Vitamin D, hay còn gọi vitamin "mặt trời". Cơ thể có thể tổng hợp nhờ tác động của ánh nắng mặt trời, qua thực phẩm hoặc chế phẩm bổ sung. Vitamin D có vai trò quan trọng giúp xương chắc khỏe và chuyển hóa các chất diễn ra bình thường. Hiểu được liều dùng, cách dùng, thực phẩm giàu vitamin D cũng rất quan trọng, điều này giúp bạn sử dụng vitamin D được an toàn và hiệu quả
Vitamin D (hay còn được gọi là calciferol) là một loại vitamin tan trong dầu, có chức năng điều hòa hấp thu canxi, phosphat trong cơ thể, giúp xương chắc khỏe, cùng với một số chức năng khác trong cơ thể.
Cơ thể có thể tự tổng hợp vitamin D dưới sự tác động của ánh nắng mặt trời. Quá trình này diễn ra tương đối phức tạp và bắt đầu ở da, đến gan và cuối cùng tại thận. Thông qua một số chuỗi phản ứng biến đổi tiền vitamin D2, qua các chất trung gian, rồi tạo calcitriol (dạng vitamin D cơ thể hấp thụ được)
Có 2 loại vitamin D thường gặp: vitamin D3 (còn được gọi là cholecalciferol) và vitamin D2 (ergocalciferol). Cholecalciferol và ergocalciferol có thể đưa vào cơ thể qua việc ăn uống và các biện pháp bổ sung. Ergocalciferol thường có trong động vật, cholecalciferol thường có trong thực vật. Ergocalciferol cho tác dụng hiệu quả hơn cholecalciferol
Ở tự nhiên, vitamin D có trong một số ít loại thực phẩm, thực phẩm chức năng. Cơ thể cũng có thể tổng hợp thông qua hấp thụ ánh nắng mặt trời.
Trong cơ thể, vitamin D được tìm thấy trong các mô ở khắp cơ thể con người.
Vitamin D cần thiết cho sự phát triển của xương và tái tạo xương. Nếu không có đủ vitamin D, xương có thể trở nên mỏng, giòn hoặc biến dạng. Cung cấp đủ vitamin D giúp ngăn ngừa bệnh còi xương ở trẻ em và bệnh nhuyễn xương ở người lớn. Cùng với canxi, vitamin D cũng giúp bảo vệ người lớn tuổi khỏi bệnh loãng xương.
Theo thông tin từ Thư viện y tế quốc gia Hoa Kỳ, vitamin D thúc đẩy sự hấp thụ canxi ở ruột, duy trì nồng độ canxi và photphat trong huyết thanh đầy đủ để cho phép quá trình khoáng hóa xương diễn ra bình thường [1]. Trích dẫn từ tạp chí Science Translational Medicine, khả năng xương có thể bị rạn và nứt gãy tăng lên đến 31% nếu cơ thể thiếu hụt vitamin D.
Vitamin D có thể hạn chế nguy cơ mắc một số bệnh ung thư như tại ruột kết, vú và tuyến tiền liệt. Tỷ lệ khả quan hơn khi kết hợp với canxi. Trong một thử nghiệm lâm sàng, nguy cơ của người Mỹ gốc Phi đã giảm 23% khi họ bổ sung vitamin D.
Một nghiên cứu khác cũng ghi nhận rằng, uống 1.100 IU mỗi ngày cùng với canxi làm giảm nguy cơ ung thư đến 60% [2].
Duy trì nồng độ vitamin D hợp lý giúp giảm nguy cơ mắc bệnh Parkinson và cải thiện nhận thức, các triệu chứng trầm cảm ở những người đã mắc bệnh Parkinson.
Các nhà khoa học đã tiến hành nghiên cứu trên 286 người bệnh Parkinson và nhận thấy 255 người xuất hiện các dấu hiệu trầm cảm, suy giảm nhận thức khi có nồng độ vitamin D thấp [3]. Các triệu chứng của bệnh trầm cảm giảm và khả năng ghi nhớ được cải thiện ở người bệnh có nồng độ vitamin D cao hơn.
