Biện pháp tu từ (figurative language hay figure of speech) là cách thức diễn đạt đặc biệt, khác với thông thường, được người nói hay người viết sử dụng để truyền tải nhiều ý nghĩa khác nhau cũng như tạo sự hấp dẫn và lôi cuốn trong cách diễn đạt.
Việc nắm bắt được các phép tu từ là vô cùng quan trọng bởi nó giúp người học hiểu được dụng ý mà tác giả muốn truyền tải và tránh được những nhầm lẫn không đáng có. Bài viết dưới đây tập trung làm rõ cách thức sử dụng các biện pháp tu từ phổ biến trong Tiếng Anh, đồng thời đưa ra những ví dụ cụ thể giúp người học dễ dàng hình dung và áp dụng kiến thức vào thực tế.
So sánh là biện pháp tu từ được sử dụng để đối chiếu sự vật, sự việc này với sự vật, sự việc khác. Hai đối tượng được đề cập đến ở đây là hai đối tượng tương đối khác nhau, nhưng chúng được tác giả đối chiếu với nhau qua cách nói: Cái này như/ giống như cái kia. Những từ ngữ thường xuất hiện trong phép so sánh là “like” hoặc “as”.
Đọc thêm: Các cấu trúc so sánh và lưu ý áp dụng trong tiếng Anh
Ví dụ 1:
I really adore Sarah. She is as innocent as an angel. (Tôi thực sự rất yêu quý Sarah. Cô ấy thơ ngây như một thiên thần vậy.)
Trong ví dụ trên, đối tượng thứ nhất là Sarah (người) còn đối tượng thứ hai là một thiên thần (không có thật). Hai đối tượng này khác nhau nhưng được tác giả đối chiếu với nhau qua phép so sánh, thể hiện rõ qua từ “as” (như). Mục đích của tác giả là nhấn mạnh đặc điểm, tính cách của Sarah, đồng thời bổ sung ý nghĩa cho câu đứng trước nó (tại sao tôi lại yêu quý Sarah đến vậy).
Ví dụ 2:
You should ask my brother what this word means. He is like a walking dictionary! (Bạn nên hỏi anh trai tôi xem từ này có nghĩa là gì. Anh ấy như là một cuốn từ điển sống vậy!)
Trong ví dụ trên, đối tượng thứ nhất là “my brother” (anh trai tôi) được so sánh với đối tượng thứ hai là “a walking dictionary” (cuốn từ điển sống) thông qua từ “like” (như). Trong thực tế, anh trai tôi không phải là một đồ vật mà là con người. Tuy nhiên, phép so sánh này giúp tác giả truyền tải ngụ ý là: anh trai tôi là người rất giỏi và biết rất nhiều từ, nếu bạn hỏi anh ấy thì anh ấy chắc chắn sẽ giải thích được.
Ẩn dụ (metaphor) là biện pháp tu từ được sử dụng để đối chiếu sự vật, sự việc này với sự vật, sự việc khác. Tương tự như phép so sánh, hai đối tượng này là khác nhau. Tuy nhiên, chúng được đối chiếu với nhau qua cách nói: Cái này là cái kia. Những từ ngữ giúp người học nhận biết phép ẩn dụ là những động từ to be như “is”, “are”, “was”, “were”.
Ví dụ 1:
My supervisor refused to let me have Saturday off to go to my family reunion. Her heart is a stone! (Người quản lý của tôi từ chối cho tôi nghỉ ngày thứ bảy để đi họp mặt gia đình. Cô ấy có một trái tim sắt đá!)
Trong ví dụ trên, tác giả đã sử dụng phép ẩn dụ để đối chiếu hai đối tượng là “her heart” (trái tim của cô ấy) và “a stone” (hòn đá). Mục đích của phép tu từ này là để nhấn mạnh: người quản lý của tôi rất kiên quyết, cô ấy không cảm thông cho tôi và không cho phép tôi nghỉ làm. Hai đối tượng này hoàn toàn khác nhau: trái tim không bao giờ có thể là hòn đá. Tuy nhiên, để hiểu chính xác phép ẩn dụ này, người học cần liên tưởng đến một điểm tương đồng giữa hai đối tượng: hòn đá cứng (về mặt vật lý) còn người quản lý thì cứng rắn, không thể lay chuyển (về mặt tính cách).
