Thực đơn

Từ bao đời nay, biển đảo quê hương là một phần máu thịt không thể tách rời trong trái tim hàng triệu người dân Việt Nam. Mảnh đất hình chữ S có đường bờ biển dài 3.260 km trải dài từ Bắc xuống Nam dọc theo bờ biển phía Đông - Đông Nam và Tây Nam. Vùng biển Việt Nam có hơn 3000 hòn đảo lớn nhỏ và hai quần đảo ngoài khơi là Hoàng Sa và Trường Sa nắm giữ vị trí địa chiến lược quan trọng. Sinh thời, chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn: “Ngày trước, ta chỉ có đêm và rừng, ngày nay ta có ngày, có trời, có biển. Bờ biển ta dài, tươi đẹp, ta phải biết gìn giữ lấy nó”. Thực hiện lời dạy của Người, thế hệ người Việt Nam nối tiếp nhau dựng xây, gìn giữ và bảo vệ vững chắc từng tấc đất, vùng trời, biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Biển Đông đóng vai trò quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ Quốc cả trong lịch sử, hiện tại và tương lai của Việt Nam. Trong 63 tỉnh, thành phố của nước ta, có 28 tỉnh, thành phố giáp biển, Biển Đông không những cung cấp nguồn thức ăn cho cư dân ven bờ, mà còn là cửa ngõ để Việt Nam phát triển ngành kinh tế mũi nhọn như thủy sản, dầu khí, giao thông hàng hải, đóng tàu, … giao thương với thị trường khu vực và quốc tế, là nơi trao đổi và hội nhập với nhiều nền văn hóa. Bên cạnh đó, Biển Đông đóng vai trò quan trọng là tuyến phòng thủ hướng Đông của đất nước. Vì vậy, hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa không chỉ có ý nghĩa trong việc kiểm soát các tuyến đường biển qua lại Biển Đông mà còn có ý nghĩa phòng thủ chiến lược quan trọng.

Nhìn lại lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc, các Nhà nước Việt Nam đã xác lập và thực thi chủ quyền của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Từ thời xa xưa, nhiều sách địa lý và bản đồ cổ của Việt Nam đã ghi chép về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Trong Toàn Tập Thiên Nam Tứ Chí Lộ Đồ Thư, tập bản đồ Việt Nam do Đỗ Bá vẽ vào thế kỷ XVII đã dùng tên gọi thân thương “Bãi Cát Vàng” để mô tả về hai quần đảo này: “Giữa biển có một bãi cát dài, gọi là Bãi Cát Vàng, dài độ 400 dặm, rộng 20 dặm, đứng dựng giữa biển, từ cửa Đại Chiêm đến cửa Sa Vinh mỗi lần có gió Tây Nam thì thương thuyền các nước đi ở phía trong trôi dạt ở đấy,... có gió Đông Bắc thì thương thuyền đi ở phía ngoài cũng trôi dạt ở đấy, đều cùng chết đói hết cả, hàng hóa thì đều để lại ở nơi đó”. Ngoài ra, cuốn sách Phủ biên Tạp Lục do nhà bác học Lê Quý Đôn biên soạn vào năm 1776, bộ sách địa lý Việt Nam do Quốc Sử Quán nhà Nguyễn viết vào năm 1882, bản đồ nước Việt Nam đời Nguyễn Vẽ năm 1838 cùng nhiều tư liệu liên quan khác cũng đã khẳng định rõ ràng hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa thuộc lãnh thổ Việt Nam.

Thực đơn

Nguồn ảnh: Triển lãm số “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử và pháp lý” https://trienlamso.ictquangtri.vn/mobile

Đến thời kỳ Pháp thuộc, từ sau khi ký Hiệp ước 6/6/1884 với triều đình nhà Nguyễn, với tư cách đại diện Việt Nam trong quan hệ đối ngoại, Pháp luôn luôn khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và phản kháng những hành động xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam ở hai quần đảo này. Điển hình là sự kiện ngày 4/12/1931 và 24/4/1932, Pháp phản kháng Chính phủ Trung Quốc về việc chính quyền Quảng Đông có ý định cho đấu thầu khai thác phân chim trên quần đảo Hoàng Sa; ngày 24/7/1933, Pháp thông báo cho Nhật việc Pháp đưa quân ra đóng các đảo chính trong quần đảo Trường Sa; ngày 4/4/1939, Pháp phản kháng Nhật đặt một số đảo trong quần đảo Trường Sa thuộc quyền tài phán của Nhật.

