1. Tác động của đại dịch COVID-19 đến kinh tế thế giới

1.1. Giai đoạn đầu của đại dịch (từ ngày 01/01/2020 đến ngày 31/12/2021)

Đại dịch COVID-19 bùng phát trong bối cảnh quá trình toàn cầu hóa đang diễn ra mạnh mẽ, vì thế việc lây lan rất nhanh chóng và khó kiểm soát. Hậu quả kinh tế mà đại dịch để lại trên toàn cầu rất nặng nề. GDP toàn cầu ước tính đạt khoảng 84,54 nghìn tỷ USD vào năm 2020 - nghĩa là tăng trưởng kinh tế giảm 4,5% dẫn đến sản lượng kinh tế bị mất gần 2,96 nghìn tỷ USD. Năm 2021, tăng trưởng của kinh tế thế giới có phần gượng lại, nhưng vẫn ở mức thấp.

Thiệt hại kinh tế do đại dịch COVID-19 gây ra phần lớn là do đứt gãy chuỗi cung ứng làm cho sản xuất bị gián đoạn và nhu cầu giảm, ít người tiêu dùng đủ khả năng mua hàng hóa và dịch vụ có sẵn trong nền kinh tế toàn cầu. Điều này được nhìn thấy rõ ràng trong các ngành bị ảnh hưởng nặng nề, nhất là du lịch và lữ hành. Để làm chậm sự lây lan của vi-rút, các quốc gia đã đặt ra những hạn chế đối với việc đi lại và nhiều người không thể mua vé các chuyến bay cho các kỳ nghỉ hoặc các chuyến công tác. Sự sụt giảm nhu cầu tiêu dùng này là nguyên nhân khiến các hãng Hàng không mất doanh thu theo kế hoạch và do đó họ phải cắt giảm chi phí bằng cách giảm số lượng chuyến bay khai thác.

Ngoài ra, nguồn cung toàn cầu cũng bị ảnh hưởng không nhỏ do nguồn lao động bị ảnh hưởng, việc hạn chế di chuyển của các quốc gia gây khó khăn cho xuất nhập hàng hóa. Tác động của đại dịch COVID-19 đến cung cầu toàn cầu được khái quát như sau:

(i) Sự gián đoạn nguồn cung trực tiếp cản trở sản xuất, đứt gãy chuỗi cung ứng đã làm cho sản xuất bị gián đoạn.

(ii) Sự lây lan trong chuỗi cung ứng làm gia tăng ảnh hưởng đến cung ứng trực tiếp khi các ngành sản xuất ở các quốc gia ít bị ảnh hưởng hơn khó có được các đầu vào cần thiết từ các quốc gia bị ảnh hưởng nhiều. Và sự gia tăng chi phí nhập khẩu cũng ảnh hưởng không nhỏ đến nguồn cung hàng hóa trên phạm vi toàn cầu.

(iii) Cầu gián đoạn, do kinh tế vĩ mô giảm tổng cầu (tức là suy thoái) và sự trì hoãn mua hàng của người tiêu dùng, cũng như sự chậm trễ đầu tư của cộng đồng doanh nghiệp.

Trước thực trạng nền kinh tế toàn cầu gặp khó khăn nghiêm trọng, ghi nhận mức tăng trưởng âm 4,5% năm 2020, nhiều chính phủ đã có những giải pháp mạnh mẽ để giảm bớt sự thiệt hại và đà suy thoái của nền kinh tế quốc gia mình. Các công cụ chính được sử dụng, như: điều chỉnh chi tiêu của chính phủ, can thiệp bằng chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ, hỗ trợ tài chính trực tiếp đến người dân,… Cùng với đó, trong khó khăn chung và bao trùm, vẫn có một số ngành được hưởng lợi từ đại dịch COVID-19, như: thương mại điện tử, bán lẻ thực phẩm, công nghệ thông tin và các ngành công nghiệp chăm sóc sức khỏe mang lại sự tăng trưởng kinh tế nhất định để bù đắp thiệt hại. (Xem Sơ đồ)

