Đóng góp tăng trưởng kinh tế
Theo đánh giá của Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT), Tuyên Quang là 1 trong 3 tỉnh có sản lượng gỗ lớn nhất vùng Trung du miền núi phía Bắc, đứng thứ 3 của cả nước về tỷ lệ rừng che phủ, với tỷ lệ 65%. Ngành Lâm nghiệp tỉnh đang từng bước trở thành hình mẫu về phát triển lâm nghiệp, đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.
Tỉnh có điều kiện sinh thái rất thuận lợi cho phát triển rừng, đặc biệt có đến 88% là lực lượng lao động làm việc liên quan đến sản xuất lâm nghiệp. Từ điều kiện tự nhiên, xã hội, đồng thời thực hiện có hiệu quả quyết sách của Chính phủ, tỉnh đã ban hành Nghị quyết phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021 - 2030 với một số mục tiêu đột phá như: Tốc độ tăng bình quân giá trị sản xuất lâm nghiệp 9%/năm; phát triển rừng gỗ lớn đạt 89.000 ha; năng suất rừng trồng đạt 22 m2/ha/năm; sản lượng gỗ khai thác bình quân đạt 1,1 triệu tấn/năm; quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ rừng bền vững 90.000 ha; phấn đấu đến năm 2025 đưa Tuyên Quang trở thành một trong những tỉnh điển hình về phát triển lâm nghiệp bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới và du lịch sinh thái.
Cán bộ kiểm lâm Hạt Cham Chu (Hàm Yên) đưa công nghệ vào bảo vệ rừng.
Theo đó, ngành lâm nghiệp của tỉnh đã đạt được những kết quả quan trọng. Tỉnh đã hình thành vùng nguyên liệu rừng trồng 190.000 ha; độ che phủ rừng đạt 65%, đứng thứ 3 cả nước; sản lượng gỗ khai thác đạt 900.000 m3/năm, đứng đầu cả nước về sản lượng khai thác gỗ rừng trồng; trồng mới trên 11.000 ha rừng. Đến nay, toàn tỉnh có 48.318,5 ha rừng được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững (FSC), cao nhất cả nước.
Trồng rừng theo tiêu chuẩn FSC, người dân phải tuân thủ nghiêm ngặt quy trình chặt chẽ như, không đốt thực bì, không sử dụng thuốc diệt cỏ, thuốc trừ sâu hóa học... làm ảnh hưởng đến môi trường sinh thái. Rừng được cấp chứng chỉ FSC là "giấy thông hành" để đưa sản phẩm gỗ rừng trồng của tỉnh ra thế giới. GRDP ngành lâm nghiệp tỉnh đạt hơn 1.750 tỷ đồng, tạo việc làm cho 40.000 lao động, chiếm 175% GRDP ngành nông lâm nghiệp, thủy sản; tăng trưởng bình quân đạt 10%/năm; giá trị sản phẩm chế biến gỗ chiếm 14% giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh.
Cùng với đó, việc ứng dụng khoa học công nghệ, nhất là công nghệ cao trong sản xuất lâm nghiệp và chế biến gỗ trên địa bàn tỉnh được áp dụng rộng rãi. Các chương trình hỗ trợ cây giống chất lượng cao, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật được thực hiện hằng năm nhằm tạo ra những bước tiến nhanh trong sản xuất. Chỉ trong 3 năm trở lại đây, tỉnh đã thực hiện hỗ trợ giống cây keo lai mô, keo hạt ngoại nhập để trồng trên 9.000 ha rừng chất lượng cao cho các địa phương.
