Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Minh Tuấn - Bác sĩ Nhi - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.
Con khỏe mạnh và phát triển tốt chính là niềm mong mỏi lớn nhất của tất cả các bậc phụ huynh. Cha mẹ ai cũng sẽ rất phiền lòng, lo lắng khi con mình trở nên biếng ăn, thiếu cân, suy dinh dưỡng, chậm lớn,... Vậy phải làm thế nào khi trẻ đến tuổi đi học vẫn thiếu cân?
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, 54% trường hợp tử vong của trẻ dưới 5 tuổi có liên quan đến tình trạng thiếu dinh dưỡng ở mức độ vừa và nhẹ. Sự phát triển bình thường của não bộ bị ảnh hưởng khi trẻ bị suy dinh dưỡng nhẹ cân do không thể hấp thụ những dưỡng chất tối cần thiết cho sự phát triển não và trí tuệ. Trẻ nhỏ bị thiếu cân cũng thường chậm chạp và có nguy cơ mắc các bệnh nhiễm khuẩn nghiêm trọng do khả năng miễn dịch yếu kém.
Có một số yếu tố cần xem xét khi đánh giá cân nặng của trẻ. Trẻ luôn gầy? Cả bố mẹ của trẻ đều rất gầy? Một đứa trẻ có khuynh hướng di truyền là gầy, giống với bố mẹ thì khác với đứa trẻ luôn có cân nặng bình thường hay ở mức béo phì và thời gian gần đây trẻ không có dấu hiệu tăng cân hoặc cân nặng đang bị giảm. Tuy nhiên, bạn không nên quá lo lắng ngay cả khi trẻ mới trở nên gầy đi trong thời gian gần đây.
Stephen R. Daniels, MD, Ph.D, một giáo sư nhi khoa tại Trung tâm Y tế Bệnh viện Nhi ở Cincinnati và là thành viên của Ủy ban Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ cho biết: Cân nặng của trẻ luôn có sự thay đổi theo tốc độ tăng trưởng về dinh dưỡng.
Daniels giải thích, khi chiều cao tăng trước khi tăng cân, trẻ có thể nhẹ cân trong một thời gian, cho đến khi bắt kịp mức tăng trưởng. Tuy nhiên, cũng có thể sự tăng cân của trẻ vượt quá tốc độ tăng chiều cao của trẻ, dẫn đến việc trẻ trở nên thừa cân. Các bác sĩ rất lo ngại rằng nhiều trẻ em đang trở nên thừa cân khi chúng lớn lên và nhiều trẻ em cũng đang bị thiếu cân.
Cách để xác định xem trẻ có bị nhẹ cân hay không và phương pháp để giải quyết tình trạng này chính là bạn nên đặt lịch hẹn với bác sĩ để bác sĩ có thể giúp bạn đánh giá cân nặng và chế độ ăn của trẻ.
Nguyên nhân khiến trẻ bị nhẹ cân hơn các bạn khác cùng trang lứa có thể do yếu tố di truyền, chế độ ăn ít chất béo và rất nhiều yếu tố khác. Tuy nhiên, bố mẹ nên đưa trẻ đến gặp bác sĩ nhi khoa để được tư vấn khi cân nặng của trẻ nằm dưới mức cho phép so với độ tuổi và chiều cao. Bác sĩ sẽ thực hiện các xét nghiệm và các bài kiểm tra thể chất khác để tìm ra nguyên nhân giảm cân hay tác nhân khiến trẻ bị thiếu cân.
Bác sĩ sẽ tiến hành xem xét các yếu tố được đề cập ở trên - bố mẹ trẻ nặng bao nhiêu và trẻ đã thiếu cân trong bao lâu. Rối tiến hành đánh giá thói quen ăn uống và sức khỏe tổng thể của trẻ. Bác sĩ có thể sẽ hỏi xem con bạn có mắc bất kỳ vấn đề sức khỏe nào có thể góp phần khiến trẻ bị giảm cân, như tiêu chảy mãn tính hoặc nôn ói hay không.
Bác sĩ sẽ đo chiều cao và cân nặng của trẻ và biểu thị những chỉ số này trên biểu đồ tăng trưởng. Ngày nay, các bác sĩ đang sử dụng một loạt biểu đồ tăng trưởng mới của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh, có xem xét chỉ số khối cơ thể của trẻ, hay BMI, xem xét cân nặng cùng với chiều cao để giúp xác định xem trẻ có cân đối hay không. Chỉ số BMI là một chỉ số được đánh giá tốt hơn về thành phần cơ thể so với chỉ số đo cân nặng. Trong khi chỉ số BMI của người lớn được tính bằng công thức tính thẳng của chiều cao và cân nặng, công thức xác định chỉ số BMI của trẻ còn tính đến yếu tố giới tính và độ tuổi, để cho phép thực tế là thành phần cơ thể thay đổi khi trẻ lớn lên.
Nếu BMI của con bạn giảm xuống dưới phân vị thứ 5, trẻ được coi là nhẹ cân. Bác sĩ sẽ hỏi bạn các câu hỏi về chế độ ăn uống của con bạn, vì vậy họ có thể xác định bất kỳ sự thiếu hụt chính nào. Bác sĩ có thể yêu cầu bạn tham khảo Kim tự tháp hướng dẫn thực phẩm, vì vậy bạn có thể xác định nhóm thực phẩm nào mà trẻ không được hấp thụ đủ. Ngoài ra, bác sĩ cũng sẽ khám sức khỏe và có thể tiến hành các xét nghiệm cần thiết để xác định xem có nguyên nhân bệnh lý tiềm ẩn hay không, đặc biệt nếu trẻ vẫn ăn uống tốt nhưng không tăng cân.
