Mang khẩu trang hàng loạt để kiểm soát nguồn lây nhiễm là một giải pháp bổ sung hữu ích với chi phí thấp bên cạnh việc giữ khoảng cách xã hội và vệ sinh tay trong đại dịch COVID-19. Việc mang khẩu trang hàng loạt đã chuyển trọng tâm từ tự bảo vệ sang lòng vị tha và là biểu tượng của sự đoàn kết xã hội trong phản ứng toàn cầu đối với đại dịch.
Hình ảnh mang khẩu trang đồng loạt ở cộng đồng được đăng tải qua bài bình luận trên Tạp chí Lancet (16/04/2020)
Tranh luận quanh việc đeo khẩu trang hàng loạt nơi công cộng
Khi đại dịch COVID-19 tiến triển đã có một cuộc tranh luận liên quan đến việc sử dụng khẩu trang của mỗi cá nhân trong cộng đồng. Trước đây, Tổ chức Y tế thế giới (TCYTTG) cũng có một số điểm không nhất quán về hướng dẫn vấn đề này (tháng 1/2020). TCYTTG chưa khuyến nghị sử dụng khẩu trang ở người khỏe mạnh trong cộng đồng như là một biện pháp phòng ngừa nhiễm SARS-CoV-2 trong hướng dẫn ngày 6/4/2020. Bộ Y tế công cộng Anh (PHE) cũng đưa ra một khuyến nghị tương tự.
Ngược lại, Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) đã chính thức khuyến cáo nên sử dụng khẩu trang vải ở nơi công cộng và nhiều quốc gia khác như Canada, Hàn Quốc và Cộng hòa Séc đã yêu cầu công dân của họ phải mang khẩu trang ở nơi công cộng. Đã có những công trình đánh giá các bằng chứng ủng hộ việc mang khẩu trang hàng loạt trong đại dịch này. Và hiện nay, TCYTTG và Bộ Y tế công cộng Anh đang xem xét lại vấn đề này.
Mang khẩu trang - bảo vệ người khác khỏi hít phải giọt bắn hô hấp của chính mình
Một người khi mang khẩu trang thường là để bảo vệ bản thân mình, nhưng đồng thời còn một tác dụng quan trọng là bảo vệ người khác khỏi hít phải các giọt tiết hô hấp của mình. Đây cũng là cách lây nhiễm quan trọng của vi-rút SARS-CoV-2 vì đã lây lan ngay từ khi người nhiễm không có triệu chứng.
TCYTTG và PHE cho đến nay không khuyến cáo mang khẩu trang hàng loạt vì họ cho rằng chưa có bằng chứng nào cho thấy phương pháp này ngăn ngừa nhiễm vi-rút đường hô hấp bao gồm cả SARS-CoV-2. Các công trình nghiên cứu trước đây về việc sử dụng khẩu trang ở các cơ sở không phải y tế chủ yếu tập trung vào việc bảo vệ người mang và có liên quan đến bệnh cúm. Những nghiên cứu này không được thiết kế để đánh giá hiệu quả của mang khẩu trang hàng loạt trong toàn cộng đồng. Cũng chưa có nghiên cứu đánh giá mức độ tuân thủ mang khẩu trang hàng loạt so với hiệu quả mang lại của nó.
Mang khẩu trang chưa có bằng chứng khoa học nhưng có sự hợp lý về mặt cơ học
Chưa có bằng chứng khoa học không có nghĩa là không hiệu quả của việc mang khẩu trang hàng loạt. Thực tế cũng đã có những khuyến cáo dựa theo lý do cơ học (như che miệng để giảm lây truyền qua đường hô hấp) không dựa trên bằng chứng từ các thử nghiệm lâm sàng. Ngoài ra, khuyến cáo sử dụng khẩu trang để giảm thiểu rủi ro và tác động của đại dịch cúm đã được thông qua trong một hội thảo do TCYTTG triệu tập vào năm 2019.