Sau chiến tranh thế giới thứ 2, Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã nhiều lần khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa trong các công hàm gửi các bên liên quan, công bố của Bộ Ngoại giao hoặc trong các Hội nghị phối hợp với các hoạt động về khoa học kỹ thuật như xây

dựng bia chủ quyền ở các đảo chính, lập trạm vô tuyến, đặt trạm khí tượng thủy văn cung cấp số liệu quan trắc cảnh báo thời tiết cho khu vực và tổ chức Khí tượng thế giới,…. Đồng thời, Nhà nước Việt Nam cũng đã nhiều lần công bố “Sách trắng” (năm 1979, 1981, 1988) về chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và có đầy đủ chủ quyền đối với hai quần đảo này, phù hợp với các quy định của luật pháp và thực tiễn quốc tế.

Sau khi thống nhất đất nước, với tư cách kế thừa và bảo vệ quyền sở hữu các quần đảo từ các chính quyền trước, Nhà nước CHXHCN Việt Nam đã ban hành nhiều văn bản pháp lý quan trọng về biển và hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa như: Tuyên bố của Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam về lãnh hải, vùng tiếp giáp, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt nam năm 1977; Tuyên bố của Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam về đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải Việt Nam năm 1982; Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam năm 1992; Nghị quyết của Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam khóa IX, kỳ họp thứ 5 năm 1994 về việc phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982; Luật Biên giới quốc gia năm 2003; Luật biển Việt Nam năm 2012.

Chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa được quốc tế và khu vực công nhận

Vùng biển của Việt Nam được phê chuẩn theo Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982. Theo đó, một quốc gia ven biển sẽ có 5 vùng biển là: nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa. Căn cứ để tính chiều rộng của các vùng biển của một quốc gia chính là đường cơ sở và đơn vị đo chính là hải lý, một hải lý bằng 1852m. Lãnh hải là một bộ phận của vùng biển Việt Nam, là vùng nằm giữa vùng nội thủy và các vùng biển thuộc chủ quyền và quyền tài phán quốc gia. Lãnh hải có chiều rộng 12 hải lý (tương đương 22,22km) tính từ đường cơ sở ra phía biển. Ranh giới ngoài của lãnh hải là biên giới quốc gia trên biển.Vùng đặc quyền kinh tế của nước ta rộng 200 hải lý tính tứ đường cơ sở có chế độ pháp lý riêng do Công ước về Luật Biển năm 1982 quy định về các quyền chủ quyền và quyền tài phán của các quốc gia ven biển cũng như quyền tự do của các quốc gia.

Ngoài ra, còn có các tuyên bố liên quan đến vấn đề Biển Đông cũng được đưa ra như Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) được Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Trung Quốc ký ngày 04/11/2002 tại Cam-pu-chia nhân dịp Hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần thứ 8; Tuyên bố của các Bộ trưởng Ngoại giao các nước ASEAN về nguyên tắc 6 điểm của ASEAN đối với Biển Đông; Tuyên bố chung của Hội nghị Cấp cao ASEAN - Trung Quốc kỷ niệm 10 năm tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC).

Từ những tư liệu lịch sử rõ ràng, và căn cứ vào những nguyên tắc của luật pháp và tập quán quốc tế, Việt Nam đã thể hiện chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa, luôn theo dõi sát sao các diễn biến ở Biển Đông, kịp thời lên tiếng bác bỏ, gửi công hàm phản đối, đấu tranh đối với các yêu sách chủ quyền phi lý vi phạm chủ quyền, quyền và lợi ích chính đáng của Việt Nam trên biển, khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Tình hình Biển Đông hiện nay và thái độ của các bên liên quan

Trong những năm gần đây, tình hình Biển Đông ngày càng diễn biến phức tạp do Trung Quốc đẩy mạnh hoạt động san lấp, cải tạo các đảo và bãi đá ngầm trong vùng biển của Việt Nam, chiếm đóng đảo Ba Bình nhằm hiện thực hóa yêu sách “đường chín đoạn” hay còn gọi là “đường lưỡi bò” hoặc “đường chữ U”. Điều này hoàn toàn không có cơ sở pháp lý và lịch sử; bản đồ Trung Quốc cho lưu hành được vẽ ra một cách tùy tiện, mơ hồ, không có tọa độ rõ ràng và luôn thay đổi (lúc ban đầu là 11 đoạn, sau chỉ còn 09 đoạn, đến nay lại là 10 đoạn). Yêu sách “đường chín đoạn” phi lý chiếm 80% diện tích Biển Đông, xâm phạm vào đặc quyền kinh tế và thềm lục địa 20 hải lý của năm nước là Việt Nam, Phi-líp-pin, In-đô-nê-xi-a, Ma-lai-xia và Bru-nây; trái với Công ước Luật Biển năm 1982 mà Trung Quốc là một bên tham gia.

