Giếng chỉ rộng chừng 1m, sâu chừng 1,5m nhưng mạch nước lúc nào cũng phun mạnh. Cũng vì thế mà nước trong giếng quanh năm đầy ắp, trong vắt và có vị ngọt. Điều kỳ lạ là giếng thiêng phát ra ánh sáng màu xanh vào ban đêm, ánh sáng càng rõ hơn khi gặp thời tiết thay đổi.
Điển tích "bờ xôi, giếng mật" phát sáng
Gợi hỏi về chuyện "giếng thiêng" sao lại có cái tên giếng Mật, các vị cao niên trong làng kể lại cho chúng tôi nghe sự tích bấy lâu nay vẫn lưu truyền trong dân gian. Giếng Mật có từ thời Ngô Quyền đánh giặc, khi ấy, vùng đất này là đầm lầy, nhiều thú dữ, rắn độc. Một thời gian sau, vùng đất này được khai hoang, người dân kéo nhau đến đây sinh sống, từ đó điển tích "bờ xôi, giếng Mật" cũng ra đời.
Bà Hoàng Thị Liệu, một người dân khu vực Suối Tóp cho biết: "Từ ngày nhỏ, tôi đã được uống nước giếng Mật. Khi ấy, giếng Mật rất nhỏ, người dân lấy đá xếp xung quanh giếng, bên ngoài cỏ mọc xanh um tùm. Dân làng hễ ai đi qua cũng lấy nón múc nước uống, vì nó có vị ngọt, rất trong".
Bà Liệu nhớ lại: "Tôi cũng chỉ được ông bà, bố mẹ mình kể cho nghe rằng, ngày xưa, khu vực giếng Mật, bờ Xôi khá rậm rạp. ở gần đó còn có một ngôi chùa, không hiểu sao ngôi chùa khi ấy cũng ít người đến, chỉ có những ngày lễ, ngày hội, các cụ trong làng mới tụ tập nhau để đồ xôi và làm lễ tế. Khu vực gần bờ giếng, các cụ hay lấy nước vo cho gạo thật trắng rồi bắc bếp đồ xôi. Người dân trong làng đi qua nhặt được những hạt xôi rơi vãi nên gọi luôn là "bờ Xôi". Còn "giếng Mật" là khi đã vét hết mật, chè ngọt trong xoong nồi, người ta mang ra giếng nước để rửa. Cũng có thể, giếng nước ngấm dần từ vị ngọt của mật và chè nên nó có vị ngọt khác thường. Điều kỳ lạ xung quanh chùa cũng có rất nhiều giếng nước nhưng không giếng nào có nguồn nước ngọt như nước giếng Mật cả".
Kể từ ngày đó, giếng Mật trở thành tài sản quý cho những người đi rừng, những người dân nơi đây, nhất là trong những ngày hè nóng nực. Trải qua thăng trầm, giếng Mật trở thành vật báu vô giá của dân làng Suối Tóp. Hiểu được tầm quan trọng của giếng, một số hộ dân đã góp tiền mua xi măng, chở cát, đá xây thành để bảo vệ giếng.
Ông Hòa (người dân địa phương) khẳng định: "Thời kỳ làng tôi gặp hạn hán, mọi giếng nước trong làng đều cạn, chỉ riêng giếng Mật nước vẫn đầy và trong xanh. Nhiều người trong làng rủ nhau đến giếng lấy nước về dùng, cứ múc gần cạn nước lại trào ra đầy gần miệng giếng, dân làng chúng tôi vui lắm. Nhưng không hiểu sao, thời gian gần đây chúng tôi phát hiện ra giếng có ánh sáng lạ vào ban đêm". "Ban đầu chúng tôi cũng không tin, cứ nghĩ rằng, có người đồn thổi để làm cho cho giếng huyền bí và thêm phần linh thiêng, nhưng sau đó, chính mắt tôi cũng vài lần nhìn thấy "giếng thiêng" phát sáng. Nó có màu xanh vô cùng huyền ảo, giếng chỉ phát sáng vào những đêm thời tiết thay đổi, âm u, những ngày mưa to, gió lớn, chính ông Thận người đang sinh sống trên mảnh đất có cái giếng cũng vài lần nói với tôi như vậy. Hiện giờ, chúng tôi cũng không biết phải lý giải hiện tượng "giếng thiêng" phát ánh sáng xanh vào ban đêm này như thế nào", ông Hòa nghi ngờ bày tỏ với PV.
