Hà Giang là tỉnh miền núi vùng cao cực Bắc của Tổ quốc, có diện tích đất tự nhiên là 7.929,48 km2, cách Hà Nội 318 km theo đường bộ. Phía Bắc tỉnh Hà Giang giáp với tỉnh Vân Nam và tỉnh Quảng Tây - Trung Quốc với trên 277 km đường biên giới; phía Đông giáp tỉnh Cao Bằng; phía Nam giáp tỉnh Tuyên Quang; phía Tây và Tây Nam giáp tỉnh Lào Cai và Yên Bái.90% diện tích Hà Giang là đồi núi. Hiện nay, tỉnh Hà Giang có 11 đơn vị hành chính (thành phố Hà Giàng và 10 huyện: Bắc Mê, Bắc Quang, Đồng Văn, Hoàng Su Phì, Mèo Vạc, Quản Bạ, Quang Bình, Vị Xuyên, Xí Mần, Yên Minh). Dân số hơn 80 vạn người, với 19 dân tộc anh em chung sống.
Cột cờ Lũng Cú - Điểm đến hấp dẫn khách du lịch (Theohttp://hagiangonline.net)
Nằm trong khu vực địa bàn vùng núi cao phía bắc lãnh thổ Việt Nam, Hà Giang là một quần thể núi non hùng vĩ, địa hình hiểm trở, có độ cao trung bình từ 800m đến 1.200m so với mực nước biển. Đây là vùng tập trung nhiều ngọn núi cao. Theo thống kê mới đây, trên dải đất Hà Giang rộng chưa tới 8.000 km2 mà có tới 49 ngọn núi cao từ 500m - 2.500m (10 ngọn cao 500 - 1.000m, 24 ngọn cao 1000 - 1500m, 10 ngọn cao 1.500 - 2.000m và 5 ngọn cao từ 2.000 - 2.500m).
Hà Giang có mật độ sông - suối tương đối dày đặc. Hầu hết các sông có độ nông sâu không đều, độ dốc lớn, nhiều ghềnh thác. Các sông lớn bao gồm: Sông Lô, Sông Chảy, Sông Gâm. Ngoài ra,trên địa bàn tỉnh Hà Giang còn có các sông ngắn và nhỏ hơn như sông Nho Quế, sông Miện, sông Bạc, sông Chừng, nhiều khe suối lớn nhỏ cung cấp nguồn nước phục vụ cho sản xuất và đời sống dân cư.
Nằm trong vùng nhiệt đới gió mùa và là miền núi cao, khí hậu Hà Giang về cơ bản mang những đặc điểm của vùng núi Việt Bắc - Hoàng Liên Sơn, song cũng có những đặc điểm riêng, mát và lạnh hơn các tỉnh miền Đông Bắc, nhưng ấm hơn các tỉnh miền Tây Bắc… Nétnổi bật của khí hậu Hà Giang là độ ẩm trong năm cao, mưa nhiều và kéo dài, nhiệt độ mát và lạnh, đều có ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống.
Miền đất nhiều tiềm năng, lợi thế
Về phát triển nông lâm nghiệp
Hà Giang là tỉnh có nhiều tiềm năng về nông lâm nghiệp, điều kiện tự nhiên rất thuận lợi cho phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp, chăn nuôi. Đặc biệt, tỉnh có nhiều loại cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao, có thể tổ chức sản xuất thành hàng hóanhư cây ăn quả ôn đới, rau, hoa, cây dược liệu, thảo quả, chè, cao su, cá nước lạnh, chăn nuôi đại gia súc... Hà Giang đã có những sản phẩm nổi tiếng như: Cam sành (diện tích kinh doanh 1.497,7ha); chè Shan Tuyết (diện tích kinh doanh 16.972ha).
Hà Giang có diện tích rừng tương đối lớn. Diện tích đất quy hoạch cho phát triển lâm nghiệp 566.545,2ha. Trong đó đất có rừng 436.600,5ha (rừng tự nhiên 356.301,1ha; rừng trồng 80.299,4ha). Giá trị sản xuất ngành lâm nghiệp năm 2014 (theo giá 2010) đạt 456,749 tỷ đồng. Diện tích rừng trồng mới 5 năm từ năm 2010 đến năm 2014 là 29.117,4ha. Tỷ lệ che phủ rừng đến năm 2014 đạt 54,3%.
