Vắc-xin có nhiều loại khác nhau, mỗi loại sẽ có cách sử dụng, bảo quản, phản ứng bất lợi khác nhau. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn có thêm những thông tin và hiểu hơn về vắc xin.
Vắc-xin là chế phẩm sinh học có tính kháng nguyên, có nguồn gốc từ vi sinh vật (có thể toàn thân hoặc một phần hoặc có cấu trúc tương tự) dùng để tạo miễn dịch đặc hiệu chủ động, nhằm tăng sức đề kháng của cơ thể đối với một số tác nhân gây bệnh cụ thể.
Nguyên lý của việc sử dụng vắc-xin là đưa vào cơ thể kháng nguyên có nguồn gốc từ vi sinh vật gây bệnh hoặc vi sinh vật có cấu trúc kháng nguyên đã được bào chế đảm bảo độ an toàn cần thiết, làm cho cơ thể tự tạo ra tình trạng miễn dịch chống lại tác nhân gây bệnh (nghĩa là tạo ra miễn dịch chủ động nhân tạo).
Vắc xin sống giảm độc lực được sản xuất từ các tác nhân gây bệnh (là virus hoặc vi khuẩn). Những tác nhân này đã được làm giảm độc lực (làm yếu đi), thông thường bằng cách nuôi cấy lặp đi lặp lại, ví dụ như đối với vắc xin sởi, virus sởi đã được phân lập từ một bệnh nhân trẻ em năm 1954, trải qua gần 10 năm nuôi cấy mới tạo được thành virus sống giảm độc lực để chế tạo vắc xin.
Để tạo được đáp ứng miễn dịch, vắc xin sống giảm độc lực phải còn khả năng nhân lên bên trong cơ thể người được sử dụng vắc xin. Do đó, việc sử dụng vắc xin sống giảm độc lực thực chất là đưa một liều rất nhỏ virus hoặc vi khuẩn (đã giảm hoặc mất độc lực) vào trong cơ thể, để chúng nhân lên và tạo thành một quần thể đủ để khởi động đáp ứng miễn dịch của cơ thể. Bất kỳ tác nhân nào tác động lên vắc xin (ánh sáng, nhiệt độ,...) hoặc tác động lên quá trình nhân lên bên trong cơ thể đều khiến vắc xin bị giảm hoặc mất hiệu quả (do đó vắc xin sống giảm độc lực yêu cầu điều kiện bảo quản, vận chuyển rất nghiêm ngặt).
Mặc dù nhân lên trong cơ thể nhưng người sử dụng vắc xin sẽ không mắc bệnh bởi tác nhân gây bệnh trong vắc xin không còn giống như ban đầu. Nếu người sử dụng thực sự bị bệnh thì mức độ bệnh cũng nhẹ hơn rất nhiều so với mắc bệnh tự nhiên và đây được gọi là phản ứng bất lợi.
Đáp ứng miễn dịch đạt được từ vắc xin sống giảm độc lực hoàn toàn giống với khi mắc bệnh tự nhiên (vắc xin sống giảm độc lực là loại vắc xin tạo đáp ứng miễn dịch hiệu quả nhất). Tuy nhiên một số loại vắc xin cần phải sử dụng liều nhắc lại để củng cố đáp ứng miễn dịch.
Vắc xin sống giảm độc lực có thể xảy ra các phản ứng nghiêm trọng hoặc đe dọa tính mạng, bắt nguồn từ sự nhân lên không kiểm soát của tác nhân có trong vắc xin. Tuy nhiên điều này chỉ gặp khi người sử dụng vắc xin bị suy giảm miễn dịch.
Về lý thuyết, tác nhân trong vắc xin có thể chuyển ngược lại dạng gốc ban đầu (đầy đủ độc lực), tuy nhiên hiện tượng này chỉ ghi nhận được ở vắc xin bại liệt sống giảm độc lực (đường uống).
