Quy định về đặt tên cho cơn bão
Bão nhiệt đới có thể kéo dài trong một tuần hoặc lâu hơn. Do đó, đôi khi, hai hoặc nhiều cơn bão có thể xảy ra cùng lúc. Để tránh nhầm lẫn, các nhà khí tượng học sẽ đặt tên cho từng cơn bão.
Theo Tổ chức Khí tượng Thế giới (World Meteorological Organization - WMO), các cơn bão nhiệt đới được đặt tên theo quy tắc ở từng khu vực.
Từ năm 1950, các cơn bão ở Đại Tây Dương và nam bán cầu (Ấn Độ Dương và Nam Thái Bình Dương) được đặt tên nhưng không theo quy tắc cụ thể. Đến năm 1953, các cơn bão nhiệt đới sẽ được đặt tên theo tên nữ giới, sắp xếp theo bảng chữ cái.
Đến năm 1978, tên nam giới được bổ sung vào danh sách và xen kẽ với tên nữ giới. Ví dụ, nếu cơn bão đầu tiên trong năm bắt đầu bằng chữ A - Anne, cơn bão tiếp theo sẽ bắt đầu bằng chữ B - Bernard.
Với riêng khu vực Đại Tây Dương, WMO sử dụng danh sách gồm 21 tên để đặt cho các cơn bão. Tổng cộng, 6 danh sách sẽ được sử dụng luân phiên qua các năm. Theo đó, danh sách tên bão năm 2019 sẽ được sử dụng lại vào năm 2025. Điểm đặc biệt, tên các cơn bão không bắt đầu bằng các chữ cái Q, U, X, Y hoặc Z.
Các quốc gia ở Bắc Ấn Độ Dương bắt đầu sử dụng hệ thống mới để đặt tên cho các cơn bão nhiệt đới từ năm 2020. Những cơn bão được liệt kê theo thứ tự bảng chữ cái, theo từng quốc gia và được đặt bằng những cái tên trung tính.
Quy tắc chung là danh sách đặt tên các cơn bão được đề xuất bởi Cơ quan Khí tượng Thủy văn Quốc gia (NMHSs). Danh sách này được các cơ quan tương ứng phê duyệt tại các phiên họp hàng năm hoặc hai năm một lần.
Với khu vực Tây Bắc Thái Bình Dương và Biển Đông (trong đó có các cơn bão đổ bộ vào Việt Nam), phần lớn cơn bão được đặt tên theo tên địa danh, động vật hoặc thực vật. Mỗi quốc gia được đặt 10 tên bão, chia thành 5 danh sách và sẽ xoay vòng theo năm.
Cục Khí tượng Nhật Bản (JMA) là một trong 6 Trung tâm Khí tượng Chuyên ngành khu vực thuộc Tổ chức Khí tượng Thế giới. Trung tâm này là cơ quan chịu trách nhiệm dự báo, cảnh báo và đặt tên các cơn bão nhiệt đới hoạt động trên khu vực Tây Bắc Thái Bình Dương và Biển Đông.
Theo WMO, tên quốc tế của các cơn bão tại Việt Nam được đăng ký bao gồm: Sơn Tinh, Cỏ May, Ba Vì, Côn Sơn, Sơn Ca, Trà Mi, Hạ Long, Vàm Cỏ, Sông Đà, Sao La.
Danh sách tên các cơn bão đã được WMO thông quaViệc đặt tên cho các cơn bão đã bắt đầu từ lâu, nhằm giúp xác định nhanh các cơn bão trong những thông báo cảnh báo. Những cái tên sẽ giúp người dân dễ nhớ hơn so với các con số và thuật ngữ kỹ thuật.
Nhiều người đồng tình với ý kiến này, đồng thời cho rằng việc đặt tên sẽ giúp các phương tiện truyền thông đưa tin về các cơn bão dễ dàng hơn, giúp người dân để ý các cảnh báo, từ đó tăng cường đối phó khi bão ập đến.
Việc sử dụng tên riêng, ngắn gọn cũng giúp việc thông báo bằng văn bản hoặc giọng nói diễn ra thuận lợi hơn, nhanh hơn và ít bị lỗi hơn so với phương pháp xác định cơn bão bằng kinh độ, vĩ độ khó nhớ, dài dòng. Những điều này tạo ra lợi thế quan trọng trong việc trao đổi thông tin chi tiết về những cơn bão.
