Một góc chợ nổi Cái Răng. (Nguồn: TTXVN)
Chợ nổi Cái Răng nằm trên sông Cái Răng, gần cầu Cái Răng (quận Cái Răng), cách trung tâm thành phố Cần Thơ khoảng 6 km đường bộ và mất 30 phút nếu đi bằng thuyền từ bến Ninh Kiều (quận Ninh Kiều) để xuôi thuyền trên sông về chợ nổi. Theo Viện Kinh tế Xã hội Cần Thơ, chợ nổi Cái Răng khi mới hình thành nằm ở vị trí giao nhau giữa bốn con sông Cần Thơ, Đầu Sấu, Cái Sơn, Cái Răng Bé, liền kề với chợ Cái Răng trên bờ.
Đến thập niên 90 của thế kỉ XX, do trở ngại về giao thông đường thủy, chợ nổi được di dời qua khỏi cầu Cái Răng về phía Phong Điền, cách vị trí cũ trên 1km.
Hiện tại, chợ nổi Cái Răng nằm ở phía hạ lưu sông Cần Thơ, cách cầu Cái Răng khoảng 600 m, với diện tích mặt nước khá rộng lớn. Chợ nổi Cái Răng nằm trên trục đường thủy sông Hậu-kênh xáng Xà No nên rất thuận lợi cho việc giao thương, buôn bán với các địa phương lân cận và cả vùng sông nước Cửu Long. Đây là lí do khiến chợ nổi Cái Răng có quy mô lớn nhất, sầm uất nhất so với các chợ nổi trong vùng sông nước Cửu Long.
Soạn giả Nhâm Hùng - người đã có nhiều nghiên cứu về vùng đất Cần Thơ, Hậu Giang, tác giả của cuốn "Chợ nổi đồng bằng sông Cửu Long" được xuất bản năm 2009, cho biết: Đến chợ nổi, nhiều du khách rất ngạc nhiên khi chứng kiến cảnh tàu, ghe di chuyển nhiều lần va chạm nhau, nhưng không ai phiền hà; việc giao dịch trao đổi hàng hóa rất ít khi xảy ra cãi cọ, lại càng hiếm có chuyện xung đột, ẩu đả . Những nét đẹp ấy thể hiện tính tự quản của cộng đồng cư dân sông nước, góp phần làm cho chợ nổi Cái Răng tồn tại đến nay.
Hằng ngày, chợ nổi Cái Răng họp khá sớm, thường từ lúc mờ sáng và đến khoảng 8, 9 giờ thì vãn. Ở chợ nổi, hầu hết hàng hóa đều được bán sỉ (bán buôn). Tại chợ, hàng hóa rất đa dạng, phong phú, đứng đầu là nhóm hàng nông sản: trái cây, rau củ quả, hoa kiểng; tiếp theo là nhóm hàng thủ công, gia dụng (lu hũ, khạp, chén, đĩa, nồi niêu, xoong, chảo…); thực phẩm (mắm, khô, nước mắm, bột ngọt, đường, sữa…). Ngoài ra, ở chợ còn có các xuồng nhỏ bán đồ ăn uống và một số hàng hóa phục vụ sinh hoạt hàng ngày của dân cư và du khách.
Diễu hành ghe tàu tại ngày hội du lịch văn hóa Chợ nổi Cái Răng - Ảnh: Triệu Vinh
Theo Tiến sĩ Đào Ngọc Cảnh, Khoa Khoa học xã hội và nhân văn, Trường Đại học Cần Thơ, ở chợ nổi Cái Răng hình thành một hình thức chào hàng khá độc đáo và đặc sắc. Ở chợ, người bán hàng thường sử dụng "cây bẹo." Đây là một cây sào dài được dựng trên ghe thuyền dùng để treo các loại hàng hóa cần bán. Từ xa, người mua hàng có thể quan sát cây bẹo để biết ghe hàng nào bán thứ gì, từ đó họ sẽ tiếp cận và thương lượng mua bán rất dễ dàng, thuận tiện. Cây bẹo vừa có ý nghĩa chào hàng, vừa tạo cho khung cảnh chợ nổi thêm sinh động, đa sắc màu.
