Cùng Phượt - Kuala Lumpur (hay thường được viết tắt là KL) là thủ đô liên bang và thành phố đông dân nhất tại Malaysia. Du lịch đóng một vai trò quan trọng trong nền kinh tế dịch vụ của Kuala Lumpur. Nhiều chuỗi khách sạn lớn trên toàn thế giới có mặt tại thành phố. Kuala Lumpur là thành phố được tham quan nhiều thứ sáu trên thế giới, với 8,9 triệu du khách mỗi năm. Du lịch Kuala Lumpur được thúc đẩy bởi sự đa dạng văn hoá của thành phố, chi phí tương đối thấp và nhiều loại hình ẩm thực và mua sắm rộng rãi.
Kuala Lumpur được giới hạn trong Lãnh thổ liên bang Kuala Lumpur, là một trong ba lãnh thổ liên bang của Malaysia. Lãnh thổ nằm ở giữa vùng bờ biển phía tây của Malaysia bán đảo, và bị bang Selangor bao quanh hoàn toàn. Kuala Lumpur là nơi đặt trụ sở của Quốc hội Malaysia. Thành phố từng là nơi đặt trụ sở của các cơ quan thuộc nhánh hành pháp và tư pháp trong chính phủ liên bang, song các cơ quan này chuyển đến Putrajaya vào đầu năm 1999
Kiến trúc Kuala Lumpur là sự pha trộn giữa ảnh hưởng từ kiến trúc thuộc địa cũ, truyền thống châu Á, cảm hứng Hồi giáo Mã Lai, hiện đại, và hậu hiện đại. Kuala Lumpur là một thành phố tương đối trẻ so với các thủ đô Đông Nam Á khác, hầu hết các tòa nhà thuộc địa tại thành phố được xây dựng vào cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20.
Là một thành phố hiện đại nhưng Kuala Lumpur cũng có sự pha trộn của nhiều nền văn hóa (Ảnh - zed.photography.zone)Kuala Lumpur là nơi có sự đa dạng về tôn giáo, thành phố có nhiều điểm thờ cúng cho dân cư đa tôn giáo. Hồi giáo được thực hành chủ yếu bởi các cộng đồng người Mã Lai và người Ấn theo Hồi giáo, Phật giáo, Nho giáo và Đạo giáo chủ yếu được thực hành trong cộng đồng người Hoa. Người Ấn có truyền thống gia nhập Ấn Độ giáo. Một số người Hoa và người Ấn đăng ký làm tín đồ Ki-tô giáo. Theo điều tra dân số năm 2010, dân số Kuala Lumpur có 46,4% là người Hồi giáo, 35,7% là Phật tử, 8,5% theo Ấn Độ giáo, 5,8% là Ki-tô hữu, 1,1% là tín đồ Đạo giáo hay tín ngưỡng truyền thống Trung Hoa, 2,0% theo các tôn giáo khác, và 0,5% không tôn giáo.
Từ thập niên 1990, thành phố là nơi tổ chức nhiều sự kiện thể thao, chính trị và văn hóa quốc tế, bao gồm đại hội thể thao Thịnh vượng chung năm 1998, hay giải đua ô tô công thức 1 Grand Prix. Thêm vào đó, Kuala Lumpur có tòa tháp đôi cao nhất thế giới Petronas.
Được dãy Titiwangsa bảo vệ ở phía đông và được đảo Sumatra của Indonesia chắn ở phía tây, Kuala Lumpur có khí hậu xích đạo đặc trưng của rừng mưa nhiệt đới với thời tiết nắng ấm quanh năm, cùng lượng mưa dồi dào, đặc biệt là khi có gió mùa đông bắc từ tháng 10 đến tháng 3. Nhiệt độ có xu hướng không thay đổi. Về cơ bản, thời tiết Kuala Lumpur như kiểu Sài Gòn nên bất cứ lúc nào săn được vé rẻ thì các bạn cứ lập kế hoạch đi, bạn nào cẩn thận hơn thì có thể theo gợi ý dưới đây:
Từ Việt Nam, các bạn chỉ có thể tới được Kuala Lumpur bằng các phương tiện đường không. Hiện có rất nhiều các hãng bay trong nước và quốc tế khai thác các đường bay này, các bạn có thể lựa chọn bay thẳng hoặc dừng chân ở Singapore trước để kết hợp cùng trong một chuyến đi.
Từ Hà Nội các đường bay thẳng tới Kuala Lumpur được thực hiện hàng ngày với giá vé quanh quanh hoảng 2000k tùy thời điểm, các hãng bay được lựa chọn phổ biến là Air Asia và Vietnam Airlines. Thời gian bay từ Hà Nội vào khoảng hơn 3 tiếng. Từ Sài Gòn sẽ có thêm 1 lựa chọn hãng bay của Việt Nam là Vietjet, giá vé bay từ Sài Gòn sẽ rẻ hơn khá nhiều, thời gian bay vào khoảng 2 tiếng.