Đặc biệt, tên của những cơn bão có thể bị loại bỏ nếu cơn bão đó gây thiệt hại nặng nề về người và của. Thông thường, trong các cuộc họp thường niên của WMO, những cái tên “phạm” phải điều cấm kỵ này sẽ được loại bỏ và thay thế bằng tên mới.
Một tên bão sẽ bị xóa khỏi danh sách khi cơn bão gây thiệt hại nặng nề. Ví dụ, Hàn Quốc từng đề nghị loại bỏ tên bão Saomai (Việt Nam đề cử) ra khỏi danh sách tên bão vì cơn bão mang tên này đã gây hậu quả nghiêm trọng cho Hàn Quốc. Việt Nam cũng đã đề nghị bỏ tên bão Chanchu do Hàn Quốc đặt vì đã gây hậu quả nghiêm trọng cho Việt Nam.
Những tên bão nổi tiếng như Tracy (Darwin, năm 1974), Mitch (Honduras, năm 1998), Katrina (Mỹ, năm 2005), Sandy (Mỹ, năm 2012), Sandy (Mỹ, năm 2012), Haiyan (Philippines, năm 2013), Irma and Maria (Caribbean, Năm 2017), Mangkhut (Philippines, năm 2018)… cũng đã bị WMO loại khỏi danh sách vì lý do trên.
Inforgaphic về thiệt hại của cơn bão Chanchu năm 2006 (nguồn: vtv.vn)Dự báo năm 2022, có thể có 21 cơn bão được đặt tên
Mùa bão bắt đầu từ ngày 1/6 và kéo dài đến ngày 30/11. Một mùa trung bình thường sinh ra 7 cơn bão và đạt cực đại vào tháng 8 và tháng 9. Nếu dự báo chính xác, năm 2022 sẽ là năm thứ 7 liên tiếp chứng kiến một mùa bão Đại Tây Dương trên mức trung bình.
Nhìn chung, Cơ quan Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ (NOAA) cho biết, sẽ có 14 đến 21 cơn bão được đặt tên. Con số này bao gồm các cơn bão nhiệt đới, có tốc độ gió từ khoảng 63 km/h trở lên. Bão trở thành cuồng phong khi sức gió đạt khoảng 120 km/h. Trong số các cơn bão được dự đoán, từ 3 đến 6 cơn bão có thể là bão lớn, có tốc độ gió từ 178 km/h trở lên.
Mùa bão trên mức trung bình theo dự đoán là kết quả của một số yếu tố khí hậu, bao gồm cả La Niña đang diễn ra có khả năng kéo dài trong suốt mùa bão, nhiệt độ bề mặt biển ấm hơn mức trung bình ở Đại Tây Dương và Biển Caribe, gió mậu dịch Đại Tây Dương nhiệt đới yếu hơn và gió mùa Tây Phi tăng cường.
El Niño, hiện tượng ấm lên tự nhiên của vùng biển Thái Bình Dương nhiệt đới, có xu hướng ngăn chặn hoạt động của bão Đại Tây Dương. Ngược lại, La Niña thường làm tăng số lượng các cơn bão ở Đại Tây Dương.
Dự báo bao gồm các cơn bão đổ bộ Đại Tây Dương, Biển Caribe và Vịnh Mexico. Dự báo của NOAA theo sau những dự báo khác vào mùa xuân này - những dự báo cũng cho thấy một mùa bão mạnh hơn.
Tháng trước, các nhà khí tượng học tại Đại học Bang Colorado (Mỹ) dự đoán sẽ có 19 cơn bão nhiệt đới hình thành, 9 trong số đó sẽ trở thành cuồng phong.
Các nhà dự báo cũng đưa ra dự đoán của họ cho lưu vực phía Đông Thái Bình Dương, nơi dự kiến có 10 đến 17 cơn bão được đặt tên. Một mùa bão phía Đông Thái Bình Dương trung bình tạo ra 15 cơn bão được đặt tên.
Các cơn bão và cuồng phong ở Đông Thái Bình Dương chủ yếu ở ngoài biển và hiếm khi ảnh hưởng đến đất liền ở Mỹ, trong khi đó, một số cơn bão đã đổ bộ vào bờ biển phía Tây của Mexico. Độ ẩm còn sót lại từ các cơn bão có thể gây mưa lớn trên vùng Tây Nam nước Mỹ, dẫn đến lũ lụt.
