Đã bao giờ bạn tự hỏi Chim Lạc là loài chim gì chưa?
Từ lâu, đã có nhiều tranh cãi về nguồn gốc của biểu tượng Chim Lạc trên trống đồng Đông Sơn — di vật của nền văn minh Sông Hồng từ hơn 3000 năm trước. Các học giả suy đoán rằng loài chim nguyên mẫu cho Chim Lạc có thể là cò, chim hạc, chim hồng hoàng hoặc một loài chim thuộc họ Diệc, nhưng chắc chắn không phải một loài chim săn mồi như diều hâu hay đại bàng. Cũng có thể, Chim Lạc là một loài vật đã tuyệt chủng hoặc chỉ tồn tại trong truyền thuyết.
Việc xác định giống loài cụ thể của Chim Lạc có lẽ không khả thi, nhất là khi tiếng Việt thường sử dụng một tên chung để gọi những loài động vật có nét tương đồng về ngoại hình dù trên thực tế lại thuộc những giống loài khác nhau. Ví dụ, nhím lông và nhím gai đều được gọi là nhím dù không cùng giống loài.
Tương tự, từ cò cũng được dùng để chỉ nhiều loại chim thuộc họ Hạc, họ Diệc và họ Bồ nông. Những loài này có một số đặc điểm ngoại hình tương đồng như lông sáng màu, đôi chân dài thẳng tắp dễ dàng di chuyển trong đầm lầy hay vùng nước ngập để bắt tôm cá, chiếc cổ thon thon và chiếc mỏ dài.
Cò có lẽ là loài vật đầu tiên mà trẻ em Việt Nam biết tới nhờ những lời ru à ơi của mẹ.
Lời ru quen thuộc ấy đã đưa bao thế hệ người Việt vào giấc ngủ. Con cò trong lời ru dường như tượng trưng cho những người nông dân nghèo, sống dưới sự áp bức của cường quyền ác bá, nhưng vẫn giữ cho mình nếp sống thiện lương, dù bị bức hại vẫn hy vọng mình có được cái chết trong sạch.
Trong văn học dân gian Việt Nam, con cò là ẩn dụ cho những người phụ nữ tảo tần chăm lo cho gia đình, như trong câu ca dao về cò mẹ đi kiếm ăn: "Con lươn thụt xuống con cò bay lên." Cảm hứng ấy còn bước vào cả những vần thơ của Chế Lan Viên trong tác phẩm 'Con Cò.' Ngày nay, những cây bút hiện đại như Nguyễn Phan Quế Mai cũng vinh danh loài động vật này trong tác phẩm của mình:
Con cò là hình ảnh ẩn dụ cho những người phụ nữ thôn quê cả đời vất vả nhọc nhằn.
Loài cò thường kiếm ăn ở những vùng đầm lầy và đồng ruộng ngập nước; tấm thân gầy guộc lần mò từng con ốc con tôm, dù gian khổ vẫn giữ được màu lông trắng muốt. Hình ảnh ấy khiến ta liên tưởng tới người nông dân quanh năm bươn chải trên đồng ruộng, hay những người phụ nữ tần tảo, suốt một đời chăm lo cho gia đình.
Ngày nay, ở các vùng nông thôn, ta vẫn bắt gặp cánh cò bay trên đồng ruộng và cả trên bao bì của các sản phẩm phân bón quen thuộc với nhà nông. Còn với các cư dân thành phố, con cò là hình ảnh ước lệ cho cuộc sống êm đềm chốn thôn quê và một tuổi thơ bình dị.
Nhưng dù ở đâu thì con cò cũng đã trở thành một phần của bản sắc Việt: được tôn vinh trong tác phẩm dự thi hạng mục trang phục dân tộc của đại diện Việt Nam khi tham gia Hoa hậu Hoàn Vũ 2019, hay trong logo của nhiều công ty lữ hành và trong một số bài hát remix hiện đại.
Thế nhưng, những miêu tả về con cò trong thơ văn chủ yếu mang tính biểu tượng chứ không cung cấp thông tin chi tiết về tập tính của chúng, bởi vì từ “con cò” không chỉ một loài cò cụ thể nào mà được dùng để gọi cùng lúc nhiều loài khác nhau với đặc điểm sinh học và tập tính sinh hoạt đa dạng.
Loài cò trắng (Egretta garzetta) có lẽ là hình mẫu phổ biến nhất khi sở hữu vóc dáng nhỏ nhắn, với chiếc cổ thon dài, cong cong hình chữ S. Trong khi đó, loài cò sói (Già đẫy lớn) lại bị chê là “quái điểu” vì có cái đầu hói và bọng da ở cổ, khi bay phần mỏ của chúng trông như chiếc kim la bàn.
Ở lớp nghĩa biểu tượng, chúng còn đại diện cho mối quan hệ phức tạp của con người với thiên nhiên: vừa tàn phá, vừa bù đắp. Trong cuộc giằng co này, cò vừa bị bắt giết lấy thịt, vừa được tôn vinh và bảo tồn.
Con người đã tác động không ít đến nguồn thức ăn và gián đoạn đường bay của loài cò. Ô nhiễm rác thải ở nhiều nơi đã ảnh hưởng xấu đến quá trình di trú và sinh sản của chúng. Thêm vào đó, việc sử dụng thuốc trừ sâu và phá rừng lấy đất canh tác đã làm giảm số lượng cò không chỉ ở Việt Nam mà còn trên toàn thế giới.
Ở Việt Nam, các đảo cò đang trở thành điểm hẹn cho các du khách. Là yếu tố quan trọng trong công tác bảo tồn thiên nhiên, các khu rừng ven biển này cho phép chúng ta kết nối với thiên nhiên và trải nghiệm lối sống gắn bó nhiều hơn với đất mẹ. Ở đó, ta sẽ không tìm thấy chú Chim Lạc nào, nhưng cử chỉ cần ngước nhìn lên không trung, những cánh cò sẽ hiện lên trong tầm mắt.
Phải chăng xa xưa, ông cha ta đã đi theo những cánh cò để khai phá những miền đất mới? Và chúng ta khi dõi theo những đôi cánh ấy cũng có thôi thúc tương tự? Nếu ngày nào đó muốn rời bỏ thành thị để tìm chút bình yên thôn quê, ai đó có thể đưa ra lời giải thích đơn giản rằng: “Là tôi chọn đi theo cánh cò mà thôi.”
Video Đảo cò Chi Lăng trên trang web Halovietnam.vn
Thiết kế hình ảnh: Phan Nhi, Jessie Trần, Lê Quan Thuận, Phương PhanMinh họa: Hannah HoàngẢnh động: Phan Nhi & Hannah Hoàng