Ở giữa bốn bề sông nước, với hàng trăm ghe thuyền san sát, hình ảnh cây bẹo đã trở thành nét văn hóa của vùng sông nước, đồng thời là một phương thức tiếp thị và quảng cáo hàng hóa hết sức thú vị. Nhiều du khách khi đến chợ nổi đã tỏ ra rất thích thú với hình ảnh cây bẹo chào hàng. Điểm độc đáo của chợ nổi Cái Răng là ở chợ nổi không "bán chịu" và ít nói thách; mọi giao dịch diễn ra nhanh chóng để kịp con nước hoặc trước lúc chợ tan, khi mặt trời lên cao.
Theo Tiến sĩ Đào Ngọc Cảnh, do đặc thù của chợ nổi là giao dịch trên sông nước, cần nhanh gọn, linh hoạt nên các hoạt động giao thương ở đây được thực hiện trên nền tảng chữ "tín", nghĩa là sự tin tưởng giữa người mua và người bán, không cần thương lượng phức tạp, không cần ký hợp đồng hoặc người làm chứng, nhưng rất ít xảy ra các vụ tranh chấp ở chợ nổi. Những đơn hàng trị giá hàng chục triệu đồng, khối lượng hàng hóa cả chục tấn cũng chỉ được giao dịch trực tiếp bằng miệng trong vài mươi phút.
Cảnh ghe tàu nhộn nhịp nhân ngày hội du lịch Văn hóa Chợ nổi Cái Răng - Ảnh: Mỹ Trinh
Nguyên tắc mua bán ở chợ nổi là bớt kỳ kèo, bớt nói thách về giá cả để người bán và người mua đều có lợi, tiết kiệm được thời gian, hạn chế chi phí, đưa nhanh hàng hóa đến nơi cần thiết. Mọi người đều thấm nhuần các quy ước, thông lệ mua bán trên sông nên đã tự thỏa thuận, vạch ra một công thức, trật tự giao thương cho mình, trở thành "văn hóa chợ nổi".
Hiện, bình quân mỗi ngày, chợ nổi Cái Răng có khoảng 300 - 350 ghe, tàu buôn bán kinh doanh, trong đó có khoảng 150 ghe tàu trọng tải lớn; người dân sinh sống trên ghe và thường xuyên neo đậu dài ngày. Tại chợ còn có các dịch vụ đi kèm như trạm xăng dầu nổi, xưởng sửa máy nổi, tiệm may nổi…
Thương hồ và ghe tàu tấp nập buổi họp chợ - Ảnh: Sưu tầm
Ông Lê Minh Sơn, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Cần Thơ cho biết, trong năm 2016, chợ nổi Cái Răng đón khoảng trên 50 ngàn lượt du khách… Để chợ nổi Cái Răng là điểm đến ưa thích của du khách trong và ngoài nước, thời gian qua, Ủy ban Nhân dân thành phố Cần Thơ đã phê duyệt Đề án bảo tồn và phát triển chợ nổi Cái Răng.
Trong năm 2017, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thành phố Cần Thơ phối hợp với các sở, ban, ngành của tỉnh và Ủy ban Nhân dân quận Cái Răng tiếp tục triển khai Đề án. Trong đó, tập trung xây dựng hạ tầng du lịch chợ nổi Cái Răng, đồng thời xây dựng thêm nhiều sản phẩm du lịch mới, làm cho chợ nổi Cái Răng càng ngày càng hấp dẫn và là điểm đến ưa chuộng của du khách trong và ngoài nước…
Trong quá trình đầu tư và phát triển chợ nổi Cái Răng, thành phố Cần Thơ sẽ chú ý việc bảo tồn nguyên bản chợ nổi Cái Răng, không làm xáo trộn những hoạt động vốn có của chợ nổi đã được hình thành từ mấy trăm năm qua, để chợ nổi là sản phẩm du lịch độc đáo không chỉ của Cần Thơ mà của cả khu vực Đồng bằng sông Cửu Long./.
Nguồn: TTXXVN
Link nội dung: https://appstore.edu.vn/vi-tri-cho-noi-cai-rang-a50526.html