1.2. Giai đoạn sau của đại dịch COVID-19 (bắt đầu từ ngày 01/01/2022)

Ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 đến nền kinh tế thế giới và ứng phó của Việt Nam - Ảnh 1

Nếu như giai đoạn đầu của đại dịch COVID-19 nổi lên câu chuyện nguồn cung bị hạn chế, cầu giảm và các công ty trì hoãn đầu tư, khiến tăng trưởng toàn cầu âm 4,5%, thì từ đầu năm 2022 đến nay, nhờ có vacine phòng Covid-19 được phủ rộng, người dân trên toàn cầu gần như đã vượt qua được thời kỳ đen tối nhất của đại dịch Covid-19. Tại ngưỡng này, đang có sự chuyển biến tích cực hơn trong tương quan cung - cầu trên thương trường.

Cụ thể, hầu hết nền kinh tế đang ghi nhận sự gia tăng mạnh mẽ về nhu cầu hàng hóa và những nỗ lực vượt qua tình trạng gián đoạn nguồn cung đối với sản xuất cũng như phân phối hàng hóa.

Năm 2021, cú sốc về nguồn cung và nguồn cầu cùng diễn ra, góp phần làm tăng giá hàng hóa từ sản xuất đến người tiêu dùng cuối cùng. Ghi nhận từ nhiều thị trường cho thấy, có sự đa dạng đáng kể về mức độ của những tác động này giữa các quốc gia và các lĩnh vực. Năm 2022, đại dịch đã dịu bớt ảnh hưởng đến cung - cầu hàng hóa trên toàn cầu, nhưng cuộc chiến giữa Nga và Ukraine có thể còn kéo dài làm trầm trọng hơn sự đứt gãy cung - cầu, tạo nên tình trạng lạm phát do “chi phí đẩy”. Đây là điều các quốc gia cũng như các chủ thể trong nền kinh tế rất cần chú ý hiện nay.

Mỗi quốc gia sẽ có những quyết sách riêng phụ thuộc vào điểm mạnh, điểm yếu, mục tiêu phát triển của quốc gia mình trong bối cảnh kinh tế quốc tế mới. Tuy nhiên, về cơ bản, các nhà hoạch định chính sách nên tìm cách giải quyết các điểm nghẽn nguồn cung và giảm thiểu sự suy giảm nguồn cầu do hoạt động sản xuất yếu kém kéo dài. Cùng với đó, cần tìm giải pháp phù hợp cho việc “kích cầu”, tránh tình trạng lạm phát do cả “cầu kéo” và cả “chi phí đẩy”.

2. Ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 đến kinh tế Việt Nam

Ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 đến nền kinh tế Việt Nam trên 3 tác động chính gồm: tăng trưởng, đầu tư và thương mại; gián đoạn các chuỗi giá trị sản xuất quan trọng; suy giảm tiêu dùng tác động lớn đến dịch vụ và du lịch. Điều đáng mừng là trong thách thức đại dịch, Việt Nam là một trong những nền kinh tế hiếm hoi trên thế giới có mức tăng trưởng GDP dương (tăng 2,1% năm 2020 và 2,58% năm 2021). Có thể tóm gọn lợi thế của Việt Nam trong đại dịch Covid-19 ở một số điểm như sau:

- Ngành Nông, Lâm nghiệp và Thủy sản: Trước những thuận lợi và khó khăn đan xen, kết quả hoạt động năm 2021 của ngành Nông nghiệp đã thể hiện rõ vai trò bệ đỡ của nền kinh tế, với tốc độ tăng trưởng 3,18%, đóng góp 0,29 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế. Ngành Lâm nghiệp tăng 3,88%, đóng góp 0,02 điểm phần trăm và ngành Thủy sản tăng 1,73%, đóng góp 0,05 điểm phần trăm. Đây là ngành chủ đạo làm động lực tăng trưởng của nền kinh tế.

- Hoạt động thương mại, vận tải và du lịch dù có chững lại do dịch, nhưng vừa bớt dịch là người dân lại mua sắm, du lịch, di chuyển với mức tăng được ghi nhận từ 28,1 đến 51,3% trong quý III/2021.

