Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ Lê Thu Phương - Bác sĩ Nhi- Sơ sinh, Khoa Nhi - Sơ sinh, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.
Trẻ đang ốm trẻ cần tăng cường năng lượng và chất dinh dưỡng để giúp cơ thể chống lại bệnh tật. Việc chăm sóc trẻ đang ốm ngoài tuân thủ điều trị nghiêm ngặt theo hướng dẫn bác sĩ, bố mẹ cũng cần chú ý đến chế độ dinh dưỡng để trẻ nhanh chóng hồi phục, tăng sức đề kháng và phòng tránh suy dinh dưỡng.
Cơ thể trẻ đang ốm thường rất mệt mỏi và cần được nghỉ ngơi. Do đó, vào những ngày trẻ bị ốm, phụ huynh nên cho trẻ ở nhà, vận động nhẹ nhàng trong môi trường trong lành, thoáng đãng, tránh nắng gắt hoặc những nơi nhiều khói bụi. Hơn nữa, việc giữ trẻ nghỉ ở nhà sẽ ngăn ngừa tác nhân gây bệnh lây lan sang những trẻ khác.
Nếu bé không cảm thấy buồn ngủ, bạn không cần phải ép trẻ ngủ bằng mọi cách. Hãy để trẻ thoải mái làm các hoạt động mà bé yêu thích, như xem phim hoạt hình, đọc truyện, tô màu,...
Khi chăm sóc trẻ đang ốm, sốt, phụ huynh chú ý bổ sung nước cho trẻ bằng nước lọc, nước trái cây hoặc sữa để trẻ không bị mất nước. Ngoài ra, bữa ăn thường ngày cũng nên ưu tiên cho các món nước như canh, súp, cháo.
Sốt là phản ứng có lợi của cơ thể khi chống lại các yếu tố gây bệnh. Tuy nhiên, nhiều bệnh lý nguy hiểm cũng có thể gây tăng thân nhiệt khi khởi phát triệu chứng ban đầu. Do đó, nếu bé bị ốm sốt kèm theo dấu hiệu lờ đờ, mệt mỏi nghiêm trọng, bạn hãy đưa bé đi bệnh viện ngay lập tức để bác sĩ chẩn đoán và xử trí đúng cách.
Nếu là sốt gây ra do virus thông thường, bác sĩ sẽ hướng dẫn chăm sóc và theo dõi tại nhà. Nếu trẻ sốt vì một nguyên nhân khác, bác sĩ sẽ đưa ra xử trí phù hợp để đảm bảo an toàn cho sức khỏe cho trẻ.
Khi chăm sóc trẻ đang ốm sốt tại nhà, đừng vì sợ bé bị lạnh mà bố mẹ cho con mặc quá nhiều quần áo hoặc đóng kín cửa. Thay vào đó, hãy cho con mặc đồ thoải mái, nhẹ nhàng và ở trong phòng thoáng đãng, mát mẻ. Điều này sẽ giúp trẻ nhanh chóng hạ cơn sốt và cảm thấy dễ chịu hơn.
Nếu muốn cho trẻ dùng thuốc hạ sốt, bạn hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ hoặc dược sĩ. Tuyệt đối không tự ý tăng liều thuốc hạ sốt vì điều này khiến trẻ dễ bị quá liều paracetamol, thành phần dược chất chủ yếu trong các loại thuốc hạ sốt.
Trường hợp bé bị cảm thường gặp phải tình trạng sổ mũi, nghẹt mũi, chảy nước mũi. Hãy giúp bé loại bỏ chất nhầy trong mũi bằng ống hút cao su. Để thực hiện, đầu tiên bạn nhỏ vài giọt nước ấm hoặc nước muối sinh lý vào hai bên mũi của bé nhằm làm mềm chất nhầy rồi hút chúng ra sau vài phút.
Khi con ngủ, bố mẹ hãy cho con nằm gối đầu cao hơn bình thường để con dễ thở hơn. Một chiếc máy làm ẩm không khí có thể giúp bé dễ chịu hơn. Ngoài ra, bôi một ít dầu gió (loại dành riêng cho trẻ em và trẻ sơ sinh) lên vùng da bên dưới 2 lỗ mũi của bé sẽ giúp mũi bé thông thoáng hơn.
Để chăm sóc trẻ đang ốm ho và đau họng, bạn cần hạn chế hoặc kiêng hoàn toàn cho trẻ dùng các loại thức uống và đồ ăn lạnh. Thay vào đó, hãy khuyến khích trẻ uống nước ấm, ăn các món ấm để làm dịu cơn đau họng.
Đối với trẻ từ 7 tuổi trở lên, bố mẹ có thể khuyến khích trẻ súc miệng bằng nước muối ấm 2 lần mỗi ngày để làm sạch cổ họng. Ngoài ra, những loại thuốc như acetaminophen hoặc ibuprofen cũng có tác dụng trong việc giúp bé giảm đau. Tuy nhiên, trước khi sử dụng cho trẻ, cần tham khảo ý kiến của bác sĩ hoặc dược sĩ để được hướng dẫn dùng đúng cách, đúng liều lượng.