Các bạn chú ý là ở Kuala Lumpur có 2 sân bay, 1 sân bay mới (KLIA2) thì Air Asia và một số hãng bay giá rẻ sẽ hạ cánh tại đây, 1 sân bay cũ (KLIA1) cho các hãng bay còn lại. Với các hãng bay của Việt Nam thì VietJet sẽ dùng KLIA2 và Vietnam Airlines sẽ dùng KLIA1. Các bạn cần kiểm tra kỹ thông tin trước khi bay để lên phương án di chuyển cho dễ.
Trong trường hợp các bạn muốn ghé qua khám phá Singapore trước khi sang Kuala Lumpur, các bạn có thể lựa chọn phương án này. 2 đất nước này khá gần nhau nên việc đi lại giữa 2 nước cũng chỉ như bạn di chuyển Hà Nội - Đà Nẵng mà thôi.
Hiện tất cả các hãng hàng không của Việt Nam (Vietnam Airlines, JetStar, Vietjet) đều có đường bay từ Hà Nội/Sài Gòn tới Singapore. Ngoài ra còn một số hãng hàng không nước ngoài khác cũng có những đường bay tương tự này, giá vé rẻ nhất (kể cả có mua được vé 0đ - chỉ phải trả thuế phí) bạn có thể mua được sẽ vào khoảng 1800k-2000k
Vé máy bay Singapore - Kuala Lumpur tương đối rẻ, chỉ khoảng 1000k và thời gian bay chỉ gần 1 tiếng (nhưng thời gian di chuyên ra sân bay, thủ tục xuất nhập cảnh cộng lại có thể lên tới khoảng 3 tiếng). Giữa 2 thành phố này hàng ngày cũng có rất nhiều chuyến bay liên tục nên các bạn thoải mái chọn giờ giấc sao cho phù hợp.
Nên chọn phương án này nếu các bạn có nhiều thời gian và có khả năng mò mẫm do việc đi lại (nếu lựa chọn tự túc hoàn toàn) sẽ mất nhiều thời gian. Các bạn cần di chuyển đến khu vực hải quan làm thủ tục xuất/nhập cảnh rồi sau đó lại mua vé để đi tiếp. Nhưng nếu lựa chọn phương án này, các bạn có thể ghé qua Melaka (Malacca) để chơi khoảng 2 ngày trước khi về lại thủ đô Kuala Lumpur.
Đầu tiên các bạn sẽ cần di chuyển tới Woodlands Checkpoint để làm thủ tục xuất nhập cảnh, nếu đi tàu thì các bạn xuống ở trạm Woodlands (NS9) sau đó đi tiếp xe buýt số 950 để ra tới cửa khẩu. Xuất cảnh xong lại tiếp tục đi buýt 160-170 để sang bên phía Malaysia làm thủ tục nhập cảnh, tiếp đến thì bắt buýt tới Larkin Sentral để mua vé xe đi tiếp các địa điểm khác ở Malaysia.
Đây là chuyến tàu chạy không dừng trên đường di chuyển, xuất phát từ KLIA2 về qua KLIA1 và chạy thẳng về KL Sentral. Nếu ở các khách sạn gần khu vực này các bạn có thể sử dụng phương tiện này vì có ưu điểm rất nhanh (nhưng giá tương đối đắt 55 RM/1 người), chỉ mất khoảng 30 phút so với thời gian khoảng 1 tiếng nếu sử dụng các phương tiện khác.
Các bạn có thể đặt xe trước (nhất là trong trường hợp đi đông, nhiều hơn số lượng khách mà một xe 4 chỗ có thể chở) hoặc sau khi hạ cánh, lấy sim thì đặt Grab. Việc đặt trước đôi khi thuận lợi hơn ở chỗ các bạn có thể liên hệ trước với tài xế qua whatsapp từ Việt Nam, sau khi hạ cánh nếu không có sim cũng có thể sử dụng wifi miễn phí từ sân bay để hỏi biển số xe và hẹn tài xế ở sảnh đón khách.
Quê hương của ứng dụng này nên sử dụng Grab tại Malaysia tương đối dễ dàng, điều duy nhất các bạn cần là một chiếc sim 4G để có internet và công cụ liên hệ với tài xế. Tài xế ở Kula Lumpur có thể sử dụng Tiếng Anh khá tốt (do tiếng Anh là ngôn ngữ được giảng dạy ở Malaysia từ nhỏ) nên việc giao tiếp không quá khó khăn.
Kuala Lumpur được phục vụ bởi ba hệ thống đường sắt riêng biệt, chúng gặp nhau tại thành phố và trải dài ra những nơi khác đó là RapidKL Light Rail Transit, KL Monorail, và KTM Komuter. Các tuyến này có những ga ngầm, trên cao hay trên mặt đất khắp thành phố. Trung tâm đường sắt nhanh chính là ga trung tâm Kuala Lumpur (KL Sentral), đóng vai trò là trạm trao đổi giữa các tuyến.
