Thành tựu lớn nhất bạn từng gặt hái được khi đi làm là gì? Thất bại lớn nhất bạn từng trải qua ra sao? Điều gì làm bạn vô cùng tự hào và điều gì khiến bạn không muốn nhớ đến?
Xuyên suốt cuộc phỏng vấn, nhà tuyển dụng - có thể là người trực tiếp quản lý bạn trong tương lai, luôn mong muốn khai thác thêm nhiều thông tin về những gì mà bạn đã trải qua ở công việc gần nhất của bạn, cũng như các vị trí bạn từng phụ trách.
Người phỏng vấn thật sự muốn biết điều gì?
Câu hỏi về những thành công của bạn cho nhà tuyển dụng biết được đạo đức nghề nghiệp, tác phong cũng như cách bạn gặt hái những thành công ra sao. Còn câu hỏi về sự thất bại sẽ cho nhà tuyển dụng thấy được cách bạn đối diện và vượt qua những tình huống đầy thử thách như thế nào.
Làm thế nào để trả lời: “Thành công lớn nhất và thất bại lớn nhất của bạn là gì?”
Khi trả lời câu hỏi về thành công, bạn cần có cách diễn đạt khác so với khi trả lời những câu hỏi về sự thất bại.
Câu hỏi về thành công
Khi trả lời những câu hỏi này, bạn không muốn thể hiện tài năng một cách ngạo mạn, kiêu căng; nhưng vẫn muốn chia sẻ cho người khác thấy thành công của mình. Không cần quá nhún nhường, khúm núm. Hãy tự tin trình bày, kể về một thành công lớn nhất mà bạn từng có được trong công việc; từ đó đề cập đến những kỹ năng, kinh nghiệm cần thiết mà bạn học hỏi được để áp dụng vào công việc này.
Sau đây là một số cách để chuẩn bị những câu trả lời thích hợp:
Tạo sự liên kết
Cách tốt nhất để trả lời là dẫn chứng ra thành tựu mà bạn từng đạt được có liên quan trực tiếp đến vị trí bạn đang phỏng vấn. Đọc lại quảng cáo tìm việc, lập danh sách những bằng cấp yêu cầu cũng như các kỹ năng cần thiết, đối chiếu lại với những hồ sơ của bạn đã có. Sau đó, lấy một ví dụ cụ thể để nhà tuyển dụng thấy rằng bạn thật sự có trình độ, kỹ năng cần thiết.
Mẹo: Những câu trả lời dạng này cũng góp phần khẳng định rằng bạn có đủ tố chất, kỹ năng, kinh nghiệm để gặt hái thành công tương tự ở công việc này.
Chú trọng việc tạo ra giá trị cho công ty
Khi đưa ra ví dụ về một thành tích mà bản thân đạt được, đừng quên dẫn dắt vào những giá trị mà bạn đã đem lại ở công ty cũ. Ví dụ như khi bạn biết cách tiết kiệm ngân sách cho một dự án, lên kế hoạch hiệu quả hơn...Hãy tập trung vào việc cống hiến giá trị cho công ty. Từ đó công ty tuyển dụng sẽ thấy rằng bạn chính là mảnh ghép còn thiếu cho vị trí họ đang tìm kiếm.
Chia sẻ những ví dụ thực tiễn
Khi được hỏi về một thành tựu, hãy chú ý đưa ra một ví dụ cụ thể về thành tích mà bạn đạt được ở vị trí cũ. Thành tích này nên có điểm tương đồng với những yêu cầu công việc. Đảm bảo rằng ví dụ này được trình bày mạch lạc, cụ thể - nhằm tăng tính xác thực: nhiệm vụ đề ra là gì, bạn hoàn thành xuất sắc ra sao, bài học kinh nghiệm đọng lại...
Câu hỏi về thất bại
Khi được hỏi những câu hỏi về lầm lỗi phạm phải trong công việc trước, bạn vừa muốn thật thà nhất có thể, vừa muốn chứng minh rằng không phải bạn không có khả năng giải quyết công việc.
Hãy thành thật
Nếu bạn không mắc phải sai phạm gì, hãy tự tin nói không. Tuy nhiên, hầu hết chúng ta đều phải vật lộn với vô số vấn đề khi đi làm. Bạn muốn câu trả lời chân thật, thế nhưng cũng không muốn vì thế mà “hạ giá” bản thân đúng không?
Lấy một ví dụ “nhẹ đô”
Nếu bạn đã có sẵn trong đầu một ví dụ nào đó, chắc ăn rằng đó không phải là một ví dụ nặng nề. Đừng lấy ví dụ về một lỗi sai nào đó của bạn mà công ty đã phải đối diện với thảm kịch nặng nề, hay những sai phạm có thể ảnh hưởng trực tiếp đến phong độ của bạn với vị trí bạn đang ứng tuyển.