Ví dụ 2:
I love you very much. You are my sunshine. (Anh yêu em rất nhiều. Em là ánh nắng của anh.)
Trong ví dụ trên, đối tượng “you” (em) được đặt trong phép ẩn dụ cùng với đối tượng “my sunshine” (ánh nắng của anh). Em là con người nhưng lại được tác giả ví von với ánh nắng, chứng tỏ ngụ ý mà tác giả muốn truyền tải là: em rất quan trọng, là người không thể thiếu đối với anh, giống như việc con người không thể sống được nếu thiếu ánh sáng. Vậy để hiểu được phép ẩn dụ, người học cần lưu ý rằng: không nên chỉ tập trung vào nghĩa thực của từ ngữ mà cần liên tưởng đến sự tương đồng giữa các đối tượng được đề cập trong câu.
Sự tương đồng và khác biệt giữa phép so sánh và phép ẩn dụ:
Giống nhau
Câu văn có hai đối tượng. Cả hai đều được đặt trong sự tương đồng với nhau.
Khác nhau
So sánh: Đối tượng này giống như đối tượng kia (like, as)
Ví dụ:
John is really good at Math. He is as fast as a calculator. (John rất giỏi Toán. Anh ấy tính nhanh như một cái máy tính.)
Ẩn dụ: Đối tượng này là đối tượng kia (is, are, was, were)
Ví dụ:
John is really good at Math. He is a calculator! (John rất giỏi Toán. Anh ấy giống cái máy tính vậy!)
Mỗi câu sử dụng một phép tu từ khác nhau nhưng cả hai đều truyền tải một thông tin là John học toán rất xuất sắc.
Đọc thêm: Những quy tắc tiếng Anh dễ gây nhầm lẫn cho người sử dụng
Nói quá (hay phóng đại) là biện pháp tu từ được sử dụng nhằm nhấn mạnh, tạo điểm nhấn cho một sự vật, sự việc nào đó. Nói quá không phải là nói sai, nói dối về một sự việc nào đó mà chỉ nhằm mục đích tăng sức biểu cảm và độ ấn tượng cho câu văn hay câu nói.
Ví dụ 1:
If I have to type one more paper this week, my fingers will fall off! (Nếu tôi phải đánh máy thêm bất cứ một bài viết nào nữa vào tuần này, mấy ngón tay của tôi sẽ rời ra mất!)
Trong ví dụ trên, sự việc đã được tác giả phóng đại so với thực tế vì không ai có thể đánh máy nhiều tới mức ngón tay sẽ rời ra. Để hiểu chính xác ý nghĩa của phép phóng đại này, người học cần nhớ rằng mục đích của nó là để gây ấn tượng và tăng biểu cảm. Vì thế, ý của tác giả có thể được hiểu như sau: tôi đã phải đánh máy quá nhiều bài viết rồi, tôi đã rất chán và không muốn đánh máy thêm bất kì bài nào nữa.
Ví dụ 2:
(Nếu tôi sống ở Hawaii, tôi sẽ đi biển và dành 24 giờ một ngày để lướt sóng!)
Trong ví dụ trên, người học có thể hiểu dụng ý mà tác giả muốn truyền tải là: tôi rất thích lướt sóng và tôi sẽ dành nhiều thời gian nhất có thể để làm việc này. Thực tế là một người phải thực hiện rất nhiều hoạt động một ngày nên không thể dành toàn bộ thời gian 24 tiếng cho mỗi việc lướt sóng.
Nhân hoá là biện pháp tu từ trong đó một sự vật hoặc con vật được mô tả bằng những đặc điểm, tính chất, hành động của con người. Biện pháp này giúp các sự vật hoặc con vật được đề cập trong câu trở nên gần gũi, sinh động, và hấp dẫn hơn đối với người nghe hay người đọc.
Ví dụ 1:
The vending machine swallowed my money and then refused to give me my coffee. (Cái máy bán hàng tự động nuốt tiền của tôi nhưng lại từ chối đưa tôi cà phê.)