Là một trong những điểm đến hấp dẫn của Châu Á, các bạn có thể dễ dàng tìm cho mình một khách sạn ở Kuala Lumpur, tuy vậy hãy lựa chọn các khách sạn ở các khu vực mà các bạn sẽ ở lâu nhất để thuận tiện cho việc đi lại. Thường khi đến khách sạn các bạn sẽ phải trả thêm khoảng 2-10 RM/1 người/1 đêm cho thuế du lịch do chính phủ Malaysia quy định, mức chi phí này thu trực tiếp bằng tiền mặt tại khách sạn nên thường không xuất hiện trong giá phòng.
Bukit Bintang việc sở hữu hàng loạt các trung tâm mua sắm lớn của thủ đô. Đó là Berjaya Times Square, Pavilion, Bukit Bintang Plaza (BB Plaza), Lot 10, Fahrenheit… Ngoài ra đây cũng là nơi dành cho những du khách đam mê ẩm thực, phục vụ từ các món ăn bản địa nổi tiếng của Malaysia đến các món ăn quen thuộc của các nước khác. Nếu mục đích các bạn đến KL để mua sắm và ăn uống thì nên ở gần khu này cho tiện việc đi lại.
Một số khách sạn tốt ở Bukit Bintang
Con đường này tập trung rất nhiều hàng quán của người Hoa với giá cả bình dân, bên cạnh đó là một số mặt hàng khác như túi xách, đồ lưu niệm, quần áo bình dân. Ngay gần khu Chinatown là Central Market, cách Jalan Petaling khoảng 5-10 phút đi bộ. Đây là chợ trung tâm truyền thống đã có từ lâu đời của Kuala Lumpur, chủ yếu bán các đồ lưu niệm, thủ công mỹ nghệ.. mang đậm bản sắc của người dân địa phương.
Một số khách sạn tốt ở Chinatown
Khu này là nơi tập trung các đầu mối giao thông đi lại của KL cũng như một số địa điểm xung quanh, nếu các bạn ưu tiên sử dụng phương tiện công cộng, có thể chọn lưu trú gần đây. Khu này cũng khá gần khu Little India.
Một số khách sạn tốt ở KL Sentral
Tháp đôi Petronas, hay Petronas Twin Towers, là tên một cao ốc tại Kuala Lumpur. Tòa tháp đôi này đã từng là tòa nhà cao nhất thế giới nhưng hiện nay đã không còn, tuy vậy kỷ lục tòa tháp đôi cao nhất thế giới vẫn đang được Petronas nắm giữ. Lấy cảm hứng từ kiến trúc nhà thờ Hồi giáo cộng với những nét hiện đại, kiến trúc của Petronas đã mang đến cho tòa tháp đôi này một phong cách độc nhất vô nhị trên thế giới. Ngoài ra, điểm ấn tượng của tháp đôi này nằm ở chỗ: hai tòa tháp được nối với nhau bằng một chiếc cầu trên cao - Skybridge, cây cầu này cao tới 170m và có chiều dài là 158m, nối hai tòa tháp tại tầng 41 và 42.
Tháp truyền hình nằm trên ngọn đồi Bukit Ananas (cao 94 m) thuộc đường Jalan Punchak, cách tòa tháp đôi hơn 2 km. Từ bất kể chỗ nào tại Kuala Lumpur, bạn có thể dễ dàng đến đây bằng tàu điện LRT, tàu điện trên cao monorail, xe buýt, taxi hoặc các tour hop on - hop off.
Với chiều cao 421 m, KL tower là một trong những tháp truyền hình cao nhất thế giới. Để lên tầng quan sát tại tháp được đặt ở độ cao 276 m so với mặt đất, sau khi mua vé với giá 49 RM, sẽ có hướng dẫn viên bấm thang máy đưa bạn đến trên. Tốc độ thang máy rất nhanh và bạn sẽ cảm thấy hơi ù tai do thay đổi áp suất khi lên cao.
Thủy cung này có diện tích lên tới gần 6000m2 với 2 tầng và 1 đường hầm dưới nước dài tới 90m. Thủy cung có hơn 250 loài khác nhau với hơn 5000 cá thể. Thủy cung KLCC xây dựng một chuyến hành trình khám phá từ đất liền ra biển. Cuộc hành trình bắt đầu ở cao nguyên sương mù xuôi theo các dòng sông, xuyên qua các khu rừng mưa nhiệt đới, rừng ngập mặn rồi tới các rặng san hô ở biển xanh sâu thẳm.
Đây là mô hình vườn chim lớn nhất thế giới và cũng là điểm tham quan du khách nên ghé thăm khi đi du lịch Malaysia. Vườn chim Kuala Lumpur có khoảng 3000 con chim sinh sống, từ loài vẹt nhỏ sặc sỡ đến những con công có đuôi dài gần 2 mét. Và sẽ có chương trình cho chim ăn vào lúc 12:30 mỗi ngày, các bé nếu thích cũng có thể tham gia. Đặc biệt là vườn chim còn thêm một khu vực riêng dành cho chim mỏ sừng nơi mà khách du lịch sẽ thấy được chúng đứng tắm nắng bằng 1 chân rất đáng yêu.
