Cuộc đua mở trung tâm tiêm chủng: Khi nào Long Châu vượt VNVC?

tiemchunglc-1-.jpeg
FPT Retail đặt mục tiêu có 100 trung tâm vaccine vào cuối năm 2024 (Ảnh minh hoạ)

Long Châu bắt đầu mở trung tâm vaccine từ quý IV/2023 và mảng này vẫn ghi nhận lỗ do các khoản chi phí ban đầu. Tuy nhiên, Công ty CP Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (FPT Retail, mã FRT) cho rằng, nhu cầu tiêm chủng có thể vẫn tăng trong dài hạn nên quyết định nhân rộng mô hình này bắt đầu từ năm 2024.

FPT Retail đặt mục tiêu có 100 trung tâm vaccine vào cuối năm 2024, sau đó mở 100-150 trung tâm vaccine mỗi năm vào năm 2025-2026. Trung tâm vắc xin Long Châu dự kiến sẽ được mở cạnh nhà thuốc Long Châu để thu hút khách hàng hiện có.

Hiện, trong số các trung tâm khám tiêm chủng tư nhân, Long Châu có 87 trung tâm tiêm chủng trên 40 tỉnh/thành, trong khi đó, VNVC (Công ty CP Vacxin Việt Nam), là công ty lớn nhất có hơn 180 trung tâm tiêm chủng, Nhi Đồng 315 có 69 trung tâm tiêm chủng.

Với tốc độ mở mới hiện tại và kế hoạch như đã đề ra, có thể chỉ khoảng 1 năm nữa, số trung tâm tiêm chủng của Long Châu sẽ vượt VNVC.

Mới ra đời vào cuối năm 2023 và tốc độ mở khá thần tốc, Long Châu có thể sẽ phải mất một thời gian để gây dựng chuyên môn và niềm tin với khách hàng cũng như chứng minh năng lực tài chính và độ an toàn, chất lượng dịch vụ.

Tuy nhiên, Long Châu có một số thế mạnh như việc tận dụng 16 triệu khách hàng và mạng lưới hàng nghìn nhà thuốc trên toàn quốc, Long Châu có thể bán chéo dịch vụ vaccine. Khách hàng hiện tại của Long Châu là những người trưởng thành mắc bệnh mãn tính, hệ thống miễn dịch bị suy giảm. Do đó, những khách hàng này được khuyến khích tiêm chủng ngừa các bệnh có thể phòng ngừa được, chẳng hạn như bệnh viêm phổi và cúm để các bệnh này không làm suy giảm hệ thống miễn dịch của bệnh nhân.

Việc ứng dụng công nghệ trong chăm sóc khách hàng và chính sách ưu đãi của FRT có thể nói cũng vượt trội khi so sánh với VNVC. Bên cạnh chính sách ưu đãi giá dịch vụ tiêm tuỳ loại vaccine, thông qua app Long Châu (nhà thuốc), khách hàng tiêm chủng có thể tích điểm khi sử dụng dịch vụ tiêm chủng và quy đổi ra các sản phẩm bán tại nhà thuốc Long Châu, điều mà các trung tâm tiêm chủng tư nhân hiện tại không làm được.

Tuy nhiên, việc vận hành các trung tâm tiêm chủng vaccine cũng có một số rủi ro nhất định. Chẳng hạn, việc xử lý sốc phản vệ sau tiêm chủng rất phức tạp và cần có chuyên môn, có cơ sở vật chất đáp ứng được các sự cố có thể phát sinh sau tiêm chủng. Trong trường hợp này, các bệnh viện có thể xử lý sốc phản vệ trong khi hầu hết các trung tâm tiêm/trạm y tế tiêm chủng công và tư đều khó đáp ứng.

Điều kiện bảo quản vaccine rất khắt khe để đảm bảo chất lượng, trong khi đó, Việt Nam thường xuyên phải đối mặt với tình trạng mất điện, ảnh hưởng đến chất lượng vaccine. Việc mở mới số lượng lớn liên tục cũng đặt ra bài toán về việc kiểm soát quy trình.

