Luật thơ của thể thơ là toàn bộ những quy tắc liên quan đến số câu, số tiếng (chữ), cách hiệp vần, phép hài thanh và cách ngắt nhịp… được khái quát theo những kiểu mẫu nhất định.
Có thể chia các thể thơ của Việt Nam làm ba nhóm chính:
+ Các thể thơ dân tộc bao gồm: lục bát, song thất lục bát và hát nói.
+ Các thể thơ Đường luật bao gồm: ngũ ngôn, thất ngôn (tứ tuyệt và bát cú).
+ Các thể thơ hiện đại bao gồm: năm tiếng, bảy tiếng, tám tiếng, hỗn hợp, tự do, thơ - văn xuôi…
Sự hình thành nên các luật thơ cũng như sự vay mượn, mô phỏng và cách tân lại các thể thơ, nó đều phải dựa trên các đặc trưng trong ngữ âm của tiếng Việt, trong đó có “tiếng” chính là đơn vị giữ vai trò quan trọng nhất.
Số tiếng ở các dòng thơ là một căn cứ để gọi tên thể thơ. Tiếng chính là nhân tố cấu thành ý nghĩa và nhạc điệu trong từng dòng thơ, bài thơ. Cấu tạo của tiếng là cơ sở để hài thanh, nó bao gồm 3 phần: phụ âm đầu, vần và thanh điệu.
+ Vần thơ là yếu tố để hiệp vần, cụ thể nó là phần được lặp lại để liên kết giữa câu thơ trước với câu thơ sau (vị trí hiệp vần là một cơ sở để xác định được luật thơ)
+ Thanh điệu của tiếng là yếu tố quan trọng để hài thanh. Sự luân phiên đối xứng tạo ra sự hài hòa giữa các thanh bằng trắc sẽ hình thành nên nhạc điệu thơ.
+ Tiếng là cơ sở để ngắt nhịp thơ (căn cứ vào các tiếng có thanh B hay T ở những vị trí không đổi tạo chỗ ngừng mà mỗi thể thơ sẽ có cách ngắt nhịp khác nhau).
⇒ Số tiếng, vần thơ, thanh điệu và cách ngắt nhịp chính là các cơ sở để hình thành nên luật thơ
Lục bát là thể thơ độc đáo và đã tồn tại từ lâu đời của văn học Việt Nam, rất thông dụng trong văn học và đời sống của chúng ta. Một bài thơ lục bát hoàn chỉnh gồm nhiều câu thơ tạo nên, nó không hạn chế số lượng câu. Thể thơ này được dùng chủ yếu trong ca dao, dân ca Việt Nam.
Số tiếng: Đúng như tên gọi , mỗi cặp lục bát cơ bản sẽ gồm 2 câu (câu lục: 6 tiếng và câu bát: 8 tiếng) được phối vần với nhau.
Ví dụ :
“Trăm năm trong cõi người ta Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau Trải qua một cuộc bể dâu Những điều trông thấy mà đau đớn lòng”
(Trích Truyện Kiều- Nguyễn Du)
Vần: Lục bát là thể thơ đặc biệt, nó có thể kết hợp hài hòa cả hai cách gieo vần là gieo vần ở giữa câu và cuối câu. Hiệp vần ở tiếng thứ 6 của cả hai dòng và giữa tiếng thứ 8 của dòng bát với tiếng thứ 6 của dòng lục.
Nhịp: Tùy theo từng ngữ cảnh của mỗi câu thơ sẽ được ngắt nhịp theo từng tiết tấu khác nhau của từ vựng. Một số cách ngắt nhịp thường thấy hơn trong thể thơ lục bát: ngắt nhịp theo dạng nhịp chẵn sẽ dựa vào tiếng có thanh không đổi (tức là các tiếng 2/4/6), hoặc ngắt nhịp ở câu lục, giữa hai vế câu thường có dấu phẩy ngăn cách.