Phố Petaling hình thành đầu thế 20 bởi những người Hoa đã lập nghiệp tại Kuala Lumpur từ trước đó một thế kỷ. Đây là cộng đồng lao động đầu tiên của Kuala Lumpur, chủ yếu hoạt động trong khai thác thác và kinh doanh mỏ thiếc. Theo thời gian, Petaling trở thành trung tâm thương mại sầm uất của người Hoa.
Ngày nay, Petaling xuất hiện trên bản đồ du lịch như một địa điểm phải ghé thăm ở Kuala Lumpur. Đây được coi là một thiên đường hàng nhái và là nơi lý tưởng nhất để thưởng thức các món ăn truyền thống Trung Hoa ở thành phố này.
Khu vực Little India này dài khoảng 1km, nằm ngay bên cạnh khu KL Sentral. Về cơ bản chỗ này không có gì đặc sắc nhưng lúc nào cũng sôi động (nhất là buổi tối), các bạn yêu thích mua các sản phẩm thủ công hay đồ ăn Ấn Độ có thể ghé qua đây.
Đền Sri Mahamariamman là ngôi đền Hindu cổ và đẹp nhất nhất ở Kuala Lumpur. Được xây dựng vào năm 1873 và nằm gần khu phố người Hoa.
Quảng Trường Độc Lập còn được biết đến với tên Independence Square và Merdeka Square. Tại đây, vào ngày 31/8/1957, Thủ tướng đầu tiên Malaysia - Tunku Abdul Rahman đã hạ lá cờ Anh để tuyên bố độc lập. Quảng trường Merdeka được đổi tên thành Dataran Merdeka (Quảng trường Độc Lập) vào năm 1989. Cho đến ngày nay, nơi đây trở thành khu phức hợp bãi đậu xe và khu mua sắm khổng lồ. Là nơi hàng năm vẫn được chọn là nơi tổ chức lễ kỷ niệm ‘’Ngày Độc lập’’ của quốc gia hoặc nhiều sự kiện lớn, chương trình ca nhạc trọng đại.
Là cơ quan hành pháp và là văn phòng làm việc của Thủ tướng Malaysia, tòa nhà lộng lẫy này được xem là niềm kiêu hãnh của người dân Malaysia. Lối kiến trúc Putrajaya pha lẫn Mông Cổ, nét truyền thống ẩn mình giữa vẻ hiện đại, vật liệu xây dựng làm từ thiên nhiên, địa thế thuận lợi, tầm mắt bao quát toàn thành phố là những nét nổi bật của tòa nhà độc đáo này. Được đặt trung tâm thành phố Putrajaya (cách KL khoảng 20km) - nơi được xem là “thành phố vườn” của Malaysia, tòa nhà Perdana Putra với 6 tầng rộng lớn lọt thỏm giữa rừng cây xanh mướt xung quanh, ngay bên cạnh là hồ Putrajaya trong lành.
Cung điện quốc gia từng là nơi sống chính thức của đức vua Malaysia trước khi cung điện chính thức hiện tại tọa lạc ở Jalan Duta. Nơi đây được thiết kế như Bảo tàng Hoàng gia khi đang lưu giữ các vật dụng hoàng gia và nhiều bộ sưu tập vô giá.
Bảo tàng quốc gia Malaysia, được thiết kế theo phong cách, đặc điểm của cung điện Malay thời Minangkabau Gadang. Bảo tàng được thành lập vào năm 1963 bởi vị vua Agong thứ ba mới của Malaysia sau đất nước này được độc lập. Bảo tàng ghi chép lại cuộc sống từ thời tiền sử cho đến các sự kiện và thành tựu từ lịch sử đến hiện tại với vô số hiện vật, động thực vật, tác phẩm văn hóa, tiền tệ và cấu trúc Malaysia được xây dựng để gìn giữ bản sắc dân tộc riêng biệt của đất nước Malaysia.
Là một đất nước Hồi giáo, Malaysia có rất nhiều những công trình nghệ thuật mang đậm phong cách hồi giáo. Họ luôn chăm chút và đầu tư cho những công trình, những điểm tham quan linh thiêng mang đậm cái hồn và giá trị tinh thần to lớn của người dân trong nước. Bảo tàng nghệ thuật Hồi Giáo chính là một trong những minh chứng khá rõ ràng nhất cho việc đầu tư, lưu giữ của quốc gia này.
Bảo tàng nghệ thuật Hồi giáo của Malaysia được xem là một bảo tàng hồi giáo lớn nhất Đông Nam Á. Bảo tàng này toạ lạc gần khu vực Lake Garde - Kuala Lumpur, gần với bảo tàng quốc gia và ngay gần trung tâm thành phố với tổng diện tích lên tới 30.000 m2. Đây là nơi có lưu giữ và trưng bày hơn 7.000 hiện vật độc đáo, cùng một thư viện lưu giữ bộ sưu tập những đầu sách quý giá của người Hồi giáo.