- Ngành Y tế và hoạt động trợ giúp xã hội đạt tốc độ tăng cao nhất trong khu vực dịch vụ với mức tăng 42,75%; hoạt động tài chính - ngân hàng tăng 9,42%; ngành Thông tin và Truyền thông tăng gần 6% (nguồn: moit.gov.vn).

Như vậy, với điểm tựa chắc chắn từ ngành Nông nghiệp, giúp Nhà nước và người dân không phải lo lắng về an ninh lương thực. Đồng thời, nhờ sự tin tưởng vào các quyết định của Chính phủ, nên việc hợp tác và ủng hộ của người dân với các quyết định này khá tốt, giúp Việt Nam giảm thiểu sự lây lan nhanh chóng của dịch bệnh.

Việt Nam là một nền kinh tế trẻ, đang sở hữu cơ cấu dân số vàng nên nếu có các quyết sách đúng, tăng trưởng kinh tế sẽ mau chóng vực dậy và hồi phục. Việt Nam có lợi thế trong nhiều ngành kinh tế như nông nghiệp, du lịch, dịch vụ, viễn thông,… nên khả năng các ngành lấy lại đà tăng trưởng và tăng trưởng bứt phá sau thời kỳ bị phong tỏa vì đại dịch là rất lớn. Theo đó, cơ hội để nền kinh tế phát triển cả về nguồn cung và sức cầu trong bối cảnh Chính phủ đã xác định quan điểm “thích ứng, sống chung với COVID-19” là rõ ràng. Điều cần cân nhắc là các gói chính sách, các giải pháp thúc đẩy kinh tế phục hồi đã và sẽ được ban hành tới đây phải làm sao đạt được mục tiêu tăng trưởng cao nhưng kiểm soát tốt lạm phát.

3. Một số giải pháp ứng phó của Việt Nam để thúc đẩy kinh tế phát triển sau đại dịch COVID-19

Đầu năm 2022, Chính phủ đã ban hành liên tiếp Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 8/01/2022 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán Ngân sách Nhà nước năm 2022; Nghị quyết số 11/NQ-CP năm 2022 về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình,…

Cùng với đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đang chỉ đạo hoàn thiện một số văn bản pháp luật để triển khai nhiều chính sách, như: quyết định về hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động; nghị định về hỗ trợ lãi suất cho vay thông qua các ngân hàng thương mại; các quyết định về hỗ trợ lãi suất, phê duyệt hạn mức bảo lãnh phát hành trái phiếu và giao bổ sung kế hoạch tín dụng năm 2022 cho Ngân hàng Chính sách Xã hội, cho vay học sinh, sinh viên để mua máy tính học tập trực tuyến do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19,… Các chính sách đang và sẽ được ban hành đều nhằm mục tiêu hỗ trợ người dân, doanh nghiệp và các chủ thể trong nền kinh tế vượt qua khó khăn do đại dịch, đồng thời gia tăng đầu tư để tạo bước tăng trưởng cao hơn trong thời gian tới.

Một số giải pháp, chính sách được nhóm tác giả phân tích và khuyến nghị như sau:

3.1. Điều chỉnh chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ, chi tiêu của Chính phủ

Về chính sách tài khóa. Điểm mấu chốt của phân tích là sự gia tăng lạm phát của giá hàng hóa sản xuất phản ánh sự đan xen giữa hạn chế cung và sức cầu. Chính sách tài khóa cần tìm cách giảm thiểu sự sụt giảm sản xuất kéo dài suốt 2 năm qua. Một vài biện pháp nới lỏng tài khóa đã triển khai như giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) về 8%, giảm các khoản thuế và phí khác.

