Tỉnh Cà Mau có diện tích rừng và đất lâm nghiệp lên đến 143.683 ha, trong đó diện tích rừng tạp 94.081 ha. Rừng từ lâu đã trở thành một trong những lĩnh vực quan trọng không chỉ đối với việc bảo vệ môi trường, cân bằng hệ sinh thái, an ninh quốc phòng…, mà còn là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, là nét đặc trưng mỗi khi nhắc đến Cà Mau.
Nhiều danh hiệu vô giá
Nhìn từ trên cao, bức tranh toàn tỉnh Cà Mau gần như là một màu xanh, màu xanh của những cánh rừng bạt ngàn từ Ðông sang Tây và cả trên các đảo. Những mảng rừng xanh mướt cứ nối tiếp nhau trải dài từ huyện Ðầm Dơi, Năm Căn, Ngọc Hiển, Phú Tân, Trần Văn Thời rồi đến U Minh, với 3 hệ sinh thái vô cùng độc đáo. Lớn nhất là khu vực rừng ngập mặn, với diện tích 97.940 ha trải dài ở 6 huyện của tỉnh, kế đến là rừng ngập phèn U Minh Hạ, với 45.172 ha và khu rừng đặc dụng trên đảo Hòn Khoai, Hòn Chuối, với 571 ha.
Không chỉ có diện tích lớn, rừng Cà Mau còn chứa đựng sự đa dạng về cảnh quan, môi trường, tài nguyên thiên nhiên và đa dạng sinh học hiếm có. Rừng không chỉ có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế, đời sống của người dân, mà còn mang giá trị văn hoá, lịch sử và cả trong việc chắn gió, chắn sóng, chống xói lở... bảo vệ người dân, bảo vệ sản xuất nội đồng.
Công tác quản lý rừng được Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau quan tâm, thông qua việc thường xuyên tổ chức tuần tra kiểm soát để kịp thời ngăn chặn vi phạm về rừng.
Cà Mau với hệ sinh thái đa dạng và phong phú cả về thực vật lẫn động vật, trong đó có một số loài nằm trong Sách Ðỏ thế giới. Ðộng, thực vật ở đây không những phong phú về thành phần loài mà còn có số lượng cá thể từng loài lớn. Ðiều này đã được nhiều nhà khoa học khẳng định, hệ thống rừng ngập mặn Cà Mau có sự đa dạng thứ hai thế giới, chỉ kém rừng ngập Amazon ở Nam Mỹ.
Ðáng quý hơn, vào tháng 4/2010, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO) đã công nhận hệ thống rừng của tỉnh là Khu Dự trữ sinh quyển thế giới. Ðến tháng 4/2013, Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau trở thành khu Ramsar 2.088 của thế giới, thứ 2 tại Ðồng bằng sông Cửu Long và thứ 5 của Việt Nam. Các khu vực rừng của tỉnh đã trở thành một trong những địa điểm quan trọng thuộc chương trình quốc gia về bảo tồn đa dạng sinh học của nước ta, nơi nghiên cứu về đa dạng sinh học trong nước và thế giới.
“Các nước trên thế giới đang rất quan tâm đến diện tích rừng của tỉnh Cà Mau”, ông Lê Văn Sử, Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, chia sẻ.
Dồn lực bảo vệ, phát triển rừng
Rừng Cà Mau là lá phổi xanh của cả nước và của thế giới, đóng vai trò điều hoà khí hậu, cân bằng sinh thái, bảo vệ môi trường… Chính vì thế, trong nhiều năm qua, tỉnh luôn dành sự quan tâm đặc biệt cho công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng, cũng như hệ sinh thái dưới tán rừng.
Theo ông Nguyễn Văn Quân, Phó giám đốc Sở NNPTNT Cà Mau, tỉnh không chỉ tập trung triển khai nhiều giải pháp để quản lý, bảo vệ chặt chẽ diện tích rừng tự nhiên, rừng đặc dụng, rừng phòng hộ mà còn đẩy mạnh các chương trình tái sinh tự nhiên cũng như nâng cao chất lượng rừng và đa dạng sinh học dưới tán rừng.
Trồng chuối được xem là mô hình kinh tế phụ, giúp người dân tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống.
"Giữ vững ổn định diện tích rừng hiện có, trồng rừng vượt chỉ tiêu về diện tích, chất lượng, số vụ vi phạm có tính chất, mức độ nghiêm trọng giảm, không xảy ra cháy rừng và điểm nóng về phá rừng, không xảy ra tình trạng chống người thi hành công vụ... Ðặc biệt, dù có những mùa khô diễn ra rất gay gắt nhưng trên địa bàn tỉnh không xảy ra vụ cháy rừng nào, đó là những kết quả nổi bật trong nỗ lực thực hiện quyết tâm bảo vệ rừng của tỉnh trong thời gian qua”, ông Lê Văn Hải, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Cà Mau, cho biết.
Ðể kịp thời và đảm bảo chỉ đạo, triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao liên quan đến công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, Ban Chỉ đạo Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021-2025 cấp tỉnh đã được kiện toàn, với 26 thành viên, là lãnh đạo các sở, ngành và địa phương; ông Lê Văn Sử là Trưởng ban.
Các thành viên Ban Chỉ đạo có nhiệm vụ hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các đơn vị có liên quan xây dựng và tổ chức thực hiện các dự án, kế hoạch trên lĩnh vực lâm nghiệp; phương án quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng; bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học các hệ sinh thái rừng; phát triển giống cây lâm nghiệp, trồng rừng gỗ lớn, nâng cao năng suất, chất lượng rừng; phương án phòng, chống cháy rừng; phát triển công nghiệp chế biến lâm sản trên địa bàn tỉnh. Xây dựng, triển khai thực hiện kế hoạch phát triển lâm nghiệp bền vững hàng năm và giai đoạn trên địa bàn tỉnh.
Ông Lê Văn Sử nhận định, công tác quản lý, bảo vệ rừng là nhiệm vụ khó khăn, đòi hỏi các thành viên Ban Chỉ đạo, từng cá nhân và các đơn vị trực tiếp làm nhiệm vụ nỗ lực hơn nữa, đổi mới phương pháp thực hiện, phấn đấu hoàn thành đạt và vượt các chỉ tiêu, kế hoạch đã đề ra.
Theo ông Lê Hồng Thịnh, Phó chủ tịch UBND huyện U Minh, khó khăn lớn nhất trong công tác quản lý, bảo vệ rừng hiện nay là phần diện tích đất rừng từ huyện Thới Bình chuyển qua. Ða phần diện tích đất lâm nghiệp nơi đây bà con đã chuyển sang nuôi tôm, chỉ còn một phần ít đất có rừng, hàng năm huyện phải tiêu tốn từ 400-500 triệu đồng để phục vụ các nhiệm vụ phòng, chống cháy rừng nhưng không mang lại hiệu quả, nếu lơ là thì người dân phá đập để lưu thông cũng như lấy nước vào phục vụ nghề nuôi tôm.
Nguyễn Phú