Bảo tàng Dệt may được xây dựng nhằm giới thiệu về nghệ thuật và nghề thủ công của ngành công nghiệp dệt Malaysia, cũng như những di sản văn hóa phong phú mà nó mang lại. Bảo tàng nằm ở ngã ba đường Sultan Hishamuddin và Pasar Besar Lane, chỉ cách Quảng trường Độc lập một quãng đi bộ ngắn.
Nhà thờ Hồi giáo Jamek Mosque, nằm ở nơi con sông Klang và Gombak gặp nhau, được xây dựng vào đầu những năm 1900 là một trong những nhà thờ Hồi giáo lâu đời nhất ở Malaysia.
Thánh đường Hồi giáo Quốc gia (Masjid Negara) là nơi thiêng liêng để người Hồi giáo thực hiện lời cầu nguyện. Masjid Negara được xây dựng vào năm 1965 với ngọn tháp cao 73 m có thể chứa đến 15.000 tín đồ. Bên trong Thánh đường là nơi cầu nguyện chính với trần cao và những khung cửa sổ lớn đón ánh nắng và những luồng gió mát từ bên ngoài thổi vào.
Masjid Wilayah Persekutuan - hay còn gọi là Federal Territory Mosque - là một trong những nhà thờ Hồi Giáo nổi tiếng và lớn nhất tại Kuala Lumpur. Lấy cảm hứng từ Blue Mosque - Thánh Đường Xanh tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ nên nếu để ý các bạn sẽ thấy toàn nhà thờ có 22 mái vòm với sắc màu xanh ngọc bích tuyệt đẹp. Hoàn tất xây dựng vào năm 2000, Masjid Wilayah là một thánh đường Hồi giáo mới với kiến trúc pha trộn giữa phong cách Ottoman và Malaysia. Đến đây các bạn sẽ được các bạn tình nguyện viên đưa đi tham quan và giới thiệu về lịch sử nhà thờ, các nét văn hóa của Hồi Giáo cũng như rất nhiều điều thú vị và hay ho được kể qua lời của các bạn tình nguyện viên này.
Động Batu là một trong những điểm đến nổi tiếng của Kuala Lumpur với hàng hàng loạt hang động nằm phía trên ngọn đồi đá vôi phía bắc thủ đô. Tại đây, tượng thần Murugan cao 42,7m là tượng thờ cao nhất thế giới. Đây cũng là nơi làm lễ, cầu xin những điều may mắn và tốt đẹp của nhiều tín đồ hành hương.
Đền Thiên Hậu là một trong những ngôi đền Trung Hoa lớn nhất trong thành phố. Đền Thiên Hậu được xây dựng trên đỉnh của một ngọn đồi với lối kiến trúc vô cùng độc đáo và lôi cuốn.
Cao nguyên Genting có độ cao hơn 2000m so với mực nước biển, có khí hậu mát mẻ quanh năm là một đỉnh núi nằm trong dãy núi Titiwangsa ở giáp giới giữa các bang Pahang và Selangor của Malaysia và nơi có khu nghỉ mát núi có cùng tên. Trước khi có cáp treo Bà Nà ở Đà Nẵng, đây là nơi có đường cáp treo dài nhất Đông Nam Á.
Kuala Lumpur có 66 trung tâm mua sắm và là trung tâm bán lẻ thời trang ở Malaysia cũng như cả khu vực Đông Nam Á.
Trung tâm Thương mại Suria KLCC, một trong những trung tâm thương mại lớn nhất Malaysia gồm 6 tầng trệt với gần 400 cửa hàng trong đó có những thương hiệu nổi tiếng xa xỉ nhất thế giới như Gucci, Prada, Rolex,… Tại tầng 6 - tầng trên cùng của Suria KLCC là khu ẩm thực Malaysia với mức giá khá dễ chịu. Du khách có thể vừa dùng bữa vừa ngắm nhìn quang cảnh toàn thành phố.
Trung tâm Pavilion có một không gian rộng lớn với hàng trăm cửa hàng khác nhau, từ nhãn hiệu cao cấp đến bình dân, đủ để làm thỏa mãn các tín đồ shopping.
Fahrenheit 88 là một trung tâm mua sắm nằm ở Bukit Bintang. Fahrenheit 88 nằm gần với trạm Monorail Bukit Bintang hoặc ga Monorail Raja Chulan.
Là một trung tâm mua sắm ở Mid Valley City, cửa ngõ của Petaling Jaya và Kuala Lumpur bao gồm một trung tâm mua sắm, một tòa tháp văn phòng, 30 văn phòng và ba khách sạn. Trung tâm thương mại này luôn đông đúc khách mua sắm khắp cả năm do có nhiều cửa hàng cũng như sự đa dạng về các loại mặt hàng.
Berjaya Times Square được mệnh danh là tòa nhà rộng lớn nhất thế giới, là khu trung tâm thương mại tích hợp nhiều dịch vụ từ mua sắm, ẩm thực, giải trí.