Theo dự báo của SSI Research, doanh thu vaccine dự kiến sẽ chiếm lần lượt 4% và 9% doanh thu Long Châu trong năm 2024, 2025, tương đương 1.031 tỷ đồng và 2.610 tỷ đồng.

Theo thống kê, quy mô thị trường vaccine năm 2023 tại Việt Nam đạt 16.000 tỷ đồng, tăng 14% so với cùng kỳ, trong đó, Chương trình Tiêm chủng mở rộng (TCMR, chương trình tiêm chủng miễn phí do Chính phủ cung cấp) đã đóng góp 900 tỷ đồng, theo ước tính của SSI Research dựa trên ngân sách được Bộ Y tế phân bổ cho giai đoạn 2021-2025.

Trong khi tỷ lệ tiêm chủng cho các bệnh trong chương trình TMCR đạt 93-97% vào năm 2017 (dữ liệu của WHO), thì các bệnh chưa được đưa vào chương trình TCMR vẫn có tỷ lệ tiêm chủng thấp (dưới 5%).

Theo chuyên gia SSI Research, tại báo cáo với nội dung hoạt động kinh doanh vaccine tại Việt Nam, nhu cầu vaccine có thể duy trì trưởng ổn định trong những năm tới nhờ nhu cầu gia tăng đối với các chủng loại vaccine chính như vắc xin ngừa HPV, vaccine phế cầu khuẩn và vaccine ngừa cúm (chiếm 33%, 22% và 10% trong tổng thị trường vaccine tại Việt Nam) do tỷ lệ tiêm chủng thấp ở Việt Nam (theo ban lãnh đạo dưới 5%), vì các loại vaccine này chưa được đưa vào chương trình TMCR.

Bộ Y tế đã cấp phép cho 3 loại vaccine mới tại Việt Nam vào tháng 5/2024. Đó là vaccine phòng bệnh sốt xuất huyết (Qdenga), bệnh zona thần kinh (Shingrix) và phế cầu khuẩn (Pneumovax 23). Trong khi Pneumovax 23 là phiên bản cải tiến hơn của vaccine phế cầu khuẩn hiện có tại thị trường Việt Nam, thì Qdenga và Shingrix là các loại vaccine mới có mặt tại thị trường Việt Nam.

Tình trạng quá tải bệnh viện công đã làm thay đổi hành vi của người dân theo hướng phòng bệnh hơn chữa bệnh. Đối với một số loại bệnh (như cúm, sốt xuất huyết, rotavirus), tiêm chủng có thể giúp giảm tỷ lệ nhập viện. Những loại vaccine đó sẽ được khuyến nghị cho những người sống ở khu vực nông thôn có cơ sở chăm sóc sức khỏe còn hạn chế. Giảm tỷ lệ nhập viện không chỉ giúp giảm bớt tình trạng quá tải tại các bệnh viện công mà còn giảm bớt gánh nặng tài chính cho người bệnh.

Trong bối cảnh nhu cầu vaccine ngày càng tăng, chuyên gia SSI Research cho rằng, các trung tâm vaccine tư nhân sẽ có vị thế tốt hơn để đạt tăng trưởng nhờ có nhiều lựa chọn vaccine hơn và cơ sở bảo quản lạnh tiên tiến hơn. Các phụ huynh có xu hướng lựa chọn phòng tiêm chủng dịch vụ vì 3 lý do.

Thứ nhất, ưu tiên vaccine nhập khẩu hơn vaccine sản xuất trong nước dù giá thành cao hơn nhiều. Thứ hai, vấn đề quá tải tại các cơ sở tiêm chủng công và thiếu vaccine. Thứ ba, chương trình TCMR không đủ bao phủ, chưa bao gồm một số loại vaccine dành cho người lớn như phế cầu khuẩn, vaccine ngừa HPV, sốt xuất huyết… và một số loại dành cho trẻ em như vaccine cúm, rotavirus…

Link nội dung: https://appstore.edu.vn/trung-tam-vacxin-vnvc-a63603.html