Bổ sung đầy đủ vitamin D giúp hạn chế nguy cơ mắc bệnh tiểu đường cả tuýp 1 và 2. Một nghiên cứu ở trẻ sơ sinh cho dùng 2.000 IU vitamin D mỗi ngày giúp giảm 78% nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 1 [4].
Theo một nghiên cứu khác của Giáo sư Garland và các đồng nghiệp trên 903 bệnh nhân có độ tuổi khoảng từ 74 trở lên, sức khỏe bình thường, kết quả ghi nhận, sau nhiều năm theo dõi, đánh giá tình trạng sức khỏe so với thời điểm ban đầu khi tham gia nghiên cứu, những người mắc bệnh tiểu đường tuýp 2 có nồng độ 25 (OH) D (một tiền chất vitamin D tổng hợp tại gan và được dùng để đo nồng độ vitamin D trong cơ thể) thấp hơn mức khuyến nghị gấp 5 lần [5].
Mỗi độ tuổi khác nhau có nhu cầu liều lượng sử dụng vitamin D không giống nhau. Theo thông tin của Viện dinh dưỡng Quốc gia, nhu cầu vitamin D ở trẻ ở trẻ nhỏ hơn 1 tuổi là 400 IU/ngày, ở trẻ từ 1 tuổi trở lên và người trưởng thành dưới 50 tuổi là 600IU/ngày, ở người trưởng thành từ 50 tuổi trở lên và phụ nữ mang thai hoặc đang cho con bú là 800 IU/ngày.
Vitamin D được hấp thu tốt nhất khi uống sau bữa ăn nhưng có thể được uống cùng hoặc không cùng thức ăn
Hầu hết mọi người không gặp tác dụng phụ với vitamin D, trừ khi dùng quá nhiều. Một số tác dụng phụ của việc dùng quá nhiều vitamin D bao gồm suy nhược, khô miệng, buồn nôn, nôn mửa, chán ăn, giảm cân, đi tiểu thường xuyên, rối loạn nhịp tim và những tác dụng khác.
Điều quan trọng cần lưu ý là ngộ độc vitamin D thường chỉ xảy ra khi sử dụng thực phẩm chức năng, do sử dụng quá liều quy định hằng ngày
Không giống như các loại vitamin khác, có rất ít thực phẩm tự nhiên chứa nhiều vitamin D. Bạn có thể thường xuyên cung cấp cơ thể các loại thực phẩm sau để bổ sung vitamin D một cách tự nhiên và an toàn:
- Cá hồi
- Cá ngừ
- Cá thu
- Cá mòi
- Dầu gan cá
- Trứng, pho mát và gan bò cũng chứa một lượng nhỏ vitamin D
Tóm lại, vitamin D là một vitamin quan trọng đối với sức khỏe xương khớp. Bạn có thể bổ sung vitamin D cho cơ thể bằng cách dùng thực phẩm giàu vitamin D, tắm nắng hoặc uống thực phẩm chức năng. Đây là một vitamin an toàn ở liều chỉ định. Nếu uống vitamin D quá liều, bạn có thể gặp một số tác dụng phụ. Trong quá trình sử dụng, nếu gặp bất kỳ dấu hiệu bất thường nghi ngờ do việc sử dụng vitamin D gây ra, hãy thông báo cho bác sĩ kịp thời nhé
Nguồn: Healthline, WikiHow, Wikipedia
Có thể bạn quan tâm:
>>>>> Thiếu vitamin D: nguyên nhân, triệu chứng, điều trị
>>>>> Các loại thực phẩm giàu vitamin D dễ kiếm tại nhà
Link nội dung: https://appstore.edu.vn/su-dung-thuoc-vitamin-d-a33387.html