Nếu trẻ không mắc vấn đề gì về sức khỏe thì cách để giúp trẻ tăng cân chính là cho trẻ hấp thụ nhiều calo hơn. Đối với một số trẻ, chỉ cần bổ sung thực phẩm là nguồn chất béo "có lợi cho tim mạch" - chẳng hạn như quả bơ, các loại hạt và dầu thực vật - sẽ cung cấp đủ lượng calo bổ sung để đáp ứng nhu cầu tăng trưởng. Bạn cần lên kế hoạch cho trẻ ăn các bữa ăn nhẹ lành mạnh, giàu calorie để trẻ được hấp thụ đủ.
Theo các chuyên gia, cho dù bạn làm gì, đừng cho trẻ ăn nhiều "đồ ăn vặt" nhằm mục đích thúc đẩy trẻ tăng cân. Thói quen ăn uống sẽ ăn sâu vào đời sống của trẻ từ rất sớm và chúng có thể khó thay đổi khi đã hình thành và trở thành thói quen.
Hãy cho trẻ ăn uống một cách vui vẻ, bạn có thể ngồi cùng trẻ và cùng nhau thưởng thức đồ ăn. Cho trẻ tham gia vào việc lập kế hoạch cho bữa ăn, đi mua sắm (ví dụ như nhờ con lấy giúp trái cây ở chợ và bánh mì ở tiệm bánh), và chuẩn bị thức ăn, để khuyến khích trẻ ăn. Ngoài ra, đừng để trẻ quá quấn quýt làm việc gì đó đến mức bỏ bữa. Bé cần được ăn thường xuyên nếu bạn muốn bé tăng cân.
Dưới đây là danh sách các loại thực phẩm lành mạnh giàu calo mà bạn nên cung cấp cho trẻ:
Nếu con bạn là một người kén ăn và không chịu thêm thức ăn mới vào chế độ ăn uống của mình, bác sĩ có thể đưa ra một loại thức uống bổ sung có hàm lượng calo cao. Những chất bổ sung này có vị giống như sữa lắc và cung cấp thêm các vitamin và khoáng chất mà trẻ có thể bị thiếu. Tuy nhiên, hãy đảm bảo rằng trẻ không tiêu thụ quá nhiều đồ uống - như nước trái cây hoặc thậm chí là sữa bởi như vậy trẻ sẽ không cảm thấy đói khi tới bữa ăn. Cố gắng hạn chế nước trái cây không quá 1/2 cốc mỗi ngày và sữa không quá hai cốc mỗi ngày.
Mặc dù bạn rất muốn kiểm tra sự tiến bộ về cân nặng của trẻ, nhưng đừng bắt trẻ phải thường xuyên kiểm tra cân nặng, vì chúng có thể khiến trẻ lo lắng và tự ti về cân nặng của mình. Tuy nhiên, bạn nên đưa trẻ đến gặp bác sĩ một tháng 1 lần để theo dõi sự tiến triển của trẻ. Đừng quá quan trọng hóa quá trình tiến triển cân nặng của trẻ.
Trong trường hợp trẻ đã nạp đủ lượng calo mà cơ thể cần nhưng vẫn không tăng cân, bạn nên đưa trẻ đến gặp bác sĩ để được theo dõi thêm. Mặt khác, nếu trẻ không chịu ăn, có thể nguyên nhân là do tâm lý, bạn nên đưa trẻ đến chuyên gia tâm lý để được thăm khám.
Tuy nhiên, với sự kiên nhẫn và những bữa ăn lành mạnh được chuẩn bị bằng tất cả tình yêu vô bờ bến của cha mẹ dành cho con, trẻ sẽ đạt được sự cân bằng về chiều cao và cân nặng.
Để cải thiện tình trạng trên của trẻ, cha mẹ cũng có thể bổ sung cho trẻ các sản phẩm hỗ trợ có chứa lysine, các vi khoáng chất và vitamin thiết yếu như kẽm, crom, selen, vitamin nhóm B giúp đáp ứng đầy đủ nhu cầu về dưỡng chất ở trẻ. Đồng thời, các vitamin thiết yếu này còn hỗ trợ tiêu hóa, tăng cường khả năng hấp thu dưỡng chất, giúp cải thiện tình trạng biếng ăn, giúp trẻ ăn ngon miệng. Cha mẹ có thể cũng có thể áp dụng việc bổ sung chất qua đường ăn uống và các thực phẩm chức năng có nguồn gốc từ tự nhiên để bé dễ hấp thụ. Điều quan trọng nhất là việc cải thiện triệu chứng cho bé phải diễn ra trong thời gian dài. Việc kết hợp nhiều loại thực phẩm chức năng cùng lúc hoặc thay đổi liên tục nhiều loại trong thời gian ngắn có thể khiến hệ tiêu hóa của bé không kịp thích nghi và hoàn toàn không tốt. Vì vậy, cha mẹ phải thực sự kiên trì đồng hành cùng con và thường xuyên truy cập website vinmec.com để cập nhật những thông tin chăm sóc cho bé hữu ích nhé.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: babycenter.com, uptodate.com
Link nội dung: https://appstore.edu.vn/be-nhe-can-a49629.html