Hài thanh: Có sự đối xứng luân phiên giữa thanh B - T - B (thanh bằng-trắc-bằng) ở các tiếng 2, 4, 6 trong dòng câu thơ; sẽ đối lập với âm vực trầm bổng ở tiếng thứ 6 và 8 của dòng thơ bát.
Thơ song thất lục bát cũng được xem là thể thơ đặc trưng của nước ta, được nhiều tác giả và mọi người ưa chuộng trong giai đoạn văn học trung đại vào thế kỉ 18 đến đầu thế kỉ 20.
Ví dụ:
“Em nhớ mãi chiều thu lá đổ Mình bên nhau cạn tỏ nguồn cơn Chạnh lòng anh vọng lời thương Xa xa vẳng tiếng nghe dường nỉ non Anh khắc khoải lòng son giữ mãi Đời biển dâu xa xót tình đau Lời anh nghe thấm từng câu Người như ôm cả nỗi sầu thế nhân”
(Trích Bài thơ Thuyền neo bến đậu- Hoàng Mai)
Số tiếng: Theo cách đếm số Hán Việt, lục là số 6, thất là số 7, bát là số 8. Bên cạnh đó, chữ “song” dùng chỉ hai sự vật hoặc hiện tượng giống nhau. Thơ song thất lục bát là thể thơ bao gồm có cặp song thất gồm bảy chữ, xen kẽ là cặp lục bát (6 - 8 tiếng) luân phiên nhau.
Vần: Cách gieo vần ở thể thơ song thất lục bát nhìn thoáng qua, ta tưởng chừng nó không theo bất cứ quy luật thơ ca nào. Tuy nhiên nếu tinh ý và nhìn kĩ bạn sẽ thấy được cách chơi chữ đầy thú vị và không tạo cảm giác gò bó. Hiệp vần xuất hiện ở mỗi cặp thơ, cặp song thất có vần trắc, cặp lục bát thì có vần bằng. Giữa cặp song thất và lục bát sẽ có vần liền.
Nhịp: 2 câu thất thường có nhịp 3/4 và nhịp 2/2/2 ở cặp lục bát.
Hài thanh: Cặp song thất thường lấy tiếng thứ ba để làm chuẩn, có thể là thanh bằng (câu thất - bằng) hoặc trắc (câu thất - trắc) không bắt buộc. Cặp lục bát thì đối xứng B - T (thanh bằng-trắc) chặt chẽ hơn (giống như ở thể lục bát)
Gồm 2 thể chính: ngũ ngôn tứ tuyệt (5 tiếng và 4 dòng) và ngũ ngôn bát cú (5 tiếng và 8 dòng).
Thơ ngũ ngôn tứ tuyệt đường luật cũng là thể thơ lâu đời xuất xứ từ Trung Quốc du nhập vào nền thơ ca Việt Nam. Thể thơ này giống với thơ thất ngôn tứ tuyệt chỉ cần bỏ hai chữ cuối là chúng ta sẽ có được bài thơ ngũ ngôn tứ tuyệt
Thơ ngũ ngôn bát cú là thể thơ gồm 8 câu (bát cú), mỗi câu có 5 tiếng (ngũ ngôn) được làm theo quy định chặt chẽ của luật thơ Đường luật; cho nên thể thơ này còn được gọi là ngũ ngôn luật thi. Thơ ngũ ngôn bát cú về cơ bản cũng giống như bài thơ thất ngôn bát cú bỏ đi hai tiếng đầu câu, chỉ còn lại năm tiếng sau.
Ví dụ:
Ngũ ngôn tứ tuyệt: “Mỗi năm hoa đào nở Lại thấy ông đồ già Bày mực tàu, giấy đỏ Bên phố đông người qua.
Bao nhiêu người thuê viết Tấm tắc ngợi khen tài: “Hoa tay thảo những nét Như phượng múa, rồng bay.”
(Trích Ông đồ- Vũ Đình Liên)
Ngũ ngôn bát cú: “Tí tách giọt mưa rơi Lòng thương nhớ một người Niềm đau hoài chẳng cạn Nỗi khổ mãi không vơi Lá úa bay đầy ngõ Hoa tàn rụng khắp nơi Tình đôi ta cách trở Trọn kiếp dở dang rồi.”