Bukit Bintang Plaza (BB Plaza) có rất nhiều mặt hàng khác nhau từ quần áo, giày dép, mỹ phẩm, túi xách, linh kiện máy tính, đồ chơi trẻ em với giá cả vô cùng dễ chịu. Nếu vẫn còn thời gian, thì trên các con phố ở Bukit Bintang cũng có rất nhiều cửa hàng với đủ loại hàng hóa phong phú, đa dạng để bạn thỏa sức mua sắm.
Low Yat Plaza (tiếng Malay: Plaza Low Yat) là trung tâm mua sắm lâu đời nhất chuyên về các sản phẩm điện tử và công nghệ thông tin tại Kuala Lumpur.
Món cơm này có tên là cơm gà đảo tay cầm và nếu đã ăn một lần ở Malaysia, tại địa chỉ đường Bukit Bintang, Kuala Lumpur, chắc hẳn bạn sẽ nhớ mãi và muốn ăn thêm nhiều lần nữa. Cơm gà đảo được nấu cầu kỳ. Bắt buộc phải là nồi đất để cơm giữ được độ nóng và phần đáy nồi có một lớp cháy mỏng giòn tan. Gạo được nấu với nước luộc gà để vị ngọt của cơm hòa quyện với vị béo ngậy của gà. Thịt gà được tẩm ướp cùng gia vị, hạt tiêu, gừng, đảo qua. Cơm được nấu vừa chín tới, người ta cho thịt gà vào nồi tiếp tục đun với cơm, sau đó là nấm hương, cải ngọt, lạp sườn và chút xì dầu.
Cơm được bắc ra ăn nóng. Trước khi ăn, đảo đều tất cả lên trong niêu rồi tùy vào khẩu vị của từng người mà gia giảm thêm xì dầu. Cơm chín tới cùng các món ăn kèm quyện gia vị vừa ăn, cứ thế cho đến tận đáy nồi vẫn thấy thòm thèm. Phần cơm cháy mỏng và róc, giòn tan. Ăn kèm với suất cơm là một bát canh rau cải ngọt nóng dễ ăn. Các bạn có thể thưởng thức món này ở quán Heun Kee Claypot Chicken Rice.
Nasi Lemak còn được gọi là cơm béo, được nấu từ gạo thơm và nước cốt dừa. Ẳn kèm với đó là dưa leo lát, một quả trứng luộc, đậu phộng, tương ớt sambal… Cơm thường được gói trong lá chuối hoặc giấy
Món cơm truyền thống Malaysia với màu xanh độc đáo được tạo ra từ những cánh hoa đậu biếc, ăn kèm với cá khô hoặc gà chiên, bánh phồng, dưa chua và các món salad khác nhau.
Năm 2011 trang CNN travel đã xếp mỳ Curry laksa đứng thứ 7 trong 50 món ăn hấp dẫn nhất thế giới. Hương vị đặc biệt của món mì cà ri cay này đến từ nước sốt Laksa được chế biến công phu từ hàng loạt nguyên liệu như ớt, hẹ, sả, dầu, mắm tôm, rau mùi, bột cà ri, thì là, gừng, và tỏi, ăn kèm với tôm và chả cá.
Là món ăn Malay được tạo thành từ các loại thịt được ướp, xiên và nướng trên que và ăn kèm với nước sốt đậu phộng ngon. Các loại Satays phổ biến thường được làm bằng thịt bò, thịt gà và thịt cừu. Các biến thể độc đáo khác của Satay bao gồm hươu Satay, thỏ Satay, cá Satay và nhiều biến thể khác như Satay lok-lok từ Penang và Satay celup (nhúng Satay) từ Malacca.
Món tráng miệng quen thuộc, giống kiểu chè của Việt Nam, ăn kèm với nước cốt dừa, nước đường thốt nốt và đá bào ngon tuyệt.
Sầu riêng Musang King (Musang King Durian) có nguồn gốc xuất xứ từ bang Sabah Malaysia, được mệnh danh là quốc bảo của Malaysia. Sầu riêng này chính là vua của các loại sầu riêng bởi hương vị đặc biệt thơm ngon: cơm vàng như nghệ, vị ngọt hương thơm đậm đà, hạt lép dẹt chứ không tròn. Đặc biệt, khi thưởng thức sầu riêng Musang có cảm giác đã miệng vì cắn sâu “ngập răng” mà không đụng hạt.
Người Việt Nam được miễn visa khi nhập cảnh vào Malaysia, các bạn chỉ cần hộ chiếu còn thời gian sử dụng trên 6 tháng là có thể tới quốc gia này.
Ngay sau khi hạ cánh, các bạn đi theo hướng dẫn trong sân bay tới khu vực tàu điện nội bộ để tới khu vực nhập cảnh. Khi nhập cảnh vào đây không cần điền tờ khai như một số quốc gia khác, chuẩn bị sẵn vé máy bay hoặc booking khách sạn trong trường hợp được hỏi đến (thường cũng chẳng hỏi bao giờ), chụp ảnh và lấy vân tay xong là việc nhập cảnh hoàn tất.