Với thổ nhưỡng và khí hậu thuận lợi, trên địa bàn Hà Giang đã phát hiện tới trên 1.101 loài cây dược liệu khác nhau, trong đó có 51 loại cây được đưa vào diện có nguy cơ đe dọa trong sách đỏ Việt Nam. Toàn tỉnh hiện có trên 10.700ha dược liệu.
Về phát triển công nghiệp
Tỉnh Hà Giang có nguồn tài nguyên khoáng sản phong phú với nhiều loại và trữ lượng lớn. Toàn tỉnh hiện có 215 điểm mỏ với 28 loại khoáng sản có giá trị, gồm: quặng sắt (21 điểm); quặng chì, kẽm (16 điểm); quặng mangan (27 điểm); quặng antimon và một số quặng có giá trị khác như vàng, thiếc, vonfram...Với nguồn tài nguyên khoáng sản phong phú và đa dạng, công nghiệp khai khoáng và chế biến sâu khoáng sản là bước đột phá để Hà Giang phát triển.
Phát triển công nghiệp sản xuất điện từ thủy năng cũng là một lợi thế của tỉnh. Tính đến thời điểm hiện nay toàn tỉnh có 46 dự án thủy điện đã được quy hoạch với tổng công suất lắp máy khoảng 772,8MW. Hiện đã có 22 nhà máy thủy điện đang hoạt động phát điện với tổng công suất lắp máy là 354,3MW.
Về phát triển thương mại, dịch vụ
Hà Giang có cặp cửa khẩu Quốc tế Thanh Thủy - Thiên Bảo (nằm trên điểm cuối trục Quốc lộ 2, cách Thành phố Hà Giang 22 km về phía Bắc); có 03 cặp cửa khẩu phụ gồm: Săm Pun - Điền Bồng, Phó Bảng - Đổng Cán, Xín Mần - Đô Long và 11 lối mở (đường qua lại biên giới). Giá trị hàng hóa xuất nhập khẩu qua các cửa khẩu của tỉnh trong những năm gần đây đạt trên 300 triệu USD/năm. Cơ sở hạ tầng ở các cửa khẩu, chợ đường biên đang được quy hoạch và từng bước đầu tư xây dựng tạo điều kiện cho dân cư 2 bên biên giới đi lại thuận lợi, hoạt động biên mậu và tiểu ngạch diễn ra phổ biến và dễ dàng.
Hà Giang được thiên nhiên ưu đãi với nền văn hoá lâu đời thuộc niên đại đồ đồng Đông Sơn, có các di tích người tiền sử ở Bắc Mê, Mèo Vạc. Đây cũng là tỉnh có nhiều đồng bào dân tộc sinh sống với 22 dân tộc, cùng nhiều phong tục tập quán, văn hoá truyền thống và những lễ hội rất sinh động, hấp dẫn du khách đến tham quan.
Công viên địa chất Cao nguyên đá Đồng Văn được UNESCO công nhận là thành viên của mạng lưới công viên địa chất toàn cầu năm 2010. Ảnh: Báo điện tử Hà GiangLợi thế trong phát triển du lịch của tỉnh Hà Giang còn là cảnh quan môi trường độc đáo và nhiều di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh ít nơi có được như: Suối Tiên, cổng Trời, thác nước Quảng Ngần, khu Nậm Má, khu chum vàng, chum bạc và di tích nhà họ Vương… Đặc biệt, năm 2010, Công viên địa chất Cao nguyên đá Đồng Văn được UNESCO công nhận là thành viên của mạng lưới công viên địa chất toàn cầu. Năm 2012, ruộng bậc thang Hoàng Su Phì đã được công nhận là Di tích quốc gia Ruộng bậc thang Hoàng Su Phì. Đây là cơ hội lớn để phát triển các loại hình du lịch nói riêng, phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương nói chung.
Một thế mạnh khác của Hà Giang là việc khai thác du lịch quá cảnh sang tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), quan hệ du lịch và thương mại hai chiều nếu được mở ra sẽ góp phần đáng kể và sự tăng trưởng kinh tế của tỉnh.