(Trích Dở dang- Hoàng Thứ Lang)
Vần: 1 vần, gieo vần cách luân phiên bằng - trắc hoặc bằng - bằng, trắc - trắc. Cứ theo thứ tự như vậy cho đến hết bài thơ ta sẽ có một bài thơ hoàn chỉnh, chính xác theo luật thơ chặt chẽ.
Nhịp: mang nhịp lẻ ngắt nhịp 2/3
Hài thanh: Có sự luân phiên B - T ( bằng-trắc) hoặc niêm B - B, T - T (bằng-bằng-trắc) ở tiếng thứ 2 và thứ 4.
⇒ Về đặc điểm của các thể thơ ngũ ngôn đường luật, mỗi tác phẩm sẽ mang đến một cảm giác êm tai nhấn nhá một cách hợp lý,tạo cảm giác dễ đọc dễ nghe dễ hiểu cho những người thưởng thức nó.
Thất ngôn tứ tuyệt: Ví dụ: Nam Quốc sơn hà Nam Đế cư Tiệt nhiên định phận tại thiên thư Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư.
(Trích Nam quốc sơn hà- Lý Thường Kiệt)
Số tiếng: 7, số dòng:4
Vần: vần chân, độc vần, vần cách, thường gieo vần ở cuối của các câu 1-2-4-6-8 xen kẽ các tiếng không có dấu và tiếng có dấu huyền để âm điệu bài thơ được du dương trầm bổng.
Nhịp: Thơ thất ngôn tứ tuyệt Đường luật sẽ có nhịp chẵn, ngắt nhịp 2 hoặc 4 tiếng trọn nghĩa.
Hài thanh: Ở các tiếng 2, 4, 6 mỗi dòng: B- T- B Hoặc T- B- T.
Niêm: dòng 1 và 4, dòng 2 và 3.
Thất ngôn bát cú:
Thơ thất ngôn bát cú là một thể loại cổ thi, nó xuất hiện sớm ở Trung Quốc. Sau này từ đời nhà Đường phần niêm luật của thể thơ thất ngôn bát cú này đã được quy định chặt chẽ. Việc sử dụng thể thơ này trong khoa cử để tuyển chọn nhân tài đã làm cho nó dần được phổ biến trong thơ ca Việt Nam.
Ví dụ:
“Bước tới đèo Ngang bóng xế tà Cỏ cây chen lá, đá chen hoa Lom khom dưới núi, tiều vài chú Lác đác bên sông, chợ mấy nhà Nhớ nước đau lòng con quốc quốc Thương nhà mỏi miệng cái gia gia Dừng chân đứng lại, trời non nước Một mảnh tình riêng, ta với ta.”
(Trích Qua đèo ngang- Bà Huyện Thanh Quan)
Số tiếng: quy tắc chung của thể thơ này, cấu trúc thơ có 8 câu, mỗi câu 7 chữ bao gồm (4 phần: đề, thực, luận, kết )
Vần: vần chân, độc vận, ở các câu 1,2,4,6,8 (Tà, hoa, nhà, gia, ta)
Nhịp: trong thể loại thơ này, ta có thể ngắt nhịp bốn - ba hoặc ba - bốn tùy theo nội dung bài thơ.
Hài thanh: Các tiếng 2, 4, 6 mỗi dòng: T-B-T hoặc B- T- B Niêm: Dòng 2 và 3, 4 và 5, 6 và 7, 1 và 8. Đối: Dòng 3 đối dòng 4, dòng 5 đối dòng 6.
⇒ Có thể thấy thơ Đường luật phải tuân theo các yêu cầu hết sức chặt chẽ, rất gò bó và khó diễn đạt được những cảm xúc phóng khoáng nhịp điệu rộng mở.
