Từ đầu năm nay đến nay, Việt Nam ghi nhận hơn 2.000 ca mắc sởi, trong đó, TP.HCM lần đầu tiên ghi nhận hơn 500 ca mắc và 3 ca tử vong trên bệnh nền sẵn có.
Theo ông Hoàng Minh Đức, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, với số ca mắc sởi tăng cao, vượt quá trung bình số ca mắc 3 năm trước cùng kỳ, TP.HCM đủ điều kiện công bố dịch sởi, việc công bố dịch do địa phương quyết định.
Ông Đức cũng cho biết thêm, việc công bố dịch là do địa phương tự quyết định dựa trên các căn cứ quy phạm pháp luật về phòng chống bệnh lây nhiễm và do địa phương nhận thấy, cần phải huy động thêm nguồn lực và cần tổ chức thêm các biện pháp mạnh mẽ hơn nữa.
Việc công bố dịch phải theo quy định của Luật phòng chống bệnh truyền nhiễm, trong đó có quy định, trường hợp số ca mắc vượt quá số ca mắc trung bình của 3 năm trước cùng kỳ thì được công bố dịch.
Nếu dịch xảy ra từ 2 xã trở lên thì công bố dịch cấp huyện; từ 2 huyện trở lên thì công bố cấp tỉnh và từ hai tỉnh trở lên thì công bố dịch ở cấp quốc gia.
Theo Bộ Y tế, ngay từ cuối năm 2023 và đầu năm 2024, tổ chức WHO đã cảnh báo, sau đại dịch COVID-19, rất nhiều nước trên thế giới sẽ gia tăng số ca mắc sởi, trong đó có Việt Nam.
Vì vậy, Bộ Y tế đã có kế hoạch tiêm bù, tiêm vét các vaccine cho tất cả 10 bệnh lây nhiễm trong Chương trình tiêm chủng mở rộng.
Bộ Y tế tiếp tục phát động triển khai chiến dịch tiêm vaccine sởi trên toàn quốc. Chiến dịch tiêm vaccine sởi được triển khai lần này sẽ khác với các chiến dịch trước đây, đó là các đối tượng tiêm được mở rộng từ 1 -10 tuổi, trừ những trường hợp đã tiêm đầy đủ 2 mũi vaccine sởi trước đó.
Thông qua bộ công cụ của tổ chức WHO cung cấp, hiện tại nước ta có 18 tỉnh, thành nằm trong nguy cơ dịch sởi gia tăng. Những địa phương này có thể gia tăng số ca mắc đến tận tuyến huyện và khoảng hơn 100 huyện sẽ nằm trong chiến dịch đợt 1 tiêm vaccine sởi lần này.
Link nội dung: https://appstore.edu.vn/suc-koe-a50269.html