Ung thư tuyến giáp thể nhú là một bệnh liên quan đến sự phát triển của các tế bào nang, thường tạo thành khối u ở một thùy. Tuy nhiên, đây là loại ung thư phát triển chậm và đáp ứng tốt với điều trị nên có khả năng khỏi cao. Tỷ lệ mắc ung thư tuyến giáp thể nhú đang ngày tăng hơn, bệnh nhân thường không có triệu chứng hoặc phát hiện tình cờ qua thăm khám kiểm tra sức khỏe.
Vậy dấu hiệu, nguyên nhân của bệnh như thế nào? Cần thực hiện các xét nghiệm gì để phát hiện ung thư tuyến giáp thể nhú? Các phương pháp điều trị bệnh phổ biến hiện nay là gì? Hãy cùng chuyên gia giải đáp các thắc mắc qua bài viết dưới đây nhé!
Dấu hiệu của ung thư tuyến giáp thể nhú
Ung thư tuyến giáp thể nhú là một trong 4 dạng của ung thư tuyến giáp, bởi vậy các dấu hiệu bệnh cũng chính là dấu hiệu ung thư tuyến giáp nói chung.
Phần lớn các trường hợp ung thư tuyến giáp đều không có dấu hiệu bệnh hoặc có triệu chứng nghèo nàn, khó phát hiện sớm. Có thể phát hiện tình cờ qua siêu âm khám sức khỏe định kỳ.
Tuy nhiên, khi bệnh tiến triển, người bệnh có các dấu hiệu sau:
-
Cổ bị sưng to: Có thể nhìn thấy hoặc cảm nhận dễ dàng. Tuyến giáp tăng kích thước, to hơn bình thường và khi chạm vào thấy cứng hơn.
- Nuốt khó (cảm giác đau và kẹt khi nuốt thức ăn hoặc thuốc): Tuyến giáp tăng kích thước lớn, chèn ép vào thực quản gây ra cảm giác khó nuốt của người bệnh.
- Khàn giọng lâu ngày không khỏi (biến dạng giọng nói): Ung thư tuyến giáp thể nhú làm xuất hiện các khối u, đè đẩy vào dây thần kinh thanh quản nằm gần tế bào tuyến giáp gây tổn thương và khiến giọng nói người bệnh khàn hoặc biến dạng..
- Đau, ngứa họng mạn tính: Tuyến giáp có khối u to, tăng kích thước tuyến giáp dẫn đến chèn ép, kích thích vào khí quản làm bệnh nhân ho, đau họng. Cảm giác ngứa, đau họng như có dị vật lạ ở cổ có thể làm xuất hiện phản xạ ho (đẩy dị vật ra ngoài). Bệnh nhân thấy đau ngứa họng có thể kèm theo ho khan kéo dài, không đáp ứng với các thuốc ho, long đờm.
- Khó thở (đặc biệt khi nằm): Việc khối u tuyến giáp phát triển to hơn gây chèn ép vào khí quản (chèn ép nhiều hơn khi người bệnh ở tư thế nằm), việc chèn ép khiến không khí khó lưu thông, dẫn tới tình trạng khó thở ở người bệnh.
- Các hạch bạch huyết ở cổ bị sưng to, đau cổ: Khi ung thư tuyến giáp xâm lấn vào các hạch bạch huyết vùng cổ gây sưng, có thể khó di động, kích thước hạch tăng dần gây chèn ép, khiến cổ bị đau (vị trí phía trước cổ hoặc sau tai trái - hạch nhóm VI).
Nguyên nhân dẫn đến ung thư tuyến giáp thể nhú
Nguyên nhân dẫn đến ung thư tuyến giáp thể nhú chưa được xác định rõ. Một số nguyên nhân ung thư tuyến giáp là yếu tố tăng nguy cơ mắc bệnh như: tính chất di truyền, tiền sử mắc bệnh trong gia đình, giới tính và độ tuổi, xạ trị,....
- Tính chất di truyền: Nếu người bệnh hoặc người thân mắc các bệnh đa polyp tuyến gia đình (FAP), hội chứng Gardner và bệnh Cowden cũng làm tăng nguy cơ mắc ung thư tuyến giáp thể nhú. Có khoảng trên 5% bệnh nhân mắc bệnh do tính chất di truyền trong gia đình.
- Tiền sử mắc bệnh trong gia đình: Trong gia đình, bố mẹ hay anh chị em họ hàng có người mắc ung thư tuyến giáp thể nhú có thể làm tăng nguy cơ mắc ung thư dạng này ở người bệnh.
- Giới tính và độ tuổi: Đây cũng là một trong yếu tố nguy cơ mắc bệnh. Ung thư tuyến giáp thể nhú hay gặp ở phụ nữ trong độ tuổi từ 30 - 60 và phổ biến nhất ở các phụ nữ dưới 40 tuổi.
- Tiếp xúc với bức xạ: Việc từng tiếp xúc với tia phóng xạ để chữa bệnh khi còn nhỏ cũng làm tăng nguy cơ mắc ung thư tuyến giáp sau này. Bởi do phơi nhiễm với chất phóng xạ có thể tác động và biến đổi gen, hoặc ảnh hưởng quá trình chuyển hóa chất trong cơ thể.
- Bệnh tuyến giáp lành tính: U tuyến giáp, phì đại (bướu cổ) hoặc viêm tuyến giáp có thể làm tăng nguy cơ phát triển thành ung thư tuyến giáp.