Phát huy tiềm năng, lợi thế, đưa Hà Giang ngày càng phát triển
Với những tiềm năng, lợi thế của mảnh đất địa đầu tổ quốc, tỉnh Hà Giang đã đạt nhiều thành tựu trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Giai đoạn 2010 - 2015, sản xuất công nghiệp có bước phát triển khá, giá trị sản xuất năm 2015 đạt gần 4.000 tỷ đồng, tăng 3 lần so với năm 2010; công nghiệp khai khoáng và thủy điện được phát huy. Thương mại, dịch vụ phát triển mạnh, tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ năm 2015 tăng gần 3 lần so với năm 2010; du lịch phát triển có tính đột phá, lượng khách du lịch tăng nhanh, gấp 4 lần so với năm 2010. Kinh tế biên mậu bước đầu đạt được kết quả tích cực, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giai đoạn 2011 - 2015 tăng 1,8 lần so với giai đoạn 2005 - 2010.
Tổng thu ngân sách trên địa bàn năm 2015 đạt 1.550 tỷ đồng, tăng 33,7% so với năm 2010. Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội tăng 2,8 lần so với giai đoạn 2006 - 2010. Đến năm 2015, có 83,3% số hộ gia đình được sử dụng điện, trên 85% dân số ở đô thị được sử dụng nước sạch, 100% số xã có đường ô tô đến trung tâm, 89,2% số thôn có đường đi được cơ giới. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 41,8% năm 2010 xuống còn 17,91% năm 2015.
Chất lượng giáo dục toàn diện, 100% các xã có trường học trung tâm được đầu tư xây dựng kiên cố. Công tác y tế có nhiều tiến bộ, chất lượng các dịch vụ y tế được nâng lên. Công tác bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc được quan tâm, các thiết chế văn hóa ở cơ sở tiếp tục được đầu tư. Hệ thống bưu chính - viễn thông phát triển mạnh; ứng dụng công nghệ thông tin có bước đột phá, chỉ số ứng dụng công nghệ thông tin của tỉnh tăng cao, từ vị trí thứ 63/63 tỉnh, thành năm 2010 lên 13/63 năm 2015. Các chương trình đào tạo nghề, giải quyết việc làm được quan tâm; chế độ chính sách đối với người có công, chính sách an sinh xã hội được thực hiện hiệu quả.
Quốc phòng, an ninh được củng cố và tăng cường; công tác tư pháp có chuyển biến tích cực. Công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí được quan tâm chỉ đạo đẩy mạnh. Công tác quản lý nhà nước về dân tộc, tôn giáo được thực hiện tốt. Công tác đối ngoại được quản lý chặt chẽ và đẩy mạnh; chủ động thiết lập quan hệ với các tổ chức quốc tế, sứ quán các nước để quảng bá, xúc tiến thu hút đầu tư.
Trên cơ sở những kết quả đạt được, Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Hà Giang đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 nêu rõ mục tiêu: Phát triển và chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa dựa trên các lợi thế về điều kiện tài nguyên thiên nhiên, vụ trí địa lý, lịch sử, xã hội và được vận hành trên cơ sở nền hành chính cải cách theo hướng cởi mở. Nâng cao đời sống vật chất của nhân dân, thu nhập hình quân đầu người đạt mức trung bình khá trong khu vực và khoảng cách ngày càng được rút ngắn so với mức trung bình cả nước; đời sống tinh thần được duy trì và phát triển trên cơ sở nền văn hóa đa dân tộc; đảm bảo quốc phòng, an ninh, trật tự xã hội và môi trường sống của người dân luôn được củng cố và cải thiện vững chắc.
Quy hoạch cũng nêu rõ các chỉ tiêu cụ thể:Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đầu người đạt khoảng 7,5%/năm giai đoạn 2016 - 2020; thu nhập bình quân đầu người đạt khoảng 30 triệu đồng; kim ngạch xuất khẩu đạt 600 triệu USD; thu ngân sách trên địa bàn so GDP tăng lên 15% năm 2020.Cơ cấu kinh tế: Tỷ trọng các ngành nông nghiệp chiếm 33%, công nghiệp - xây dựng chiếm 29% và dịch vụ chiếm 38%.Giải quyết việc làm cho khoảng 15.000-16.000 lao động/năm; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 60% năm 2020.Tỷ lệ tăng trưởng dân số tự nhiên khoảng 1,4% vào năm 2020; giảm hộ nghèo xuống khoảng dưới 5% năm 2020, trung bình mỗi năm giảm từ 3-5%...
Trên cơ sở tiềm năng thế mạnh của địa phương, với những quyết sách và bước đi phù hợp, tin tưởng rằng tỉnh Hà Giang sẽ ngày càng phát triển, xứng danh miền đất địa đầu của Tổ quốc Việt Nam./.
Link nội dung: https://appstore.edu.vn/ha-giang-a46106.html