Hạ tầng viễn thông ở Kuala Lumpur tương đối ngon, sóng 4G có thể dùng ở hầu khắp mọi nơi. Việc mua 1 chiếc sim cũng khá đơn giản (có thể mua từ Việt Nam và nhận tại sân bay) khi chỉ cần có hộ chiếu. Với thời gian dùng khoảng 7 ngày, 4GB data là thoải mái trong những ngày ở đây. Cũng nên mua sim thì sẽ tiện hơn trong việc sử dụng Grab (đôi khi để tài xế liên hệ với mình hỏi rõ hơn về vị trí đón)
Đồng tiền của Malaysia là Ringgit (RM) với các loại tiền giấy mệnh giá từ 1-100, tiền xu mệnh giá 1, 5, 10, 20, 50 sen. Tỉ giá quy đổi 1RM vào khoảng 5500 VND, các bạn nên đổi tiền từ Việt Nam cho hời, chi phí chơi mấy ngày KL không nhiều lắm nên các bạn có thể mang số lượng vừa đủ, phòng thân 1 chút bằng USD hoặc thẻ visa mang theo là được. Ở KL có khá nhiều chỗ đổi tiền, có cả đổi từ VND (tỉ giá sẽ rất thấp) nên trong trường hợp cần thiết thì đổi tạm qua xài cũng được.
Nếu đổi ở Việt Nam không có nhiều mệnh giá tiền nhỏ (toàn 100RM hoặc 50RM) thì sau khi sang đến nơi các bạn cứ tạt vào mấy cửa hàng 7&11 mua tạm ít đồ để đổi tiền. Nhớ giữ các mệnh giá tiền nhỏ để dùng nhé.
Mang ổ cắm chuyển đổi, Malaysia dùng cùng kiểu chân giống ở Singapore nên có thể mang cùng 1 loại nếu bạn đi cả 2 nước này.
Nếu đi lại giữa một số địa điểm như từ Kuala Lumpur đi Singapore, đi Malacca, Penang mà các bạn có kế hoạch di chuyển bằng ô tô thì có thể đặt vé trực tuyến qua trang web busonlineticket.com để có thể mua vé sớm và không sợ hết chỗ.
Các lịch trình du lịch Kuala Lumpur này tương đối dày và chỉ để tham khảo, các bạn nếu cảm thấy hơi ít chỉ cần tính thêm ngày và kéo giãn các lịch trình đi lại ra để phù hợp với từng cá nhân.
Ngày 1: Việt Nam - Kuala Lumpur
Tùy thuộc vào giờ bay mà các bạn có thể có mặt ở Kuala Lumpur sớm hay muộn, thường thì Vietjet và AirAsia sẽ bay vào cuối giờ sáng, đến khoảng trưa các bạn sẽ có mặt ở KL. Vietnam Airlines thường bay vào buổi chiều, tối các bạn sẽ có mặt ở KL. Nếu bay buổi sáng thì các bạn sẽ đến vào đúng giờ nhận phòng, giờ bay này sẽ hợp lý hơn.
Sau khi tới nơi, về khách sạn nghỉ ngơi cất đồ rồi bắt đầu dạo chơi
Buổi chiều, điểm đầu tiên các bạn có thể ghé tháp truyền hình KL để ngắm toàn cảnh Kuala Lumpur, tiếp đến ghé KLCC, nơi có tòa tháp đôi Petronas, vào Aquaria KLCC rồi buổi chiều tối xem biểu diễn nhạc nước miễn phí.
Ngày 2: Khám phá Kuala Lumpur
Bắt đầu buổi sáng, hãy ghé thăm quảng trường Merdeka, giống kiểu quảng trường Ba Đình ở Hà Nội. Gần đó có bảo tàng dệt, nơi lưu trữ những tư liệu hình ảnh về công nghiệp dệt may của Malaysia, thánh đường Hồi giáo Masjid Negara, KL Bird Park.
Chiều có thể đi Đền Thiên Hậu, Batu Cave
Tối ghé qua khu phố ẩm thực Jalan Alor ăn uống. Ăn xong ghé Pavillion mua sắm nhỉ. Xong xuôi thì về lại khách sạn nghỉ ngơi thôi.
Ngày 3: Kuala Lumpur - Penang
Sáng dậy trả phòng rồi di chuyển tới Penang. Có thể di chuyển bằng ô tô hoặc tàu hỏa cho tiện, thời gian đi sẽ mất khoảng 4 tiếng. Việc đi bằng máy bay chỉ mất 1 tiếng nhưng thời gian di chuyển ra sân bay + chờ đợi làm thủ tục chắc cũng không nhanh hơn nhiều.
Trưa tới Penang, nhận phòng rồi ăn trưa, nghỉ ngơi.
Chiều bắt đầu hành trình khám phá Penang bằng việc cầm bản đồ lang thang tìm các bức tranh tường, một trong những thương hiệu của Penang.
Tối lang thang mấy khu chợ đêm khám phá ẩm thực Penang nhé
Ngày 4: Lang thang dạo chơi Penang
Buổi sáng các bạn cứ thoải mái ngủ, Penang thường tầm 9-10h mới bình minh nên trừ khi bạn nào thích sự tĩnh lặng (kiểu lang thang Hội An vào sáng sớm) thì hãy dậy sớm.