Ho cũng là một phản ứng có lợi của cơ thể giúp đẩy dị vật ra khỏi đường hô hấp. Vì thế, triệu chứng ho có cần điều trị hay không phụ thuộc vào mức độ ảnh hưởng của nó đến tình trạng sức khỏe của trẻ. Nếu cơn ho khiến trẻ đang ốm mệt mỏi, thức giấc liên tục giữa đêm thì người lớn cần đặc biệt chú ý và điều trị cho trẻ càng sớm càng tốt.
Với trẻ dưới 1 tuổi bị ho nhiều, bố mẹ hãy đưa trẻ đến bác sĩ để có được điều trị phù hợp. Nếu trẻ từ 1 tuổi trở lên, có thể dùng mật ong giúp bé giảm cơn ho về đêm. Trẻ từ 6 tuổi trở lên có thể cho uống thuốc ho hoặc dùng viên ngậm trị ho.
Chế độ dinh dưỡng cho trẻ đang ốm cần ưu tiên các loại đồ ăn mềm như yến mạch, khoai tây nghiền, sữa chua, súp... Chúng giúp cơ thể trẻ dễ dàng hấp thụ dưỡng chất để nhanh chóng phục hồi sức khỏe. Lưu ý, bố mẹ nên để con ăn theo nhu cầu và ý thích của mình, không nên ép ăn khi trẻ đang mệt mỏi hoặc không cảm thấy đói bụng.
Trẻ bị cúm thường kèm theo triệu chứng tiêu chảy hoặc nôn ói, dẫn tới mất nước nghiêm trọng. Do đó, bố mẹ cần tích cực bổ sung nước và dung dịch điện giải cho con để ngăn ngừa tình trạng mất nước, rối loạn điện giải.
Trong thời gian chăm sóc trẻ đang ốm bị tiêu chảy, không nên cho trẻ dùng các loại nước uống có ga hoặc nước ngọt vì chúng có thể khiến bệnh tiêu chảy nặng hơn. Dù trẻ đang bị nôn ói nhưng bố mẹ vẫn nên khuyến khích trẻ dùng thức ăn dạng lỏng với khẩu phần chia nhỏ, để hệ tiêu hóa dễ hấp thu, cơ thể được cung cấp năng lượng chống chọi với bệnh.
Với trẻ dưới 6 tháng tuổi, nguồn dinh dưỡng chủ yếu nên đến từ sữa mẹ. Khi trẻ đang ốm, mẹ vẫn cần tiếp tục cho trẻ bú bình thường. Nếu có thể, hãy cố gắng tăng số lần bú và kéo dài thời gian mỗi lần bú hơn vì sức mút vú của trẻ đang ốm thường kém hơn. Khi trẻ bị tắc mũi hoặc mệt quá không bú được thì mẹ cần tiến hành vắt sữa ra và đút cho trẻ uống bằng thìa.
Ngoài sữa mẹ, cần bố mẹ cho trẻ ăn thêm nhiều bữa ăn và cung cấp từng ít một chủ yếu với các thức ăn giàu dinh dưỡng như thịt, trứng, sữa, cá... để tăng thêm năng lượng cho mỗi bữa ăn. Thức ăn cho trẻ cần chế biến mềm, nấu kỹ, loãng hơn bình thường để trẻ đang ốm dễ tiêu hóa. Nên cho trẻ ăn ngay sau khi nấu để đảm bảo vệ sinh và giảm nguy cơ xảy ra bội nhiễm. Chú ý tăng cường vitamin và chất khoáng cho trẻ bằng các loại quả chín, nước trái cây như chuối, cam, chanh, xoài, đu đủ,... hoặc dùng thêm vi chất bổ sung dưới sự hướng dẫn của bác sĩ.Khi trẻ đang ốm, cơ thể bị thiếu hụt và mất cân bằng dinh dưỡng, gia đình cần dành nhiều thời gian hơn để chăm sóc, dỗ dành, giúp trẻ ăn được nhiều để đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng cho trẻ.
Ngoài ra, để phòng tránh các bệnh lý mà trẻ sơ sinh hay mắc phải, cha mẹ nên chú ý đến chế độ dinh dưỡng nâng cao sức đề kháng cho trẻ. Đồng thời bổ sung thêm thực phẩm hỗ trợ có chứa lysine, các vi khoáng chất và vitamin thiết yếu như kẽm, crom, selen, vitamin nhóm B,... giúp hỗ trợ hệ miễn dịch, tăng cường đề kháng để trẻ ít ốm vặt và ít gặp các vấn đề tiêu hóa.
Cha mẹ có thể tìm hiểu thêm:
Vì sao cần bổ sung Lysine cho bé?
Vai trò của kẽm - Hướng dẫn bổ sung kẽm hợp lý
Hãy thường xuyên truy cập website Vinmec.com và cập nhật những thông tin hữu ích để chăm sóc cho bé và cả gia đình nhé.
Link nội dung: https://appstore.edu.vn/cham-soc-e-gai-bi-benh-a45283.html