Hội thảo đã kết luận rằng mặc dù không có bằng chứng từ các thử nghiệm lâm sàng về hiệu quả giảm lây nhiễm, nhưng có sự hợp lý về mặt cơ học và hiệu quả tiềm tàng, và TCYTTG đã khuyến cáo nên mang khẩu trang ở nơi công cộng để phòng chống đại dịch cúm. Do đó, việc từ chối một can thiệp có chi phí thấp như mang khẩu trang hàng loạt là một quyết định có khả năng gây hại.
Đeo khẩu trang được củng cố bởi các nguyên tắc cơ bản của y tế công cộng
Đeo khẩu trang là kiểm soát mối nguy hại tại nguồn ít nhất cũng quan trọng như biện pháp giảm thiểu nguy hại (rửa tay). Lợi ích của việc mang khẩu trang hàng loạt cũng có thể được xem là biện pháp can thiệp mang lại lợi ích vừa phải cho cá nhân nhưng mang lại lợi ích lớn cho dân số. Mang khẩu trang có thể được so sánh với lái xe an toàn, người tham gia giao thông và người đi bộ đều được hưởng lợi từ việc lái xe an toàn.
Khẩu trang vải là đủ cho mọi người
Một mối lo ngại khác chính là sự thiếu hụt nguồn cung ứng khẩu trang trong cộng đồng ở thời điểm hiện nay tại một số nước trên thế giới. Khẩu trang y tế phải được dành riêng cho nhân viên y tế. Để kiểm soát nguồn lây nhiễm, theo khuyến nghị của CDC, khẩu trang vải có thể là đủ nếu mọi người đều đeo khẩu trang. Khẩu trang vải có thể dễ dàng sản xuất hoặc sản xuất tại nhà và tái sử dụng sau khi giặt.
Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) khuyến cáo đeo khẩu trang vải khi ra khỏi nhà (nguồn internet)
Đeo khẩu trang cần kết hợp với các biện pháp phòng bệnh khác
Có những lo ngại cho rằng việc mang khẩu trang có thể gây ra cảm giác an toàn giả tạo do không thực hiện các biện pháp kiểm soát nhiễm trùng khác như giữ khoảng cách xã hội và rửa tay. Các tác giả cho rằng chưa có một bằng chứng thực nghiệm nào cho thấy khi mang khẩu trang hàng loạt thì đồng nghĩa với các biện pháp kiểm soát nhiễm trùng khác sẽ bị bỏ qua. Tuy nhiên, điều quan trọng là phải nhấn mạnh tầm quan trọng của những biện pháp này cho người dân biết ngay cả khi họ đã mang khẩu trang.
“Mang khẩu trang đồng loạt trong cộng đồng trong mùa dịch COVID-19” lần đầu tiên đã được bình luận trên Tạp chí Lancet qua chuyên đề “Wearing face masks in the community during the COVID-19 pandemic: altruism and solidarity” (published online April 16, 2020). Mặc dù chưa có công trình nghiên cứu khoa học chứng minh hiệu quả của việc mang khẩu trang ở môi trường cộng đồng, nhưng về lý luận, các tác giả khẳng định việc mang khẩu trang đồng loạt trong cộng đồng thể hiện tinh thần vị tha và thống nhất của cả một cộng đồng, mang khẩu trang vừa bảo vệ mình vừa bảo vệ cộng đồng.
(Bình luận của nhóm tác giả: Kar Keung Cheng, Tai Hing Lam, Chi Chiu Leung - Institute of Applied Health Research, University of Birmingham B15 2TT, UK (KKC); School of Public Health; The University of Hong Kong, Hong Kong, Special Administrative Region, China (THL); and Hong Kong Tuberculosis, Chest and Heart Diseases Association, Hong Kong, Special Administrative Region, China (CCL) )
SỞ Y TẾ TP.HCM
Link nội dung: https://appstore.edu.vn/tac-dung-chu-yeu-cua-viec-deo-khau-trang-la-gi-a69344.html