Ruộng bậc thang kiệt tác từ bàn tay lao động

Ruộng bậc thang kiệt tác từ bàn tay lao động

13:46, 01/11/2023

BHG - Ruộng bậc thang là hình thức canh tác độc đáo của đồng bào các dân tộc ở nhiều tỉnh vùng cao phía Bắc nói chung và Hà Giang nói riêng. Trải qua hàng trăm năm, dưới bàn tay lao động cần cù và óc sáng tạo của người nông dân đã tạo nên những thửa ruộng bậc thang uốn lượn, trải dài tít tắp theo các sườn đồi. Không chỉ đem lại những mùa vàng no ấm, những thửa ruộng bậc thang còn là một bức tranh thiên nhiên kỳ vĩ, thơ mộng.

Tuần văn hóa du lịch “Qua những miền di sản ruộng bậc thang Hoàng Su Phì” trở thành sản phẩm du lịch hấp dẫn. Ảnh: YÊN HOA
Tuần văn hóa du lịch “Qua những miền di sản ruộng bậc thang Hoàng Su Phì” trở thành sản phẩm du lịch hấp dẫn. Ảnh: YÊN HOA

Bức tranh kiệt tác

Ruộng bậc thang ở tỉnh ta chủ yếu nằm ở các huyện Hoàng Su Phì và Xín Mần. Theo các nhà nghiên cứu dân gian, ruộng bậc thang có lịch sử hình thành cách đây 200 - 300 năm, gắn với lịch sử cư trú của các dân tộc La Chí, Dao, Tày, Nùng, Cờ Lao, Phù Lá... Với đặc trưng địa hình đồi núi dốc, thiếu đất canh tác, các dân tộc đã chọn các sườn đồi có độ dốc vừa phải, có nguồn nước, san thành các tầng bậc để giữ nước và trồng lúa. Khai khẩn ruộng bậc thang là một quá trình công phu, tốn nhiều công sức. Việc này thường được tiến hành vào mùa Xuân, để đến tháng 4, tháng 5 (âm lịch) là có thể canh tác ngay cho kịp thời vụ.

Khi thời tiết thuận lợi, người dân sẽ phát cỏ, dọn sạch mặt đất, rồi tiến hành cuốc đất và san ủi thành các tầng bậc. Việc đắp bờ cũng đòi hỏi sự khéo léo, nhất là với những thửa ruộng có độ dốc cao, bà con phải lấy đá kè chặt từ ruộng dưới lên đến mặt ruộng trên để bảo vệ ruộng và tránh bị rửa trôi lớp đất màu mỡ. Hệ thống dẫn nước vào ruộng cũng phải được bố trí hợp lý, kết nối chặt chẽ với nhau, đảm bảo nước chảy đều từ thửa ruộng cao xuống ruộng thấp. Từng công đoạn đều được thực hiện bằng những công cụ như dao, cuốc, xẻng, xà beng, cày, bừa.

Những thửa ruộng bậc thang đẹp như bức tranh ở Hoàng Su Phì. Ảnh: NG.PHƯƠNG
Những thửa ruộng bậc thang đẹp như bức tranh ở Hoàng Su Phì. Ảnh: NG.PHƯƠNG

Công việc khai khẩn được nối tiếp từ năm này qua năm khác, từ thế hệ này sang thế hệ khác mới hình thành nên những thửa ruộng bậc thang uốn lượn, trải dài theo các sườn núi như ngày nay. Những thửa ruộng bậc thang mùa nước đổ như mặt gương soi khổng lồ giữa núi rừng, hay những thảm lúa vàng óng như dải lụa mềm mại vào mùa lúa chín không chỉ tạo nên một bức tranh thiên nhiên độc đáo mà còn là bản hùng ca về tinh thần lao động và óc sáng tạo của những con người nơi rẻo cao.

Trải qua bao biến thiên của thời gian, ruộng bậc thang đã trở thành phương thức canh tác phổ biến của nhiều dân tộc ở Hà Giang. Những thửa ruộng ấy không chỉ giúp bà con đảm bảo an ninh lương thực, mà còn được đồng bào coi là thứ tài sản quý giá, trao tặng cho con cái khi dựng vợ, gả chồng và được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Khai thác “đa tầng” giá trị

Để nâng cao thu nhập trên những thửa ruộng bậc thang, người dân không chỉ cấy lúa nước mà còn tìm cách chuyển đổi cây trồng, tăng vụ. Một số địa phương đã áp dụng giống lúa đặc sản, chất lượng cao vào sản xuất để xây dựng sản phẩm OCOP như gạo Già dui, Nếp cái hoa vàng... Ngoài ra, người dân ở các huyện như Hoàng Su Phì, Xín Mần còn kết hợp hình thức xen canh cá - lúa, góp phần gia tăng giá trị trên cùng đơn vị diện tích canh tác.

 Mùa vàng Thông Nguyên (Hoàng Su Phì). Ảnh: MINH TY
Mùa vàng Thông Nguyên (Hoàng Su Phì). Ảnh: MINH TY

Không chỉ là phương thức sản xuất nông nghiệp, ruộng bậc thang còn là loại hình di sản văn hóa đặc biệt, sản phẩm đặc thù trong kế hoạch xây dựng thương hiệu du lịch của huyện Hoàng Su Phì nói riêng và của tỉnh ta nói chung. Từ phương thức canh tác ruộng bậc thang, đã sản sinh ra các tín ngưỡng liên quan tới nông nghiệp như: Tết Khu cù tê, Lễ xin giống của dân tộc La Chí; Lễ Cầu mùa của dân tộc Dao đỏ; Lễ hội Lồng Tồng của dân tộc Tày... tạo nên kho tàng văn hóa đặc sắc cho cộng đồng nơi đây, trở thành điểm nhấn đặc biệt thu hút khách du lịch.

Từ năm 2012, ruộng bậc thang Hoàng Su Phì đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận di tích cấp Quốc gia với tổng diện tích gần 765 ha. Việc danh lam thắng canh ruộng bậc thang Hoàng Su Phì được xếp hạng di tích cấp Quốc gia, kết hợp với bảo tồn bản sắc văn hóa, những lễ hội truyền thống của đồng bào các dân tộc... đã mang lại tiềm năng lớn trong phát triển du lịch. Khai thác lợi thế này, từ năm 2012, huyện Hoàng Su Phì đã tổ chức Chương trình Tuần văn hóa du lịch “Qua những miền di sản ruộng bậc thang”, vừa tạo cơ hội để du khách tham quan, chiêm ngưỡng ruộng bậc thang mùa lúa chín, gắn với trải nghiệm các hoạt động lao động, sản xuất như gặt lúa, bắt cá Chép ruộng, kết hợp với tổ chức các hoạt động văn nghệ, thể thao hấp dẫn, góp phần từng bước xây dựng nên sản phẩm du lịch độc đáo, đồng thời giúp người dân tăng thêm thu nhập, ổn định cuộc sống.

Tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, xen canh, tăng vụ, kết hợp nông nghiệp với du lịch đã nâng cao giá trị cho di sản ruộng bậc thang, giúp người dân vùng cao từng bước làm giàu trên những “công trình kiến trúc vĩ đại” được cha ông trao truyền lại.

YÊN HOA

Link nội dung: https://appstore.edu.vn/rung-bc-thang-kit-tc-t-bn-tay-lao-ng-bo-h-giang-a31559.html