 2018 đạt 0,648; 2019 đạt 0,659 và năm 2020 đạt 0,664. Tính chung 4 năm (từ 2016 - 2020), chỉ số thu nhập cả nước tăng 6,4%, bình quân mỗi năm tăng gần 1,6%, gấp trên 2 lần tốc độ tăng bình quân chung của khu vực Đông Nam Á. Tuy nhiên, chỉ số thu nhập của Việt Nam vẫn thấp hơn chỉ số bình quân của các quốc gia Đông Nam Á, năm 2017 bằng 87,8% chỉ số thu nhập bình quân chung của khu vực; năm 2018 bằng 89,3%; 2019 bằng 89,9%. Chỉ số này của Việt Nam trong khu vực Đông Nam Á những năm qua chỉ cao hơn Đông Ti-mo, Mi-an-ma, Cam-pu-chia và tương đương với Lào7.
Những vấn đề cần lưu ý và khuyến nghị chính sách
HDI là thước đo tổng hợp, đánh giá toàn diện kết quả phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Do vậy, HDI phải được xác định là một trong những chỉ tiêu chủ yếu trong chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của cả nước cũng như của từng địa phương trong giai đoạn tới. Để cải thiện chỉ số HDI trong thời gian tới, cần tập trung vào triển khai một hệ thống các giải pháp đồng bộ và triển khai thực hiện quyết liệt, hiệu quả; đặc biệt là các giải pháp tăng cường dịch vụ y tế, giáo dục vì các lĩnh vực này liên quan trực tiếp đến phát triển con người.
(1) Trong y tế, cần tập trung nâng cao năng lực y tế dự phòng, y tế cơ sở và y tế gia đình để cải thiện tuổi thọ và chất lượng cuộc sống của người dân. Tiếp tục giữ vững tốc độ tăng trưởng chỉ số sức khỏe như giai đoạn vừa qua.
(2) Trong giáo dục, cần nhanh chóng khắc phục tình trạng số năm đi học kỳ vọng đang ở mức thấp và tăng chậm hiện nay. Vì vậy, Nhà nước và ngành Giáo dục cần có hệ thống cơ sở dữ liệu đầy đủ về dân cư và người trong độ tuổi đi học; quy hoạch hệ thống giáo dục và đào tạo để đáp ứng nhu cầu người học. Trước mắt, tiếp tục phổ cập giáo dục THCS và thực hiện tốt phân luồng học sinh sau THCS; đa dạng hoá các loại hình đào tạo; đẩy mạnh tự chủ đại học; phát triển các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
(3) Trong lĩnh vực kinh tế, mặc dù đã được kiềm chế nhưng lạm phát trong nền kinh tế Việt Nam vẫn ở mức cao cần có giải pháp vĩ mô ổn định giá trị đồng nội tệ. Theo đó, nâng cao sức mua tương đương trong so sánh quốc tế nói chung và quy đổi GNI bình quân đầu người tính chỉ số thu nhập cấu thành HDI nói riêng. Đây cũng là giải pháp góp phần nâng cao thu nhập thực tế của người dân.