Bệnh dễ di căn và gây tử vong cao vì triệu chứng ung thư dạ dày giai đoạn đầu rất mơ hồ khó nhận biết. Do đó, nhận biết sớm các dấu hiệu cảnh báo bệnh ung thư dạ dày là cơ sở cho việc điều trị bệnh hiệu quả, tăng cơ hội sống cho người bệnh.
Ung thư dạ dày là tình trạng các tế bào trong dạ dày phát triển bất thường, mất kiểm soát dẫn đến hình thành các khối u. Khi tiến triển nặng, khối u ác tính có thể lan rộng ra xung quanh và di căn đến nhiều cơ quan xa khác, gây nhiều tác động xấu đến sức khỏe, thậm chí là tử vong.
Việc mắc bệnh ung thư dạ dày có mối liên hệ với việc hút thuốc và chế độ dinh dưỡng nhiều muối. Vì vậy, những đối tượng nguy cơ sau dễ mắc phải căn bệnh này.
- Thói quen ăn uống mặn, đồ nướng, chiên... Những thực phẩm được chế biến như hun khói, thức ăn ngâm tẩm, muối, món ăn chứa lượng muối cao thường có tỉ lệ mắc ung thư dạ dày cao hơn những người có thói quen ăn uống nhạt và thanh đạm.
Vị trí ung thư dạ dày.
- Người hút thuốc lá: Là một trong những thói quen mà đa số người mắc ung thư dạ dày vẫn duy trì sử dụng.
- Nam giới tuổi trên 40: Trong số những người mắc ung thư dạ dày, có tới 96% là người ở độ tuổi từ 40 trở lên. Nam giới có tỉ lệ cao khoảng hơn gấp đôi so với phụ nữ mắc ung thư dạ dày.
- Những người mắc các bệnh liên quan đến tiêu hóa: Ung thư dạ dày thường gặp ở người đã có bệnh dạ dày từ trước, như tiền sử đã từng bị phẫu thuật dạ dày, đau, viêm loét dạ dày lâu năm, bệnh nhiễm vi khuẩn HP (Helicobacter pylori).
- Di truyền: Nếu trong gia đình từng có thành viên có tiền sử bị bệnh ung thư, thì nguy cơ tự bị mắc ung thư liên quan sẽ có tỉ lệ cao hơn.
- Bệnh nhân hoặc tiền sử gia đình có polyp tuyến có tính chất gia đình (FAP); mắc hội chứng Lynch; hội chứng Peutz-Jeghers; hội chứng Juvenile polyposis cũng có nguy cơ cao mắc ung thư dạ dày.
Ngoài ra những người tăng sản hoặc polyp tuyến dạ dày, thiếu máu nghi ngờ ác tính, dị sản ruột tại dạ dày cũng không thể "làm ngơ" với căn bệnh ung thư này.
Người bị ung thư dạ dày khi ăn xong có cảm giác tức bụng, đầy bụng và buồn nôn...
Quá trình phát triển bệnh ung thư dạ dày có thể ít nhất là vài tháng hoặc vài năm. Chính vì vậy, trong giai đoạn đầu hình thành khối u, nếu không tầm soát sớm thì sẽ không thể phát hiện ra bệnh. Bệnh gây tỷ lệ tử vong cao nhưng rất khó chẩn đoán vì thường không biểu hiện các triệu chứng ở giai đoạn sớm.
- Biểu hiện đầy tức bụng: Biểu hiện sớm ở khá nhiều bệnh nhân ung thư dạ dày là đầy tức bụng. Ở thời gian đầu các biểu hiện đau rất giống với trong loét dạ dày (đau liên quan tới bữa ăn, giảm khi dùng các thuốc điều trị loét). Cảm giác nhanh no này có thể do khối u gây ra, nhưng cũng có thể do tình trạng không phải ung thư mà là đầy bụng - xảy ra khi một người có cảm giác rằng có thứ gì đó đang cản trở dạ dày. Chính vì vậy, bệnh nhân thường chủ quan, xem nhẹ bệnh và chỉ đi khám khi đã quá muộn.
- Biểu hiện chán ăn: Mất cảm giác thèm ăn chắc chắn là một điều cần hết sức chú ý. Trong nhiều trường hợp, biểu hiện này không đơn thuần chỉ là biểu hiện đang gặp rắc rối với vị giác. Cho dù không phải lúc nào cũng đau bụng nhưng nếu có các khối u ở dạ dày thì rất có thể là nguyên nhân khiến chán ăn. Chán ăn là yếu tố nguy cơ ung thư dạ dày nên không được chủ quan và tốt nhất cần đi gặp bác sĩ để kiểm tra.
- Mệt mỏi, sụt cân chưa rõ nguyên nhân: Cuộc sống hiện đại, áp lực công việc nhiều người mệt mỏi. Tuy nhiên, nếu mệt mỏi kèm theo sụt cân nhiều trong thời gian ngắn rất có thể mắc bệnh trọng trong đó có ung thư dạ dày. Kèm theo cảm giác luôn no, chán ăn, buồn nôn, mệt mỏi thì đó có thể là cảnh báo ung thư dạ dày.
- Ợ chua, đầy bụng sau khi ăn: Người bị ung thư dạ dày khi ăn xong có cảm giác tức bụng, đầy bụng và buồn nôn... Ợ nóng là một triệu chứng phức tạp, nó có thể là dấu hiệu của bệnh ung thư (thường liên quan đến đau bụng hoặc đau vùng thượng vị) hoặc là yếu tố nguy cơ ung thư. Những người bị chứng ợ nóng có thể bị loét dạ dày tá tràng, có nghĩa là họ có nhiều axit trong dạ dày, điều này khiến họ có nguy cơ bị ung thư dạ dày cao hơn.
- Đi ngoài phân màu bất thường: Nếu xuất hiện triệu chứng đi ngoài phân đen hoặc trong phân thường xuyên có máu, việc này lặp lại thường xuyên thì rất có thể đã mắc ung thư dạ dày.
- Nôn ra máu: Khi nôn có lẫn máu thì cũng nên suy xét đến khả năng ung thư dạ dày.
Ung thư dạ dày hoàn toàn có thể điều trị khỏi nếu được phát hiện ở giai đoạn sớm. Nếu như thấy những dấu hiệu nghi ngờ cần đến gặp ngay bác sĩ để được thăm khám và tư vấn, điều trị kịp thời.
Để phòng ngừa ung thư dạ dày cần có lối sống lành mạnh, ăn uống khoa học, cụ thể. Cần hạn chế ăn đồ ăn mặn vì chúng chứa nhiều nitrit và amin thứ cấp khi vào dạ dày sẽ kết hợp thành chất cực độc gây ung thư.
Hạn chế ăn đồ hun khói, nướng, chiên, qua chế biến các thức ăn này chứa rất nhiều chất độc gây ung thư.
Từ bỏ thói quen hút thuốc lá, uống rượu bia, chất kích thích: Sử dụng những chất này sẽ gây ra nhiều bệnh ung thư không chỉ riêng ung thư dạ dày.
Bổ sung chất dinh dưỡng hợp lý: Ăn các thức ăn chứa nhiều vitamin A, B, E. Có chế độ nghỉ ngơi, luyện tập thể dục thể thao hợp lý, điều độ. Đặc biệt đừng quên khám tầm soát ung thư dạ dày hằng năm để phát hiện và điều trị bệnh kịp thời.
Theo Báo Sức khoẻ đời sống
Link nội dung: https://appstore.edu.vn/bieu-hien-cua-ung-thu-da-day-a45532.html