Chất béo là một phần trong quá trình phát triển của cơ thể từ hệ tiêu hóa, xương khớp, trí não… Vậy chất béo là gì? Tính chất và ứng dụng của chất béo như thế nào? Các bạn hãy cùng VietChem khám phá thông tin chi tiết trong bài viết bên dưới để giải đáp cho những câu hỏi này.
1. Chất béo là gì?
Chất béo là chất có thể tan trong dung môi hữu cơ nhưng không tan trong nước. Đây là hợp chất thuộc nhóm lipid, cung cấp năng lượng cho cơ thể sống.
Chất béo thuộc nhóm lipit
1 gam chất béo bằng bao nhiêu calo? Theo đó, nếu hấp thụ 1 gram chất béo, cơ thể sẽ nhận về khoảng 9 calo.
Chất béo có hai loại là chất béo tốt và chất béo xấu. Cụ thể:
1.1. Chất béo tốt
Chất béo tốt là chất béo lành mạnh gồm axit béo Omega 3 và chất béo không bão hòa. Trong đó:
- Axit béo Omega 3 giúp giảm nguy cơ mắc các bệnh lý về tim mạch và tốt cho sức khỏe trẻ nhỏ. Chúng có nhiều trong cá hồi, cá thu, hạt óc chó…
- Chất béo không bão hòa tồn tại chủ yếu dưới dạng lỏng có chứa gốc axit không no. Thông thường, chất béo này tìm thấy ở các loại dầu ăn từ thực vật như: Dầu hướng dương, dầu hạt cải, dầu oliu…
Chất béo tốt có nhiều trong cá hồi và các loại hạt
1.2. Chất béo xấu
Nếu cơ thể dư thừa quá nhiều chất béo xấu sẽ tiềm ẩn nhiều nguy hiểm với sức khỏe. Các chất béo xấu gồm:
- Chất béo chuyển hóa có thể làm cho hàm lượng cholesterol tăng cao, dẫn đến nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Chất béo này có ở thực phẩm chế biến sẵn, đồ chiên xào hay đồ đông lạnh.
- Chất béo bão hòa cũng có ảnh hưởng không tốt với sức khỏe giống như chất béo chuyển hóa. Vậy chất béo bão hòa có ở đâu? Chất béo này được tìm thấy ở các loại mỡ động vật, sữa, trứng và đồ ăn nhanh.
2. Tính chất của chất béo
2.1. Tính chất vật lý
Chất béo có tính chất nhẹ hơn nước. Chất béo tan trong dung môi hữu cơ như benzen, nước xà phòng nhưng không tan trong nước. Chúng tồn tại trạng thái rắn hoặc lỏng ở điều kiện nhiệt độ thường. Trong đó:
- Chất béo rắn có các gốc hidrocacbon no hay gốc axit béo no. Ví dụ: (C17H35COO)3C3H5
- Chất béo lỏng có gốc hidrocacbon không no hoặc gốc axit béo không no. Ví dụ: (C17H33COO)3C3H5
Chất béo có thể tồn tại ở trạng thái rắn hoặc lỏng
2.2. Tính chất hóa học
Tính chất hóa học của chất béo giống như một trieste. Bao gồm: Phản ứng xà phòng hóa, phản ứng thủy phân trong môi trường axit và phản ứng ở gốc hidrocacbon… Cụ thể:
- Phản ứng xà phòng hóa
Đây là phản ứng một chiều ở điều kiện nhiệt độ cao. Chất béo tác dụng với NaOH thu được glixerol và muối của axit béo.
Phương trình phản ứng: (RCOO)3C3H5 + 3NaOH → 3RCOONa + C3H5 (OH)3
- Phản ứng thủy phân trong môi trường axit
Đây là phản ứng thuận nghịch với chất xúc tác là nhiệt độ cao và H+. Kết quả của sự kết hợp chất béo với nước sẽ tạo ra glixerol và axit béo.
Phương trình phản ứng:
(RCOO)3C3H5 + 3H2O (H +) → 3RCOOH + C3H5 (OH)3
- Phản ứng hydro hóa
Chất béo có gốc axit béo không no tạo thành liên kết đôi khi tác dụng với H2. Phản ứng hydro hóa chuyển chất béo dạng không no thành no hay chất béo dạng lỏng thành dạng rắn. Con người đã tận dụng tính chất này để tạo ra xà phòng và bơ nhân tạo.
Phương trình phản ứng:
(C17H33COO)3C3H5 (lỏng) + 3H2 → (C17H35COO) 3C3H5 (rắn)
- Phản ứng oxi hóa
Chất béo bị oxi hóa hoàn toàn ở điều kiện nhiệt độ tạo ra nước và khí CO2.
Phương trình phản ứng: (C15H31COO)C3H5 + 145/2O2 → 49H2O + 51CO2
3. Chức năng của chất béo với cơ thể
Trong một số trường hợp, chất béo dư thừa có thể ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe. Tuy nhiên, đây là chất có vai trò quan trọng và không thể thiếu đối với cơ thể con người. Bao gồm:
- Chất béo là thành phần của cấu trúc và màng tế bào. Giúp duy trì ổn định hoạt động cũng như tính toàn vẹn của tế bào.
- Chất béo giúp bảo vệ cơ quan nội tạng khỏi tổn thương và những va đập bên ngoài.
- Tính năng cách nhiệt, cách âm giúp giảm thiểu tối đa sự mất nhiệt của cơ thể ra ngoài.
- Cung cấp nguồn năng lượng ATP cần thiết cho hoạt động sống của cơ thể.
Chất béo giúp bảo vệ cơ quan nội tạng khỏi va đập bên ngoài
4. Ứng dụng của chất béo
Chất béo có nhiều ứng dụng với cơ thể con người và đời sống hàng ngày.
4.1. Đối với cơ thể con người
- Chất béo có trong thực phẩm giúp dự trữ, cung cấp năng lượng cho hoạt động sống.
- Chất béo dư thừa sẽ được tích lũy tạo thành mô mỡ.
- Chất béo bị oxi hóa thành năng lượng, CO2, H2O nhờ các phản ứng sinh hóa phức tạp.
- Chất béo có vai trò trong quá trình tổng hợp, vận chuyển, hấp thụ một số chất quan trọng của cơ thể.
4.2. Đối với cuộc sống hàng ngày
Chất béo được ứng dụng nhiều trong ngành công nghiệp. Chúng là nguyên liệu để điều chế, sản xuất glixerol và xà phòng. Ngoài ra, một số loại dầu thực vật của chất béo là nhiên liệu sử dụng trong các động cơ diesel để tiết kiệm chi phí vận hành.
Chất béo có ứng dụng đối với cơ thể con người và cuộc sống
Chất béo là gì và những tính chất, ứng dụng của chất béo đã được VietChem phân tích khá chi tiết. Hy vọng những chia sẻ trên sẽ giúp các bạn hiểu rõ hơn về thành phần quan trọng với cơ thể sống. Đồng thời, biết cách ứng dụng với thực tế cũng như áp dụng chế độ ăn uống hợp lý để bảo vệ sức khỏe.