Trước đây, các chính sách chủ yếu tập trung thúc đẩy tiêu dùng, phá nghẽn sản xuất để thúc đẩy tăng trưởng GDP. Tuy nhiên, trước tình hình mới với “bóng ma lạm phát” cả do cầu kéo và chi phí đẩy, rất cần một chính sách tài khóa linh động hơn, vẫn phải thúc đẩy sản xuất và hạn chế bớt áp lực tăng giá do tiêu dùng tăng. Bên cạnh đó, cần phải thay đổi tư duy, nhìn nhận lại vấn đề để có chính sách phù hợp. Chính vì vậy, thời gian tới, chính sách tài khóa cần tập trung hỗ trợ phát triển sản xuất, như: giảm thuế cho doanh nghiệp và các khoản phí cho sản xuất. Đối với các khoản giảm để kích cầu như thuế cho tiêu dùng cần thận trọng, tránh lạm phát do cầu kéo.

Về chính sách tiền tệ: Áp lực lạm phát do tắc nghẽn nguồn cung có thể tiếp tục kéo dài thêm một thời gian nữa, do đó làm tăng thêm áp lực từ giá năng lượng tăng cao. Chính phủ và các bộ, ngành liên quan như Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công Thương,… cần tiếp tục các nỗ lực chia sẻ thông tin về cách phản ứng với lạm phát, công bố các dữ liệu thích hợp, đồng thời sẵn sàng phản ứng nhanh chóng với bất kỳ thay đổi đáng kể nào trong triển vọng lạm phát trung hạn. Xét trong điều kiện hiện nay, nhóm tác giả cho rằng, Việt Nam chưa cần thiết phải thắt chặt tiền tệ. Tuy nhiên, các gói hỗ trợ vẫn nên tập trung cho sản xuất và các cơ quan chức năng cần xây dựng các kịch bản lạm phát để có những chính sách phù hợp, vẫn đảm bảo hồi phục và tăng trưởng kinh tế.

Về chi tiêu của Chính phủ: Công cụ này đang được hầu hết các nước trên thế giới sử dụng rất tích cực nhằm hạn chế sự thiệt hại do đại dịch COVID-19 mang lại và thúc đẩy tăng trưởng. Theo đó, khi Chính phủ bơm một lượng tiền lớn vào lưu thông, sẽ tác động ở cả 2 mặt cung và cầu. Tại Việt Nam, chính sách chi tiêu cần được tích cực sử dụng để hỗ trợ cung ứng lao động, thông qua việc tái đào tạo và đào tạo lại kỹ năng cho người lao động, đồng thời đảm bảo chăm sóc trẻ em và người cao tuổi hiệu quả để mọi người có thể trở lại làm việc.

Việc chi tiêu vào các dự án của Chính phủ cũng góp phần quan trọng ổn định và tăng trưởng kinh tế. Việc chi tiêu này cũng tạo nhiều công ăn việc làm cho người lao động, thúc đẩy phản ứng dây chuyền cho các ngành sản xuất khác nhau, vì thế có lợi cho sản xuất và giúp tiêu dùng tăng do thu nhập ở các vùng được chi tiêu tăng và lượng tiền trong lưu thông cũng tăng theo cơ số nhất định.

Trong bối cảnh hiện nay, theo nhóm tác giả, vẫn chưa cần thiết phải thắt chặt chi tiêu của Chính phủ, mà phải nắm bắt cơ hội để tăng trưởng và phát triển. Tuy nhiên, cần có phương án dự phòng khi lạm phát tăng cao và tính toán lại hiệu quả của các dự án trong trường hợp trượt giá nhanh và mạnh.

3.2. Xây dựng chính sách thúc đẩy thương mại quốc tế

Ngoài các chính sách tài khóa, tiền tệ và chi tiêu của Chính phủ nêu trên, cần có thêm những chính sách để thúc đẩy thương mại quốc tế sau đại dịch Covid-19, giúp hàng hóa Việt Nam xuất khẩu dễ dàng hơn, giá cao hơn và thu lại nhiều lợi ích nhất. Cụ thể như sau:

(i) Thiết lập lại bản đồ thị trường tiềm năng: Chính phủ nên chọn các quốc gia cung cấp tiềm năng lớn nhất cho dịch vụ và sản phẩm bằng cách phân tích các yếu tố, như: Nhu cầu và xu hướng; Ưu đãi thuế quan; Các biện pháp phi thuế quan; Các hiệp định thương mại tại chỗ; Hành lang thương mại và hậu cần; Triển vọng và dự báo; Tính toán các yếu tố rủi ro và sự cân bằng,…