Các thể thơ hiện đại ngày càng đa dạng và phong phú như:
Mở đầu là thành tựu lớn của phong trào Thơ mới (1932 - 1945): nó vừa nối tiếp luật thơ truyền thống vừa có sự sáng tạo, cách tân.
Các nhà thơ trong phong trào Thơ mới đã tiếp nhận ảnh hưởng của thơ Pháp và đổi mới luật thơ cũ. Bên cạnh đó tạo thành nhiều thể thơ hiện đại.
Thơ Việt Nam hiện đại rất đa dạng và phong phú, có đủ các thể, từ thơ hai, ba, bốn đến năm, sáu, bảy, tám tiếng; thơ tự do và cả thơ - văn xuôi.
Câu hỏi trang 107 SGK Ngữ Văn 12 tập 1: “Phân biệt cách gieo vần, ngắt nhịp và hài thanh của hai câu thơ bảy tiếng trong thể song thất lục bát với thể thơ thất ngôn Đường luật qua các ví dụ (SGK).”
Chinh phụ ngâm
“Trống Tràng thành lung lay bóng nguyệt Khói Cam Tuyền mờ mịt thức mây. Chín lần gươm báu trao tay Nửa đêm truyền hịch định ngày xuất chinh.”
(Đoàn Thị Điểm - Chinh phụ ngâm)
Cảnh khuya
“Tiếng suối trong như tiếng hát xa Trăng lồng cổ thụ bóng lồng hoa Cảnh khuya như vẽ người chưa ngủ Chưa ngủ vì lo nỗi nước nhà”
(Hồ Chí Minh- Cảnh khuya)
Trả lời:
a. Xét hai câu thơ thất ngôn:
Gieo vần lưng, vần trắc, tiếng thứ 6 của dòng đầu hiệp vần với tiếng thứ 5 của dòng sau (nguyệt - mịt)
Cách ngắt nhịp: nhịp 3 - 4:
Trống Tràng thành / lung lay bóng nguyệt
Khói Cam Tuyền / mờ mịt thức mây.
Hài thanh: cặp song thất lấy tiếng thứ 3 làm chuẩn, có thể có thanh bằng hoặc trắc.
Ở đây là thanh bằng: Trống Tràng thành (B) Khói Cam Tuyền (B)
Hài thanh của cặp song thất:
“Trống Tràng thành lung lay bóng nguyệt: T - B - B - B - B - T - Tv
Khói Cam Tuyền / mờ mịt thức mây”: T - B - Bv - B - T - T - B
b. Đoạn thơ thất ngôn tứ tuyệt:
Gieo vần chân, vần cách (hoa - nhà)
Cách ngắt nhịp: Nhịp 3/4 và 4/3
Trăng lồng cổ thụ / bóng lồng hoa
Cảnh khuya như vẽ / người chưa ngủ
Chưa ngủ vì lo / nỗi nước nhà
Hài thanh của đoạn thơ theo mô hình sau:
“Tiếng suối trong như tiếng hát xa” : T - T - B - B - T - T - Bv
“Trăng lồng cổ thụ/ bóng lồng hoa” : B - B - T - T - T - B - Bv
“Cảnh khuya như vẽ / người chưa ngủ”: T - B - B - T - B - B - T
“Chưa ngủ/ vì lo/ nỗi nước nhà’: B - T - B - B - T - T - Bv
Qua bài viết này, VUIHOC đã soạn bài Luật thơ ngắn gọn và dễ hiểu. Hi vọng rằng có thể giúp các bạn nắm được những ý chính cũng như trau dồi được nội dung kiến thức mà bài học này đem lại. Để có thêm các bài viết tham khảo soạn văn 12 các em truy cập ngay vào website vuihoc.vn hoặc đăng ký khoá học với các thầy cô giáo của VUIHOC ngay bây giờ nhé!
>>>Bài viết tham khảo thêm:
Soạn bài Việt Bắc
Soạn bài Nghị luận về một ý kiến bàn về văn học - Ngữ Văn 12
Link nội dung: https://appstore.edu.vn/soan-luat-tho-a32566.html