Những câu chuyện về giếng Mật phát sáng cứ thế đồn thổi nhau, người dân nơi đây luôn đặt một niềm tin rằng, đó là "giếng thiêng" cần được bảo vệ. Họ cũng luôn đặt ra câu hỏi, phải chăng, giếng Mật phát sáng là điềm báo gì đó cho dân làng?
Chuyện hãi hùng về người lấp giếng
Để hiểu hơn về những câu chuyện nhuốm màu huyền thoại liên quan đến giếng Mật, chúng tôi tìm đến nhà ông Thận. ông Thận nhìn chúng tôi bằng ánh mắt dò xét, ban đầu, ông tỏ ra ái ngại khi kể cho chúng tôi nghe về giếng nước kỳ lạ trên chính mảnh đất nhà mình. Phải mất khá lâu, khi biết rõ lý do mà chúng tôi muốn tìm hiểu giếng Mật, ông bắt đầu hồ hởi hơn trong câu chuyện của mình.
Ông Thận cho biết: "Năm 1996, khi đang làm Chủ tịch hội Cựu chiến binh của xã Vân Trung, tôi mua trên 4.000m2 đất để quản lý, sử dụng. Năm 1998, tôi xây căn nhà nhỏ để trông nom kết hợp với việc trồng trọt và chăn nuôi. Khi thấy ở khu đất mới có môi trường sạch, không khí mát mẻ, tôi quyết định chuyển cả gia đình về sinh sống. Còn giếng Mật nằm trên địa phận đất nhà tôi. Có thầy phong thủy bảo rằng: Phải giữ cái giếng Mật, nếu lấp giếng đi, việc làm ăn của gia đình sẽ gặp khó khăn, thậm chí có người mất mạng. Do vậy, khi chuyển về sinh sống ở khu vực Suối Tóp và là chủ nhân của cái giếng, việc đầu tiên tôi làm đó là khơi lại giếng Mật đã bị lấp trước đó để lấy nước sử dụng cho gia đình". Khi hỏi về giếng nước phát sáng vào ban đêm, ông Thận tỏ vẻ lo ngại: "Không chỉ có gia đình tôi mà còn nhiều người nhìn thấy có thứ ánh sáng màu xanh phát ra khá rõ nét, vào các tháng mưa và sương mù vào ban đêm nó còn lấp lánh trông rất huyền bí. Tôi cũng không hiểu có chuyện gì xảy ra, nó là điềm lành hay điềm xấu".
Khi mới về nơi đây sinh sống, ông Thận cũng được nghe rất nhiều người truyền tai nhau về cái chết của ông P., người đã lấp giếng Mật trước đó. Vào năm 1988, có ông P. là người trong làng "vác cả đá, cả đất" đến lấp giếng Mật để mở rộng diện tích đất ruộng trồng lúa và lấy công điểm. Vài năm sau, đang khoẻ mạnh ông P. đột nhiên qua đời.
Nhiều người trong làng tin vào lĩnh vực tâm linh thì cho rằng, đó là chiếc "giếng thần", nếu ai mạo phạm, sẽ bị giếng trừng phạt. Nếu ai dám lấp giếng, công việc làm ăn của cả gia tộc, dòng họ sẽ bị lụn bại, sức khỏe sa sút có khi còn bị giếng thiêng "nuốt chửng". Còn một số người thì cho rằng, đó chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên. Theo lý giải của một người thanh niên am hiểu trong làng thì hiện tượng phát ra ánh sáng màu xanh vào ban đêm cũng có thể là do khí ni-tơ ở dưới giếng bốc lên, nó chỉ bốc khi thay đổi thời tiết. Dân làng cũng không nên chỉ vì hiện tượng lạ mà đồn thổi những điều không hay, gây hoang mang, lo lắng cho người dân sống gần đó.
Link nội dung: https://appstore.edu.vn/suoi-top-van-trung-viet-yen-bac-giang-a33017.html