Bên cạnh đó, ngoài các thị trường trọng điểm như Trung Quốc, Hàn Quốc, Mỹ, EU, Nhật Bản, thị trường Trung Đông vẫn chưa được khám phá hết tiềm năng và hứa hẹn sẽ là một khách hàng “giàu có”, chịu chi. Đại dịch thúc đẩy thói quen tiêu dùng mới: Ee-comerce khiến cho hệ thống thương mại điện tử toàn cầu phát triển đột biến. Việt Nam cũng cần nắm bắt cơ hội này để nhanh chóng tìm thêm thị trường và thúc đẩy thương mại phát triển.

(ii) Quản lý “Chuỗi cung ứng”: Sự gia tăng của các hiệp định thương mại tự do giữa các quốc gia đã tạo ra cơ hội to lớn, nhưng cũng dẫn đến nhiều thách thức trong lĩnh vực quản lý chuỗi cung ứng, các quốc gia ngày càng cạnh tranh do cắt giảm hoặc xóa bỏ hàng rào thuế quan. Vì thế, cần cải thiện hiệu quả hoạt động Hải quan, tăng cường hội nhập trên mạng lưới vận tải và hạ giá thành vận tải.

(iii) Đánh giá lại tác động môi trường theo tiêu chí “bền vững”, để có chính sách phù hợp: Trên khắp thế giới, thương mại là nguồn lực của sự phát triển và là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đồng thời đã được chứng minh là công cụ xóa đói giảm nghèo. Tuy nhiên, tự do hóa thương mại có thể gây ra bất bình đẳng nếu không được xem xét cẩn thận, do đó phải cân nhắc trình tự, bổ sung cho các mục tiêu phát triển khác và các biện pháp thích ứng để đảm bảo cho các lĩnh vực/công nghệ được tự do hóa tận dụng được tiềm năng mà thương mại mang lại. Mặt khác, thế giới ngày càng hướng đến phát triển bền vững như một nguyên tắc cho việc hoạch định chính sách. Điều này đã thúc đẩy việc sử dụng Quy định và Tiêu chuẩn đánh giá tác động bền vững, nhằm đánh giá tác động của các chính sách đối với nền kinh tế của đất nước trong quá trình phát triển.

(iv) Tăng cường “Năng lực đàm phán quốc gia”: Bất chấp những tiến bộ đáng kể đã đạt được trong vài năm qua, nhiều nước đang phát triển thiếu nguồn lực và chuyên môn để tham gia hiệu quả vào các cuộc đàm phán song phương, khu vực và đa phương, cũng như quá trình ra quyết định rộng lớn hơn. Việc thiếu nguồn lực và năng lực đã dẫn đến tình trạng các nước đang phát triển đôi khi bị yếu thế trong các cuộc đàm phán cụ thể. Do đó, Việt Nam cần tập trung phát triển những ngành và ngách sao cho việc thiếu vắng Việt Nam trong chuỗi giá trị là “không thể”, từ đó nâng cao năng lực đàm phán.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Oya Celasun, Niels-Jakob Hansen, Mariano Spector, Aiko Mineshima, Jing Zhou. (2022). Supply disruptions added to inflation undermined the recovery in 2021. Retrieved from: https://voxeu.org/article/supply-disruptions-added-inflation-undermined-recovery-2021.
  2. International Economics (2022), A Primer on Assessing the Impact of COVID-19 on the Economy, Retrieved from: https://www.tradeeconomics.com/covid-19-business-impacts/3
  3. Tổng cục Thống kê (2021). Tình hình kinh tế - xã hội quý IV và năm 2021. Báo cáo.
  4. https://moit.gov.vn/ .
  5. https://www.tradeeconomics.com/expertise/.

Link nội dung: https://appstore.edu.vn/hau-qua-cua-covid-de-lai-a49791.html