Dự báo năm 2022 sẽ có 8-10 cơn bão trên biển Đông, trong đó 3-5 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến Việt Nam
Cơn bão Noru (tại Việt Nam gọi là cơn bão số 4) được dự báo sẽ là một trong những cơn bão mạnh nhất trong vòng 20 năm trở lại đây, tương tự cơn bão Sangxane năm 2006, bão Ketsana 2009, bão Molave 2020, từng gây thiệt hại nặng ở các tỉnh Trung bộ Việt Nam.
Noru là tên do Hàn Quốc đặt tên. Theo tiếng Hàn Quốc, Noru có nghĩa là "con Hoẵng", phiên âm là No-ruu.
Dự báo đường đi của bão Noru (cơn bão số 4) tính đến 08 giờ 00 phút ngày 27/9/2022. Cơn bão Noru có đường đi tương tự như cơn bão Xansane năm 2006 Đường đi của cơn bão Xangsane năm 2006 (theo tiếng Lào có nghĩa là "con voi lớn", còn được gọi là Milenyo tại Philippines). Khi đổ bộ vào Việt Nam đã khiến 59 người bị chết, nhiều người mất tích; khoảng 500 người bị thương, gần 16.000 nhà sập, hơn 25.000 nhà tốc mái và 52.000 nhà bị ngập trong nước, gần 579 tàu thuyền hư hại. Ước tính tổng số thiệt hại hơn 10.000 tỉ đồng vào thời điểm năm 2006Phó Thủ tướng Lê Văn Thành - Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn - vừa ký Công văn gửi các ban, bộ, ngành và các tỉnh, thành phố chỉ đạo phòng ngừa, ứng phó thiên tai những tháng cuối năm 2022.
Theo Công văn, từ đầu năm 2022 đến nay, thiên tai liên tiếp xảy ra tại nhiều địa phương, các ban, bộ, ngành và địa phương đã tích cực, chủ động triển khai ứng phó, tuy nhiên, thiên tai vẫn gây thiệt hại rất lớn về tính mạng, tài sản của nhân dân và Nhà nước, ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất, đời sống của nhân dân.
Theo nhận định của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, những tháng cuối năm 2022, thiên tai còn diễn biến phức tạp, khó lường với 8 - 10 cơn bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên Biển Đông, trong đó 3 - 5 cơn bão có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến ven biển và đất liền nước ta dồn dập trong tháng 10 và 11.
Ngoài ra, mưa ở Bắc Bộ, Trung Bộ và Tây Nguyên đều ở mức cao hơn trung bình nhiều năm, nguy cơ gây ngập lụt, sạt lở đất, lũ quét, nhất là tại Trung Bộ, Tây Nguyên.
Để chủ động phòng ngừa, ứng phó, khắc phục nhanh hậu quả khi xảy ra thiên tai từ nay đến cuối năm, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu các tỉnh, thành trực thuộc Trung ương triển khai thực hiện nghiêm Chỉ thị của Thủ tướng về tăng cường công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.
Tổ chức rà soát kế hoạch, phương án ứng phó thiên tai, nhất là phương án bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân.
Bên cạnh đó, theo dõi, nắm sát tình hình, diễn biến thiên tai trên địa bàn, chủ động chỉ đạo, triển khai kịp thời, hiệu quả công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai và cứu hộ cứu nạn trong mọi tình huống, bảo đảm phù hợp với thực tế tại địa phương, không để bị động, bất ngờ.
Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường tập trung chỉ đạo, tổ chức nâng cao chất lượng công tác dự báo, cảnh báo thiên tai, theo dõi chặt chẽ, cung cấp kịp thời, chính xác thông tin nhận định, dự báo, cảnh báo thiên tai tới các bộ, ban, ngành, địa phương có liên quan và nhân dân biết để chủ động triển khai ứng phó kịp thời, hiệu quả.
Thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai chỉ đạo, đôn đốc các ngành, địa phương triển khai công tác phòng, chống thiên tai, phù hợp với đặc điểm, nguy cơ xảy ra thiên tai cụ thể tại từng vùng miền...