Cụ thể, nếu bạn đang phỏng vấn vào vị trí chăm sóc khách hàng; đừng kể chuyện bạn đã từng cãi nhau kịch liệt với một khách hàng khó chịu nào đó.
Chuyển đổi tiêu cực thành tích cực
Sau khi kể xong câu chuyện đầy lầm lỗi, hãy đề cập và nhấn mạnh vào những bài học bạn học được/ cách bạn giải quyết vấn đề.
| Mẹo: Nếu có thể, hãy kể về những lần bạn phạm sai nhưng kết quả cuối cùng không hề tệ hại.
Bằng cách này, bạn giúp người phỏng vấn tin rằng bạn không phải chỉ là một người chỉ làm sai; bạn làm sai nhưng biết học tập và sửa chữa.
Ví dụ, bạn đang chạy một dự án trễ tiến độ, trình bày với người phỏng vấn rằng bạn đã sắp xếp, điều chỉnh thời gian hợp lý như thế nào; để sau đó dự án theo kịp tiến độ, thậm chí tốt hơn.
Bạn cũng nên chú ý bàn luận về sự tiến bộ của bản thân, để chắc rằng sai phạm không tái diễn. Ví dụ, nếu bạn từng thất bại trong việc dẫn dắt một tổ nhóm,làm ảnh hưởng đến dự án. Hãy kể thêm rằng sau đó bạn đã cùng làm việc với mentor của mình ra sao, học cách quản lý nhân sự thế nào. Và ở dự án tiếp theo, bạn là một người trưởng nhóm thành công. Việc trình bày như thế giúp nhà tuyển dụng tin rằng bạn là người biết học tập từ thất bại, không ngừng phát triển bản thân.
Ví dụ những câu trả lời hay nhất
Trong quá trình hệ thống hóa suy nghĩ nhằm đưa ra câu trả lời, hãy xem bản thân như một người kể chuyện, trình bày rõ ràng,cụ thể câu chuyện thành công và thất bại của mình. Hãy di theo nguyên tắc “5w & 1h” thường được áp dụng trong ngành báo chí: ai? khi nào? tại sao? cái gì? ở đâu? và làm thế nào?.
Sau đây là một số ví dụ minh họa
“Thành công lớn nhất trong công việc của bạn là gì?”
Ví dụ 1:
Một trong những thành tựu lớn nhất tôi từng đạt được trong công việc gần đây nhất là lắp đặt và vận hành một chương trình phần mềm mới cho văn phòng. Là một nhà quản lý, tôi nhanh chóng tìm hiểu và nắm rõ chương trình này trước khi lắp đặt; tôi đã làm việc cùng chuyên gia và nhờ họ truyền đạt lại với nhân viên. Chỉ trong 5 ngày, mọi người đã vô cùng thoải mái và tự tin khi sử dụng. Cấp trên của tôi nói rằng đây là chương trình mượt và hiệu quả nhất mà công ty từng có. Tôi đã giúp cho công ty cũ vận hành trơn tru hơn, vì thế tôi cũng có thể giúp quý công ty như thế - bằng kiến thức về công nghệ và kinh nghiệm quản lý của mình.
Vì sao ví dụ này hiệu quả?
Bởi vì ứng cử viên đã trả lời chi tiết, đầy đủ hoàn cảnh; sự đóng góp của mình cho công ty cũ. Cô ấy chốt lại câu trả lời bằng 2 kỹ năng “ăn điểm” của mình - công nghệ và quản lý.
Ví dụ 2:
Năm ngoái, tôi thực hiện công tác xem lại và điều chỉnh chương trình giảng dạy cho học sinh lớp 6 ở trường, đặc biệt chú trọng vào chương trình văn phạm: khả năng đọc, viết. Cuối năm, nhà trường thống kê được rằng số điểm văn của học sinh đã cải thiện hơn 20%. Từ thành tựu đạt được, giúp được các em học sinh là lý do tôi yêu thích việc phát triển chương trình giảng dạy.
Vì sao ví dụ này hiệu quả?
Câu trả lời này ăn điểm nhờ vào con số thống kê cụ thể mà ứng cử viên cung cấp. Nhà tuyển dụng thường thích những thống kê cụ thể, xác thực; để thấy được sự tiến bộ rõ ràng trong công việc.
“Thất bại nặng nề nhất trong công việc của bạn?”
Ví dụ 1:
Khi tôi bắt đầu công việc đầu tiên vào 5 năm trước, tôi phải đối diện với việc trễ deadline thường xuyên. Sau đó, tôi bắt đầu lập ra một chiến lược quản lý thời gian mới và áp dụng. Kể từ đó, tôi luôn đúng hạn thậm chí sớm hơn, trong mọi dự án; kể cả làm việc cá nhân hay hội nhóm. Tôi tin rằng khả năng dẫn dắt đội nhóm đúng hạn sẽ có thể cống hiến được cho công ty ngài.