Các vắc xin sống giảm độc lực hiện có bao gồm vắc xin sởi, quai bị, rubella, bại liệt (uống), đậu mùa, thủy đậu, BCG, thương hàn (uống), sốt vàng, rota virus và cúm.
Vắc-xin bất hoạt toàn thể được sản xuất bằng cách nuôi cấy tác nhân, sau đó bất hoạt chúng bằng nhiệt và/hoặc hóa chất.
Vắc-xin bất hoạt toàn thể không có tác nhân sống, do đó không thể nhân lên, và vì vậy trong một liều sử dụng phải cung cấp đủ lượng kháng nguyên cần thiết. Ưu điểm của loại vắc xin này là không thể gây bệnh trong bất kì trường hợp nào, kể cả trên người suy giảm miễn dịch.
Vắc-xin bất hoạt toàn thể luôn luôn cần sử dụng liều lặp lại, bởi chỉ dùng một liều sẽ không tạo được đủ đáp ứng miễn dịch cần thiết. Và vắc-xin bất hoạt toàn thể đa số chỉ gây được miễn dịch dịch thể mà không gây được miễn dịch tế bào.
Các loại vắc-xin bất hoạt toàn thể hiện có vắc-xin ho gà, thương hàn, tả, dịch hạch, bại liệt, bệnh dại, cúm, viêm gan A.
Vắc xin dưới đơn vị cũng giống như vắc-xin bất hoạt toàn thể là không chứa tác nhân gây bệnh còn sống, nhưng khác với vắc-xin bất hoạt toàn thể ở chỗ thành phần của vắc xin dưới đơn vị chỉ chứa phần kháng nguyên cần thiết từ tác nhân gây bệnh để tạo đáp ứng miễn dịch.
Quá trình tạo ra vắc xin dưới đơn vị cũng phức tạp hơn bình thường bởi cần xác định chính xác phần kháng nguyên cần thiết từ rất nhiều các dưới đơn vị của tác nhân gây bệnh, và phần kháng nguyên này phải gây được đáp ứng miễn dịch hiệu quả.
Vì không chứa tác nhân gây bệnh còn sống nên vắc xin dưới đơn vị hoàn toàn an toàn khi sử dụng trên người, kể cả các trường hợp suy giảm miễn dịch.
Thường vắc xin dưới đơn vị gây được đáp ứng miễn dịch tại thời điểm sử dụng, tuy nhiên không đảm bảo chắc chắn duy trì được đáp ứng miễn dịch trong tương lai, do đó hiệu lực của vắc xin dưới đơn vị kém hơn so với vắc-xin sống giảm độc lực.
Vắc xin dưới đơn vị có thể phân loại nhỏ hơn thành:
Các vắc xin dưới đơn vị hiện có bao gồm vắc xin ho gà, phế cầu, màng não cầu, Hib, viêm gan B, HPV, zona.
Vắc-xin giải độc tố được tạo ra dựa trên độc tố mà vi khuẩn sản sinh ra (ví dụ như uốn ván hay bạch hầu).
Có một số trường hợp bệnh lý xuất hiện không phải do vi khuẩn trực tiếp gây ra, mà do độc tố vi khuẩn sản sinh ra. Độc tố xâm nhập vào máu và gây ra các triệu chứng. Các độc tố có bản chất protein được xử lý thành vô hại và sử dụng làm kháng nguyên sản xuất vắc xin. Để làm tăng hiệu quả đáp ứng miễn dịch, quá trình sản xuất đã để độc tố hấp phụ vào tá dược là muối nhôm hoặc muối canxi.
Vắc-xin giải độc tố hoàn toàn an toàn cho người sử dụng, đạt độ ổn định cao, ít nhạy cảm với sự thay đổi của nhiệt độ, độ ẩm và ánh sáng.
Các vắc-xin giải độc tố hiện có là giải độc tố bạch hầu và giải độc tố uốn ván.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Bài viết tham khảo nguồn: WHO
Link nội dung: https://appstore.edu.vn/cac-loai-vacxin-a43659.html