Hoa hồng đen thường xuất hiện trong các bộ phim về phù thủy, phép thuật hắc ám hoặc phim kinh dị, nhưng ít ai biết rằng loài hoa này thực sự tồn tại. Bề ngoài, chúng có vẻ như mang màu đen sẫm, nhưng thực tế lại là màu đỏ sẫm.
Hoa hồng đen chỉ nở vào mùa Hè với số lượng rất ít và là đặc sản của làng Halfeti, Thổ Nhĩ Kỳ. Những điều kiện thổ nhưỡng đặc biệt của nơi này tạo ra sắc đen độc đáo của hoa, tương tự màu của một loại rượu vang đỏ đậm. Trong thập kỷ qua, loài hoa này đã trở nên phổ biến tại Thổ Nhĩ Kỳ, được đặt tên cho nhiều sản phẩm như phim truyền hình, tiểu thuyết và nước hoa.
Trong tiếng Thổ Nhĩ Kỳ, hoa hồng đen được gọi là "karagul". Loài hoa này tượng trưng cho sự bí ẩn, mãnh liệt và hy vọng, nhưng cũng mang ý nghĩa đen tối và chết chóc. Vì vậy, dù hoa hồng đen được nhiều người yêu thích, nó cũng bị kỳ thị vì ý nghĩa u ám.
Ngày càng có nhiều du khách đổ về Halfeti để tận mắt chiêm ngưỡng những bông hoa hồng đen huyền thoại. Vào cuối mỗi mùa xuân, khi thời tiết ấm lên, thị trấn nhỏ này trở nên nhộn nhịp với lượng khách du lịch đông đảo.
Trong bối cảnh kinh doanh hoa hồng ngày càng phát triển mạnh mẽ tại Thổ Nhĩ Kỳ, người dân Halfeti đang cố gắng biến hoa hồng đen thành một thương hiệu riêng. Hiện nay, trung tâm trồng hoa hồng của Thổ Nhĩ Kỳ nằm tại tỉnh Isparta, nơi còn được gọi là “vườn hồng” của đất nước. Thổ Nhĩ Kỳ và Bulgaria chiếm 80% thị trường tinh dầu hoa hồng toàn cầu.
Tại Halfeti, nhiều nông dân nhận thấy tiềm năng của hoa hồng đen và đang mở rộng trang trại. Trước đó, mặc dù loại hoa hồng đặc biệt này chỉ mọc lên ở Halfeti, từng có giai đoạn người dân ở đây không mấy bận tâm về chúng. Khi đó hoa mọc đầy trong vườn nhưng không ai chú ý.
Nằm ngay sát bờ sông Euphrates, Halfeti giống như bước ra từ một bức tranh phong cảnh. Dòng nước xanh lục bảo bao quanh các công trình bằng đá vượt thời gian, được xây dựng trên những ngọn đồi dốc.
Tuy nhiên, ít ai biết vào những năm 1990, khi đập Birecik được xây dựng, người dân rời khỏi Halfeti, làm cho loài hoa này gần như tuyệt chủng. Sau khi đập Birecik hoàn thành, làng Halfeti và một số thôn trang xung quanh bị ngập sâu dưới sông Euphrates. Ngôi làng Halfeti mới được xây dựng tại Karaotlak, cách làng cũ 10 km. Việc di dân này gây ảnh hưởng lớn đến sự tồn tại của hoa hồng đen. Khi thử trồng lại ở nơi mới, người dân phát hiện hoa không thể thích ứng với môi trường khác biệt, dẫn đến sản lượng giảm mạnh.
Một quan chức phụ trách công tác bảo tồn giống hoa hồng cho biết những người dân địa phương từng thờ ơ với giống hoa hồng đen và không biết đây là giống hoa có một không hai. Theo quan chức này, họ đã chuyển hoa hồng đen lên vùng đất cao hơn và trồng trong nhà kính. Tại vùng đất cao của Halfeti, một nhà kính do cơ quan nông nghiệp của thị trấn quản lý trồng được 1.000 bông hồng.Giáo sư Ali Ikinci từ Đại học Sanliurfa cho biết, hiện nay trên thế giới đã ghi nhận 20 giống hoa hồng đen khác nhau, trong đó 16 giống có nguồn gốc từ Thổ Nhĩ Kỳ.
Theo giáo sư Ikinci, hoa hồng đen karagul sẽ có màu sắc đậm hơn và hương thơm nồng nàn hơn nếu được trồng ở khu vực cách Halfeti khoảng 60 km về phía nam, gần biên giới với Syria. Hoa hồng đen cũng phát triển tốt hơn trên những vùng đất cao, bởi đất ở gần sông Euphrates được cho là có độ acid cao hơn.
Hiện những cư dân Halfeti mong muốn biến loài hoa hồng quý hiếm này thành một thương hiệu kể từ khi lĩnh vực trồng, kinh doanh hoa hồng của Thổ Nhĩ Kỳ “nở rộ”. Một số nhà vườn đang tích cực quảng bá hoa hồng đen với những du khách tìm đến thị trấn khám phá các địa điểm nổi tiếng, đặc biệt là những bảo tàng dưới nước.
Ông Adnan Aydin, một người dân đã sống ở thị trấn này nhiều thập kỷ, cho biết Halfeti từng là một khu vực nông nghiệp phong phú, cho đến khi con đập Birecik được xây dựng, làm nước sông Euphrates dâng cao và ngập lụt toàn bộ khu vực. Ông Aydin tin rằng phát triển du lịch sẽ giúp cải thiện cuộc sống của người dân địa phương, nhưng trước đây họ có thể tự túc hoàn toàn.
“Mọi người từng sống dựa vào chăn nuôi và nông nghiệp. Ai cũng có vườn cây ăn trái của riêng mình và thu nhập từ đó”, ông Aydin chia sẻ.
Tỉnh miền Tây Isparta, vốn được mệnh danh là “vườn hồng” của Thổ Nhĩ Kỳ, chiếm ưu thế trong lĩnh vực trồng, kinh doanh hoa hồng. Thổ Nhĩ Kỳ và Bulgaria hiện cũng cung cấp khoảng 80% lượng tinh dầu hoa hồng trên thế giới.
Link nội dung: https://appstore.edu.vn/hoa-hong-den-a54089.html