Vì sao ví dụ này hiệu quả?
Ở đây, ứng cử viên đã lấy một ví dụ thường thấy - trễ deadline - và sau đó, sử dụng chiến lược quản lý thời gian hiệu quả để không bao giờ tái phạm. Đây là một ví dụ hay về bài học kinh nghiệm từ lỗi lầm.
Ví dụ 2:
Một lần, máy tính tiền đã bị hỏng đột ngột khi có cả một hàng dài khách hàng đang đợi. Khi đó, tôi đã nghĩ rằng mình sắp vướng vào rắc rối to. Thế nhưng, tôi vẫn bình tĩnh, di chuyển hàng khách sang quầy khác, sau đó nhanh chóng sửa lại máy. Khả năng giữ bình tĩnh và làm chủ được nỗi sợ hãi đã giúp tôi đạt được giải thưởng Nhân Viên Của Tháng.
Mẹo để có câu trả lời tốt nhất
Luyện tập trước khi đến buổi phỏng vấn
Không có cách nào xây dựng sự tự tin tốt hơn cách luyện tập trước những câu trả lời dành cho những câu hỏi phỏng vấn thường thấy nhất. Nếu được, nhờ người thân hoặc bạn bè đóng giả làm người phỏng vấn; khi đó bạn có thể luyện tập nói sao cho dõng dạc cũng như cách giao tiếp qua ánh mắt.
Nghĩ về nhiều ví dụ khả quan
Trên tinh thần chuẩn bị kỹ lưỡng nhiều hơn một câu chuyện, bạn sẽ tự tin hơn.
Nhấn mạnh sự tích cực của bạn
Không cần biết câu chuyện thành công/ thất bại của bạn sống động và ý nghĩa đến đâu;hãy nhớ chốt lại bằng những kỹ năng tích cực, kinh nghiệm, bài học đắt giá, chứng minh rằng chúng phù hợp với bảng mô tả công việc mà nhà tuyển dụng đề ra.
Không nên nói gì
Đừng đổ lỗi cho người khác
Giữ trạng thái tích cực, đừng đổ lỗi cho người khác khi kể về sai phạm của bản thân. Điều này không tạo nên ấn tượng tốt cho nhà tuyển dụng. Họ hoàn toàn không có nhu cầu nghe drama của bạn.
Đừng chỉ biết xin lỗi khi làm sai
Thay vào đó, chia sẻ làm cách nào để ngăn chặn sự việc tương tự xảy ra. Điều này minh chứng rõ ràng việc bạn là một người nhanh nhẹn, tháo vát, khôn ngoan; sẵn lòng giải quyết mọi vấn đề phát sinh ngoài dự kiến.
Đừng cung cấp quá nhiều thông tin
Nếu bạn nghỉ việc, dù vì bất kì lí do nào, có thể là bị kỷ luật, giáng chức...không cần đề cập trong cuộc phỏng vấn, trừ khi người phỏng vấn đặc biệt muốn biết tại sao bạn lại nghỉ làm ở công ty cũ.
Những câu hỏi có khả năng được hỏi sau câu này:
Tại sao bạn nghĩ bạn là người phù hợp nhất cho vị trí này?
Bạn khác đi thế nào sau khi trải qua một thời gian lăn xả?
Còn điều gì ở bạn chúng tôi nên biết không?
TÓM LẠI
Hãy kể một câu chuyện.
Mô tả đơn giản nhưng đầy đủ hoàn cảnh nào đã tạo nên thành công hoặc thất bại; giải thích thử thách bạn gặp giải; cách bạn đối mặt giải quyết và kết quả sau đó.
Những bài học cụ thể mà bạn học được.
Giải thích rõ những thử thách, công việc đó đã dạy bạn bài học như thế nào, bạn xây dựng thêm những kỹ năng nào phục vụ cho công việc.
Trình bày những kỹ năng bạn học được.
Từ những câu trả lời của mình, nhấn mạnh việc bạn đã có những kỹ năng và kinh nghiệm cần thiết; là một ứng cử viên sáng giá cho công việc này.
-
Dịch giả: Phương Hạnh - ToMo - Learn Something New
(*) Bản quyền bài dịch thuộc về ToMo. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là "Dịch Giả: Huỳnh Phương Hạnh- Nguồn: ToMo - Learn Something New". Các bài viết trích nguồn không đầy đủ, ví dụ: "Theo ToMo" hoặc khác đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.
(**) Follow Facebook ToMo - Learn Something New để đọc các bài dịch khác và cập nhật thông tin bổ ích hằng ngày.
(***) Trở thành Tình nguyện viên, Thực tập sinh Part-time tại ToMo để rèn luyện ngoại ngữ và đóng góp tri thức cho cộng đồng tại: https://bit.ly/ToMo-hiring.