Việt Nam đã nhiều lần yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay các hoạt động xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, thực hiện những thỏa thuận mà lãnh đạo cấp cao hai nước đã đạt được trong quan hệ hai nước. Mới đây nhất, vào ngày 23/3/2024, trả lời câu hỏi của phóng viên về quan điểm của Việt Nam đối với phát biểu của Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân ngày 14/3/2024 và Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Philippines ngày 17/3/2024 về vấn đề Biển Đông, người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng đã nhấn mạnh: "Liên quan đến các yêu sách ở Biển Đông trái luật pháp quốc tế, vi phạm chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, cũng như vi phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam đối với các vùng biển của Việt Nam được xác lập phù hợp với Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982, lập trường của Việt Nam là luôn rõ ràng, nhất quán và đã được khẳng định nhiều lần, theo đó Việt Nam kiên quyết phản đối và bác bỏ tất cả các yêu sách này". Việt Nam cũng bày tỏ mong muốn các quốc gia liên quan thực sự tôn trọng và tuân thủ các quy định của UNCLOS 1982, cùng đóng góp vào việc duy trì hòa bình, ổn định và tìm kiếm các giải pháp cơ bản, lâu dài ở Biển Đông.

Phát huy truyền thống yêu nước, gìn giữ, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo trong thời đại mới

“Nếu Tổ quốc neo mình đầu sóng cả

Những chàng trai ra đảo đã quên mình

Hồn dân tộc ngàn năm không chịu khuất

Dáng con tàu vẫn hướng mãi ra khơi”

(Tổ Quốc Nhìn Từ Biển)

Thế hệ mai sau sẽ không thể nào quên Trận chiến Gạc Ma (hay còn gọi là hải chiến Trường Sa) diễn ra 27 năm về trước, vào ngày 14/3/1988, hình dáng 64 người chiến sĩ đã anh dũng hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ. Họ đã mãi mãi nằm lại dưới lòng biển cả bao la để bảo vệ vững chắc phần máu thịt thiêng liêng của Tổ quốc. Nhằm tôn vinh và tưởng nhớ những tượng đài bất tử ấy, ngày 14/3/1988 đã trở thành một ngày trọng đại trong lịch sử quân chủng hải quân Việt Nam. Không chỉ có những chiến sĩ Hải quân mà cả những người ngư dân lao động bình dị cũng là những tấm gương sáng về tinh thần dân tộc. Họ đã dũng cảm vươn khơi bám biển, chống chọi với sự ngang ngược, tàn bạo của kẻ thù.

Thực đơn

Nguồn ảnh: Triển lãm số “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử và pháp lý” https://trienlamso.ictquangtri.vn/mobile

Hơn bất cứ Quốc gia nào trên thế giới, Việt Nam thấu hiểu nỗi đau thương, mất mát bởi những hậu quả do chiến tranh tàn khốc gây ra. Vì vậy, đất nước ta luôn giương cao ngọn cờ yêu chuộng hòa bình, đấu tranh chính nghĩa. Trong cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo hiện nay, chúng ta cũng thể hiện sự quyết tâm, khôn khéo, dũng cảm trước mọi hành vi gây hấn của kẻ bạo tàn.

Những ngày qua, hòa chung với trái tim của triệu triệu người dân Việt Nam đang hướng về biển đảo của Tổ Quốc, vào ngày 15/4/2024, tỉnh Quảng Trị đã tổ chức Triển lãm số về chủ đề “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử và pháp lý”. Đây là một hoạt động thông tin tuyên truyền quan trọng, thông qua triển lãm về các tư liệu lịch sử được công bố, giúp học sinh, nhân dân trên địa bàn huyện Cam Lộ nói riêng và tỉnh Quảng Trị nói chung hiểu rõ về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Từ đó, nâng cao nhận thức, khơi dậy lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết và ý thức trách nhiệm bảo vệ chủ quyền biển, đảo của đất nước trong tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ: đoàn viên, thanh niên, học sinh - sinh viên trong thời đại công nghệ số.

Thực đơn

Nguồn tham khảo:

1) Monique Chemillier - Gendreau, Chủ quyền trên hai Quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1998

2) Ủy ban Biên giới Quốc gia, Bộ Ngoại giao, Chủ quyền của Việt Nam đối với hai Quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, NXB Dân Trí, Hà Nội, 2021.

3) Ủy ban Biên giới Quốc gia, Bộ Ngoại giao, Những vấn đề liên quan đến chủ quyền biển, đảo của Việt Nam trên Biển Đông, NXB Thanh Niên, Hà Nội, 2017.

Link nội dung: https://appstore.edu.vn/y-nghia-ve-kinh-te-cua-cac-dao-va-quan-dao-o-nuoc-ta-la-a35894.html