Quả trám trắng có tác dụng gì và sử dụng như thế nào để phát huy tốt nhất những lợi ích mà nó đem lại vẫn luôn là thắc mắc của nhiều người. Vốn chủ yếu xuất hiện nhiều ở vùng trung du và miền núi, trám trắng vẫn còn là loại quả khá xa lạ với đông đảo người dân. Hãy cùng tìm hiểu quả những công dụng của trám trắng để không bỏ lỡ loại quả này trong việc chăm sóc sức khỏe bạn nhé!
Trám trắng là loại quả gì?
Quả trám trắng còn được gọi với các tên khác như cà na, cảm lãm, thanh quả, thanh tử, mác cơm, hoàng lãm,... Loại quả này có hình thoi, màu xanh nhạt, hai đầu tù, mọc trên cây thân gỗ có chiều cao từ 15 - 20m. Quả có chiều dài khoảng 45mm, hạt có 2 đầu nhọn, nhẵn và cứng. Trám trắng thường ra hoa vào khoảng tháng 6, 7 và có quả vào tháng 8 đến tháng 10 hằng năm. Vị của trám trắng hơi chua lẫn một ít vị chát nên thường được dùng để ngâm đường, làm mứt hay ô mai. Ở nước ta, trám trắng được trồng nhiều ở các tỉnh trung du và miền núi phía Bắc như Thái Nguyên, Phú Thọ,... miền Nam phổ biến nhất là ở Tây Ninh và An Giang.
Không chỉ dùng để chế biến món ăn, trám trắng còn được xem là một loại thuốc quý. Quả trám xanh có tác dụng giải độc rượu, chữa ngộ độc do cua cá. Quả chín có tác dụng an thần và chữa động kinh. Nhựa của cây trám trắng có thể cất lấy tinh dầu, dùng trong chế tạo nước hoa, xà phòng. Nhựa trám trộn với bột cây đậu tương, hương bài làm hương thơm. Có thể thấy cây trám có nhiều tác dụng hữu ích trong cả trong việc chăm sóc sức khỏe cũng như kinh tế, dân sinh.
Quả trám trắng có tác dụng gì?
Quả trám trắng đã được nhiều nghiên cứu chứng minh là mang đến hiệu quả hỗ trợ điều trị một số căn bệnh phổ biến.
Trên thực tế, dùng trám trắng đúng cách có thể làm giảm triệu chứng của các bệnh sau đây:
Điều trị viêm phế quản
Theo Đông y, trám trắng có đặc tính chua, chát, tính ấm nên có thể hỗ trợ điều trị các bệnh về viêm phế quản, khàn giọng,... Bạn có thể dùng trám trắng nấu cùng một số các thành phần khác như mật ong hoặc phơi khô quả trám, hãm thành trà uống hằng ngày cũng rất tốt trong việc điều trị bệnh.
Chữa bệnh kiết lỵ
Bạn có thể ăn quả trám trắng tươi, hạt bạn đem sắc với nước uống trước bữa ăn cũng giúp điều trị bệnh kiết lỵ hiệu quả.
Trị nứt nẻ gót chân
Khi gặp tình trạng gót chân bị khô và nứt nẻ, bạn có thể dùng hạt của trám trắng đốt lên, tán mịn thành bột, trộn cùng dầu dưỡng, bôi lên chỗ nứt nẻ ở gót chân sẽ giúp giảm đau rát, phục hồi da rất tốt.
Trị đau răng, sâu răng
Bạn lấy quả trám trắng đốt thành than, tán mịn, trộn với xạ hương, sau đó bôi vào chỗ bị đau răng sẽ làm thuyên giảm tình trạng này.
Trị ngộ độc
Hàm lượng Vitamin C cùng vị chát đặc trưng của trám trắng có thể trở thành hoạt chất có công dụng làm tan biến các chất độc hại trong cơ thể, chống oxy hóa và có vai trò trong hệ miễn dịch. Do đó, bạn có thể sử dụng nó như một phương thuốc trị ngộ độc thức ăn hoặc ngộ độc rượu hiệu quả.