Đi chùa Kek Lok Si, đồi Penang Hill. Một nơi là ngôi chùa của người Hoa với kiến trúc đồ sộ, hoành tráng, nơi còn lại là chỗ để ngắm toàn cảnh Penang.
Quay lại trung tâm để ăn trưa, chiều có thể chới Chew Jetty, một số ngôi nhà cổ ở Penang hoặc đi các bảo tàng tùy theo sở thích của bạn.
Ngày 5: Về lại Việt Nam
Sáng dậy lang thang quanh phố cổ, mua sắm quà cáp hoặc nghỉ ngơi. Trưa ra sân bay về lại Việt Nam
Ngày 1: Việt Nam - Kuala Lumpur - Malacca
Từ Kuala Lumpur đến Malacca khá gần, các bạn có thể di chuyển luôn sau khi xuống sân bay. Tính thời gian từ sân bay đến Malacca chắc chỉ khoảng 2 tiếng, bao gồm 1 tiếng từ sân bay về trung tâm thành phố rồi. Nếu bay các chuyến buổi chiều, tối sẽ đến được Kuala Lumpur và chắc muộn nhất khoảng 11-12h đêm bạn sẽ tới được Malacca.
Nếu không thích phương án này, các bạn có thể di chuyển về trung tâm thành phố nghỉ ngơi 1 đêm rồi sáng hôm sau đi Malacca cũng được.
Ngày 2: Khám phá Malacca
Do đêm hôm trước đến muộn rồi nên hôm sau cứ thong thả ngủ thoải mái để lấy sức, không nhất thiết phải dậy quá sớm. Nếu tối hôm trước các bạn vẫn dừng ở Kuala Lumpur thì sáng dậy sớm chút để di chuyển đi Malacca.
Buổi sáng lần lượt tham quan viện bảo tàng Hàng Hải (Maritime Museum), Quảng trường Hà Lan (Dutch square), Tòa nhà the Stadthuys, nhà thờ Christ (Christ Church). Trưa có thể ăn trưa ở quán cơm gà viên Hải Nam (chắc sẽ phải xếp hàng lâu nếu đông khách) rồi về lại khách sạn nghỉ ngơi
Chiều tham quan Nhà thờ Thánh Paul (St Paul’s Church), Cung điện Sultan Palace, pháo đài Famosa, đi thuyền trên sông Malacca. Ăn tối có thể ghé Newton Food Court.
Tối vẫn ngủ ở Malacca
Ngày 3: Malacca - Kuala Lumpur
Buổi sáng dậy trả phòng rồi bắt xe ngược về lại Kuala Lumpur, nhớ đặt phòng khách sạn trước để có đích đến cụ thể. Sau khi về cất đồ thì bắt đầu lang thang.
Ghé thăm quảng trường Merdeka, giống kiểu quảng trường Ba Đình ở Hà Nội. Gần đó có bảo tàng dệt, nơi lưu trữ những tư liệu hình ảnh về công nghiệp dệt may của Malaysia, thánh đường Hồi giáo Masjid Negara, KL Bird Park.
Trưa thì ăn trưa ở đâu đó hoặc nếu mệt thì về lại khách sạn nghỉ ngơi/đặt Grab Food về tận nhà.
Buổi chiều, điểm đầu tiên các bạn có thể ghé tháp truyền hình KL để ngắm toàn cảnh Kuala Lumpur, tiếp đến ghé KLCC, nơi có tòa tháp đôi Petronas, vào Aquaria KLCC rồi buổi chiều tối xem biểu diễn nhạc nước miễn phí.
Tối ghé qua khu phố ẩm thực Jalan Alor ăn uống. Ăn xong ghé Pavillion mua sắm nhỉ. Xong xuôi thì về lại khách sạn nghỉ ngơi thôi.
Ngày 4: Kuala Lumpur - Việt Nam
Sáng dậy có thể ghé Batu Cave, chỗ này thực chất chỉ là một cái động trên núi với vài trăm bậc cầu thang được sơn màu sặc sỡ (lên ảnh thì cũng đẹp). Có 1 chuyến tàu khởi hành từ KL Sentral tới thẳng đây với giá vé là 2RM, thời gian đi khoảng 30 phút. Trưa quay lại trung tâm thành phố để ăn uống.
Sau khi ăn trưa xong thì ghé Đền Thiên Hậu, ngôi đền khá đẹp của người Hoa.
Về lại khách sạn nghỉ ngơi, dọn dẹp đồ đạc, tắm rửa ăn uống rồi ra sân bay trở lại Việt Nam. Ngày ra sân bay các bạn nên sử dụng tàu nhanh để chạy thẳng một mạch, không sợ tắc đường. Làm thủ tục hải quan sớm rồi ăn uống đợi giờ lên máy bay.
Đêm có mặt ở Việt Nam
Tìm trên Google:
Link nội dung: https://appstore.edu.vn/kuala-lumpur-co-gi-choi-a46670.html