Sales là một trong những ngành cần nhiều nhân sự và được dự đoán sẽ tiếp tục phát triển trong tương lai bởi nhu cầu mua bán không bao giờ dừng lại. Dù vậy, chúng ta vẫn thường lầm tưởng rằng công việc của sales chỉ đơn giản là giới thiệu sản phẩm và giải đáp những thắc mắc về sản phẩm của khách hàng.
Tuy nhiên, sales sẽ bao gồm nhiều khía cạnh hơn là như thế. Nếu bạn vẫn còn đang thắc mắc về ngành nghề này, hãy cùng Reeracoen đọc tiếp bài viết này nhé!
Sales Là Gì?
Sales hay còn gọi là nhân viên kinh doanh. Vị trí này đảm nhiệm công việc bán hàng của doanh nghiệp. Họ phải tiếp xúc trực tiếp với khách hàng, tư vấn để khách lựa chọn được sản phẩm phù hợp với nhu cầu. Ngoài ra, nhân viên sales cũng đồng thời phải giải đáp các thắc mắc của khách hàng về công ty và sản phẩm để đem lại sự tin tưởng và thuyết phục khách hàng lựa chọn sản phẩm của mình, đem lại nguồn doanh thu cho công ty.
Thật vậy, Sales là một bộ phận rất quan trọng đối với công ty, là bộ phận trực tiếp đem lại doanh thu. Nhân viên Sales sẽ có 2 hình thức cơ bản để tiếp xúc với khách hàng: qua điện thoại (telesales) hoặc trực tiếp. Ngoài ra, đối với một số ngành (đặc biệt là ngành dịch vụ), Sales cũng cần phải chăm sóc và hỗ trợ tận tâm để có thêm doanh thu từ khách hàng cũ.
Tóm lại, đây là một số nhiệm vụ cơ bản của Sales:
- Hiểu rõ các thông tin về sản phẩm của công ty và các vấn đề liên quan để có thể hỗ trợ giải đáp cho khách hàng nhanh chóng nhất.
- Tìm kiếm khách hàng tiềm năng: gọi điện hoặc lên lịch các buổi hẹn để lắng nghe nhu cầu và vấn đề của khách, sau đó giới thiệu cho khách hàng về sản phẩm phù hợp.
- Kết hợp với các phòng ban khác để tăng tỉ lệ chốt sales, đem lại lợi nhuận lớn hơn cho công ty.
- Báo giá và thuyết phục khách hàng.
- Quyết định thời hạn thanh toán và giao hàng (nếu cần).
- Nộp hóa đơn bán hàng hằng ngày.
- Thực hiện báo cáo kinh doanh và gửi cho cấp trên.
Trên đây chỉ là một số nhiệm vụ cơ bản của 1 nhân viên Sales. Ngoài ra, tùy vào từng công ty và vị trí cụ thể, các nhiệm vụ này sẽ có sự thay đổi. Tuy nhiên, Sales vẫn là bộ phận đại diện cho bộ mặt của công ty do tiếp xúc trực tiếp với khách hàng. Do đó, việc làm Sales ở nhiều công ty, đặc biệt việc làm ở công ty Nhật sẽ có nhiều yêu cầu khắt khe hơn.
Làm Sale Học Ngành Gì?
Nhiều người lầm tưởng rằng Sales thì học ngành nào cũng được chỉ cần giỏi kỹ năng giao tiếp. Điều này không hoàn toàn sai, nhưng những bạn học trái ngành thường “không đầy đủ” tố chất để làm 1 nhân viên kinh doanh tiêu biểu. Hoặc họ sẽ phải tốn nhiều thời gian hơn để trau dồi kiến thức và rèn luyện các kỹ năng này.
Dưới đây, Reeracoen sẽ gợi ý một số ngành phù hợp để làm nhân viên kinh doanh (Sales):
- Quản trị kinh doanh
- Marketing
- Quản trị bán hàng
- Truyền thông báo chí
- Khoa học xã hội
- Tâm lý học
Các Vị Trí Sales Phổ Biến
Bên cạnh các vị trí nhân viên kinh doanh thông thường, chúng ta cũng sẽ bắt gặp một số vị trí sales đặc biệt hơn:
Sales Engineer
Sales Engineer (kỹ sư bán hàng) là một khái niệm tương đối mới hơn so với các vị trí khác. Thật vậy, kỹ sư bán hàng sẽ chuyên phụ trách các sản phẩm đặc biệt, chủ yếu sẽ liên quan đến sản xuất, máy móc, hoặc khoa học.
Do đó, vị trí sales này có yêu cầu cao hơn về mặt kiến thức kỹ thuật và chuyên môn để nắm được quá trình chúng hoạt động. Đây đồng thời là vị trí có sự kết hợp giữa linh hoạt và nhạy bén kinh doanh và chuyên môn kỹ thuật.
Chính vì thế, vị trí này khá khó tuyển dụng trong khi nhu cầu tuyển dụng lại cao. Nếu muốn tuyển dụng vị trí này nhanh chóng và hiệu quả, bạn có thể sử dụng dịch vụ headhunter như Reeracoen (chuyên hỗ trợ tuyển dụng cho các việc làm tiếng Nhật).
Sales Development Representative
Sales development representatives (Đại diện Phát triển Bán hàng) là người chịu trách nhiệm bước đầu trong quá trình bán hàng, bao gồm các nhiệm vụ như nghiên cứu, tìm kiếm khách hàng tiềm năng.
Thật vậy, công việc chính của vị trí này sẽ tập trung vào việc phát triển mạng lưới khách hàng thay vì trực tiếp tạo ra các giao dịch mua bán. Vì thế, họ sẽ đo lường công việc dựa trên độ hiệu quả của từng kết nối khách hàng thông qua các số liệu: số cuộc gọi/email đã thực hiện, tỉ lệ chuyển đổi (từ khách hàng tiềm năng thành người mua).
Account Executive
Account executive đóng vai trò là vị trí “cầu nối” giữa nhà cung cấp và khách hàng, để thực hiện truyền đạt nhu cầu của khách để hoàn thành dự án (sản phẩm).
Do đó, họ phải luôn duy trì giao tiếp, đánh giá mong muốn của khách hàng, đồng thời phải theo kịp các xu hướng trong ngành để tư vấn cho khách.
Tóm lại, Account executive sẽ chịu trách nhiệm về việc giới thiệu sản phẩm cho khách hàng và giải quyết các yêu cầu, mong muốn phát sinh của khách trong suốt quá trình mua hàng.
Kết luận
Sales là một trong những ngành phổ biến và cần khá nhiều nhân lực hiện nay. Dù là sinh viên mới ra trường, nếu có kỹ năng mềm tốt, nghề sales có thể đem lại mức lương khá cao so với các ngành khác. Đó là bởi vì thu nhập nghề sale còn có thêm thưởng doanh số.
Nếu bạn còn muốn biết thêm về ngành này, thì đừng bỏ qua các bài blog tiếp theo của Reeracoen nhé!