3. Vì đâu một số người lại hay ra dẻ?
Ra vẻ tuy từng lúc khác nhau song có lẽ ai trong đời cũng đã từng ra dẻ ít nhất một lần. Hành vi ra dẻ có thể là một cách trả lời cho câu hỏi tôi là ai?
Theo nhà tâm lý học Carl Rogers, self-concept (bản thân) gồm 3 khía cạnh bao gồm: Hình ảnh bản thân - Lòng tự tôn - Bản thân lý tưởng.
- Hình ảnh của bản thân (self-image) là cách chúng ta nhìn chính mình qua vẻ bề ngoài, tính cách bên trong, vai trò xã hội và cảm nhận hiện sinh. Hình ảnh này không hẳn trùng với thực tế.
- Lòng tự tôn (self-esteem) hay giá trị của bản thân (self-worth) chỉ mức độ bạn coi trọng bản thân, chịu tác động bởi cách chúng ta so sánh bản thân với người khác và cách người khác phản ứng với chúng ta.
- Bản thân lý tưởng (ideal-self) là hình mẫu mà chúng ta luôn hướng tới.
Có thể nói ra dẻ là cách chúng ta hướng bản thân đến điểm lý tưởng nhưng dường như chưa đủ hoặc không đạt được. Vì thế, mỗi khi ta ra dẻ rất dễ bị người khác "phát hiện" và có thể, ngầm bị đánh giá.
Ngoài ra, ra dẻ cũng có thể là một cách tạo ra hình ảnh sai sự thật về bản thân. Những người ái kỷ có xu hướng muốn được người khác thán phục. Họ chọn che giấu con người thật bằng cách dựng lên một hình ảnh khác với/về bản thân mình, tạm gọi là cái tôi giả (false-self).
Lĩnh vực "ra dẻ" rất vô biên. Ra dẻ có khi là cố tỏ ra tự tin, cố tỏ ra sang chảnh (sống ảo), hay "cố tỏ ra là mình ổn dù bên trong nước mắt là biển rộng" khi gặp một vấn đề tình cảm hay tâm lý nào đó.
Ra dẻ có thể là một cách bảo vệ bản thân, hay cố tỏ ra tự tin hơn nhưng chúng ta cũng cần nghiêm túc và nghiêm khắc với điều này. Ra dẻ một chút thì ổn nhưng ra dẻ nhiều chút có thể trở nên ố dề.
Dựa trên bối cảnh khác nhau, ra dẻ lại có cách thể hiện khác nhau. Ví dụ như trong chương trình 2 Ngày 1 Đêm, Lê Dương Bảo Lâm dùng từ ra dẻ để chỉ thành viên nào đó tự tin quá mức dẫn đến thua cuộc. Trong trường hợp này ra dẻ mang hàm ý giễu cợt nhẹ nhàng và hài hước.