Trong ví dụ trên, những động từ như “swallow” (nuốt) và “refuse” (từ chối) diễn tả những hành động của con người. “Vending machine” (máy bán hàng tự động) là một vật vô tri, vô giác, nó không thể nuốt hay từ chối ai đó như con người. Tuy nhiên, ý của tác giả là: cái máy nhận tiền của tôi vào mà không làm được cà phê, hay nói cách khác, cái máy bán hàng đã bị hỏng, không còn hoạt động được nữa.
Ví dụ 2:
The letters are dancing on the page before my tired eyes. (Những con chữ đang nhảy múa trên trang giấy ngay trước đôi mắt mệt mỏi của tôi.)
Ở ví dụ này, đối tượng “the letters” (những con chữ) được gán cho hành động của con người “dance” (nhảy múa) - trong thực tế, chữ không bao giờ có thể nhảy múa như con người. Để hiểu được ý nghĩa của câu này, người học cần liên tưởng phong phú hơn: vì mắt tôi quá mỏi nên nhìn thấy chữ lên chữ xuống, không còn thấy rõ nữa.
Hoán dụ (metonymy) là biện pháp tu từ được sử dụng trong đó một đối tượng được gọi bằng tên của một đối tượng khác có liên quan hay có nét tương đồng với nó nhằm tăng sức gợi hình, gợi cảm.
Ví dụ 1:
The ham sandwich in the next booth is waiting for his bill! (Cái bánh kẹp thịt ở quầy tiếp theo đang chờ để thanh toán tiền kìa!)
Trong ví dụ trên, đối tượng “the ham sandwich” (cái bánh kẹp thịt) là một vật vô tri, vô giác, không thể thực hiện hành động như một con người. Người học có thể hiểu rằng: người mà đã gọi cái bánh kẹp thịt đang chờ để được tính tiền. Người học cũng cần liên tưởng tới một hoàn cảnh cụ thể: người nói có thể là người phục vụ, làm việc ở một nhà hàng hay quán ăn. Người này có thể không biết tên các khách hàng của mình nhưng lại nắm rõ khách gọi những đồ ăn gì. Chính vì hiểu rằng có một mối quan hệ mật thiết giữa cái bánh và khách hàng đã gọi cái bánh, nên người phục vụ đã đề cập đến khách trong câu nói của mình bằng thứ mà anh ta đã gọi.
Ví dụ 2:
(Chúng tôi thích xem Hitchcock nhiều hơn Spielberg)
Ở ví dụ này, Hitchcock và Speilberg là hai nhà làm phim nổi tiếng. Nếu chỉ hiểu đơn thuần nghĩa của câu dựa trên các từ ngữ thì ý của câu này sẽ là: chúng tôi thích nhìn/ xem ông Hitchcock hơn là thích nhìn/ xem ông Spielberg. Tuy nhiên, tác giả đã sử dụng phép hoán dụ, gọi tên đối tượng này bằng một đối tượng khác liên quan chặt chẽ tới nó: “Hitchcock” thay thế cho phim của Hitchcock, “Spielberg” thay thế cho phim của Speilberg. Vậy nên, dụng ý mà tác giả muốn truyền tải là thích xem phim của ông này hơn phim của ông kia.
Một trong những nét đẹp của ngôn ngữ là nó giúp tác giả truyền tải nhiều thông điệp và ý nghĩa khác nhau chỉ qua một câu nói, câu văn. Để hiểu được hết dụng ý mà tác giả muốn gửi gắm, người nghe, người đọc cần sử dụng trí tưởng tượng của mình, liên kết và đối chiếu những đối tượng đã được đề cập đến. Việc nắm bắt và hiểu rõ mục đích, cách thức sử dụng các biện pháp tu từ trong Tiếng Anh không chỉ giúp người học hiểu sâu xa ý tưởng được truyền đạt mà còn giúp ngôn ngữ viết và ngôn ngữ nói Tiếng Anh của người học thêm phần đa dạng và lôi cuốn.
Trần Ngọc Diệp
Link nội dung: https://appstore.edu.vn/nhan-hoa-tieng-anh-la-gi-a64941.html