Chữa ho khan, ít đờm
Khi bị ho khan, bạn thực hiện bài thuốc sau: Chuẩn bị 20g trám trắng, 15g bạch truật, 5g đào nhân, 30g vừng đen, 20g mật ong, 60g gạo tẻ. Sau đó, sơ chế nguyên liệu: Đào nhân bóc vỏ, bỏ tâm, bạch truật và trám nấu lấy nước. Tiếp theo, bạn lấy nước sắc được nấu cháo với gạo tẻ, vừng đen và đào nhân, khi cháo chín cho thêm mật ong, khuấy đều. Mỗi ngày bạn ăn 1 - 2 lần, dùng trong vòng 7 ngày để đạt hiệu quả.
Một số món ngon chế biến từ trám trắng
Mặc dù trám trắng mang lại nhiều lợi ích nhưng bạn cần chế biến đúng cách để đảm bảo hàm lượng dinh dưỡng và phát huy tốt nhất công dụng của nó. Dưới đây là một số món ngon chế biến từ trám trắng mà bạn có thể thực hiện:
Trám trắng ngâm đường
Nguyên liệu bạn cần chuẩn bị bao gồm 1,5kg trám trắng, 0,5kg đường và 1 ít muối. Sau đó, bạn thực hiện các bước chế biến như sau:
- Bước 1: Quả trám trắng sau khi rửa sạch, bạn khía làm bốn phần, lưu ý không khía nhiều quá để tránh làm nát quả. Sau đó, bạn đem trái ngâm với nước muối mặn vừa phải ít nhất 4 tiếng.
- Bước 2: Sau khi ngâm, bạn bóp nhẹ quả,đồng thời xả lại bằng nước cho bớt chát.
- Bước 3: Bạn cho đường và một ít muối và nước vào chảo, sau đó đun sôi hỗn hợp.
- Bước 4: Sau đó, bạn cho trám trắng vào đun lửa nhỏ khoảng 5 phút là được. Bạn có thể bỏ vào hũ để ăn dần hoặc ăn ngay đều được.
Trám trắng đập
Nguyên liệu cần có bao gồm 1kg quả trám trắng, 350g đường cát và khoảng 2 muỗng muối hạt. Các bước thực hiện như sau:
- Bước 1: Trám trắng sau khi mua về bạn rửa sạch, đập dập rồi ngâm trong nước muối loãng.
- Bước 2: Sau khi ngâm, bạn xả nước nhiều lần cho bớt chát rồi dùng nước sôi để nguội rửa lại lần nữa cho ráo nước.
- Bước 3: Bạn cho đường và quả ra thau, trộn đều lên cho ngấm, sau đó cho vào bát để tủ lạnh khoảng 1 ngày. Khi ăn, bạn có thể chấm cùng muối ớt để đượm vị hơn.
Trám trắng muối
Để làm trám trắng muối, bạn cần 1,2 kg quả có vị chua, 2 muỗng cà phê muối sấy, 10 muỗng canh đường cát trắng, một ít muối hạt và muối ớt. Sau đó, bạn tiến hành thực hiện muối trám như sau:
- Bước 1: Trám sau khi rửa sạch, để ráo nước, bạn đập dập vừa phải và rửa lại với nước cho bớt chát.
- Bước 2: Bạn cho trám vào tô lớn, đổ nước ngập rồi cho muối hạt vào ngâm khoảng 90 phút.
- Bước 3: Bạn xả nước vài lần rồi cho vào túi vải sạch vắt thật ráo.
- Bước 4: Bạn cho quả ra bát lớn, đổ đường cát, muối sấy vào và trộn đều lên. Bạn cần chờ khoảng 8 - 9 giờ đồng hồ để đường tan hết rồi cho muối ớt vào, để thêm 1 tiếng nữa cho ngấm là đã có thể ăn được.
Với những thông tin trên, bài viết đã giúp bạn có câu trả lời cho băn khoăn rằng quả trám trắng có tác dụng gì và gợi ý một số món ngon từ trám trắng để bổ sung vào thực đơn. Tuy nhiên, bạn cũng lưu ý không nên ăn quá nhiều và thường xuyên để tránh gây những phản ứng bất lợi cho cơ thể nhé!