- Các nguyên nhân khác: chế độ dinh dưỡng thiếu iot, môi trường ô nhiễm
Các xét nghiệm chẩn đoán ung thư tuyến giáp thể nhú
Nếu có các dấu hiệu đau cổ, tuyến giáp sưng to hoặc một số dấu hiệu nghi ngờ khác, bác sĩ sẽ yêu cầu thực hiện một số các xét nghiệm sau
- Xét nghiệm máu: Xét nghiệm giúp kiểm tra nồng độ hormon tuyến giáp trong máu (gồm các TSH - hormone kích thích tuyến giáp, T3 - triiodothyronine, T4 - thyroxine, kháng thể tuyến giáp) từ đó kiểm tra sự hoạt động bình thường của tuyến giáp.
- Chẩn đoán hình ảnh (siêu âm, chụp CT - cắt lớp vi tính, PET CT, chụp MRI vùng cổ): Siêu âm tuyến giáp cung cấp các hình ảnh đặc điểm, tính chất tuyến giáp và cấu trúc lân cận tại vùng cổ của bệnh nhân. Chụp CT, PET CT, MRI giúp phát hiện ung thư và đánh giá mức độ xâm lấn của u tuyến giáp tới các hạch hay phần mềm xung quanh (xung quanh vùng cổ, khí quản, thực quản).
- Sinh thiết: Các tế bào tuyến giáp sẽ được chọc hút ra ngoài bằng kim nhỏ dưới hướng dẫn của siêu âm trong quá trình sinh thiết để kiểm tra xem đó có phải tế bào ung thư không.
- Xạ hình tuyến giáp bằng iod phóng xạ: Xét nghiệm này giúp phát hiện ung thư tuyến giáp thể nhú, đồng thời phát hiện sự lan rộng của tế bào ung thư (xạ hình toàn thân có thể giúp phát hiện ung thư di căn xa). Ung thư tuyến giáp thể nhú là những vùng tuyến giáp không hoặc ít bắt iod, giảm chức năng trên xạ hình.
Phương pháp điều trị ung thư tuyến giáp thể nhú hiện nay?
Hiện nay, có nhiều phương pháp được lựa chọn để điều trị ung thư tuyến giáp khác nhau tùy theo từng trường hợp và giai đoạn tiến triển của người bệnh. Các phương pháp bao gồm:
Phẫu thuật cắt một phần tuyến giáp/ cắt hoàn toàn tuyến giáp
- Phẫu thuật cắt toàn bộ tuyến giáp được chỉ định trong đa số các trường hợp ung thư tuyến giáp. Khi khối u nhỏ (<1cm), chưa phát hiện di căn hạch cổ trên lâm sàng, có thể được chỉ định cắt thùy tuyến giáp có u.
- Với các trường hợp bệnh nhân ung thư tuyến giáp chưa phát hiện hạch cổ trên lâm sàng nhưng u giai đoạn T3, T4 (U >4cm giới hạn trong tuyến giáp hoặc xâm lấn ra ngoài tuyến giáp, u xâm lấn cấu trúc vùng cổ) cần phẫu thuật cắt hoàn toàn tuyến giáp và vét hạch cổ dự phòng. Trường hợp có bằng chứng di căn trên lâm sàng cần phẫu thuật vét hạch cổ.
Liệu pháp iod phóng xạ (iod 131)
Liệu pháp iod phóng xạ (I131) sau phẫu thuật ngăn ngừa tái phát ung thư trở lại, giúp kiểm soát ung thư tuyến giáp, thường được chỉ định ở các bệnh nhân đa ổ u ung thư, u ở giai đoạn T3-T4 (u > 4cm, có thể đã xâm lấn ra ngoài tuyến giáp, cấu trúc vùng cổ), có di căn hạch và di căn xa, sau khi cắt toàn bộ tuyến giáp nồng độ Tg vẫn cao trong máu (Thyroglobulin - 1 glycoprotein tổng hợp từ các tế bào nang tuyến giáp).
Các tế bào ung thư tuyến giáp sẽ hấp thụ iod và bị tiêu diệt (thường không gây tác dụng phụ do chỉ có tế bào tuyến giáp hấp thu).
Người bệnh có thể được điều trị lặp lại 6-12 tháng để loại bỏ mô tuyến giáp còn sót lại sau phẫu thuật.
Thuốc hormon tuyến giáp
Sau phẫu thuật cắt hoàn toàn tuyến giáp, cơ thể không còn tự sản xuất hormone tuyến giáp, bởi vậy, người bệnh cần uống thuốc thay tuyến giáp cung cấp các hormone cho cơ thể.
Thuốc còn có tác dụng ức chế sản xuất TSH (hormone tuyến yên kích thích tuyến giáp)
Thông thường bệnh nhân sẽ được kê levothyroxine (T4) (liều đủ cao để ức chế TSH) và phải sử dụng thuốc suốt đời.
Hy vọng, bài viết trên đã cung cấp những thông tin cần thiết về ung thư tuyến giáp thể nhú cho người đọc. Khi thấy có các dấu hiệu nghi ngờ bệnh, cần đến ngay bệnh viện để được bác sĩ thăm khám và chẩn đoán, từ đó có phương pháp điều trị kịp thời. Ngoài ra, cần kiểm tra sức khỏe định kỳ 6 tháng - 1 năm/lần để tầm soát bệnh sớm.