Phấn đấu thành trung tâm chế biến gỗ của cả nước
Được đánh giá là "thủ phủ” rừng trồng chế biến gỗ, đây là "thỏi nam châm" thu hút các nhà đầu tư vào lĩnh vực này tại Tuyên Quang. Hiện nay trên địa bàn tỉnh có 9 nhà máy chế biến lâm sản đã và đang đầu tư, mở rộng, nâng cao công suất chế biến như: Nhà máy Bột giấy và Giấy An Hòa công suất 1.300.000 m3/năm; Nhà máy chế biến gỗ của Công ty cổ phần Woodsland Tuyên Quang 680.000 m3/năm; Nhà máy sản xuất đũa tre, giấy đế và bột giấy huyện Na Hang 25.000 m3/năm… Các sản phẩm của một số công ty trên đã chinh phục được các thị trường EU, Mỹ, Canada, Nga, Nhật Bản, góp phần gia tăng giá trị xuất khẩu và công nghiệp của tỉnh.
Đây chính là điều kiện thuận lợi để tỉnh xây dựng "Đề án xây dựng Tuyên Quang trở thành khu lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao và trung tâm sản xuất và chế biến gỗ”. Mục tiêu đến năm 2030, Tuyên Quang xây dựng được 1 trung tâm nghiên cứu, khảo nghiệm, phát triển các giống cây lâm nghiệp, cung ứng 20% nhu cầu cây giống cho vùng trung du và miền núi phía Bắc.
Đồng thời phát triển vùng nguyên liệu bền vững, nâng cao năng suất rừng trồng, thu hút đầu tư phát triển công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản ngoài gỗ, sản xuất chuyên sâu đồ gỗ, kết nối sàn thương mại điện tử quốc tế để xúc tiến tiêu thụ sản phẩm chế biến gỗ và lâm sản.
Người dân thôn Tân Thượng, xã Lương Thiện (Sơn Dương) giàu lên từ trồng rừng sản xuất.
Định hướng đến năm 2050, Tuyên Quang trở thành trung tâm vùng về công nghiệp chế biến lâm sản, sản xuất đồ gỗ và giấy, có vị trí vững chắc trong chuỗi giá trị ngành gỗ và lâm sản của vùng, tham gia chuỗi sản xuất lâm sản ứng dụng công nghệ cao phục vụ xuất khẩu. Đề án được thực hiện sẽ tăng giá trị kinh tế lên 200% so với hiện nay.
Ông Trần Lâm Đồng, Phó Giám đốc Viện Lâm nghiệp Việt Nam khẳng định, Tuyên Quang có độ che phủ rừng đứng tốp đầu, sản lượng khai thác đứng đầu cả nước và đã thu hút được một số doanh nghiệp chế biến gỗ lớn nhất cả nước đây là điều kiện để phát triển lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao và trở thành trung tâm chế biến gỗ của cả nước.
Bên cạnh các điều kiện đã có thì việc nâng cao năng suất, chất lượng gỗ rừng trồng sẽ là điều kiện để tăng sản lượng, tăng thu nhập cho chủ rừng. Ông Nguyễn Bá Ngãi, Phó Chủ tịch Hội chủ rừng Việt Nam cho rằng: Để nâng cao sản lượng cũng như chất lượng, sản lượng gỗ thì các chủ rừng cần phải thay đổi nhận thức về trồng rừng, từ khâu chọn giống, quy trình chăm sóc, sinh trưởng của cây…
Việc này các chủ rừng là doanh nghiệp, Hợp tác xã phải đi đầu để chủ rừng là hộ gia đình học theo. Bên cạnh đó, tỉnh cũng phải có cơ chế cụ thể đối với các chủ rừng thì việc phát triển vùng gỗ lớn, xây dựng "thương hiệu" gỗ rừng trồng mới thành công. Đây là điều kiện cần để Tuyên Quang trở thành trung tâm chế biến gỗ.
Với sự phát triển của ngành Lâm nghiệp những năm qua không chỉ tạo ra doanh thu, việc làm cho người lao động, ổn định cuộc sống của nhiều hộ gia đình vùng đồng bào dân tộc thiểu số mà còn giữ môi trường sống trong lành. Ngành Lâm nghiệp đang phát triển theo hướng đa giá trị, đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh.